Tháng 7, trời mưa lất phất làm bắp, lúa, hoa màu trên những cánh đồng của đồng bào các dân tộc thiểu số: Tày, Nùng, Mường, Kh'mer, Hoa… ở ấp Bình Tiến (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) thêm màu xanh tươi.
Tháng 7, trời mưa lất phất làm bắp, lúa, hoa màu trên những cánh đồng của đồng bào các dân tộc thiểu số: Tày, Nùng, Mường, Kh’mer, Hoa… ở ấp Bình Tiến (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) thêm màu xanh tươi. Người có uy tín Hoàng Trung Hiếu (dân tộc Nùng) bảo nơi đây là vùng đất tốt nên không còn hộ đồng bào dân tộc thiểu số nào nghèo khổ.
Chăm chỉ lao động, gia đình ông Hoàng Trung Hiếu (dân tộc Nùng) đã có cuộc sống sung túc ở vùng đất mới. |
Chương trình xây dựng nông thôn mới thật sự đem lại sức sống mới đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở ấp Bình Tiến. Trong tổng số 1.316 hộ đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây, hộ nào cũng có nơi ở khang trang, cuộc sống sung túc và lũ trẻ được đến trường xã, huyện, tỉnh học tập.
Đùm bọc nhau
Ấp Bình Tiến có 3 đại diện người có uy tín của 11 dân tộc thiểu số. Người có uy tín Tằng Chí Thành (dân tộc Hoa), Hoàng Trung Hiếu (dân tộc Nùng), Vi Văn Giác (dân tộc Tày) và những bậc cao niên trong ấp Bình Tiến thật sự là thủ lĩnh tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trong cuộc sống, sản xuất và đoàn kết cộng đồng.
Cánh đồng Bình Tiến ưu đãi đồng bào các dân tộc thiểu số khi họ rời vùng núi cao đầy đá vôi ở phía Bắc hay vùng sông nước miền Tây Nam bộ về đây lập nghiệp không chỉ ở những vụ bắp, lúa, hoa màu bội thu mà còn là những con cá, cua, chuột đồng nhiều vô kể. “Về đây, chúng tôi không ai bị đói, thiếu ăn cho dù lúc mới vào còn khó khăn đủ thứ. Đó là nhờ đồng bào các dân tộc biết đoàn kết, biết đùm bọc nhau, siêng năng lao động và được thiên nhiên ưu đãi” - người có uy tín Vi Văn Giác bộc bạch. |
Nhiều năm trước khi về thăm quê hương Cao Bằng, ông giáo làng Chu Xuân Lộc (dân tộc Nùng) kể về vùng đất ấp Bình Tiến trồng cây gì cũng xanh, cũng có trái, có hạt khiến ông Hoàng Trung Hiếu thích quá, đem cả gia đình theo ông giáo Lộc vào vùng đất mới định cư.
Vào đến Bình Tiến, ông Hiếu nhìn quanh cái chòi lá của ông giáo Lộc thấy đất đai màu mỡ nhưng các chủ đất bỏ hoang sau khi sản xuất 1 vụ lúa (tháng 7 gieo hạt, đến tháng 10 thu hoạch) nên tiếc lắm. Được ông giáo Lộc chỉ cách thuê đất của dân địa phương để sản xuất, ông Hiếu thuê liền 6 sào đất tốt nhất để làm. Chỉ sau 2 vụ lúa nước, 1 vụ đậu xanh, ông Hiếu đã có tiền mua 6 sào ruộng ông vừa thuê năm trước.
Ông Hiếu kể lại, lúc đó người dân địa phương chỉ sản xuất 1 vụ lúa vào tháng 7 rồi bỏ hoang đất; thấy ông và đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc vào làm 2 vụ lúa, 1 vụ màu nên họ làm theo và đất đai lên giá.
Còn người có uy tín Vi Văn Giác thì kể, do ông về ấp Bình Tiến sớm hơn ông Hiếu nên khai khẩn được 3 hécta ruộng. Mùa mưa nước ngập trắng đồng, chỉ trơ lại những ụ mối to gấp đôi cái chòi mà gia đình ông ở. Do đó, ông phải bỏ sức ra san phẳng những ụ mối để chuyển ruộng thấp thành ruộng cao, mùa nắng trồng đậu, bắp.
Cuộc sống ổn định nơi vùng đất mới, những thủ lĩnh tinh thần của đồng bào các dân tộc: Hoa, Nùng, Tày… không ngần ngại gọi anh em, họ hàng thân thiết ở làng cũ của mình về vùng đất Bình Tiến lập làng. Sau vài năm thuê đất của dân địa phương làm, đồng hương của các ông: Hiếu, Giác, Thành dần được dân địa phương chuyển nhượng lại đất. Với vai trò mới, đồng bào các dân tộc: Hoa, Tày, Nùng… đoàn kết, tạo lập nên những xóm dân cư sung túc nơi đồng ruộng quanh năm xanh màu bắp, lúa, rau, đậu.
“Người Hoa, Tày, Nùng và các dân tộc anh em khác đều xem ấp Bình Tiến là mái nhà chung. Ngôi nhà này không có cột, không có mái nhưng có tình yêu thương, đoàn kết, giúp nhau trong suốt quá trình lập nghiệp, lập xóm” - người có uy tín Tằng Chí Thành bày tỏ.
Sức sống mới
Cộng đồng các dân tộc thiểu số ở ấp Bình Tiến hôm nay tiếp tục nỗ lực cùng chính quyền địa phương hoàn thiện các bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu sau khi hoàn thành mục tiêu nông thôn mới vào năm 2014. Vì vậy, những tuyến đường xi măng, bê tông, nếp nhà xây, hệ thống kênh mương nội đồng… xuất hiện nhiều hơn trên cánh đồng Bình Tiến.
Cánh đồng bắp của đồng bào các dân tộc thiểu số: Tày, Nùng, Hoa... ở ấp Đồng Tiến xanh hơn cùng chương trình xây dựng nông thôn mới. |
Trước đây nhiều lần vào các xóm: Tày, Hoa, Nùng, Kh’mer… thăm nắm tình hình, thế nhưng cán bộ tôn giáo - dân tộc xã Xuân Phú Đặng Thị Huyên vẫn có đôi chút bỡ ngỡ khi về thăm lại. Bà Huyên bộc bạch, cái mới xuất hiện liên tục nơi những nếp nhà và bị màu xanh của cánh đồng Bình Tiến che khuất nên bà phải ngồi nghe những người có uy tín, cao niên trong ấp chỉ cho mới nhận ra, như: chuyện anh Thùng (dân tộc Hoa), ông Khuyến (dân tộc Nùng), bà Mạnh (dân tộc Tày)… trúng vụ hoa màu, có con đậu đại học, sắm xe máy xịn...
Trả lời thắc mắc của chúng tôi về việc ruộng đồng bạt ngàn nhưng ít thấy bóng người trên đồng, ông giáo Lộc cười giòn rồi giải thích, giờ đồng bào dân tộc thiểu số ở đây áp dụng khoa học - kỹ thuật, máy móc vào sản xuất nên làm gì cũng nhanh lẹ, không cần nhiều lao động. Hơn nữa, thời điểm tháng 7 cây bắp trên đồng cao quá đầu người nên che khuất tầm nhìn, chúng tôi phải đến gần mới nhìn thấy người thu hoạch rau, củ, quả.
Để cánh đồng Bình Tiến không nghỉ ngơi, đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây tận dụng tối đa hệ thống kênh mương thủy lợi do xã, huyện đầu tư và tự bỏ vốn, bỏ công ra xây dựng. Vì vậy, đồng bào các dân tộc thiểu số nơi cánh đồng Bình Tiến chủ động trồng được nhiều loại rau, hoa màu và cả cây ăn trái mà không sợ cây trồng thiếu nước vào mùa khô.
Gió từ cánh đồng Bình Tiến thổi vào nhà lồng lộng, ông Hiếu loay hoay phụ đám con cháu vào bịch ny-lông số đậu bắp vừa hái được từ sáng để chuẩn bị cho tiểu thương vào cân.
Ông Hiếu khoe, đồng bào Nùng của ông lao động, sản xuất giỏi không thua kém các dân tộc anh em khác. Cũng vì siêng năng, chịu khó và tiết kiệm, đồng bào Nùng ở đây ai cũng có tivi, nhà xây, xe máy và chục con em học đại học, cao đẳng.
Đồng bào dân tộc thiểu số ở cánh đồng Bình Tiến giờ không chỉ tự hào, vui mừng vì có nhà xây hàng trăm triệu đồng, có xe máy xịn đi lại hay đạt danh hiệu sản xuất giỏi, mà mọi người còn nhìn nhau phấn đấu nhà nào có nhiều con cháu học đại học, cao đẳng…, làm cán bộ, đảng viên thì mới thành công.
“Nông thôn mới thật sự làm cho cánh đồng Bình Tiến khởi sắc, đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây thêm đoàn kết, gắn bó nhau xây dựng nếp sống văn hóa mới dưới mái nhà chung” - bà Huyên tâm sự.
Diễm Quỳnh