Câu chuyện của các thân chủ nhờ các luật gia, luật sư thuộc Hội Luật gia tỉnh tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí tại 13 điểm tư vấn pháp luật cố định và qua các chuyến đi về vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số lúc nào cũng sôi động và thấm đẫm chân lý "pháp luật luôn đứng về lẽ phải".
Câu chuyện của các thân chủ nhờ các luật gia, luật sư thuộc Hội Luật gia tỉnh tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí tại 13 điểm tư vấn pháp luật cố định và qua các chuyến đi về vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số lúc nào cũng sôi động và thấm đẫm chân lý “pháp luật luôn đứng về lẽ phải”.
Hội Luật gia tỉnh vừa mở thêm điểm tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí tại Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục - thể thao tỉnh. |
* Chuyện thầm muốn kể
Điểm tư vấn pháp luật tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục - thể thao tỉnh vừa ra mắt, người còn đẫm mồ hôi sau khi tập thể dục, ông Nguyễn T. (ngụ phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) ngồi vào bàn tư vấn kể với luật sư rằng vợ chồng ông lục đục 3 năm nay vì vợ ông ghen tuông chuyện ông hay đi tập thể dục buổi sáng.
Lúc đầu, vì sợ điều tiếng với hàng xóm nên ông nhẫn nhịn. Về sau, do vợ liên tục đến chỗ ông tập thể dục “quậy” nên vợ chồng ông ly thân. Ông T. tâm sự, vợ ông đã nộp đơn ra tòa xin ly hôn, nhưng vì gút mắc chuyện phân chia tài sản nên rút đơn. Nay ông muốn ly hôn với vợ trước rồi mới phân chia tài sản, như vậy có được hay không?
Luật sư Ngô Văn Định (phụ trách điểm tư vấn pháp luật tại Báo Đồng Nai) cho biết ngoài việc gặp “cò” tư vấn pháp luật, ông còn gặp các đối tượng muốn luật sư phải tư vấn theo ý của họ, hoặc nhờ luật sư tìm giúp luật sư giỏi nhất tỉnh, luật sư giỏi chạy án để họ biến thua thành thắng. Khi gặp phải những đối tượng như vậy, luật sư Định cũng “bó tay”, chào thua. |
Vì e ngại những người đi tập thể dục chung nghe được chuyện của gia đình mình, bà L. ngó trước ngó sau rồi mới tìm đến bàn tư vấn hỏi chuyện.
Ngồi đối diện với luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh, bà Lý Thị L. (ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) lí nhí kể chuyện con gái bà bị lừa tiền nên bà tức lắm.
Bà L. trình bày, con gái bà rất xinh đẹp, đang làm nhân viên ở một siêu thị thì có người phụ nữ dáng vẻ sang trọng đến tỉ tê bắt chuyện làm quen, rồi gợi ý giới thiệu con gái bà vào làm việc tại một doanh nghiệp có tiếng ở tỉnh.
Sau đó, bà ta bảo con gái bà L. nếu muốn lương cao thì nộp 6 triệu đồng để bà ta xin công ty cho đi học đại học. Tin lời bà này, con gái bà L. đã đưa 6 triệu đồng, nhưng khi đến công ty hỏi thì không ai biết bà ta là ai.
Trong lúc rảnh rỗi chờ người đến nhờ tư vấn pháp luật, luật gia Lê Văn Nhân kể vừa rồi ông có gặp lại một nữ thân chủ quen. Cách đây 2 năm, bà này đến nhờ ông tư vấn về chuyện hôn nhân gia đình. Sau lần đó, bà không đến nữa nên ông tưởng chuyện gia đình bà đã ổn. Vậy mà, lần này gặp lại, bà tiếp tục nhờ ông tư vấn chuyện ly hôn với người chồng mới với tâm trạng buồn rầu gấp mấy lần trước.
Lý do là người phụ nữ này sau khi chia tay với chồng cũ được chia một nửa tài sản. Sau đó, bà kết hôn với một người đẹp trai, đào hoa hơn. Cũng vì tính đào hoa của người chồng mới mà người phụ nữ này gần như mất sạch khối tài sản đã có. Hơn nữa, chuyện thầm kín, khó xử của bà có nhiều người biết nên bà càng bức xúc.
Hai luật gia Lê Văn Nhân và Lưu Hồng Khanh (phải) đang tư vấn pháp luật cho nông dân xã Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch) theo chương trình phối hợp trợ giúp pháp lý lưu động do Hội Luật gia và Hội Nông dân tỉnh tổ chức. |
“Rất nhiều người đến các điểm tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí của Hội Luật gia tỉnh với tâm trạng tỏ bày sự ấm ức trước, tư vấn hướng giải quyết sau. Mục đích của họ là trút được nỗi lòng, nhận được sự thông cảm và có hướng giải quyết thấu đáo, đúng luật, chứ không vì thắng thua như các đương sự khác” - luật gia Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh, cho biết thêm.
* “Cò” tư vấn
Nhiều lần đi cùng Hội Luật gia tỉnh về các xã vùng sâu, vùng xa của các huyện: Định Quán, Tân Phú, Thống Nhất… tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo…, thỉnh thoảng chúng tôi được các luật gia, luật sư chỉ mặt các tay “cò” tư vấn (theo cách ví von của các luật gia, luật sư). Đó là những người am hiểu ít nhiều về pháp luật. Họ đến nhờ luật gia, luật sư tư vấn cho họ sự việc của một ai đó, rồi từ đó về tư vấn lại cho thân chủ và có nhận hoa hồng.
Lúc mới gặp các tay “cò” này, các luật gia, luật sư cứ tưởng họ cần trợ giúp pháp luật nên tư vấn rất có trách nhiệm. Sau nhiều lần như vậy, các luật sư, luật gia mới sinh nghi và phát hiện ra vì có nhiều người nhờ tư vấn một sự việc, địa chỉ giống nhau và nay hỏi vấn đề này một tí, hôm sau hỏi thêm một tí. Đến khi luật gia, luật sư yêu cầu gặp người cần trợ giúp pháp luật thật sự mới tư vấn tiếp thì “cò” tìm cách lẩn tránh.
“Nếu là cán bộ ấp, xã nhờ mình tư vấn, trợ giúp xong về tư vấn lại cho bà con thì tốt. Đằng này, các tay “cò” lợi dụng sự trợ giúp miễn phí của Hội để trục lợi, hoặc tư vấn một đằng về nói với dân một nẻo thì nguy hiểm lắm” - luật sư Lưu Hồng Khanh (phụ trách điểm tư vấn pháp luật ở Hội Nông dân tỉnh) bộc bạch.
Còn luật sư Ngô Văn Định (phụ trách điểm tư vấn pháp luật ở Báo Đồng Nai) khá rành về loại “cò” này. Luật sư Định kể khi đến nhờ tư vấn, “cò” trợ giúp pháp luật ra vẻ như người dân vùng quê, tỏ ra am hiểu pháp luật, khôn ngoan hỏi và ghi chép những điều quan trọng. Xong sự việc này, “cò” giả bộ nhờ luật sư tư vấn tiếp cho trường hợp người thân, người quen mà sự việc nào “cò” cũng nắm rõ từng chi tiết, từng vấn đề.
Để đối phó với “cò”, các luật gia, luật sư yêu cầu đối tượng dẫn người cần tư vấn đến để được tư vấn trực tiếp và cho phép “cò” ngồi kế bên nghe, hoặc yêu cầu đối tượng cho xem giấy tờ khi có nghi vấn hay yêu cầu cho xem phiếu mời của xã cấp. Khi bị phát hiện, “cò” không đến các điểm tư vấn cũ hay gặp các luật gia, luật sư quen mà tìm những luật gia, luật sư mới để hỏi.
Luật gia Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, cho hay Hội Luật gia tỉnh phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức mở 13 điểm tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cố định tại TP.Biên Hòa. Các điểm tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí này đều có các luật gia, luật sư kinh nghiệm, tâm huyết trực. Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh và các dự án phi chính phủ tổ chức nhiều đợt về cơ sở tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người dân.
Luật gia Nguyễn Đức cho biết thêm, ông rất tâm đắc với công tác tư vấn pháp lý miễn phí. Qua công tác này, các luật gia, luật sư dù không có thù lao nhưng có cơ hội tự giới thiệu về nghề nghiệp của mình; còn người dân nghèo, nông dân, đồng bào các dân tộc thiểu số… thì không phải bỏ ra chi phí vẫn được các luật gia, luật sư tư vấn, hỗ trợ hết mình.
Đoàn Phú