Vùng nước lợ trên các dòng sông: Đồng Kho, Thị Vải… thuộc 2 xã Phước An và Long Thọ (huyện Nhơn Trạch) từ lâu là môi trường thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản. Các sản vật trên sông, như: hàu, cua, tôm… đã được người dân ở đây biết đến hơn chục năm nay và việc nuôi thủy sản dần trở thành nghề truyền thống.
Vùng nước lợ trên các dòng sông: Đồng Kho, Thị Vải… thuộc 2 xã Phước An và Long Thọ (huyện Nhơn Trạch) từ lâu là môi trường thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản. Các sản vật trên sông, như: hàu, cua, tôm… đã được người dân ở đây biết đến hơn chục năm nay và việc nuôi thủy sản dần trở thành nghề truyền thống.
Sản vật vùng nước lợ được đánh bắt tự nhiên rồi đem bán cho khách du lịch. |
Nhiều chủ bè nuôi thủy sản là dân các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu… đến vùng nước lợ 2 xã Phước An và Long Thọ sinh sống và lập nghiệp. Trước đây, đa số họ sống trên ghe, làm nghề chở hàng thuê lênh lênh khắp miền sông nước. Thấy mô hình nuôi thủy sản vùng nước lợ cho lợi nhuận cao, nhiều người bỏ tiền đầu tư bè nuôi để tính chuyện làm ăn lâu dài.
“Cập bến” nước lợ
Từ chỗ cả gia đình sống phiêu bạt khắp nơi, đến nay ông Trần Văn Tiến (ấp Bà Trường, xã Phước An) đã tìm được nơi an cư mới. Cách đây 5 năm, trong một lần giong ghe đến huyện Nhơn Trạch giao hàng, nhìn vùng nước lợ tiềm năng về nuôi thủy sản, ông Tiến quyết định dừng bước thương hồ, đầu tư làm bè nuôi hàu ở đây.
Anh Huỳnh Văn Sáu (ngụ xã Long Thọ) cho hay: “Sống trên bè vùng nước lợ ngán nhất vào mùa mưa lũ; người, tài sản đều lắc lư, chòng chành khi bè chao đảo mạnh. Hôm nào mưa to, gió lớn thì suốt đêm không ngủ vì chẳng có chỗ nào để ngả lưng. Ai cũng lo ngay ngáy, mong cho các bè nuôi không bị hư hỏng, trôi đi vì sóng mạnh”. |
“Thời điểm đó, xung quanh đây đã có nhiều người làm nghề nuôi trồng thủy sản. Chân ướt chân ráo vào nghề, tôi thấy hàu dễ nuôi mà ít vốn, không tốn chi phí thức ăn nên phù hợp với tình hình kinh tế của gia đình mình. Tính ra, hàu từ lúc ươm, thả xuống bè đến khi thương lái thu mua khoảng 12-14 tháng. Chúng tự ăn các loại phù du trong nước để lớn, người nuôi chỉ tốn công chăm sóc” - ông Tiến mở lời.
So với trước đây, cuộc sống trên làng bè vùng nước lợ giờ đã ổn định và sung túc hơn. Nhiều gia đình khi khấm khá đã mua các tấm pin năng lượng mặt trời dùng làm nguồn điện phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Vào các bè lớn, bên trong nhìn như những gian nhà thu nhỏ với nền nhà, 2 bên vách còn được dán gạch men mát mẻ và đầy đủ tiện nghi, như: đèn, quạt, tivi…
Cả một khoảng sông rộng bên cánh rừng ngập mặn xanh ngắt thực sự là nơi lý tưởng để con hàu sinh trưởng tốt. Dù có năm trúng, năm thất nhưng người nuôi không lo lỗ vốn. Nhiều người ban đầu chỉ có 2-3 bè nuôi, đến nay trong tay có hàng chục bè. Từ chỗ đời sống bấp bênh, nhiều người giờ đã ổn định cuộc sống, thậm chí trở nên giàu có.
Ở “thủ phủ” nuôi hàu thuộc xã Phước An, nhắc đến bà Trần Phương Loan ai cũng biết. Bà Loan gắn bó với nghề nuôi hàu ở đây đã hơn chục năm. Lúc đầu, bà chỉ dám đầu tư 4 bè nuôi hàu, nhưng sau một thời gian bà chấp nhận bán hết tài sản, đất đai để mở rộng đầu tư. Hiện tại, số lượng lồng bè của gia đình bà Loan luôn duy trì ổn định với trên 15 lồng, mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Theo bà Loan, cả gia đình bà đã chuyển hẳn lên bè sinh sống, coi đây như “vùng đất” để lập nghiệp và phát triển kinh tế. Những năm trở lại đây, người nuôi hàu đông hơn, sản lượng cung cấp ra thị trường nhiều nên giá cả giảm đôi chút, nhưng vẫn cho thu nhập ổn định, ít gặp rủi ro so với nuôi các loại thủy sản nước lợ khác.
Kiếm lợi từ sản vật tự nhiên
Sống trên vùng nước lợ mênh mông những cánh rừng đước, sú… và sản vật lúc nào cũng phong phú nên nhiều người bám lấy con nước mà mưu sinh. Nhiều người cho rằng nuôi trồng hay đánh bắt thủy sản vùng nước lợ không giàu, nhưng chưa thấy ai lâm cảnh nghèo khó kiệt cùng, vì nơi đây luôn là “nồi cơm” nuôi sống cả gia đình để họ sống hài hòa với thiên nhiên.
Khác với các làng bè nuôi thủy sản nước ngọt nằm san sát, trên vùng nước lợ lồng bè nằm khá xa nhau. Từ bè này đến bè kia có khi cách nhau vài chục, vài trăm mét. Vì thế, phương tiện đi lại chủ yếu vẫn là những chiếc vỏ lãi nhỏ gọn, dễ luồn lách qua mấy khúc sông chằng chịt cây cối.
Ông Bùi Văn Dõng (ngụ xã Long Thọ) chia sẻ dù cuộc sống dần ổn định, nhưng so với đất liền thì vẫn còn thiếu thốn. Trong đó, nước sinh hoạt là một thứ hàng hóa xa xỉ. Do sống trên vùng nước lợ nên gia đình nào cũng phải tiết kiệm nước sinh hoạt; cứ 5-7 ngày lại đi vỏ lãi vào bờ lấy nước đem về dùng.
“Mùa mưa thì xin nước được, nhưng mùa nắng có khi phải lên bờ bỏ tiền mua. Thức ăn sẵn dưới sông, tôi chỉ cần thả lưới là có cá, tôm… Gặp ghe thuyền từ miền Tây đưa hàng lên thì mua lại, nên nửa tháng tôi mới đi chợ một lần. Cuộc sống ở đây thật hào sảng, mát mẻ quanh năm” - ông Dõng thủ thỉ.
Ông Dõng cho biết thêm, sản vật trên các con sông vùng nước lợ khá phong phú, từ cá, tôm đến bạch tuộc, cua…; trong đó có đến cả chục giống cá tự nhiên là đặc sản nức tiếng, như: cá nâu, thòi lòi, mao ếch, đối… Vì vậy, ngoài nuôi trồng thủy sản thì đây được coi là nguồn thu nhập ổn định, bằng việc đánh bắt hàng ngày.
Ông Bùi Văn Dõng lấy nước bình để nấu cơm, phục vụ sinh hoạt hàng ngày. |
Những ngày may mắn gặp con nước thuận lợi, những mẻ lưới của ông Dõng có thể thu về 15-20kg đủ loại cá. Mấy năm trở lại đây, thủy sản nước lợ luôn bán được giá cao, nhiều người hỏi mua ngay tại chỗ mà không cần phải đưa đi xa; như bạch tuộc, tôm… hiện có giá lên đến 200-300 ngàn đồng/kg, các loại cá thường cũng 80-100 ngàn/kg.
“Thủy sản nước lợ giờ không nhiều như trước, nhưng vẫn sẵn có để đánh bắt đem bán lai rai quanh năm. Không chỉ bỏ mối cho thương lái, tôi còn bán cho du khách đi tham quan Rừng Sác hoặc các quán nhậu gần đây” - ông Dõng tâm sự.
Thanh Hải