Ở TP.Biên Hòa hiện có những phòng tranh nhỏ chuyên viết thư pháp hoặc vẽ, sao chép tranh theo yêu cầu. Không phô trương, không đèn nhấp nháy, các phòng tranh với hình ảnh người thợ cặm cụi bên giá vẽ chỉ lọt vào tầm mắt của người đi đường bất chợt lướt nhìn vào trong.
Ở TP.Biên Hòa hiện có những phòng tranh nhỏ chuyên viết thư pháp hoặc vẽ, sao chép tranh theo yêu cầu. Không phô trương, không đèn nhấp nháy, các phòng tranh với hình ảnh người thợ cặm cụi bên giá vẽ chỉ lọt vào tầm mắt của người đi đường bất chợt lướt nhìn vào trong.
Anh Lâm Văn Vinh chép một bức chân dung theo yêu cầu của khách. |
Ẩn dưới sự âm thầm đó là những người sống bằng đam mê và đang tô điểm cho đời sống người dân phố thị bằng những bức tranh đầy màu sắc treo trong nhà.
* Khách cần là có
Chậm rãi đưa từng đường cọ trên mặt vải, mắt nhìn theo vệt màu, thỉnh thoảng lại quay sang nhìn bức tranh mẫu trên máy tính bảng, chị Nguyễn Thị Tố Uyên (ngụ phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) tỉ mỉ sao chép từng chi tiết nhỏ trong bản tranh gốc.
Chị Tố Uyên cho biết chị bắt đầu công việc sao chép tranh được 1 năm nay. Đã học ở Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai nên chị tiếp cận nghề rất nhanh. Quá trình làm việc, chị rất tập trung vào bức tranh mình đang vẽ. Tranh chép dĩ nhiên không thể giống bản gốc 100%, do đó người chép tranh phải tập trung cao độ, càng tập trung thì hiệu quả công việc càng cao hơn.
“Làm nghề này phần lớn phải có năng khiếu, ai học trường mỹ thuật ra có thể làm ngay, còn người chưa một lần cầm cọ mất khoảng 1-2 năm mới làm được, vài năm nữa để lành nghề. Tuy nhiên quãng thời gian này không cố định, có người học nhiều năm vẫn không thể làm được là điều bình thường. Ngoài ra, nếu chép lại tranh của mình sẽ nhanh hơn chép tranh của người khác. Do công việc chỉ là sao chép nên dù tranh vẽ ra có đẹp đến mức nào, người mua có thích đến mức nào thì giá bức tranh vẫn rất rẻ, chỉ khoảng vài trăm ngàn đồng, cao nhất cũng chỉ vài triệu đồng” - chị Uyên tâm sự.
Công nghệ hiện đại hỗ trợ người thợ vẽ rất nhiều nhờ số lượng ảnh khổng lồ trên mạng. |
Dạo một vòng quanh TP.Biên Hòa, nếu không chú ý kỹ sẽ không thấy được những phòng tranh có diện tích khiêm tốn, bên trong chỉ vài người thợ và tranh chép được trưng bày hầu hết là tranh phong cảnh, phong thủy thường được dùng tặng dịp tân gia, khai trương. Ngoài việc chép sẵn một số tranh theo gu của khách, một số phòng tranh làm theo đơn đặt hàng, khách cần gì, muốn gì sẽ làm đó. Nhưng theo nhiều chủ phòng tranh, khách hàng ở TP.Biên Hòa và các huyện lân cận hiện nay chuộng dòng tranh phong thủy dùng để tặng vào các dịp lễ gia đình, như: mã đáo thành công, tranh cá chép, phong cảnh làng quê…, hoặc một số tranh tĩnh vật nổi tiếng của họa sĩ Việt Nam.
Hiện nay, công nghệ thông tin cũng hỗ trợ người thợ chép tranh rất nhiều, nhất là với những tranh phong cảnh cắt ghép, tưởng tượng; khách hàng chỉ cần cho biết mình thích 1 bức tranh có thác, có cây loại này, núi loại kia…, người thợ chép tranh sẽ dựng trước phác thảo trên máy, khách ưng ý là làm.
Chất liệu dùng cho tranh chép được mọi người ưa chuộng hiện nay là sơn dầu, số ít thích tranh vẽ chì trắng đen chân dung để treo trong nhà, hoặc tranh sơn dầu mang hơi hướng 3D, được lồng trong khung kiếng, có đèn led để nổi các hình khối được tạo ra nhờ bàn tay người thợ vẽ.
Anh Lâm Văn Vinh (chủ phòng tranh Phương Đông, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho hay: “Tôi đã làm nhiều công việc liên quan đến hội họa, nhưng khó theo nghiệp sáng tác để mưu sinh nên đành chuyển qua nghề chép tranh. Nghề này tồn tại phụ thuộc vào nghề xây dựng vì càng nhiều nhà mới được xây sẽ càng có nhiều đám tân gia, chúc mừng này nọ và khi đó tranh chép sẽ bán đắt hàng. Chưa kể, tranh chép bán được ít hay nhiều còn dựa vào thời tiết, nhất là vào mùa khô, tranh vận chuyển trên đường không lo gặp mưa nên nhiều khách mua hơn mùa mưa”.
* Nặng lòng với nghề
Anh Lâm Văn Vinh, chủ phòng tranh Phương Đông, nói phần lớn tranh chép hiện nay đều sử dụng màu có giá rẻ để giảm chi phí. Nếu khách hàng muốn đặt một bức tranh chép với màu loại tốt, nhập từ châu Âu thì mức phí sẽ cao hơn, vì một hộp màu loại tốt đắt gấp 10 lần loại thường được dùng để chép tranh. Tuy nhiên, người ngoài nghề rất khó phân biệt được tranh vẽ bằng màu loại tốt với tranh vẽ bằng màu loại thường. Một bức tranh chép nếu bảo quản tốt, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp, tránh nguồn nhiệt cao thì có thể trưng bày 60-70 năm là bình thường. |
Ngoài những lúc chép tranh theo yêu cầu của khách, các thợ vẽ còn sáng tác những tác phẩm của riêng họ, để rồi tiếp tục sao chép bức tranh đó nếu một khách hàng thấy thích và đặt hàng.
Anh Nguyễn Quốc Trọng (chủ phòng tranh Đức Trí, phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) trải lòng, anh chuyên nghề thiết kế và sáng tác. Thỉnh thoảng, một số bức tranh anh vẽ (treo ở phòng tranh) được khách hàng thích và đề nghị anh sao chép lại. Những khi đó anh cảm thấy rất vui vì đứa con tinh thần của anh được mọi người yêu thích. Tuy nhiên, do chỉ chép tranh theo yêu cầu nên số lượng đặt hàng không cao, mỗi tháng trung bình chỉ 1-2 tấm.
“Năm 2011 tôi có vẽ một bức tranh, khi định đem đăng ký bản quyền thì thấy chi phí hết khoảng 5 triệu đồng, trong khi giá tranh bán ra chỉ khoảng 2 triệu đồng nên tôi không đem đăng ký nữa. Kể từ đó, cứ vẽ tranh xong tôi để đó, ai thích bản gốc thì bán, ai thích có bản sao chép thì tôi chép theo yêu cầu. Hiện một bức tranh chép có giá trên dưới 2 triệu đồng, nhiều lắm cũng chỉ 10 triệu đồng, nhưng đó là những bức lớn, dùng loại màu tốt, đắt tiền. Thường thì người mua chọn những bức tầm 2-4 triệu đồng, kích thước vừa đủ để vận chuyển nhưng vẫn rất ấn tượng khi đem tặng hoặc treo” - anh Trọng tâm sự.
Ở TP.Hồ Chí Minh có đường Trần Phú (quận 5) nổi tiếng với trên 20 cửa hàng chuyên chép tranh, kinh doanh khung tranh các loại. Một số ít thợ vẽ ở TP.Biên Hòa hiện nay học nghề từ những cửa hàng này. Lương một ngày của thợ vẽ (giá chung ở nhiều địa phương) khoảng 300-400 ngàn đồng tùy cửa hàng với yêu cầu làm việc tập trung khoảng 8 tiếng/ngày. Có người gắn bó với nghề gần 20 năm, có người mới chỉ vài năm, nhưng hầu hết đều có niềm đam mê hội họa.
Nhiều chủ cửa hàng tranh cho hay, hiện nay tuyển được thợ học việc rất khó vì sinh viên ra trường phần nhiều đổ về các thành phố lớn; thêm nữa, là người trẻ thường năng động nên ít khi nào chịu ngồi một chỗ để chép tranh.
“Tôi có 3 thợ, chép tranh tất cả đều do tôi đào tạo. Hầu như không thể tuyển được sinh viên chuyên ngành hội họa để làm công việc chép tranh vì có mấy ai chịu làm thợ vẽ đâu, ai cũng ôm giấc mơ sáng tác. Ngay bản thân tôi cũng từng học việc từ các cửa hàng tranh ở TP.Hồ Chí Minh rồi đi học đại học, sau phải theo nghề này để nuôi sống gia đình. Tuy nhiên, tôi luôn có mơ ước sau này lớn tuổi, khi không còn phải lo lắng chuyện cơm áo gạo tiền sẽ thỏa sức sáng tác tranh để trưng trong nhà hoặc tặng bạn bè” - anh Vinh bộc bạch.
Đăng Tùng