Báo Đồng Nai điện tử
En

Tấm lòng người cán bộ thương binh - xã hội

10:06, 23/06/2017

"Mẹ ước nhà có điện để mỗi khi trong người khó chịu, mẹ không còn chịu cảnh cầm bình ôxy sang nhà hàng xóm thở nhờ. Thằng Phương, liệu mày có chắc giúp nhà mẹ có điện không?"...

“Mẹ ước nhà có điện để mỗi khi trong người khó chịu, mẹ không còn chịu cảnh cầm bình ôxy sang nhà hàng xóm thở nhờ. Thằng Phương, liệu mày có chắc giúp nhà mẹ có điện không?” - lời ước ao của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Phương (ngụ ấp Đất Mới, xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch) thật sự làm cán bộ thương binh - xã hội xã Phú Hội Nguyễn Văn Phương nao lòng.

Cán bộ thương binh - xã hội xã Phú Hội Nguyễn Văn Phương.
Cán bộ thương binh - xã hội xã Phú Hội Nguyễn Văn Phương.

3 ngày sau, điều ước của mẹ Đặng Thị Phương được thực hiện. Ông Phương tiếp tục đi khảo sát các hộ gia đình chính sách, có công với cách mạng trong xã xem họ cần ông và địa phương giúp đỡ, hỗ trợ thêm gì hay không.

* Tận tâm với dân

Xong chuyện của mẹ Phương, ông Phương lặn lội đến ấp Phú Mỹ 2 nắm tình hình các gia đình chính sách. Mẹ liệt sĩ Đinh Thị Xiền thắc mắc, mẹ và ông Nguyễn Văn Truyền là vợ chồng, có con chung là liệt sĩ Nguyễn Văn Đen hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, vậy mà chính quyền chỉ giải quyết chế độ liệt sĩ cho mẹ, còn ông Truyền không được hưởng gì hết.

Điều mẹ Xiền thắc mắc, ông Phương biết ngay là có sai sót trong quá trình làm thủ tục giải quyết chế độ, chính sách của chính quyền địa phương. Để biết cái sai từ đâu, ông Phương cầm hồ sơ mẹ Xiền đưa đến Sở Lao động - thương binh và xã hội hỏi và được Sở bảo sai từ Phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện. Ông cầm hồ sơ về Phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện hỏi thì nơi đây trả lời sai sót từ xã.

Ông Nguyễn Văn Phương thường xuyên đến thăm hỏi 2 bé mồ côi Đẹp và Tốt.
Ông Nguyễn Văn Phương thường xuyên đến thăm hỏi 2 bé mồ côi Đẹp và Tốt.

Về xã lục lại hồ sơ gốc, ông Phương giật mình thấy sai sót quả đúng từ xã, bởi trong quá trình làm chính sách cho liệt sĩ Nguyễn Văn Đen, cán bộ thương binh - xã hội xã Phú Hội thời kỳ đó bỏ sót tên ông Truyền, chồng mẹ Xiền. Vậy là ông Phương tự nhận sai sót về mình để Phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện có cơ sở bổ sung thủ tục chính sách cho ông Truyền.

Sau khi đi một vòng thăm nắm tình hình gia đình chính sách khi được nhận chức cán bộ phụ trách thương binh - xã hội, ông Phương tập trung vào giải quyết chế độ cho đối tượng bảo trợ xã hội (nghèo, tàn tật, neo đơn).

Đến ấp Phú Mỹ 1, ông gặp cậu bé mồ côi Lưu Thiên Thạnh ham học đang ở với bà ngoại gần 70 tuổi. Để giải quyết chế độ mồ côi cha lẫn mẹ cho cậu bé Thạnh, ông Phương phải dắt nhóc Thạnh sang nhà bà nội Thạnh xin tờ giấy báo tử của cha em, nhưng bất thành. Bị bà nội Thạnh từ chối nhận người thân, cậu bé Thạnh khóc sướt mướt rồi theo ông Phương quay về xã nhờ cán bộ phụ trách tư pháp - hộ tịch trích lục lại hồ sơ. Sau khi được cán bộ tư pháp - hộ tịch xã giúp sức, cậu bé Thạnh được ông Phương giải quyết chế độ mồ côi ngay trong ngày.

Chuyện làm chế độ mồ côi và tìm người nuôi dưỡng cho 2 bé Nguyễn Thị Đẹp và Nguyễn Ngọc Tốt (ngụ ấp Xóm Hố) khi cha mẹ qua đời cũng là kỷ niệm khó quên đối với ông Phương.

Ông Phương cho biết nhờ sự can thiệp kịp thời của ông và cán bộ xã, 2 bé Đẹp và Tốt  không phải vào trại mồ côi mà tự chăm sóc nhau tại nhà, với sự cưu mang của người cô ruột. “Mỗi lần đến thăm 2 cháu, tôi lại nhớ chuyện năm xưa chở 2 mẹ con bé Tài đi nhận thuốc ở TP.Hồ Chí Minh suốt 2 năm, đến khi mẹ 2 bé mất” - ông Phương tâm sự.

* Họ chính là tôi

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Phú Hội Nguyễn Văn Mến tâm sự người làm công tác thương binh - xã hội như ông Phương càng tích cực, trách nhiệm thì dân được nhờ và chính quyền cũng thơm lây. “Chăm sóc tốt gia đình chính sách, người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội thì niềm tin của dân với cán bộ, chính quyền chỉ có tăng thêm, chứ không bớt đi” - ông Mến nói.

Vốn là anh Phó bí thư Đoàn xã có hoàn cảnh chẳng mấy khá giả, ông Phương chẳng giàu thêm với đồng phụ cấp đối với cán bộ phụ trách thương binh - xã hội.

Ông Phương cho hay cha ông là liệt sĩ, 3 anh em ông lớn lên trong sự cưu mang của mẹ qua những mùa gặt, mùa cá. Chính vì thấu hiểu cuộc sống của những người mẹ, người vợ liệt sĩ, cảnh đời mồ côi của những đứa trẻ mà ông tâm huyết với công việc. Dù lương cán bộ bán chuyên trách “3 cọc, 3 đồng”, ông Phương cũng cố học để lấy tấm bằng đại học và làm tròn chữ hiếu khi mẹ già bệnh nằm một chỗ. Sáng, chiều ông lên xã lo công việc của cán bộ phụ trách thương binh - xã hội; giờ nghỉ trưa, nghỉ chiều thì ông lo việc cải tạo 5 sào ruộng để trồng bầu, bí, dưa leo. Cũng vì lẽ đó, đến năm 40 tuổi ông mới lấy vợ và xây cho mẹ ngôi nhà tử tế thay cho nếp nhà lá đơn sơ nơi vùng đất thấp thuộc ấp Phú Mỹ 2.

Cán bộ xã Phú Hội trước kia ai cũng khó khăn, nhưng cũng hơn ông Phương vài bậc hoặc chí ít cũng có mái nhà xây cho mẹ già, con thơ ở. Trong khi đó, dù làm cán bộ thuế, cán bộ Đoàn, thương binh - xã hội xã, ông Phương vẫn phải đi làm mướn và để mẹ già ở trong ngôi nhà lá tối om.

Vì nhìn thấy cuộc đời mình trong những thân phận kém may của xã hội nên ông Phương không ngại hy sinh thời gian để chạy lo hồ sơ chính sách, bảo trợ xã hội cho các đối tượng trong xã khi họ nhờ. Làm việc tận tâm, trách nhiệm, không đòi hỏi thù lao, nhưng ông Phương vẫn bị hiểu lầm vì vụ lợi nên mới tích cực đến như vậy.

Ông Phương kể có lần thấy ông quá nhiệt tình lo bảo hiểm y tế cho một bà già nghèo đang nằm việc cấp cứu, nhân viên phụ trách bảo hiểm y tế tỉnh nghĩ ông nhận được “kèo thơm” nên nói lời trịch thượng với ông. Dù biết họ hiểu sai, ông vẫn nhịn để bà cụ được hưởng chế độ bảo hiểm y tế kịp thời. “Khi xuất viện, bà cụ nghe tôi kể lại sự việc khóc quá trời” - ông Phương bày tỏ.

Năm 2005, khi ông Phương tiếp quản nhiệm vụ thương binh - xã hội xã,  đối tượng chính sách, người có công với cách mạng do xã Phú Hội quản lý chỉ có 105 trường hợp, nay tăng lên 478 trường hợp; riêng đối tượng bảo trợ xã hội (tàn tật, neo đơn, cao tuổi…) từ 39 lên 607 đối tượng. Để không ai thuộc diện được hưởng chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước lọt khỏi danh sách, ông Phương không chỉ tận tình hướng dẫn họ làm hồ sơ chế độ mà còn xách xe chở họ ra huyện, lên tỉnh làm cho bằng được mới thôi. Vì vậy, người dân gặp ông ra đường liền chào hỏi, hoặc kéo vào nhà uống ly nước cho bằng được.

“Nếu tôi từ chối thì họ giận hờn. Cái tình của người dân Phú Hội là vậy, buộc tôi phải tuân theo” - ông Phương vui vẻ bộc bạch.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều