Với nhiều người dân ở KP.1, phường Xuân Trung (TX.Long Khánh), vợ chồng thương binh, nạn nhân chất độc da cam/dioxin Lê An (thương binh 2/4) - Đàm Thị Bích Vân (thương binh 3/4) là tấm gương vượt qua nghịch cảnh để sống vui, sống khỏe và giúp ích cho đời.
Với nhiều người dân ở KP.1, phường Xuân Trung (TX.Long Khánh), vợ chồng thương binh, nạn nhân chất độc da cam/dioxin Lê An (thương binh 2/4) - Đàm Thị Bích Vân (thương binh 3/4) là tấm gương vượt qua nghịch cảnh để sống vui, sống khỏe và giúp ích cho đời.
Ông Lê An hàng ngày lên mạng đọc tin tức tìm thêm niềm vui cho tuổi già. |
Bỏ lại bệnh tật sau lưng, vợ chồng thương binh ấy đã sống trọn vẹn nghĩa tình khi hết lòng cưu mang, thương yêu con của đồng đội, cũng là nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
* Tình yêu thời chiến
Sinh ra và lớn lên tại thành phố cảng Hải Phòng, vào năm 1966 ông Lê An đăng ký nhập ngũ, vượt Trường Sơn vào chiến đấu tại đơn vị súng máy phòng không thuộc Tỉnh đội Quảng Ngãi. Quá trình chiến đấu, ông An bị thương nặng 2 lần (đêm giao thừa năm 1968 và tháng 4-1968), cộng với lần bị té võng khi ngủ trong rừng Trường Sơn nên sức khỏe của ông ngày càng suy giảm. Đến tháng 1-1970, ông được điều động về làm cán bộ tài vụ ở Tỉnh đội Quảng Ngãi.
Còn bà Đàm Thị Bích Vân tham gia kháng chiến chống Mỹ từ năm 1965. Là quân y chiến trường nên bà thường xuyên cùng đơn vị xông pha tấn công địch. Tình yêu thời chiến của ông An và bà Vân gặp nhiều trắc trở, dù cùng ở một đơn vị nhưng có khi vài tháng mới gặp mặt hoặc nhận được thư nhau.
Gia đình 3 người thường ngồi xem hình ảnh lưu niệm ngày xưa. |
“Thời đó yêu nhau phải báo cáo tổ chức và không phải nói cưới là cưới đâu, giai đoạn khó khăn nên tất cả đều phải tạm gác chuyện riêng tư. Thời đó địch rải chất độc da cam/dioxin liên tục nên phần lớn cán bộ, chiến sĩ đóng quân trong rừng đều bị nhiễm độc mà không biết. Từ thức ăn, nguồn nước, không khí…, bất kỳ nơi nào cũng đầy rẫy chất độc dam cam/dioxin, nhưng khi đó có ai biết thứ hóa chất chết người ấy là gì đâu. Thậm chí, thời đó chúng tôi quá dại dột, sau khi địch rải chất độc da cam/dioxin, có người luộc thử củ mì nơi đó để ăn lại thấy ngon, ngọt hơn lúc bình thường. Vậy là mọi người chia nhau ra ăn và ngày càng bị nhiễm nhiều hơn, mà hậu quả phải nhiều năm sau chúng tôi mới thấy được” - ông An kể lại.
Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ông bà Lê An - Đàm Thị Bích Vân mới kết hôn và mãi 8 năm sau (năm 1981) họ vẫn không có con. Lúc đó, ông bà được người quen giới thiệu nhận một bé gái con của một anh bộ đội (hy sinh khi tham gia Chiến dịch biên giới Tây Nam) làm con nuôi.
Bà Vân nhớ lại, khi ẵm đứa bé còn đỏ hỏn trên tay bà mừng lắm, cảm giác như đây là món quà quý giá nhất mà vợ chồng bà từng được nhận. Nhưng trớ trêu thay, càng lớn lên chị Lê Bích Ngọc (con nuôi ông Lê An) càng có dấu hiệu chậm phát triển, khó tiếp thu kiến thức mới.
“Đến năm 8 tuổi thì Ngọc không thể đi học được nữa vì không thể tiếp thu được, nên vợ chồng tôi phải để con ở nhà. Giờ vợ chồng tôi nhận lương hưu, lương thương binh, tiền hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin; còn Ngọc có tiền hỗ trợ cho người khuyết tật. Do nhà chỉ có 3 người, hoàn cảnh lại vậy nên vợ chồng tôi thường xuyên đưa con đi du lịch, chơi thể thao, thăm thú nơi này nơi nọ để giải tỏa nỗi niềm trong cuộc sống tuổi già” - ông Lê An tâm sự.
* Tuổi già có ý nghĩa
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Xuân Trung Nguyễn Mạnh Hùng cho hay: “Vợ chồng hội viên cựu chiến binh Lê An - Đàm Thị Bích Vân tuy lớn tuổi, bệnh tật nhưng rất nhiệt tình tham gia giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học. Ông Lê An còn hăng say tham gia các hoạt động văn nghệ - thể thao tại địa phương, giúp động viên tinh thần các thương binh, nạn nhân chất độc da cam/dioxin khác thêm tin yêu vào cuộc sống”. |
Năm 2002, vợ chồng ông Lê An chuyển vào phường Xuân Trung sinh sống vì người thân, bà con đã vào đây từ nhiều năm trước. Do ông An từng làm công tác giảng dạy tại Tỉnh đội Quảng Ngãi, có kinh nghiệm nói chuyện trước tập thể nên vài năm gần đây ông được các trường học ở địa phương mời nói chuyện truyền thống cho học sinh vào dịp lễ 30-4, 22-12 hàng năm. Qua các buổi nói chuyện, ông Lê An cố gắng lồng ghép những câu chuyện thời chiến, những khó khăn mà bộ đội phải vượt qua trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ.
“Thời trẻ tôi có mơ ước được làm thầy giáo, nhưng vì tình hình đất nước thời chiến nên phải gác bút nghiên. Giờ có tuổi rồi, vợ chồng tôi bàn nhau để lại cho thế hệ trẻ một chút gì đó nên đã tặng sách vở và học bổng cho học sinh nghèo học tốt, lần gần đây nhất là tại buổi nói chuyện Trường tiểu học Xuân Trung. Món quà không lớn, nhưng vợ chồng tôi sẽ cố duy trì việc làm này đều đặn, nếu gia đình có kinh doanh hay giàu có hơn thì chúng tôi sẽ tặng nhiều hơn nữa. Nói thật, chúng tôi già rồi, sức khỏe lại không tốt nên lâu lâu có các cháu học sinh đến thăm vợ chồng tôi rất vui” - ông Lê An bộc bạch.
Hơn 10 năm nay, vào lúc rảnh ông bà thường xuyên tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao dành cho người cao tuổi trong thị xã.
Bà Vân cho biết từ nhiều năm nay những hình ảnh khốc liệt thời trẻ thường hiện lên trong giấc ngủ của ông bà mỗi đêm. Những lúc ấy, 2 vợ chồng chỉ có thể tâm sự cho nhau nghe, hoặc gặp gỡ những người bạn từng tham gia chiến đấu năm xưa để chia sẻ, giúp ông bà có thêm niềm tin yêu vào cuộc sống và quên đi nỗi đau mà chiến tranh đem đến cho ông bà.
“Nhà chỉ có 3 người bệnh tật sống với nhau, nhưng lúc nào cũng đầy tiếng cười. Buổi sáng tôi đi chợ, ông An lên mạng đọc báo, còn Ngọc chơi quanh quẩn trong nhà. Thỉnh thoảng chúng tôi lại đi du lịch. Cuộc sống không vướng bận gì nên chúng tôi cố gắng sống vui, sống khỏe, sống có ích với đời và giúp các thế hệ sau hiểu được những mất mát của chiến tranh, từ đó yêu chuộng hòa bình hơn” - bà Đàm Thị Bích Vân bộc bạch.
Đăng Tùng