Không xoay được tiền cho 5 con cùng lúc đi học xa nhà, bà Nguyễn Thị Huệ (ngụ ấp 4, xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ) buồn bã dắt chiếc xe đạp chất đầy rau cải ra chợ Sông Nhạn cho kịp buổi chợ sớm. Ở phía sau, ông Nguyễn Trung Triển (chồng bà Huệ) cố sức đẩy chiếc xe qua từng con dốc, đoạn đường trơn.
Không xoay được tiền cho 5 con cùng lúc đi học xa nhà, bà Nguyễn Thị Huệ (ngụ ấp 4, xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ) buồn bã dắt chiếc xe đạp chất đầy rau cải ra chợ Sông Nhạn cho kịp buổi chợ sớm. Ở phía sau, ông Nguyễn Trung Triển (chồng bà Huệ) cố sức đẩy chiếc xe qua từng con dốc, đoạn đường trơn. Qua hết những đoạn đường dốc và trơn trượt, ông Triển lầm lũi đi bộ về nhà thu hoạch đợt rau cải mới để trưa bà Huệ bán tiếp.
Ông Nguyễn Trung Triển luôn tự hào khi có 5 người con học giỏi, thành tài. |
Nhờ sự cần mẫn và chắt chiu dành dụm, vợ chồng ông Triển đã nuôi được 5 con học xong đại học. Cho nên, ở cái xóm chỉ có vài nóc nhà nằm nép mình bên chòm cao su thuộc ấp 4, xã Sông Nhạn, hỏi về chuyện gia đình ông Triển nuôi con học đại học 20 năm về trước ai cũng tường tận.
* Từ cái chòi rẫy ở nhờ…
Cuộc sống nơi quê nhà Vĩnh Phúc quá túng quẫn, vào năm 1997, vợ chồng ông Triển - bà Huệ quyết định dẫn 5 người con vào ấp 4, xã Sông Nhạn tìm tương lai. Ngày đó, ấp 4 đất rộng, dân thưa nên mọi người mở rộng vòng tay đón nhận gia đình họ làm bầu bạn.
Nhìn thấy cảnh gia đình ông Triển mới vào chưa có ni trú ngụ, vợ chồng nông dân Phi Hiếu thương tình cho họ ở nhờ trong cái chòi canh rẫy điều của gia đình. Chỉ có vậy, nhưng cũng làm vợ chồng ông Triển xúc động rơi nước mắt vì tình người nơi cái chòm cao su thưa dân này.
5 người con của vợ chồng ông Nguyễn Trung Triển giờ đã là cử nhân. |
Tìm được chỗ trú chân, vợ chồng ông Triển sắm mấy cái cuốc, rựa, cào… để sẵn trong chòi rồi đi hỏi thăm người dân trong vùng để tìm việc làm nuôi con. Vợ chồng ông Triển nghe có ai gọi cuốc đất, dọn cỏ hay xịt thuốc…, là vui mừng dắt tay nhau đi làm thật sớm.
Vốn tính siêng năng, vợ chồng ông Triển được dân ấp 4 thuê làm đến tất bật, 5 người con của họ vì vậy không phải thiếu ăn. Cũng từ những tháng ngày làm thuê đó, ông Triển được nông dân Trần Cương gợi ý giúp đỡ để tậu một miếng đất cắm dùi lâu dài. Nhờ vậy, sau 1 năm ở nhờ nơi rẫy điều, vợ chồng ông Triển mua được 8 sào ruộng của một nông dân cần tiền bán gấp với giá 2,5 cây vàng.
Để có được số vàng mua ruộng, vợ chồng ông Triển được nông dân Trần Cương đứng ra vay giúp.
Ông Triển tâm sự, do vợ chồng ông thèm đất để sản xuất nên vay vàng không cần suy tính. Mua được miếng đất, vợ chồng ông vui sướng như bắt được vàng vậy.
Có được đất ruộng, vợ chồng ông Triển được những người hàng xóm tốt bụng bỏ công ra dựng giúp túp lều trên khu đất mới mua. Túp lều mới rộng hơn, đẹp hơn túp lều cũ mà vợ chồng nông dân Phi Hiếu cho ở nhờ, nhưng đường đến trường của 5 người con của họ phải vất vả hơn so với trước. Đổi lại, vợ chồng ông Triển từ đó không phải đi làm thuê mà tự sản xuất trên phần đất của mình để tính toán tương lai.
*…Nuôi 5 con thành tài
Ông Nguyễn Trung Triển bộc bạch, động lực để vợ chồng ông vượt khó nghèo nuôi con học đại học là những tờ giấy khen của 5 người con đều đặn đem về. Trong đó, có sự hỗ trợ, động viên rất lớn từ nhà trường, địa phương qua trợ cấp học bổng, xét cho vay vốn học tập. |
Mất 1 tháng ròng, vợ chồng ông Triển mới dọn sạch được đám cỏ dại trên 8 sào đất mới mua để gieo lứa bắp, bí, rau đầu tiên. Mất 2 tháng nhịn lòng cho qua sự túng thiếu, vợ chồng ông Triển bắt đầu thu hoạch lứa rau, bí đầu tiên trên vùng đất mới.
Rau hái xong, ông Triển chất đầy trên chiếc xe đạp thồ, phụ vợ đẩy xe qua hết đoạn đường trơn để ra chợ xã Sông Nhạn bán rồi ông đi bộ về nhà. Hôm nào đắt hàng về sớm thì bà Huệ bảo chồng cắt thêm đợt rau thứ 2, thứ 3 đem ra chợ bán tiếp. Còn gặp bữa rau dội chợ, bà ráng ngồi đến tối xẩm mới cộc cạch đạp xe về nhà.
Thương vợ chồng ông Triển chịu khó, các bà nội trợ đi chợ hễ thấy bà Huệ bán rau ế là tập trung vào ủng hộ.
Bà Huệ kể, người ngoài chợ, ngoài xã vì biết ông bà nghèo khó vẫn cố gắng chăm lo cho 5 con học giỏi nên mua rau ủng hộ. Có người mua không phải để ăn mà cho heo, gà, vịt ăn, nhưng họ vẫn thường xuyên ghé hàng rau của bà mua mỗi ngày.
Một tay ông Triển chăm 8 sào rau, củ quả và mượn thêm 2 hécta đất của hộ khác để trồng bắp, mì. Bà Huệ chỉ có nhiệm vụ chạy chợ xa, gần bán rau, củ, quả do ông Triển trồng. 5 người con của họ (gồm: Hoan, Hiện, Liên, Linh và Trinh) ngoài những lúc phụ giúp cha mẹ thì luôn tập trung vào nhiệm vụ là học thật giỏi.
Ngày các con ra huyện hay TX.Long Khánh học nội trú, rồi vào đại học cũng là lúc vợ chồng ông Triển phải xoay xở như chong chóng quay trước gió với các khoản nợ nần đến hạn phải trả.
Ông Triển bộc bạch, vợ chồng ông ở ngoài rẫy vườn, chợ gần như suốt ngày, ít khi được nghỉ ngơi, cố sức làm để trả cho dứt nợ ngày, nợ tháng, nợ năm và lo cho 5 con ăn học. Cũng có lúc bí bách vì không xoay xở được tiền cho con ăn học, vợ chồng ông cũng cãi nhau. Mỗi lần như vậy, nhìn cảnh bà Huệ tủi thân dắt xe chở rau ra chợ bán, ông cũng lầm lũi phía sau phụ đẩy xe với những giọt “nước mắt đàn ông” dồn nén trong lòng.
Sự cố gắng của vợ chồng ông Triển rồi cũng được bù đắp khi 5 người con lần lượt tốt nghiệp đại học, tìm được việc làm trong tỉnh và ở TP.Hồ Chí Minh. Chiếc xe đạp, xe Cub 50 ông bà thường chở rau, đón con vào dịp cuối tuần, giờ được các con đổi bằng chiếc SH sang trọng. Túp lều tranh năm xưa giờ được thay bằng ngôi nhà xây khang trang để vợ chồng ông an nhàn hưởng thụ và cả những chuyến du lịch ở nước ngoài do con cái hỗ trợ. Tuy vậy, cái gót chân bị bùn đất ăn mòn vì suốt ngày đi chân không của ông Triển giờ vẫn còn đầy vết sẹo.
Sau 20 năm nỗ lực lao động, vợ chồng ông Triển được vùng đất ấp 4, xã Sông Nhạn đã bù đắp đủ đầy.
Đoàn Phú