Hơn 6 năm qua, các thành viên của Câu lạc bộ (CLB) Thư pháp Việt (thuộc Thành đoàn Biên Hòa) đã kết nối với nhau để trao đổi về thư pháp, từ đó làm lan tỏa tình yêu và bảo tồn nghệ thuật viết thư pháp.
Hơn 6 năm qua, các thành viên của Câu lạc bộ (CLB) Thư pháp Việt (thuộc Thành đoàn Biên Hòa) đã kết nối với nhau để trao đổi về thư pháp, từ đó làm lan tỏa tình yêu và bảo tồn nghệ thuật viết thư pháp.
Anh Lê Minh Vương viết thư pháp tặng khách dịp giỗ Tổ Hùng Vương. |
Chủ nhiệm CLB Thư pháp Việt Nguyễn Quốc Trọng cho biết CLB được thành lập từ tháng 3-2011 với 8 thành viên, tất cả đều ở độ tuổi 20-30, cùng đam mê thư pháp và theo đuổi môn nghệ thuật này từ vài năm trước đó.
* Khởi đầu bằng nét viết bi
Mỗi tháng một lần, các thành viên trong CLB Thư pháp Việt tập trung tại một quán cà phê nào đó để trao đổi về nghệ thuật thư pháp, bàn về các hoạt động tiếp theo của CLB.
“Đến nay, CLB đã có 10 thành viên, trong đó có 1 chú trên 60 tuổi. Các thành viên trong CLB làm nhiều công việc khác nhau, người làm kỹ sư, người mở phòng tranh... Mỗi tháng họp mặt một lần cũng không dễ vì có người làm tận TP.Hồ Chí Minh, có người phải đi công trình liên tục. Có điều thú vị là phần lớn các thành viên trẻ của CLB đều tự học viết thư pháp từ khi còn là học sinh, sinh viên và bắt đầu từ những nét viết bằng bút bi, dần dần mới dùng cọ lông, mực mài để tập. Lâu dần, mỗi người chọn cho mình một phong cách nhất định rồi tự phát triển theo hướng sở trường” - anh Trọng tâm sự.
Các bức thư pháp của Câu lạc bộ Thư pháp Việt được trưng bày nhân dịp tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. |
Tham gia CLB Thư pháp Việt từ ngày đầu thành lập, anh Trần Danh Hoàng có trên 10 năm say mê thư pháp từ thời học sinh THPT đến khi là sinh viên Trường cao đẳng sư phạm Nghệ An. Năm 2010, khi vào Đồng Nai lập nghiệp anh Hoàng đã nhiều lần gặp anh Trọng trong các gian hàng thư pháp ở hội hoa xuân dịp tết. Cùng đam mê, 2 người nhanh chóng làm quen với nhau và anh Hoàng nộp đơn gia nhập CLB một thời gian sau đó.
“Hiện tôi có một phòng tranh, thư pháp ở đường Bùi Văn Hòa (phường Long Bình, TP.Biên Hòa). Công việc gắn với niềm đam mê của bản thân nên tôi thấy rất thoải mái, vừa nghiên cứu, rèn giũa thư pháp vừa kinh doanh tranh, chữ. Những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã tập viết bằng bút bi trên giấy học trò, thời đó do thích vẽ nên tự học các nét viết là chính. Đến thời sinh viên, tôi có điều kiện tiếp cận thêm tài liệu, gặp được các thầy, bạn bè chung niềm đam mê nên cố gắng rèn luyện viết thư pháp. Tuy nhiên, để luyện được nét thư pháp ưng ý bằng cọ có thể mất nhiều năm; cá nhân tôi mất khoảng 1 năm để viết được những nét cơ bản và phải mấy năm sau mới có thể định hình phong cách, rèn luyện theo sở trường của bản thân” - anh Hoàng bộc bạch.
* Lan tỏa vẻ đẹp thư pháp Việt
Năm 2011, CLB Thư pháp Việt đã thực hiện một kỷ lục là bức họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp 122 năm sinh nhật Bác, được thực hiện trên mành tre và vải gấm với kích thước 3,12mx10,02m, nặng 122kg. Bức tranh được thực hiện trong 20 ngày với sự góp sức của 4 thành viên CLB. Bức tranh sau đó đã được bán gây quỹ tặng học sinh nghèo hiếu học ở Đồng Nai. |
Là một trong những thành viên kỳ cựu, có nhiều hoạt động sôi nổi của CLB Thư pháp Việt, anh Lê Minh Vương đang có một gian nhỏ trưng bày các tác phẩm thư pháp tại quán cà phê Lộc Vừng (phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa). Tại đây, ngoài việc viết thư pháp theo yêu cầu của khách, anh còn đào tạo một số người muốn tìm hiểu và thật sự yêu thích môn nghệ thuật này. Anh Vương cho biết thư pháp nhìn rất đẹp, nhưng khi bắt đầu cầm cọ viết sẽ rất dễ nản vì khó, vài tuần đầu tiên hầu như sự tiến bộ rất nhỏ.
“Muốn theo đuổi môn nghệ thuật thư pháp đòi hỏi sự kiên trì, nếu chỉ có niềm đam mê thôi thì chưa đủ, cần phải rèn luyện liên tục, không được nản chí và hơn hết là cần phải chịu khó học hỏi. Tôi đam mê môn thư pháp 13 năm rồi, từ ngày ngồi trên ghế nhà trường. Do đó, tôi chắt lọc kiến thức từ các thầy, từ kinh nghiệm bản thân hướng dẫn những đường nét cơ bản cho người thật sự tâm huyết. Đầu tiên, phải hướng dẫn người mới học viết thư pháp cách cầm viết, về những đường nét cơ bản. Đôi lúc người học gặp khó, tôi sẽ cầm viết dìu dắt từ từ giúp người học dễ tiếp cận hơn. Với những người trẻ tuổi như chúng tôi, thư pháp không chỉ vì đam mê, điều quan trọng hơn là chúng tôi mong muốn giữ gìn những giá trị truyền thống cô đọng trong từng nét chữ” - anh Vương cho hay.
Ngoài CLB Thư pháp Việt thuộc Thành đoàn Biên Hòa, tại TP.Biên Hòa còn có CLB Thư pháp Văn miếu Trấn Biên do anh Nguyễn Thái Hoàng (thành viên CLB Thư pháp Việt) làm chủ nhiệm CLB.
Anh Nguyễn Thái Hoàng cho biết hiện CLB có mở lớp dạy thư pháp khoảng 10 người, chủ yếu là các bạn trẻ, sinh viên, giáo viên, công nhân, người nội trợ... Quá trình thành lập một nhóm rất vất vả, từ khi lên kế hoạch đến tập hợp những người trẻ với nhau. Tuy nhiên, khác với CLB Thư pháp Việt tập hợp các thành viên đã có kinh nghiệm lâu năm, CLB Thư pháp Văn miếu Trấn Biên là nơi hướng dẫn, giúp đỡ những người mới tham gia nghệ thuật thư pháp, đi từ những đường nét cơ bản cho đến chuyên sâu.
“Tôi đến TP.Biên Hòa được 4 năm, nhưng niềm đam mê thư pháp của tôi hình thành từ năm 2010, khi tôi còn là sinh viên ở TP.Hồ Chí Minh. Lúc đó, tôi mới biết đến thư pháp và được một số thầy trong trường hướng dẫn, dần dần đam mê thư pháp lớn lên trong tôi. Theo kinh nghiệm của tôi, khó nhất với người bắt đầu học viết thư pháp chính là sự nản chí, thấy người khác viết đẹp quá, tốt quá, còn mình mãi không lên tay, thế là nản. Hầu hết những người mới học, vài tháng đầu tiên ai cũng có thời điểm trải qua tâm trạng đó, nhưng chỉ cần kiên nhẫn, luyện tập dần dần và có niềm tin vào bản thân sẽ làm được vậy là vượt qua” - anh Hoàng tâm sự.
Đăng Tùng