Những cánh rừng già: Mã Đà, Hiếu Liêm và Vĩnh An (thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) mãi xanh với thời gian, vợ chồng già làng Năm Nổi (ngụ ấp Lý Lịch 2, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) như cây đại thụ song hành, chất chứa nhiều báu vật của rừng già.
Những cánh rừng già: Mã Đà, Hiếu Liêm và Vĩnh An (thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) mãi xanh với thời gian, vợ chồng già làng Năm Nổi (ngụ ấp Lý Lịch 2, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) như cây đại thụ song hành, chất chứa nhiều báu vật của rừng già.
Vợ chồng già làng Năm Nổi lưu giữ nhiều lời ca Chơro nơi rừng già. |
Già làng Năm Nổi mang dòng máu Chơro của mẹ và Kinh của cha. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, già làng Năm Nổi được bộ đội, dân làng Chơro Lý Lịch ví như con sóc của rừng già. Tiếp bước cha, 3 con trai của già làng Năm Nổi càng thấm đẫm tình yêu rừng.
* Con của rừng
Cha ruột của già làng Năm Nổi là chiến sĩ cách mạng Nguyễn Văn Đương (hy sinh năm 1959). Ông Đương vốn là phu cao su, vì không chịu được sự áp bức của chủ đồn điền người Pháp đã vào rừng theo cách mạng.
Năm 15 tuổi, già làng Năm Nổi được cách mạng giao nhiệm vụ liên lạc giữa các đơn vị bộ đội trong Chiến khu Đ. Vốn thạo rừng, thạo suối, cậu bé Năm Nổi như muông thú của rừng, thoắt ẩn thoắt hiện trong rừng làm kẻ thù khiếp sợ.
Kiểm lâm viên Nguyễn Văn Bộ (bìa phải), con trai già làng Năm Nổi, luôn thấm đẫm tình yêu rừng. |
Già làng Năm Nổi kể, thời còn chống Pháp, đồng bào Chơro chỉ có ná với chông nhưng vẫn kiên cường đánh đuổi kẻ thù ra khỏi làng khi chúng thả quân đi ruồng bố. Khi kẻ thù trút bom đạn xuống làng làm nhà cửa tan hoang, đồng bào Chơro của già phải tản mác vào tận rừng sâu, vùng nước độc để trốn.
Để có cái ăn và nuôi cán bộ, đồng bào Chơro phải bí mật vào rừng sâu đào củ mài, củ chụp, hái lá rừng và săn con thú. Còn để tránh sự lùng sục, bố ráp của kẻ thù và bảo vệ bộ đội, đồng bào Chơro buộc phải phân tán nhỏ lẻ từng nhóm, chọn những khu vực rừng sâu, xa nguồn nước để trú ngụ và đào hầm nuôi giấu cán bộ.
Là người con ưu tú của đồng bào Chơro nơi rừng già, vợ chồng già làng Năm Nổi không chỉ thông thuộc từng con suối, lối rừng mà còn lưu nhiều câu chuyện cổ tích, lời ca, bài thuốc quý từ các loại cây của rừng già Chiến khu Đ. Già cho biết cũng nhờ những bài thuốc quý từ rừng mà già đã chữa bệnh cho rất nhiều bộ đội và dân làng trong thời chiến tranh.
Bên bếp lửa rực than hồng, vợ chồng già làng Năm Nổi kể cho chúng tôi nghe rất nhiều sự tích của đồng bào Chơro làng Lý Lịch, như: Miếu Ông Chồn, Chàng rể Sóc, Người rừng Cômôman… Dứt sự tích, vợ chồng già lại hồn nhiên đồng ca những khúc nhạc Chơro: Mừng lúa mới, Đi tỉa hạt, Ngày mùa... như muốn níu kéo rừng già quay lại thời hào hùng năm xưa.
Nay bước sang tuổi 90, sức khỏe của già làng Năm Nổi không tốt bằng vợ, bà Hồng Thị Lịch (82 tuổi). Tuy vậy, ở tuổi này vợ chồng già vẫn tự lo cho nhau mà không cần làm phiền đến con cháu.
Già làng Năm Nổi cho hay thời trẻ cũng như lúc già, vợ chồng già chưa bao giờ cãi nhau to tiếng để con cái phiền lòng, dân làng cười. Lúc nào cụ bà nói, làm điều trái ý già, già bực quá cũng chỉ đối đáp vài tiếng rồi vác chà gạt vào rừng để cho lòng thư thả.
* Những người Con của già làng
Những cánh rừng: Mã Đà, Hiếu Liêm và Vĩnh An là máu thịt của dân làng Chơro làng Lý Lịch. Nay những cánh rừng già đó đang mãnh liệt hồi sinh, người Chơro của già làng Năm Nổi vui hơn, phấn khởi hơn khi cuộc sống ngày càng văn minh, tiến bộ và người dân không còn phụ thuộc vào rừng nữa. |
Vợ chồng già làng Năm Nổi có 8 người con (gồm: 4 trai, 5 gái) và 20 cháu nội, ngoại. Trong số 4 người con trai của già, 1 người bệnh mất lúc còn trẻ, 3 người còn lại gồm các ông: Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Văn Bộ và Nguyễn Văn Tân đều làm kiểm lâm viên của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.
Sau ngày đất nước thống nhất, những cánh rừng già: Mã Đà, Hiếu Liêm và Vĩnh An không còn bị bom đạn cày xới, nhưng cũng tan hoang vì bị con người khai phá làm rẫy, lấy gỗ, săn bắt thú...
Rừng mất, già làng Năm Nổi và đồng bào Chơro của già về làng Lý Lịch 2 định canh - định cư. Tại đây, gia đình già được chính quyền cấp 1 hécta đất ở và sản xuất; đồng thời giao khoán thêm gần 10 hécta đất rừng để bảo vệ, trồng cây lâm sinh. Dù cuộc sống khó khăn, già làng Năm Nổi và các con vẫn gắn với những cánh rừng già, rừng trồng để mưu sinh.
Ông Tiến (con trai thứ 2 của già làng Năm Nổi) cho biết đầu tháng 6-2016, ông được đơn vị giải quyết chế độ hưu trí sau hơn 35 năm làm cán bộ bảo vệ rừng. Quá trình làm cán bộ bảo vệ rừng ở các lâm trường: Mã Đà, Hiếu Liêm, Vĩnh An và Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, ông chưa để cho mình vấy một “vết bẩn” vì dính líu đến các đối tượng bên ngoài để xâm hại rừng.
Còn ông Bộ (kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Suối Cốp, thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) tâm sự các đối tượng phá rừng biết anh em ông là con của già làng Năm Nổi nên tìm cách kết thân nhằm lợi dụng cái “uy” của già làng Năm Nổi mà chiếm nhiều đất, phá nhiều cây rừng. Được cha căn dặn, tình yêu rừng thấm sâu vào trong máu, trong tim nên 3 ông Bộ, Tiến và Tân luôn thấy hài lòng với đồng lương của người giữ rừng mà lắc đầu với khoản tiền lớn bất chính do người khác mời chào để làm chuyện có hại với rừng.
Chiến tranh, đói nghèo lùi vào dĩ vãng, các cánh rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai càng xanh, cây rừng và muông thú tái sinh càng nhiều thì già làng Năm Nổi đã bước vào tuổi 90, 3 con trai của già mái tóc cũng đã điểm bạc.
Ông Tân (kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Bù Đăng, thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) kiêu hãnh bộc bạch được làm con của già làng Năm Nổi, được làm kiểm lâm viên ở Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai để bảo vệ những cánh rừng Chiến khu Đ, Khu ủy miền Đông Nam bộ di tích lịch sử, ông rất đỗi tự hào.
Rừng Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai quanh năm thổi xào xạc quanh nhà sàn của già làng Năm Nổi như muốn bày tỏ lòng tri ân. Già làng Năm Nổi nay tuổi cao nên chỉ nhìn thấy rừng già qua ký ức.
Già tâm sự, hôm nào nhớ cảnh rừng già quá, già mới lần bước xuống bậc cầu thang nhìn ngắm các chòm rừng trồng trước nhà mà liên tưởng đến những cánh rừng già năm xưa bước chân già đã đi qua. Bởi, rừng như dòng máu đang chảy trong cơ thể già và những bài ca dao Chơro mà vợ chồng già thường hay hát cho con cháu nghe.
Rừng Chiến khu Đ xanh thẳm, người con của rừng già Năm Nổi như cây đại thụ giữa gió ngàn. Còn những người con, cháu của già làng Năm Nổi như cây rừng hồi sinh và sẽ thành đại thụ bên cha già theo quy luật tự nhiên “tre già thì măng mọc”.
Đoàn Phú