Mấy chục năm gắn bó với vùng đất xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ), Trưởng ấp 4 Trần Văn Chóng thấu hiểu nỗi khổ đường giao thông nông thôn "nắng bụi, mưa lầy".
Mấy chục năm gắn bó với vùng đất xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ), Trưởng ấp 4 Trần Văn Chóng thấu hiểu nỗi khổ đường giao thông nông thôn “nắng bụi, mưa lầy”. Vì vậy, khi xã có chủ trương xây dựng nông thôn mới, ông Chóng hào hứng vận động người dân góp tiền, hiến đất để sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường đi lại trong ấp.
Trưởng ấp 4, xã Sông Nhạn Trần Văn Chóng (phải). |
“Trước đây mỗi lần đường hư ông Chóng lại xắn tay áo lên cùng chúng tôi tu bổ. Nỗi khổ đó nay không còn nữa vì xã Sông Nhạn đã đạt chuẩn nông thôn mới, đường đi lại ngon lành hơn rồi” - ông Nguyễn Trung Triển, một người dân ấp 4, chia sẻ.
* Trưởng khu nghèo
Năm 1979, ông Chóng đưa gia đình về khu 1, ấp 4 sinh sống. Khu 1 vốn là chòm đất lồi lõm nằm lọt thỏm giữa bạt ngàn rừng cao su của Nông trường cao su Sông Nhạn. Nhờ nông trường “chê” đất ở đây xấu, không khai phá trồng cao su nên ông Chóng và 32 hộ dân khác mới có đất để dựng chòi trú chân và canh tác sinh sống qua ngày.
Mua 1 hécta đất triền với giá 3,5 chỉ vàng, mất 2 năm ông Chóng mới cải tạo mảnh đất thành vườn cà phê. Khi cà phê nhà ông cho thu hoạch thì giá cà phê năm đó rớt thê thảm, khiến bữa cơm đại gia đình 6 nhân khẩu của ông Chóng (gồm: mẹ, vợ chồng và 2 con ông Chóng, người em vợ của ông Chóng) phải ăn khoai, bắp nhiều hơn cơm trắng.
Trưởng ấp Trần Văn Chóng (giữa) cùng cán bộ ấp, người dân dọn dẹp vệ sinh các tuyến đường. |
Cái xóm dân chỉ có 33 hộ, chẳng mấy ai giàu sang nhưng tình làng nghĩa xóm luôn tràn đầy, “tối lửa tắt đèn có nhau”. Ngày ông Chóng được xã giao nhiệm vụ Trưởng khu 1, 32 hộ dân trong xóm mừng cho ông và vui cho mình. Ông Chóng được chính quyền hỗ trợ làm nhà và dê nuôi nên thoát nghèo.
Từ đó, ông Chóng yên tâm ra sức phối hợp cùng ban ấp, chính quyền xã Sông Nhạn làm hộ khẩu thường trú, triển khai kịp thời các chính sách vay vốn xóa đói giảm nghèo cho dân và xây dựng các tổ chức đoàn thể... “Do đường sá đi lại khó khăn nên mỗi khi ấp, xã triển khai chương trình gì tui phải lặn lội đến từng nhà phổ biến cho người dân nắm bắt” - ông Chóng bộc bạch.
Cũng vì tích cực giúp dân, hỗ trợ chính quyền, đoàn thể trong ấp, xã mà ông Chóng được mọi người tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân kiêm Phó trưởng ấp, rồi Trưởng ấp 4. “Chức” càng cao, trách nhiệm càng nhiều nên ông phải lo cho dân ở cả khu 2 và khu 3 (cách xa khu 1 vài cây số đường lô cao su) với tổng cộng trên 200 hộ dân.
Lúc này, ông Chóng mới cảm nhận được rằng làm trưởng khu không mệt và nhiều việc như làm trưởng ấp. “Lỡ phóng lao nên phải theo lao”, ông Chóng cứ vậy bỏ tiền túi ra đổ xăng chạy xe máy quanh ấp suốt ngày.
Ấp rộng, dân tập trung theo các chòm rẫy ẩn khuất giữa bạt ngàn cao su, vậy mà ông Chóng đều thuộc tên, nhớ đường vào nhà không sót một hộ. Vì vậy, dân trong ấp 4 hễ nghe tiếng xe máy của ông từ xa là biết Trưởng ấp Chóng vào báo tin vui hoặc triển khai điều gì đó do xã, đoàn thể nhờ.
* Làm đường cho trẻ đi học
Ông Lê Nguyện Ngọc, Bí thư Chi bộ ấp 4 (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Sông Nhạn đã về hưu), cho hay sự nhiệt tình, trách nhiệm vì dân, vì nông thôn mới của Trưởng ấp Trần Văn Chóng đã động viên dân ấp 4 làm nhiều đường xi măng hơn các ấp khác. |
Từ các khu 1, 2 và 3 của ấp 4 ra trung tâm xã phải đi qua nhiều đường lô cao su lầy lội, đường nội bộ trong các khu thì trơn trượt, bụi mù. Trước tình cảnh đó, ông Chóng nhiều lần vận động dân trong ấp góp tiền, bỏ công ra tu sửa, nhưng đường vẫn xấu hoàn xấu.
Có mặt trên các đường lô, ngõ xóm hàng ngày, ông Chóng rất cảm thông cho sự vất vả của người dân khi có việc cần ra khỏi ấp. Riêng đám trò nhỏ cộc cạch đạp xe đến trường, nhìn áo quần chúng lấm lem bùn đất, ông Chóng càng xót lòng.
Ông Nguyễn Trung Triển có 4 con đi học. Mùa mưa đến ông Triển phải bỏ việc nhà cùng với những người hàng xóm tu sửa đường sá. Vậy mà, hết lớp trò nhỏ trưởng thành ra huyện, tỉnh học THPT, đại học thì lớp trò nhỏ khác tiếp nối cảnh đường trơn trượt đến trường làng, càng làm cho các bậc phụ huynh sốt ruột.
Ông Triển tâm sự, xã nghèo, ấp nghèo, người dân còn nghèo nên đường giao thông ở ấp 4 vẫn tạm bợ. Khi xã Sông Nhạn thoát khỏi danh sách xã nghèo, nhưng những con đường dẫn vào ấp 4 và đường nội bộ dân cư vẫn chưa thoát được trình trạng “nắng bụi, mưa lầy”.
Đến năm 2015, xã Sông Nhạn khởi động xây dựng nông thôn mới. Lúc ấy, Trưởng ấp Chóng mừng như bắt được vàng.
Ông Chóng kể, đầu tiên ông vận động dân tráng xi măng đoạn đường liên ấp 1 và 4 dài 230m (kinh phí 226 triệu đồng) theo hình thức dân đóng góp 20%, Nhà nước hỗ trợ 80%. Chỉ sau 1 tháng vận động, người dân sinh sống dọc 2 bên tuyến đường đã góp đủ tiền để cùng với xã triển khai làm đường.
Xong đường liên ấp 1 và 4, ông Chóng lại vận động người dân sinh sống 2 bên các tuyến đường thuộc 3 khu: 1, 2 và 3 tráng xi măng thêm 6 tuyến đường nữa theo hình thức xã hội hóa. Nhờ vậy, các tuyến đường chính từ ấp 4 ra trung tâm xã và nội bộ các khu dân cư được tráng xi măng, bước chân đến trường của các trò nhỏ trong ấp không còn vất vả như trước.
Trưởng ấp Chóng mừng, người dân trong ấp 4 hớn hở vì thoát cảnh “nắng bụi, mưa lầy” ở những tuyến đường chính. Những tuyến đường này, ông Chóng ví “xương sống” của người dân trong ấp nên ông quyết tâm vận động mọi người tráng xi măng bằng mọi giá. Riêng các tuyến đường ngang (xương sườn), ông đang bàn với người dân trong các khu, tổ nhân dân tiếp tục triển khai nếu được địa phương hỗ trợ.
Từ ngày có đường đẹp kết nối các khu dân cư với nhau, với trung tâm xã và với các điểm trường, các trò nhỏ trong ấp 4 áo quần tươm tất đến trường dù năm nay mùa mưa đến sớm. Riêng các bậc phụ huynh thì mãn nguyện vì con em mình có đường xi măng để đi, phần vì đất đai tăng giá gấp nhiều lần so với trước.
“Quá trình vận động dân trong ấp góp tiền làm đường, ông Chóng khẳng định người dân chỉ bỏ ra vài chục triệu đồng để làm đường nhưng sau này thu về vài trăm triệu đồng nhờ đất tăng giá. Điều ông Chóng nói quả đúng” - ông Tư Hiếu, một người dân ở khu 2, bộc bạch.
Đoàn Phú