Gần 10 năm về Báo Đồng Nai công tác, tôi được Ban biên tập và Ban Pháp luật - đời sống giao nhiệm vụ chính là viết phóng sự cho phần chân trang 8-9, những năm sau này còn viết trên chuyên trang phóng sự của số báo cuối tuần.
Gần 10 năm về Báo Đồng Nai công tác, tôi được Ban biên tập và Ban Pháp luật - đời sống giao nhiệm vụ chính là viết phóng sự cho phần chân trang 8-9, những năm sau này còn viết trên chuyên trang phóng sự của số báo cuối tuần. Để có những bài phóng sự phong phú, đa dạng, tôi cũng cần có sức bền, sự kiên trì và chăm chỉ như loài ong vậy.
Nhà báo Đoàn Phú (trái) cùng kiểm lâm viên Nguyễn Hữu Tuấn, Trạm Kiểm lâm Khu ủy miền Đông (Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai). |
Cuộc sống xã hội thay đổi không ngừng nên đề tài phóng sự là tài nguyên vô tận với mọi người. Tuy vậy, nguồn tài nguyên đó với nhà báo như tôi cũng dần cạn kiệt theo năm tháng và có lúc bị hụt hơi khi chỉ viết quẩn quanh ở Đồng Nai.
* Cứ mãi đi tìm
Thời buổi công nghệ thông tin, internet 3G, 4G đã giúp nhà báo hoạt động, tác nghiệp, tìm tư liệu nhanh chóng, thuận tiện. Chưa kể, có nhiều nhà báo còn tham gia nhóm “chia sẻ thông tin” nên giảm bớt rất nhiều việc phải đi lại. Nhưng với tôi, tôi vẫn hào hứng, thích thú rong ruổi trên chiếc xe máy băng qua các cánh đồng, nương rẫy, đi vào các vùng sâu, vùng xa để góp thêm “mật ngọt” cho bài viết. |
Để khơi dậy sức sáng tạo, tránh quẩn quanh những đề tài, lối viết nhàm chán, tôi phải đi nhiều để tìm kiếm những điều mới lạ cho bạn đọc. Khổ nỗi, bất kỳ ai hàng ngày đi mãi trên những con đường quen, ngắm nhìn mãi một cảnh vật, bầu trời thì rất khó tìm ra cái mới, cái lạ mà người khác mới đến lần đầu dễ nhìn ra. Cho nên, tôi càng phải siêng năng đi tìm kiếm, nhặt nhạnh những gì theo ý chủ quan của mình và cho rằng đó là thông tin mới, chưa ai phát hiện để viết. Những chuyến đi tìm kiếm như vậy, bước chân tôi như vô định cho đến khi tìm được điểm dừng.
Để có được bài viết Gieo chữ trên vùng đất đá tại xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom), tôi xuất phát từ cù lao Phố (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) ngay lúc mờ sáng với dự định đi về hướng huyện Long Thành tìm kiếm đề tài. Trên đường đi, tôi vừa suy nghĩ vừa điện thoại cho những người quen biết để hỏi chuyện, hẹn làm việc nhưng không có kết quả.
Trẻ em ở xã Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch) đến trường bằng ghe trong phóng sự Chèo xuồng đi học. |
Không thể quay về cơ quan với một ngày làm việc vô ích, tôi cứ vậy rong ruổi xe máy từ huyện Long Thành đến huyện Cẩm Mỹ, Thống Nhất tìm đề tài, nhân vật cho bài phóng sự đến 2 giờ trưa vẫn chưa thấy điều mình muốn tìm. Có phần nản chí và mệt mỏi, nhưng tôi vẫn đi ven các con đường nông thôn mới mở về xã Cây Gáo (huyện Trảng Bom). Trên đường đi, tôi bắt gặp người đàn ông để con ngồi phía trước, sau yên xe là một bó cỏ to. Nhờ vậy, bài viết Gieo chữ trên vùng đất đá của tôi kịp xuất hiện cho số báo tới.
Nhớ lại những ngày đầu năm 2008, khi tôi còn là anh thợ đào giếng với tấm bằng cử nhân báo chí, mới về Báo Đồng Nai nhìn cái gì cũng mới lạ, nhất là khi lao đi viết phóng sự. Cho nên, tôi hào hứng đi thâm nhập cuộc sống, viết khỏe và có nhiều loạt phóng sự hay, như: Sống dưới đáy sông, Theo chân nhân viên tuần đường, Mã Đà vùng sơn cước… được bạn đọc và đồng nghiệp đánh giá cao.
Có lúc tôi tự so sánh, quả thật công việc đào giếng rất cực nhọc, nguy hiểm, người suốt ngày lem luốc nhưng thu nhập chỉ hơn 300 ngàn đồng/ngày. Còn làm phóng viên được tự do rong ruổi xe máy suốt ngày với áo quần lành lặn, lại được cơ quan trả nhuận bút cho một bài phóng sự đến 700 ngàn đồng (tất nhiên là bài phóng sự có khi phải tốn công sức cả tuần). Nghĩ vậy là tôi thấy phấn chấn, bao mệt mỏi, phiền muộn lắng xuống.
* Học loài ong chăm chỉ
Kinh nghiệm này không phải tự tôi nghĩ ra mà qua nhiều lần than vãn bị bí đề tài với Phó tổng biên tập Xuân Phú, là người làm báo có kinh nghiệm, chịu đi cơ sở nhiều đã khuyên tôi như vậy. Và tôi cũng đã được gợi mở nhiều đề tài hay, phát hiện ra nhiều điều thú vị, hấp dẫn trên những vùng đất mà tôi đã đi lại nhiều lần, kết thành các bài phóng sự đăng báo.
Theo nhà báo Xuân Phú, kiến thức con người có giới hạn, sự thông minh, tài ba của phóng viên có mức độ. Để bù đắp cho cái hữu hạn này, đòi hỏi người phóng viên phải chịu đi, siêng năng tiếp xúc nhiều mới tìm ra đề tài và tự làm mới được đề tài. Cho nên muốn giỏi nghề, bền bỉ với nghề, làm tốt được nhiệm vụ, người phóng viên phải học đức tính chăm chỉ của loài ong.
Thực tế cũng cho thấy như vậy. Ở những cánh rừng Mã Đà, Hiếu Liêm, Vĩnh An (thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) có rất nhiều đề tài hấp dẫn mà tôi ra sức cày xới. Chính vì vậy, mỗi lần ghé Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai tôi đều có phóng sự mang về, như: Kiểm lâm lòng hồ, Bình Râu, Miếu ông Chồn… Tuy vậy, tôi vẫn chưa thực hiện được đề tài về những “câu chuyện đường rừng” thật hấp dẫn, thu hút bạn đọc như nhà báo Xuân Phú đã gợi ý, thỉnh thoảng còn giật mình khi thấy đồng nghiệp báo bạn phát hiện những cái mới, lạ tại những nơi này mà tôi không hề hay biết.
Quả thật, điều các nhà báo đàn anh, đàn chị thâm niên, có uy tín nghề nghiệp ở Báo Đồng Nai phân tích rất thâm thúy. Những tay “thợ viết” luôn khác biệt với phóng viên thực thụ. Phóng viên của các tờ báo nhờ đi nhiều, tiếp xúc nhiều, đọc nhiều, nghiên cứu nhiều nên cần phải vắt tâm, vắt sức ra làm việc, không hề chăm chăm ngồi bàn phím để “cắt, dán”, đưa thông tin thiếu kiểm chứng.
Phóng viên có mặt tại hiện trường, chứng kiến sự việc thì trái tim luôn cảm xúc với sự kiện, với nhân vật nắm bắt được. Cho nên, tác phẩm phóng viên đi cơ sở tạo ra được cân bằng từ trái tim và suy nghĩ, có sự khác biệt với những tay “thợ viết” là như vậy.
Học làm loài ong chăm chỉ khi viết phóng sự giống như người nông dân lao động cần cù, biết thâm canh, tăng năng suất trên cánh đồng vậy. Điều này không khó với những ai yêu nghề, có trách nhiệm với tác phẩm của mình và biết tôn trọng bạn đọc. Tuy có khó khăn, cơ cực nhưng bù đắp lại là nhận được giá trị tinh thần rất lớn, đó là sự khen ngợi của đồng nghiệp và bạn đọc về bài phóng sự được đăng báo. Bởi vậy, tôi thích làm loài ong khi đi viết phóng sự như các nhà báo đàn anh, đàn chị có tên tuổi ở Báo Đồng Nai hay tâm sự, động viên hơn là một tay “thợ viết”.
Đoàn Phú