Về vùng đất Trị An (huyện Vĩnh Cửu), hỏi về võ sư Bảy Bình (Đào Văn Bình, 78 tuổi) ai cũng biết. Võ sư Bảy Bình là đồ đệ của các cố võ sư nổi tiếng trong làng võ Việt trước năm 1975, như: Hồ Văn Lành (môn phái Tân Khánh - Bà Trà), Lê Văn Muôn và Ocampo (boxing).
Về vùng đất Trị An (huyện Vĩnh Cửu), hỏi về võ sư Bảy Bình (Đào Văn Bình, 78 tuổi) ai cũng biết. Võ sư Bảy Bình là đồ đệ của các cố võ sư nổi tiếng trong làng võ Việt trước năm 1975, như: Hồ Văn Lành (môn phái Tân Khánh - Bà Trà), Lê Văn Muôn và Ocampo (boxing). Ông cũng là thầy của nhiều võ sư, huấn luyện viên võ thuật hiện nay.
Võ sư Bảy Bình (thứ 2, từ phải sang) tại buổi lễ phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho mẹ của ông là bà Trần Thị Danh. |
Võ sư Bảy Bình có 3 người con trai đều là võ sư: Đào Văn Minh, Đào Thông Minh và Đào Bình Minh.
* Tay đấm thợ bạc
Đã từng sống trong thời loạn lạc, thị phi, giang hồ chợ búa…, nhưng võ sư Bảy Bình vẫn giữ được cốt cách của người học võ và gia đình giàu truyền thống cách mạng. Võ sư Bảy Bình tâm sự, nhờ học võ mà ông không bị bọn du côn ức hiếp; trốn được những lần bắt quân dịch của chế độ Sài Gòn để không phải cầm súng chống lại cách mạng. |
Võ sư Bảy Bình quê gốc ở xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu). Mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên ông theo vợ chồng người chị lên Sài Gòn (nay là TP.Hồ Chí Minh) sinh sống và học nghề thợ bạc. 17 tuổi, võ sư Bảy Bình được người anh rể rước thầy võ Hồ Văn Lành về nhà dạy riêng cho ông.
Võ sư Bảy Bình kể lại, lúc ấy là tiền công võ sư Lành dạy mỗi bài quyền 500 đồng, trong khi lương thợ bạc của ông lúc đó chỉ có 800 đồng/tháng, nhưng vì đam mê võ thuật mà ông vẫn cố gắng theo thầy khổ luyện.
Trong quá trình học võ với võ sư Lành, ông còn thọ giáo môn boxing từ các võ sư: Bảy Muôn, Ocampo (người Phillipines, thầy của võ sư Bảy Muôn) và tham gia nhiều trận đấu lôi đài với các võ sĩ có tiếng thời bấy giờ, như: Ngọc Huỳnh, Vũ Huỳnh, Đức Huỳnh…
Võ sư Bảy Bình và con trai út, võ sư Đào Bình Minh. |
Sài Gòn trước năm 1975, chuyện du côn, cảnh sát, lính ngụy đụng độ với võ sĩ trên sàn đấu võ lẫn ngoài đời diễn ra như cơm bữa. Vốn là người trầm tính, không thích khoe tài, võ sư Bảy Bình chỉ lên đài thách đấu theo đề nghị của sư phụ nên được giới giang hồ và cảnh sát, lính chế độ cũ kính trọng. Nhờ vậy, võ sư Bảy Bình thoát được những cuộc ruồng bố bắt lính, thanh toán lẫn nhau giữa các nhóm giang hồ trong việc tranh giành lãnh địa.
Năm 1968, võ sư Bảy Bình bị phạt tù 1 năm vì xung đột với một nhóm giang hồ. Trong thời gian bị giam ở khám Chí Hòa, ông nghe bạn tù đồn thổi khá nhiều về tay giang hồ Hai Gà là tay anh chị trong tù. Sau khi ra tù, ông mới có dịp đụng độ và ông hạ tay giang hồ Hai Gà ngã sóng soài khi thấy đàn em của Hai Gà hiếp đáp một nhóm thanh niên.
Nói về các võ đài do các lò võ lập ra để tranh bá xưng hùng, võ sư Bảy Bình kể võ đài thời đó đầy rẫy bất công trong việc phân chia cao thấp. Võ sĩ giỏi thượng đài, việc thắng thua không phải quyết định ở tài năng mà do các tay mua bán độ tổ chức trận đấu quyết định, dẫn đến chuyện buồn lòng khi võ sĩ thắng nốc - ao đối thủ trên sàn đấu cũng bị trọng tài tuyên bố phạm quy hoặc thua điểm.
Bước qua tuổi 30, võ sư Bảy Bình dù sung sức vẫn tránh xa sàn đấu nhiều thị phi đó. Ông bỏ luôn nghề thợ bạc và chuyên tâm theo võ sư Lành truyền thụ võ học và đào tạo lớp võ sĩ trẻ cho môn phái Tân Khánh - Bà Trà ở nhiều nơi, như: Sài Gòn, Biên Hòa, Thủ Dầu Một…
* Truyền dạy cho con cháu
Ngày đất nước thống nhất, võ sư Bảy Bình về lại quê nhà Tân Bình sinh sống. Đến năm 1976, ông mới đưa gia đình đến xã Trị An lập nghiệp và truyền thụ lại vốn võ học của mình cho con cháu, thanh niên trong vùng.
Vùng đất Trị An qua những năm tháng bom cày đạn cày xới trở nên heo hút, thiếu vắng con người sinh sống. Ngôi nhà tranh của gia đình võ sư Bảy Bình ở ấp 1, xã Trị An ngày ấy nằm lẻ loi giữa bạt ngàn rừng, rẫy càng buồn hơn. Vì vậy, những buổi chiều rảnh rỗi, võ sư Bảy Bình tập hợp 9 người con trai, con gái ra sân học võ để rèn luyện sức khỏe.
Đám thanh niên trong vùng biết chuyện võ sư Bảy Bình chiều chiều dạy võ cho các con trước sân nhà nên tìm đến xin học. Lúc đầu ông còn đắn đo suy nghĩ, nhưng khi được vợ con động viên ông đã gật đầu đồng ý.
Được võ sư Bảy Bình nhận dạy võ miễn phí nên thanh niên trai tráng trong vùng đến xin học ngày một đông. Từ đây, ông đã đào tạo nhiều lớp võ sinh giỏi cho các phong trào thể thao của xã, huyện, tỉnh. Trong đó, 3 người con trai của ông đạt trình độ võ sư và huấn luyện viên cấp tỉnh, quốc gia.
Võ sư Đào Thông Minh kể lại, cuộc sống thời trước còn khó khăn, nhưng thanh thiếu niên vẫn tìm đến lớp võ của võ sư Bảy Bình xin học rất đông. Sau một thời gian dài tập luyện chủ yếu để rèn luyện sức khỏe, các võ sinh dần biết đến đồng phục, găng tay, bao da… và thi thố tài năng qua các giải thi đấu phong trào của địa phương, huyện, tỉnh, quốc gia.
Các lớp võ sinh được võ sư Bảy Bình đào tạo đạt trình độ võ sư, huấn luyện viên cấp tỉnh, quốc gia chỉ có vài người. Tuy nhiên, từ võ đường tại gia của ông, nhiều người trưởng thành và tiếp tục tầm sư học đạo thêm rồi trở thành võ sư, huấn luyện viên tên tuổi của làng võ cổ truyền Việt Nam và bộ môn khác, như: taekwondo, quyền Anh và boxing.
Lý do võ sư Bảy Bình không muốn nhắc tên các võ sư, huấn luyện viên thành danh xuất thân từ cái nôi Trị An, bởi với ông cốt lõi võ học mà ông truyền cho môn đệ, con cháu chỉ để phòng thân; không sợ cường quyền nhưng không được hiếp yếu. Vì vậy, hễ nghe tin học trò nào hành võ không đúng theo ý mình là ông buồn, ông giận.
Nay ở tuổi 78, võ sư Bảy Bình đã là ông già của vùng Trị An, có cuộc sống bình dị cùng gia đình. Những câu chuyện tung hoành thời trai trẻ hiếm khi ông kể cho người lạ nghe tường tận, nhưng với chúng tôi ông sẵn lòng cởi mở. Tuy vậy, kể xong ông lại dặn dò rằng, ông kể lại để chúng tôi biết, hiểu, cảm thông cho một đời võ sĩ trong cảnh nước mất nhà tan, chứ không phải để khoe tài, khoe danh phận.
Đoàn Phú