Cách bia lưu niệm lễ xuất quân Tiểu đoàn 307 tại xã Đại Điền (huyện Thạnh Phú) chưa đầy 30km ngược lên hướng TP.Bến Tre là xã Định Thủy (nay thuộc huyện Mỏ Cày Nam), nơi được xem là "cái nôi" của phong trào Đồng Khởi của miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Cách bia lưu niệm lễ xuất quân Tiểu đoàn 307 tại xã Đại Điền (huyện Thạnh Phú) chưa đầy 30km ngược lên hướng TP.Bến Tre là xã Định Thủy (nay thuộc huyện Mỏ Cày Nam), nơi được xem là “cái nôi” của phong trào Đồng Khởi của miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Bài 2: Ngậm ngùi nhớ vụ thảm sát Thạnh Phong
[links()]Vào ngày 17-1-1960, “nữ tướng của đội quân tóc dài” Nguyễn Thị Định đã lãnh đạo và trực tiếp chỉ huy lực lượng quân dân Định Thủy nổi dậy, giải phóng trụ sở xã, chiếm bót Vàm Nước Trong…, nổ phát súng đầu tiên mở màn cho phong trào Đồng Khởi khắp miền Nam.
Một người dân trước bia tưởng niệm 21 người đã chết trong cuộc thảm sát Thạnh Phong. |
* Ra miệt biển Thạnh Phong
“Cái nôi” của phong trào Đồng Khởi Xã nông thôn mới Định Thủy bây giờ rất đỗi bình yên. Một địa danh từng làm chấn động Lầu Năm Góc của nước Mỹ, ngày nay chỉ còn ghi dấu bằng hàng chữ “Anh dũng Đồng Khởi - thắng Mỹ diệt ngụy” khắc trên hòn đá đặt trong Khu di tích cấp quốc gia Đồng Khởi 1960 và biểu tượng “Ngọn lửa Đồng Khởi” trên nóc nhà bảo tàng. Các “hậu duệ” của cô Ba Định giờ cũng rất thùy mị, dịu dàng với mái tóc dài, áo bà ba đúng điệu Bến Tre và xem chừng còn khéo tay hơn trong việc chế biến những món ngon từng rất nổi tiếng ở Mỏ Cày và khắp cù lao Minh, như: mắm tép; cá ngát nấu chua với trái bần dốt; bánh bột gạo; rau mơ hấp... Ngồi bên bờ Hàm Luông, vừa nghe đờn ca tài tử vừa nhâm nhi những món đặc sản này chỉ có mà say đến... “mút mùa Lệ Thủy”. |
Cùng mấy người bạn ở Đồng Nai, tôi trở lại Thạnh Phong, phần đất cuối cù lao Minh, tiếp giáp với Biển Đông, sau sự kiện khá ầm ĩ về việc nên hay không để cho Thượng nghị sĩ Mỹ Bob Kerrey, người chủ chốt trong việc vận động tài chính xây dựng Trường đại học Fulbright Việt Nam, làm Chủ tịch Hội đồng tín thác của ngôi trường danh giá này tại Việt Nam.
Hồi trước, từ quận lỵ Thạnh Phú muốn ra miệt biển Thạnh Phong chỉ có 2 cách: theo con nước, từ bến chợ Giồng Chùa ngồi đò mất khoảng 4-5 tiếng; cách thứ hai là… cuốc bộ, mất khoảng 7 tiếng do không có đường xe.
Nay thì quốc lộ 57 mở rộng thênh thang ra tận bờ biển, kết nối với tuyến đường quốc phòng dài đến 30km bao quanh các xã biển: Hòa Lợi, Mỹ An, An Điền và Thạnh Hải. Cứ khoảng mươi phút lại có xe buýt từ Bến Tre chạy về đến tận An Quy, Cầu Ván...
Để chiếc xe ô tô đậu ngoài đường lộ, Thượng tá Hồ Đức Bình, Phó trưởng phòng Công tác chính trị Công an tỉnh, cùng chúng tôi đi bộ qua một đoạn đường nữa để đến một ngã ba trong khu dân cư nơi đặt bia tưởng niệm 21 nạn nhân trong vụ thảm sát Thạnh Phong năm 1969 để thắp hương.
Đọc những dòng chữ trên tấm bia, ai cũng rưng rưng xúc động. Sự việc xảy ra cách nay đã 48 năm, nhưng đến giờ vẫn còn mang tính thời sự.
* Vụ “thảm sát Thạnh Phong”
Theo loạt bài điều tra trên Báo NewYork Times và Đài truyền hình CBS công bố, vào tối 25-2-1969, nhận được tin tình báo có một bí thư chi bộ của “Việt cộng” đột nhập về ấp và tổ chức họp dân, Trung úy Bob Kerrey đã chỉ huy một toán Seal (biệt kích của Hải quân Mỹ) đổ bộ lên đoạn bờ gần vàm Băng Khâu (thuộc ấp 5, xã Thạnh Phong, quận Thạnh Phú, một địa điểm được ghi trong bản đồ hành quân của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa hàng chữ đỏ: “Free fire zone” (vùng xạ kích tự do). Toán 7 lính Mỹ đã sát hại 21 người dân thường, trong đó hầu hết là phụ nữ và trẻ em.
Trong báo cáo thành tích để được thưởng huy chương, Bob Kerrey cho biết đã giết được 21 “Vi-xi”, phá 2 căn nhà làm nơi ẩn chứa của Việt cộng. Sau một chiến công nữa ở Nha Trang, viên sĩ quan hải quân mới 25 tuổi này được thăng chức đại úy và được tặng Huân chương Danh dự, một phần thưởng cao quý nhất của quân đội Mỹ.
Chỉ 3 tuần sau, trong một cuộc đụng độ, Bob Kerrey bị thương nặng, chấm dứt cuộc đời binh nghiệp ngắn ngủi. Trở về Mỹ với tư cách anh hùng trong cuộc chiến ở Việt Nam, Bob Kerrey nhanh chóng trở thành triệu phú nhờ kinh doanh thành công chuỗi nhà hàng, phòng tập thể thao…
Chuyển sang hoạt động chính trị, cựu chiến binh Bob được bầu làm Thống đốc, rồi Thượng nghị sĩ và ra tranh cử tổng thống.
Năm 1992, bị thất bại trước Bill Clinton, Bob Kerrey lại dự định ra ứng cử tổng thống vào năm 2000 thì vụ “thảm sát Thạnh Phong” bắt đầu bị báo chí phanh phui nên đành tuyên bố từ bỏ ý định tranh cử và “tập trung” sang lĩnh vực giáo dục.
* Lộ diện hành động dã man
Dù có nhiều lý lẽ khác nhau nhằm che giấu sự thật, nhưng suốt 2 năm kiên trì đeo đuổi cuộc điều tra, các nhà báo đã “dựng lại được hiện trường” của vụ thảm sát. Theo đó, khi ập được vào ngôi nhà đầu tiên trong xóm, không tìm thấy “Việt cộng” mà chỉ có chủ nhà Bùi Văn Vát (66 tuổi) và vợ là bà Lưu Thị Cảnh (62 tuổi), cùng 3 đứa cháu nội, toán biệt kích Mỹ đã quyết định “giải quyết êm thấm” bằng cách dùng dao cắt cổ tất cả 5 người để không bị lộ cuộc đột kích.
Do ông Vát kháng cự rất quyết liệt, Trung úy Bob Kerrey phải dùng gối đè lên ngực ông già cho đồng đội Gerhard Klann cắt cổ. 3 cháu nội ông Vát chưa đứa nào được 12 tuổi hãi hùng quá chui vô cái ống cống liền bị những tên lính Mỹ còn lại lôi ra đâm chết rồi rạch bụng.
“Diệt khẩu” một cách hết sức chuyên nghiệp xong, toán Seal lặng lẽ bước vào xóm bao vây, khám xét căn nhà có hầm trú ẩn.
Không thấy gì hết. Việt cộng: không. Vũ khí: không và đàn ông cũng không! Bob Kerrey lệnh cho lính gom lại tất cả 15 người, gồm toàn bà già, trẻ em và 3 phụ nữ đang mang thai.
Với khẩu lệnh ngắn gọn: “Diệt sạch!”, khoảng 1,2 ngàn viên đạn từ 7 tên biệt kích Mỹ thiện xạ đã trút xối xả lên thân thể những người dân thường không có một tấc sắt trong tay.
Người duy nhất sống sót trong cuộc thảm sát Thạnh Phong là bà Bùi Thị Lượm, hiện đang làm vuông tôm ở Bến Trại, cách nơi thảm sát hơn 10km. Lúc đó, cô bé Lượm chỉ mới 12 tuổi, mồ côi mẹ, sống với bà nội, bị đạn bắn trúng đầu gối làm bể xương bánh chè và văng người vào hầm nên may mắn thoát chết. Bây giờ, mỗi khi chuyển mùa, cơ thể bà Lượm rần rần đau nhức cùng ùa về với nỗi ám ảnh kinh hoàng.
Biết chuyện Thượng nghị sĩ Bob Kerrey chính là Trung úy Mỹ, Trưởng toán Seal gây ra cuộc thảm sát Thạnh Phong, bà già tuổi lục tuần này nói: “Thù thì có thù, nhưng mình làm gì người ta được mà hổng tha thứ? Chỉ mong ông ấy đến đây thấy được tình cảnh khó khăn của thân nhân những người bị sát hại để mà có biện pháp giúp đỡ thiết thực thì bà con chúng tôi mừng rồi”.
Bùi Thuận