Báo Đồng Nai điện tử
En

Tình người nơi xứ lạ

09:05, 10/05/2017

Cuộc đời vốn chẳng bằng phẳng với những người xa quê mưu sinh. Bệnh tật, chia ly, đau khổ… thật sự là thách thức đối với họ trong những tháng năm kiếm tìm hạnh phúc nơi vùng đất mới.

Cuộc đời vốn chẳng bằng phẳng với những người xa quê mưu sinh. Bệnh tật, chia ly, đau khổ… thật sự là thách thức đối với họ trong những tháng năm kiếm tìm hạnh phúc nơi vùng đất mới.

Ông Hai Xương (bìa phải) hướng dẫn công việc cho những công nhân trong khu nhà trọ của ông Tuấn vào ngày nghỉ cuối tuần.
Ông Hai Xương (bìa phải) hướng dẫn công việc cho những công nhân trong khu nhà trọ của ông Tuấn vào ngày nghỉ cuối tuần.

25 năm trước, giã từ bục giảng vì đồng lương không đủ sống, ông Hai Xương một mình từ quận 8 (TP.Hồ Chí Minh) tìm về xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) mưu sinh. Ở tuổi 45 không vướng bận vợ con, ngày đầu ông chọn công việc giữ rẫy cho nông dân Ba Thuận để liệu bề toan tính tương lai.

* Gà trống nuôi con

Sự cô đơn nơi vườn rẫy sớm hối thúc ông Hai Xương gá nghĩa với bà A. (quê tỉnh Nghệ An) cho có đôi có bạn. Chẳng bao lâu sau, túp lều bạt gần giếng nước của ông Ba Thuận đã lần lượt cất lên tiếng khóc chào đời của 2 bé gái Linr và Thảo, thật sự làm cho ông Hai Xương hạnh phúc.

Ngày bé Linr lên 6 tuổi và bé Thảo gần 2 tuổi, bà A. vì không chịu được cuộc sống cơ cực đã bỏ chồng con đi tìm sự sung sướng cho bản thân. Ông Hai Xương nuốt nước mắt vào lòng, nhìn 2 con thơ thiếu mẹ, thiếu ăn, khóc vang cả chòi rẫy khi đêm về.

Ông Út Sang chuẩn bị cho buổi đi bán cá viên chiên.
Ông Út Sang chuẩn bị cho buổi đi bán cá viên chiên.

Từ ngày vợ bỏ đi, buổi sáng ông Hai Xương đưa bé Linr đi học, luôn tiện mang bé Thảo theo mình trong lúc đi làm thuê, đến chiều mới về. May nhờ chủ rẫy tốt bụng và các chủ tiệm tạp hóa thương tình bán thiếu nên ông cũng xoay xở được ngày 3 bữa cho 2 con với cơm rau nhiều hơn thịt cá.

Mùa mưa đến, 3 cha con ông co ro nơi túp lều bạt rộng 6m2 giữa trời đầy dông tố. Mùa nắng đến, ông phải đi xa chở từng can nước múc từ các ao tù để đem về lắng, lọc cho 2 con tắm gội. Tuy vậy, trong túp lều nhỏ của ông lúc nào cũng có sẵn chanh, gừng, thuốc trị cảm sốt cho các con.

Ngày bé Linr lên lớp 9, bé Thảo học lớp 5, thương cảnh cha con ông Hai Xương sống cô đơn nơi vườn rẫy, chính quyền xã Thiện Tân đã mời ông về làm bảo vệ Trung tâm văn hóa - thể thao xã Thiện Tân để tiện bề cho 2 con của ông có chỗ ở và học tập tử tế. Đó là năm 2008, lần đầu tiên các con ông được ở nhà xây, ngồi học dưới ánh điện và được sự cưu mang nhiều hơn từ chính quyền, các đoàn thể cho đến ngày 2 con ông tốt nghiệp THPT.

Tuổi 70, ông Hai Xương không còn đảm đương công việc bảo vệ cho Trung tâm văn hóa - thể thao xã; 2 con ông đã khôn lớn, đủ sức đi làm để nuôi cha nên ông dời về ấp Ông Hường ở trọ. Gặp được chủ nhà trọ Nguyễn Thanh Tuấn tốt bụng, cha con ông không chỉ được ở trọ miễn phí mà còn được chủ nhà trọ trả thêm một phần thù lao vì ông Hai Xương đã giúp chủ nhà trọ quán xuyến công việc trong, ngoài.

“Nếu không có sự giúp đỡ của chủ rẫy Ba Thuận và người dân địa phương, cha con tui không có được như ngày hôm nay” - ông Hai Xương bộc bạch và nhìn xa xăm về hướng cái chòi rẫy năm xưa - một thời tủi khổ và đầy nước mắt của cha con ông.

* Ấm lòng nơi xóm trọ

Xuất thân từ người nghèo nên chủ nhà trọ Nguyễn Thanh Tuấn (ở ấp Ông Hường, xã Thiện Tân) luôn biết chia sẻ những khó khăn của người ở trọ. Ngoài việc xây dựng khu nhà trọ văn minh - văn hóa, ông Tuấn còn tạo điều kiện cho các tổ chức, đoàn thể của xã Thiện Tân xây dựng các chi hội phụ nữ, thanh niên tại khu nhà trọ của mình và tạo việc làm thêm cho những công nhân ở trọ vào những ngày nghỉ cuối tuần.

Là người đầu tiên ở khu nhà trọ KP.5, phường Bửu Long (TP.Biên Hòa) hành nghề bán cá viên chiên, ông Út Sang (quê tỉnh Trà Vinh) rất rành công việc này nên sẵn sàng giúp đỡ việc làm ăn cho những người đến sau.

Ông Út Sang bộc bạch, nghề bán cá viên chiên cũng tranh cạnh, kèn cựa nhau đủ điều. Chuyện người mới vào nghề bị người đi trước giành chỗ bán, vô cớ gây gổ là điều không tránh khỏi. Cũng nhờ sự giúp đỡ của ông Út Sang, 6 người đồng hương mới đến thuê trọ đã sớm ổn định công việc.

Chị Ba Bình (ở cùng khu nhà trọ với ông Út Sang) cho biết vợ chồng chị chân ướt chân ráo về đây thuê trọ và đi bán cá viên chiên được 5 tháng. Nhờ sự giúp đỡ của ông Út Sang và những người đi trước mà chị cảm thấy ấm lòng. “Ở đây tụi tui coi nhau như anh em thân thích. Khi một người ở khu nhà trọ gặp khó khăn thì mọi người đến hỏi thăm, tìm cách giúp đỡ nên bớt nhớ quê, nhớ nhà” - chị Ba Bình nói.

Còn với những người miền Tây Nam bộ ở khu nhà trọ của bà Ba Thu (ấp 2, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu), tình đồng hương luôn khắng khít. Bà Sáu Mai (quê tỉnh An Giang) bày tỏ khi chồng bà bị tai nạn giao thông qua đời, những người ở chung khu nhà trọ của bà Ba Thu đã chung tay giúp bà đưa linh cửu chồng về quê an táng, làm bà rơi nước mắt. Nhờ sự cưu mang của mọi người trong khu nhà trọ, bà gắng gượng ở lại làm việc để đứa cháu mồ côi của bà được tiếp tục việc học hành.

Khoảng năm 2000, lâm vào cảnh thất nghiệp, những người chuyên nghề cắt lúa, chăn vịt mướn ở các tỉnh: An Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ… dạt về xã Trị An làm công nhân gỗ, làm thuê cho dân trong vùng ngày một nhiều và hình thành nên nhiều xóm nhà trọ.

Chủ nhà trọ Ba Thu cho biết những tháng công ty có ít việc thì họ tỏa đi khắp nơi làm thuê đủ thứ việc, như: chặt mía, làm nghề rừng, bào mì... để sống đắp đổi qua ngày. Tuy cuộc sống còn khó khăn, nhưng họ vẫn sống với nhau rất nghĩa tình.

Dù 70 phòng trọ của gia đình ông Út Chín (ấp 3, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) đã có đủ người thuê ở, nhưng nhiều công nhân khác vẫn chờ những người cũ chuyển đi để đến thuê. Lý do người lao động thích thuê nhà trọ của ông Út Chín, theo ông Nguyễn Nành (quê tỉnh Quảng Trị), một phần vì ông Út Chín cho thuê giá rẻ, an ninh trật tự nơi nhà trọ tốt; phần vì chủ nhà trọ yêu quý, xem người ở trọ như con cháu trong nhà nên ai cũng mến. “Tha hương kiếm tìm được công việc ổn định và tình người ấm áp nơi đất khách, chúng tôi càng cố gắng lao động, dành dụm để sau này tậu được mái nhà nhỏ cho riêng mình ở đây làm quê hương thứ 2” - ông Nành nói.

Sự dong dài của chúng tôi làm anh Phạm Công Diệp (quê tỉnh Bình Định, ở trọ tại ấp Ông Hường, xã Thiện Tân) nóng ruột vì anh phải vào bệnh viện thăm người bạn cùng dãy trọ bị tai nạn. “Được sự động viên của anh Tuấn chủ nhà trọ nên những người thuê trọ ở đây xem nhau như người thân và tự đặt ra cái “lệ”, khi có người ở chung dãy trọ gặp chuyện không may thì tập thể có trách nhiệm thăm hỏi, giúp đỡ” - anh Diệp cho biết.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều