Nhắc đến thương binh hạng 2/4 Phạm Xuân Hìu (ngụ ấp 1, xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ), người dân địa phương đều quý trọng nghị lực của ông. Từ 2 bàn tay trắng, ông đã chăm chỉ lao động để vươn lên trong cuộc sống, đồng thời đóng góp cho các phong trào của địa phương.
Nhắc đến thương binh hạng 2/4 Phạm Xuân Hìu (ngụ ấp 1, xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ), người dân địa phương đều quý trọng nghị lực của ông. Từ 2 bàn tay trắng, ông đã chăm chỉ lao động để vươn lên trong cuộc sống, đồng thời đóng góp cho các phong trào của địa phương.
Ông Phạm Xuân Hìu cùng vợ xem lại hình kỷ niệm. |
Năm 1955, khi mới 18 tuổi, ông Hìu đã đăng ký tòng quân, cùng đồng đội vượt Trường Sơn vào miền Nam chiến đấu trong đội hình Trung đoàn 262 độc lập của Miền. Cuối tháng 4-1975, chỉ trước ngày giải phóng Sài Gòn vài ngày, ông giẫm phải mìn và bị thương, phải cưa chân ngay tại chiến trường. Sau đó, do mất liên lạc với đơn vị gần 1 năm nên phải đến năm 1976 ông mới được đơn vị cũ quay về đón, cấp giấy chứng nhận và trở về quê.
* Vượt qua nghịch cảnh
“Cuộc sống ở làng quê những năm đầu đất nước thống nhất rất khó khăn. Tôi mất một chân nên gánh nặng gia đình dồn hết lên vai vợ. Ruộng đất ngoài Bắc gia đình đã cày cấy nhiều năm, mà đất thì không “nở” ra, sản lượng không tăng lên được. Hơn 10 năm làm ruộng ở quê, suy đi tính lại đến năm 1988 tôi quyết định đưa cả gia đình vào miền Nam đi kinh tế mới” - ông Hìu kể lại.
Thập niên 80 của thế kỷ 20, bạn bè và họ hàng của ông Hìu vào miền Nam đi kinh tế mới rất nhiều, ông là một trong những người đi sau của làng. Với một chân gỗ đi lại khó khăn, ông đưa vợ con vào Nông trường Sông Ray lập nghiệp. Nơi vùng đất mới, với 2 bàn tay trắng, ông Hìu bắt đầu cày cuốc, trồng hoa màu, sống bằng vốn kiến thức làm nông đã học được từ khi còn nhỏ. Bắp, đậu, lúa…, ông đều đã trồng qua.
Ông Phạm Xuân Hìu (bìa trái) ôn lại kỷ niệm thời chiến với các cựu chiến binh trong ấp 1, xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ). |
Với 1 hécta đất ban đầu, gia đình ông Hìu đã chăm chỉ lao động và chắt chiu dành dụm. Đến nay, ông đã tạo lập được 2,4 hécta đất, xây dựng được nhà cửa khang trang, lo cho 3 người con lập gia đình, có đời sống riêng.
“Ngày mới về đây, đất đai được một đơn vị bộ đội đóng quân từ trước đó dọn bằng phẳng, không còn rừng như xưa nên chúng tôi cũng dễ canh tác. Cả gia đình tôi cùng nhau làm nông rồi tích lũy dần dần cũng khá lên. Lúc mới lập nghiệp, ai cũng khó khăn, điện không có, nước không có, nhưng mọi người sống đoàn kết, giúp đỡ nhau. Có những người lúc đầu chỉ có 2 bàn tay trắng mà giờ có công ty riêng, con cái du học; người kém hơn cũng có nhà cửa khang trang. Tất cả đều nhờ sự nỗ lực, vượt qua khó khăn ban đầu, chứ đây là vùng kinh tế mới, làm gì có ai mới đến đã giàu ngay đâu” - ông Hìu tâm sự.
* Nhiệt huyết với cộng đồng
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Bí thư Chi bộ ấp 1, xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ), đánh giá ông Phạm Xuân Hìu là một thương binh giàu nghị lực, biết vượt qua nghịch cảnh, vươn lên từ 2 bàn tay trắng trên vùng đất mới. Ông còn là người bộc trực, thẳng thắn và hết lòng vì các hội viên cựu chiến binh, vì cộng đồng nên được bà con lối xóm thương yêu, quý trọng. |
Việc đi lại khá khó khăn nhưng trong 10 năm làm Trưởng ấp 1 (ngay khi vừa tách xã Sông Ray và Lâm San, 1994-2004), ông Hìu vẫn rất nhiệt tình, xông xáo, luôn tìm đến người dân trong ấp chứ không để mọi người tìm đến ông nhờ vả điều gì. Ấp 1 là khu vực có nhiều dân nhập cư từ các vùng miền khác nhau, mỗi gia đình đến đây lập nghiệp lại mang theo phong tục, tập quán, cách ứng xử của quê mình nên việc xử lý tranh chấp giữa họ rất phức tạp. Lấy tình làng nghĩa xóm để giải quyết những tranh chấp, ông Hìu thường nghe mọi người giãi bày để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn nhất mà không làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa các hộ dân.
Ông Hìu cho hay: “Được mọi người bầu làm trưởng ấp, tôi đã dành nhiều thời gian xem xét tình hình đời sống người dân, những khó khăn trong công tác để tìm hướng giải quyết phù hợp. Muốn làm tốt vai trò trưởng ấp trước hết phải nắm được tâm tư, tình cảm của người dân nên tôi đã đến từng nhà thăm hỏi về đời sống, kinh tế, nguyện vọng của họ. Thông qua những buổi họp, tuyên truyền và qua các tổ trưởng nhân dân, tôi có thể thông tin đến người dân những việc cần phải làm và cũng từ đó tiếp thu ý kiến phản hồi của mọi người”.
Theo ông, để làm tốt công tác ở ấp, điều đầu tiên phải có uy tín trong lòng người dân, làm việc gì cũng công khai minh bạch và có trách nhiệm với lời nói của mình trước mọi người.
Ông chia sẻ, sự tin tưởng, hài lòng của người dân chính là thước đo chính xác nhất về những gì mình là đã làm được. Làm mười điều tốt chưa chắc mọi người nhớ, nhưng chỉ cần sơ sẩy làm một điều sai sẽ bị mất lòng tin của dân. Vì vậy, khi được dân trong ấp tin tưởng, khi có việc dân nhờ đến mình, dù ngày hay đêm ông đều nhanh chóng có mặt, không thể phụ lòng tin của mọi người.
Bên cạnh đó, ông Hìu còn là người sống thẳng tính, sẵn sàng nói thẳng, lại là cựu chiến binh, thương binh nên người dân trong ấp ai cũng quý ông. Ông nhớ lại, có nhiều lần đêm hôm mưa gió, những gia đình có việc cãi nhau, bà con trong ấp lại gọi ông đến giải quyết. Thấy ông chân thấp chân cao bước vào nhà, tiếng cãi nhau trong nhà họ lập tức im bặt.
Do tuổi đã cao, vết thương ở chân bị thương thường trở đau, việc đi lại khó khăn hơn, nên vào năm 2012 ông Hìu thôi làm việc ở UBND xã Lâm San để về nhà trông coi nhà cửa, phụ vợ việc nhà. Mỗi ngày, ông đều dậy từ sáng sớm để lo chuyện cơm nước, chẻ củi nấu ăn, rồi làm những việc nhẹ trong nhà để cho vợ yên tâm lo việc ngoài rẫy.
Ông Hìu chia sẻ: “Dù các con đã có gia đình riêng, nhưng không vì thế mà vợ chồng tôi tự cho bản thân nghỉ ngơi, trễ biếng mà vẫn phải tiếp tục làm lụng, vừa có sức khỏe khi về già vừa có đồng ra đồng vào tiêu xài mà không phải phụ thuộc các con”.
Đăng Tùng