Báo Đồng Nai điện tử
En

Phải mạnh tay với những "hung thần" xa lộ (tiếp theo)

10:05, 14/05/2017

Lần lượt trạm cân cố định đến lưu động được cơ quan chức năng đưa vào sử dụng để kiểm soát tải trọng các phương tiện, nhằm hạn chế tình trạng xe quá tải làm hư hỏng cầu, đường.

Lần lượt trạm cân cố định đến lưu động được cơ quan chức năng đưa vào sử dụng để kiểm soát tải trọng các phương tiện, nhằm hạn chế tình trạng xe quá tải làm hư hỏng cầu, đường. Thế nhưng, hoạt động của một số trạm cân thời gian qua chưa thể là giải pháp hiệu quả để ngăn chặn tình trạng xe quá tải lưu thông trên các tuyến đường.

Bài 2: Khi trạm cân hết “nóng” trên quốc lộ

Tháng 4-2014, khi trạm cân lưu động bắt đầu đưa vào hoạt động, người dân hy vọng sẽ dẹp triệt để nạn xe quá tải. Bởi, xe quá tải hoành hành không chỉ làm hư hỏng đường sá, mà còn phóng nhanh, vượt ẩu còn làm rơi vãi đất, đá gây nguy hiểm cho người đi đường.

Trốn Trạm cân Dầu Giây, xe tải ben chở vun ngọn, chạy với tốc độ cao trên đường 762 qua huyện Trảng Bom.
Trốn Trạm cân Dầu Giây, xe tải ben chở vun ngọn, chạy với tốc độ cao trên đường 762 qua huyện Trảng Bom.

* Èo uột trạm cân

Không chỉ tại Đồng Nai, mà lâu nay xe chở quá tải đưc coi là “căn bệnh” khó chữa của nhiều địa phương. Hậu quả của tình trạng chở quá tải rất nghiêm trọng, đe dọa đến sự an nguy của người tham gia giao thông và phá hoại tài sản của đất nước.

Sau nhiều lần khảo sát, trạm cân kiểm tra tải trọng lưu động đầu tiên của Đồng Nai được đặt tại km25 quốc lộ 51, đoạn thuộc xã Long Phước (huyện Long Thành).

Theo các lực lượng chức năng, đây là đoạn đường trọng điểm có nhiều xe tải khắp nơi đổ về, các xe tải ben chở vật liệu xây dựng quá tải hoạt động rầm rập.

Để trạm cân phát huy hết “tác dụng” , lực lượng phối hợp giữa thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông 2 huyện Nhơn Trạch và Long Thành còn chốt chặn ở một số tuyến đường để ngăn chặn xe quá tải trốn trạm cân lưu động.

Tuy nhiên, do một số nguyên nhân, trạm cân xe nhiều lần phải ngưng hoạt động để sửa chữa, kiểm định lại thiết bị theo quy định. Đến tháng 2-2017, cảnh sát giao thông rút khỏi lực lượng kiểm tra tải trọng liên ngành, chỉ còn thanh tra giao thông làm nhiệm vụ, dẫn đến sự lúng túng trong kiểm soát xe quá tải do thiếu lực lượng chính có chức năng dừng xe.

Trạm cân kiểm soát tải trọng lưu động đặt trên quốc lộ 51 trước đây.
Trạm cân kiểm soát tải trọng lưu động đặt trên quốc lộ 51 trước đây.

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, xe quá khổ quá tải đã tái hoạt động. Nhiều xe ben, xe tải thùng chở vượt quá thành xe mà không hề che chắn cẩn thận, chạy với tốc độ cao, thực sự là nỗi ám ảnh với người đi đường. Dường như hoạt động của trạm cân lưu động vẫn chưa phải là giải pháp hiệu quả ngăn chặn tình trạng quá tải hiện nay.

Ngay đến Trạm cân Dầu Giây, sau thời gian dài “tuyên chiến” với tình trạng xe quá tải hoạt động rầm rộ trên quốc lộ 1 thì theo đánh giá Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục đường bộ Việt Nam), hiệu quả hoạt động của trạm cân đã giảm mạnh. Thời gian gần đây, xe quá tải không còn tập trung vào kiểm tra tải trọng, làm ảnh hưởng đến năng suất hoạt động của trạm cân.

Nguyên nhân là do vị trí trạm cân nằm ngay thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom), gần Khu công nghiệp Bàu Xéo, có nhiều đường nhánh, đường ngang dễ dàng để xe quá tải né trạm đi vào. Chưa kể, những chiếc xe tải trọng lớn luôn tìm cách trốn tránh việc kiểm tra tải trọng tại Trạm cân Dầu Giây bằng cách đi vào đường tỉnh 762, từ quốc lộ 20 về huyện Trảng Bom, phần nào khiến trạm cân lâm vào cảnh “ế khách” hơn.

Ông Nguyễn Hồng Thái, Phó trưởng Trạm cân Dầu Giây, cho hay thực hiện quy chế phối hợp giữa các bên, gồm: trạm cân, cảnh sát giao thông và lực lượng quân sự, trong tháng 1-2017, tổng số xe vào cân tĩnh ở Trạm cân Dầu Giây là 2.549, lập biên bản 50 trường hợp quá tải; trong tháng 2-2017 có 2.711 xe vào cân thì phát hiện 81 xe vi phạm.

Tuy nhiên, theo ông Thái, đây mới chỉ là “phần nổi” của tình trạng xe quá tải “né” trạm cân. Bởi, trong tháng 1-2017, lực lượng cảnh sát giao thông Công an huyện Trảng Bom đã phát hiện và đưa 2 xe tải đến kiểm tra tải trọng tại đây. Sau khi đưa vào cân, kết quả cho thấy 1 xe quá tải trục hơn 98%, quá tải cầu đường gần 58,7% và quá tải thiết kế đến 152,5%.

“Trạm cân dự kiến sẽ di dời sang vị trí giáp ranh giữa Bình Thuận với Đồng Nai, nhưng thời gian cụ thể còn chưa được xác định” - ông Thái nói.

* Dời trạm cân về mỏ đá

Ông Dương Mạnh Hưng, Chánh thanh tra giao thông (Sở Giao thông - vận tải), cho biết trước đây trạm cân lưu động dành để kiểm soát tải trọng xe trên quốc lộ 51. Ngay khi lực lượng liên ngành rút đi, trạm cân được lực lượng thanh tra giao thông đưa về kiểm soát tải trọng trên quốc lộ 1K.

Mới đây, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trạm cân lưu động đã đưa về đặt trên đường Võ Nguyên Giáp, đoạn gần khu vực mỏ đá Tân Cang (xã Phước Tân, TP.Biên Hòa). Thanh tra giao thông tỉnh gần như dồn hết quân số nhằm xử lý, chấn chỉnh tình trạng xe quá tải; phương tiện chở vật liệu xây dựng không đảm bảo an toàn, kéo theo bùn đất gây ô nhiễm môi trường.

Mỗi ngày, khu vực mỏ đá Tân Cang có trên 3 ngàn lượt xe di chuyển, nên việc kiểm tra tải trọng xe không đơn giản. Hiện tại, đường Chu Mạnh Trinh, đoạn tiếp giáp với đường Võ Nguyên Giáp, đã được sửa chữa xong; xe tải ben từ mỏ đá buộc phải di chuyển trên tuyến đường này để ra đường Võ Nguyên Giáp.

Hàng ngày, lực lượng chức năng tổ chức trực chốt tại khu vực ngã tư đường vào Tân Cảng với đường Cống Lỡ. Ghi nhận của cơ quan chức năng cho thấy, đến thời điểm hiện tại hầu hết các xe tải ben xuất phát từ mỏ đá Tân Cang đều chấp hành tốt việc chở hàng đúng tải trọng cho phép.

Trước khi trạm cân lưu động dời về đường Võ Nguyên Giáp, chỉ riêng tháng 3-2017, đã có 107 trường hợp chở quá tải ở đây bị lập biên bản. Hầu như tất cả xe được yêu cầu vào kiểm tra bằng cân xách tay đều vi phạm chở quá tải.

“Trạm cân lưu động không còn hoạt động trên quốc lộ 51, nhưng lực lượng thanh tra giao thông vẫn dùng cân xách tay để kiểm tra tải trọng xe trên các tuyến đường trọng điểm và các khu vực có mỏ vật liệu xây dựng, như: đường vào ấp Thiên Bình, quốc lộ 1K, đường tỉnh 768…, với quyết tâm xử lý nghiêm việc chở quá tải” - ông Hưng cho hay.

Võ Nguyên

Bài 3: Bao giờ trị tận gốc “bệnh” chở quá tải

Tin xem nhiều