Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh từng khẳng định việc xử lý triệt để vấn đề xe chở quá tải không hề đơn giản; các địa phương, các ngành chức năng cần kiên quyết hơn nữa khi xử lý các trường hợp vi phạm, không khoan nhượng với bất cứ đối tượng nào, vì hậu quả của việc chở quá tải rất nghiêm trọng.
[links()] Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh từng khẳng định việc xử lý triệt để vấn đề xe chở quá tải không hề đơn giản; các địa phương, các ngành chức năng cần kiên quyết hơn nữa khi xử lý các trường hợp vi phạm, không khoan nhượng với bất cứ đối tượng nào, vì hậu quả của việc chở quá tải rất nghiêm trọng.
Bài cuối: Bao giờ trị tận gốc “bệnh” chở quá tải
Không ít chủ cơ sở, bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng hiện chưa chấp hành nghiêm việc bốc xếp hàng hóa, cố tình vi phạm khiến việc xử lý còn nhiều khó khăn.
Lực lượng thanh tra giao thông kiểm tra xe tải ben chở vật liệu xây dựng trên đường Võ Nguyên Giáp sau khi trạm cân lưu động được đưa về đây. |
* Chỉ mới “cắt được ngọn”
“Từ khi trạm cân lưu động rút đi, hàng ngày trên quốc lộ 51 có rất nhiều xe tải ben chở đá vun ngọn trên các thùng xe, vi phạm an toàn giao thông trên đường. Người dân rất lo khi đối đầu với các “hung thần xa lộ” - một người dân ngụ xã Long Phước (huyện Long Thành) chia sẻ. |
Để xử lý dứt điểm, rốt ráo tình trạng xe chở quá tải không phải đơn giản. Bởi, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Trương Quang Nghĩa, ngoài kết quả đạt được như hiện nay thì vẫn còn khoảng 10% xe chở quá tải chưa được ngăn chặn, vẫn tồn tại do có người “chống lưng”. Mới đây, 4 thanh tra giao thông của Sở Giao thông - vận tải Quảng Bình bị xử lý vì nghi vấn nhận tiền bảo kê xe quá tải.
Ông Nghĩa còn cho rằng lực lượng liên ngành giữa cảnh sát giao thông với thanh tra giao thông vừa qua làm việc rất hiệu quả trong kiểm soát xe quá tải. Tuy nhiên, khi dừng sự phối hợp này thì việc kiểm soát tải trọng xe gặp lúng túng và khó khăn. “Bộ Giao thông - vận tải yêu cầu lực lượng thanh tra giao thông các địa phương, Tổng cục Đường bộ Việt Nam “xốc” lại lực lượng, quyết tâm ngăn chặn tình trạng xe chở quá tải đang có nguy cơ bùng phát trở lại. Ngoài ra, cũng cần tổ chức lại lực lượng liên ngành xử lý xe chở quá tải” - ông Nghĩa nhấn mạnh.
Tại Đồng Nai, theo Ban An toàn giao thông tỉnh, sau thời gian ra quân kiểm tra, xử lý thì tình trạng xe quá tải trên địa bàn tỉnh đã giảm 92%. Một số tuyến đường lâu nay có xe tải ben chở vật liệu xây dựng hoạt động mạnh, như: Bùi Hữu Nghĩa, Đinh Quang Ân, Võ Nguyên Giáp, tỉnh lộ 768…, hiện đa số các xe tải ben đã tiến hành chở hàng bằng với mép thùng. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, việc chở quá tải vẫn “lòi” ra, bởi kích cỡ mỗi thùng xe không giống nhau. Chưa kể, một số trường hợp nhìn bên ngoài việc chấp hành khá nghiêm, các chủ xe thường phủ kín bạt, nhưng khi kéo lớp bạt ra có thể thấy hàng hóa được chất cao hơn giới hạn cho phép.
Không ít trường hợp sau khi kiểm tra nhìn bằng mắt thường bên ngoài không thấy xe chở hàng vun ngọn, nhưng thực tế các xe này chất hàng hóa lại cao hơn mép thùng khoảng 20-30cm; nếu đem cân tại chỗ chắc chắn vi phạm chở quá tải trọng. Bởi các loại đá xây dựng rất nặng, chỉ cần chở hơn nửa thùng xe thì xe đã đủ tải trọng quy định.
* “Thuốc” chữa “bệnh” chở quá tải
Tính đến ngày 11-5, lực lượng thanh tra giao thông tỉnh đã kiểm tra 37.428 lượt xe, lập biên bản vi phạm hành chính quá tải, quá khổ 786 vụ; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 322 trường hợp với số tiền 8,1 tỷ đồng. Đáng chú ý, mức phạt vi phạm tăng cao là do xử phạt vi phạm về trục xe, áp dụng theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP xử phạt cùng lúc các vi phạm về tải trọng xe, tải trọng thiết kế và cầu đường.
Thượng tá Đặng Thế Trung, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh, nhấn mạnh tuy không tiếp tục phối hợp liên ngành tại trạm cân lưu động, nhưng lực lượng cảnh sát giao thông ngoài việc đảm bảo công tác trật tự an toàn giao thông, còn chú trọng tăng cường công tác xử lý xe vi phạm chở quá tải.
Thực tế, thời gian qua, các giải pháp, như: tái lập lực lượng liên ngành chống xe chở quá tải, đưa trạm cân kiểm soát tải trọng xe về điểm “nóng”, hay xây đường chuyên dụng cho xe chở vật liệu xây dựng…, dường như chỉ là cách làm tình thế, mới giải quyết được “phần ngọn” của vấn đề. Về lâu dài, nhằm trị tận gốc “bệnh” chở quá tải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh đã chỉ đạo Sở Giao thông - vận tải phối hợp Sở Tài nguyên - môi trường có biện pháp buộc các chủ mỏ vật liệu xây dựng phải đăng ký phương tiện vận chuyển và ký cam kết không chở quá tải; nếu mỏ vật liệu xây dựng nào vi phạm thường xuyên thì yêu cầu tạm đình chỉ khai thác.
Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng giao cho Ban An toàn giao thông tỉnh khẩn trương triển khai đề án xây dựng hệ thống truyền nhận dữ liệu và quản lý tải trọng phương tiện tại các mỏ vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh để giám sát việc vận chuyển ngay tại bến có quá tải hay không?
Theo đó, người vận tải (cá nhân, tổ chức sử dụng xe ô tô để vận tải hàng hóa) hoặc chủ bến bãi tại 22 mỏ đá trên địa bàn tỉnh phải có trách nhiệm cung cấp thông tin đặc điểm của hàng hóa, giới hạn trọng tải cho phép của xe, tải trọng và khổ giới hạn của cầu, đường trên toàn tuyến vận chuyển cho các ngành chức năng. Từ đây, thông tin sẽ truyền về một đầu mối, lực lượng chức năng dựa vào đó để giám sát việc thực hiện. Nếu thấy vi phạm về chở quá tải sẽ kiểm tra và xử lý tại chỗ. Đây được coi là giải pháp hiệu quả và khả thi nhất khi UBND tỉnh quyết tâm trị tận gốc “bệnh” chở quá tải.
Không khoan nhượng với chở quá tải đồng nghĩa với việc kiên quyết ngăn chặn tình trạng xe chở quá tải phá hoại kết cấu hạ tầng giao thông, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải. Bên cạnh đó, kiểm soát tải trọng phương tiện còn là biện pháp nhằm kéo giảm tai nạn giao thông, đảm bảo giao thông an toàn và thông suốt.
Võ Nguyên