Nuôi kiến xanh lấy dịch tạo trầm, dẫn dụ kiến vàng về vườn để diệt sâu bọ, phát triển ca cao sạch… là những mô hình nuôi kiến mang lại hiệu quả kinh tế cao của một số nông dân ở Đồng Nai.
Nuôi kiến xanh lấy dịch tạo trầm, dẫn dụ kiến vàng về vườn để diệt sâu bọ, phát triển ca cao sạch… là những mô hình nuôi kiến mang lại hiệu quả kinh tế cao của một số nông dân ở Đồng Nai.
Ông Đoàn Văn Le (xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom) nuôi hàng ngàn tổ kiến vàng trong vườn ca cao để diệt sâu bọ. Ảnh: H.Quân |
Nhờ nuôi loài kiến xanh để kích thích cây dó bầu tạo ra trầm hương, ông Trương Thanh Khoan (ngụ xã Phú Sơn, huyện Tân Phú) thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.
* Nuôi kiến tạo trầm
Thử nghiệm kiến đen Theo TS.Phạm Hồng Đức Phước, kiến vàng hay còn gọi là kiến bống là loài không gây hại cho cây trồng và là thiên địch của nhiều loại côn trùng gây hại. Tuy nhiên, loại kiến này có những điểm đặc thù như khó chia đàn, những đàn mạnh sẽ “ăn hiếp” và đuổi đàn kiến yếu hơn đi để độc chiếm lãnh địa. Do đó, nếu nông dân muốn phát triển đàn kiến mới cho vườn cần phải bố trí không gian nuôi phù hợp, tránh xung đột đàn. Hiện tại, TS.Phước đang thử nghiệm việc nuôi kiến đen để phòng trừ sâu bệnh cho vườn ca cao của mình ở huyện Tân Phú. Kiến đen thường dễ phân bố mật độ hơn và cách đuổi côn trùng chỉ thông qua mùi nước tiểu mà không cần tấn công. |
Năm 1979, với gia cảnh nghèo lại đông anh em, một mình ông Khoan đã lặn lội khắp các khu rừng ở Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng, có khi ra tận các khu rừng miền Trung và sang cả Lào để tìm trầm hương. Lượng trầm tự nhiên ngày càng hiếm, thu nhập từ buôn bán trầm trầm hương ngày càng giảm, ông Khoan trở về với nghề nông, chuyển qua trồng quýt để phát triển kinh tế gia đình.
Đến năm 2000, khi điều kiện sống đã ổn định, ông mới mạnh dạn đầu tư vốn để trồng hàng ngàn cây dó tạo trầm. Theo kinh nghiệm đi rừng của ông, những cây dó lâu năm thường tích tụ tạo thành khối trầm lớn. Đặc biệt, thân cây dó khi bị đục khoét sẽ tạo chất nhựa để bảo vệ vết tích đó, rồi tích tụ thành trầm. “Điểm đáng lưu ý là trong những vết đục khoét này, tôi phát hiện có khá nhiều tổ kiến bám vào và sinh sôi thành đàn. Từ đó, tôi quyết định theo dõi đàn kiến và mang khúc thân dó bị kiến đục ấy về nhà đốt thử thì thấy có trầm thơm, chất lượng khá tốt” - ông Khoan kể.
Các cây dó tạo trầm thành phẩm nhờ các chế phẩm từ kiến và vi sinh của ông Trương Thanh Khoan (xã Phú Sơn, huyện Tân Phú). |
Sau này, ông Khoan biết được loài kiến đó là kiến xanh, có hình dạng tương tự với loài kiến ba khoang. “Kiến xanh khá hung dữ, khi bị đe dọa tới nơi sống sẽ phát ra chất dịch; càng tác động mạnh, kiến tiết dịch càng nhiều.Chất dịch này có tác dụng kích thích “vết thương” ở cây dó, tạo ra trầm” - ông Khoan nói.
Ông chính thức nghiên cứu và nuôi kiến xanh để sản xuất chế phẩm tạo trầm cây dó bầu từ năm 2010. Hiện nay, trang trại nuôi kiến của ông nằm ở tỉnh Lâm Đồng với hơn 20 thùng nuôi. Ông Khoan chia sẻ: “Quá trình thử nghiệm và tiến hành nuôi kiến tập trung gặp khá nhiều khó khăn, nhất là việc tìm hiểu tập tính của loài kiến này. Về nguồn thức ăn, tôi hoàn toàn chủ động từ mật mía, cám ngô, nước dừa... Bên cạnh đó, tôi thường xuyên phải theo dõi để tách đàn vì loài kiến này rất hiếu chiến. Chất dịch cũng cần được thu một cách khoa học. Hiện chúng tôi thường dùng bỉm trẻ em để thu dịch, trung bình mỗi thùng kiến cho ra 8-10 lít dịch/tháng. Có điều khi thu hoạch, sử dụng phải hết sức lưu ý, cần hạn chế để dịch này tiếp xúc vào vết trầy, vết thương vì có thể gây mưng mủ”.
Theo ông Khoan, chế phẩm sinh học tạo trầm từ kiến an toàn, không độc hại với môi trường. Tùy theo thời gian trồng, trung bình khi cây dó bầu 1 năm tuổi sẽ cho ra trầm loại 5, nếu để lâu hơn và bơm thêm chế phẩm từ kiến theo thời gian phù hợp có thể cho trầm loại 4 hoặc loại 3. Giá trầm loại này từ 3-5 triệu đồng/kg. Có 6 loại trầm từ 1-6, trong đó loại 1 là tốt nhất. Hiện nay, ông còn có loại chế phẩm tạo trầm bằng vi sinh. Vườn cây dó bầu hiện tại của ông Khoan có hơn 2 ngàn cây đang trong giai đoạn khai thác tạo trầm và hàng ngàn cây nhỏ đang sinh trưởng.
Năm 2012, đề tài “Chế phẩm kích thích cây dó để tạo trầm hương” của ông Trương Thanh Khoan đoạt giải nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai và giải khuyến khích Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ XII (2012-2013). Tháng 6-2014, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - công nghệ) đã cấp bằng độc quyền sáng chế cho ông Khoan về “Phương pháp tạo chế phẩm vi sinh kích thích cây dó để tạo trầm hương”. Ông cũng được đề nghị xét tặng Huân chương Lao động hạng ba vào năm 2016. |
* “Đội quân” kiến vàng của ông Mười Le
Mô hình nuôi kiến vàng diệt sâu bọ được ông Đoàn Văn Le (tên thường gọi Mười Le, ở xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom) áp dụng hơn 10 năm nay. Khoảng năm 2007, ông Le được TS.Phạm Hồng Đức Phước, nguyên giảng viên Trường đại học nông lâm TP.Hồ Chí Minh, gợi ý về việc nuôi kiến vàng để diệt bọ xít muỗi ở vườn ca cao. “Lúc đầu nghe TS.Phước nói, tui đắn đo dữ lắm nhưng vì tuổi cũng đã cao, lại từng có nghe nói về nuôi kiến vàng khi còn ở Bến Tre nên tui cũng quyết tâm thực hiện. Thời gian đầu, tui chủ động ngưng phun thuốc trừ sâu, giăng dây điện từ các hàng cây chắn gió trước nhà như tràm, xoan về vườn ca cao để dẫn dụ kiến. Khoảng vài tháng sau mới có kiến bò về nhưng mật độ còn quá thưa. Khi đàn kiến chưa kịp “ra tay” thì vườn ca cao của tui đã bị bọ xít muỗi dập tơi tả, thiệt hại nặng tới 50-60%, thu nhập vườn cây bị mất trắng trong năm đó. Nhiều người cười nhạo, bảo tôi “dở người”, đang yên đang lành bày đặt đi nuôi kiến” - ông Mười Le tâm sự.
Không cam chịu thất bại, ông Mười Le dày công quan sát tập tính của loài kiến vàng. Ông nhận ra rằng lũ kiến rất kén chọn, nhất là việc tìm đường đi và nguồn thức ăn. “Kiến chỉ bò trên loại dây điện thoại cũ đã qua sử dụng, bởi loại dây này vốn đã dầm mưa dãi nắng khiến chúng “quen” mùi, còn mùi dây mới chúng không thích nên thường tránh xa” - ông Mười Le cho biết.
Khi kiến đã “an cư”, ông Mười Le lại tiếp tục đau đầu với nguồn thức ăn cho chúng để kiến không “giận” bỏ đi. “Món kiến vàng khoái nhất là ruột gà, ruột vịt với điều kiện phải tuốt hết mỡ đi vì để nguyên mỡ sẽ hôi, kiến không thích ăn. Hơn nữa, loại thức ăn này khá rẻ. Tuy nhiên, nếu ăn nhiều quá, kiến sẽ “lười vận động”, lúc đó hiệu quả diệt sâu bọ sẽ không cao. Trung bình từ 1-2 tháng tui mới cho kiến ăn, mỗi lần tầm 2-3kg ruột” - ông Mười Le nói. Từ đó, đàn kiến về vườn của ông Mười Le ngày càng đông. Đến cuối năm thứ 2 thì vườn ca cao nhà ông hầu như sạch bóng bọ xít muỗi. Ông đang áp dụng mô hình nuôi kiến này ở cả 2 vườn ca cao trồng xen sầu riêng, chôm chôm… rộng hơn 4 hécta của gia đình ở Định Quán và Trảng Bom.
Theo ông Mười Le, từ ngày nuôi kiến vàng không chỉ bọ xít muỗi trên ca cao bị diệt trừ, mà nhiều loại sâu bọ khác trên các cây ăn trái cũng bị đẩy lui và cây nào cũng cho năng suất cao. Mỗi năm, ông thu hoạch khoảng 50 tấn quả các loại với lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, ông còn tiết kiệm được hơn chục triệu đồng tiền phun thuốc và có thêm thu nhập hàng chục triệu đồng từ nấm mối. Bởi đàn kiến giúp cân bằng môi trường đất, giảm sâu bệnh, tạo điều kiện cho nấm mối phát triển vào mùa mưa.
“Mô hình này hướng tới sản xuất với chi phí thấp, ít sâu bệnh, cho năng suất cao và chất lượng tốt. Tuy nhiên, muốn dụ và nuôi kiến tốt không phải vùng nào cũng thực hiện được vì hiện nay nhiều vùng, lượng kiến đã suy giảm đáng kể do quá trình phun thuốc bảo vệ cây trồng của nông dân” - ông Le lưu ý.
Hải Quân