Cái dáng cao khều của ông Phong Sám Cầu (61 tuổi, Trưởng ấp Tân Hợp, xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom) đi tới đâu, đồng bào người Hoa ở đây đều nhận ra và cười chào thân thiện. Ông Cầu bộc bạch, để được việc cho dân, cái chân cứ bắt ông đi, cái miệng thì liên tục cười nói suốt ngày.
Cái dáng cao khều của ông Phong Sám Cầu (61 tuổi, Trưởng ấp Tân Hợp, xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom) đi tới đâu, đồng bào người Hoa ở đây đều nhận ra và cười chào thân thiện. Ông Cầu bộc bạch, để được việc cho dân, cái chân cứ bắt ông đi, cái miệng thì liên tục cười nói suốt ngày.
Ông Phong Sám Cầu (phải) được bậc cao niên người Hoa quý mến. |
Trưởng ấp Cầu không giàu, nhưng uy tín của ông sánh ngang với mấy căn biệt thự của người Hoa giàu có nằm ở mặt tiền ấp Tân Hợp. Vì vậy, các bậc cao niên người Hoa trong ấp bầu chọn ông là người uy tín của cộng đồng.
* Lo chuyện “bao đồng”
Ông Trần Văn Nhơn, Phó chủ tịch UBND xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom), cho biết trong việc vận động cộng đồng người Hoa vào các phong trào của địa phương thì tiếng nói của người có uy tín trong cộng đồng rất quan trọng. Ông Phong Sám Cầu đã phát huy được sức mạnh cộng đồng qua các phong trào: xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nông thôn mới với vai trò trưởng ấp và người có uy tín. |
Hồ Suối Đầm ở ấp Tân Hợp được xây dựng vào năm 1994 (hiện do Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp xã Bàu Hàm quản lý). Chức năng chính của hồ là tích nước phục vụ nước tưới vào mùa khô và nuôi thủy sản. Trong quá trình tích nước vào mùa mưa, mực nước hồ Suối Đầm lấn sâu vào đất sản xuất của người dân. Để sòng phẳng với nhau, các bậc cao niên người Hoa bàn với Trưởng ấp Cầu góp ý với chính quyền và hợp tác xã theo 2 phương án: hợp tác xã phải xả đập vào mùa mưa để nước không lấn sâu vào đất sản xuất của dân; hoặc địa phương có phương án đo mực nước dâng lấn vào đất của dân để hỗ trợ, bồi thường cho dân.
Cả 2 phương án trên đều có cái ưu, cái khuyết, nhưng qua ý kiến đề xuất của các bậc cao niên, ông Cầu kịp thời trình bày với xã, huyện và được cấp trên chấp thuận. “Tích nước hồ Suối Đầm để phục vụ nước tưới cho cánh đồng Tân Hợp là hợp lý. Quá trình tích nước, có một số diện tích bị ảnh hưởng thì chính quyền có chính sách hỗ trợ kịp thời cho dân là hợp tình” - ông Cầu nói.
Vườn rau xanh tốt của bà con người Hoa ở vùng bán ngập hồ Suối Đàm. |
Phương án đo mực nước hồ Suối Đầm xâm lấn vào phần đất sản xuất của người dân làm ngập úng vào mùa mưa để hỗ trợ, bồi thường do các bậc cao niên người Hoa đề xuất tạo được tiếng nói chung nên Trưởng ấp Cầu nhẹ nhõm trong lòng. Dù không có đất ở đây, ông vẫn tay bắt, mặt mừng chia sẻ niềm vui với nông dân khi nhìn những ruộng bắp, rau củ xanh um nơi lòng hồ Suối Đầm.
Chuyện cộng đồng tạm ổn, ông Cầu quay sang lo chuyện tranh chấp cái mương nước giữa bà L. và bà U. Trước đó, vì cố tranh cái mương nước của hàng xóm mà bà U. đã làm bà L. bị xây xát tay chân.
Được Trưởng ấp Cầu phân giải, bà U. nhận ra cái sai của mình nên xin lỗi bà L. Nhờ vậy, cái mương nước giữa 2 nhà ngày càng thẳng tắp, thông thoáng và cây trồng 2 nhà không bị úng ngập nữa.
Mùa màng thất bát, ông H. buồn thúi ruột, lại bị vợ đòi ly hôn nên đến cầu cứu Trưởng ấp Cầu. Hiểu chuyện vợ chồng họ, ông Cầu chẳng cần tập hợp “ban bệ” mà lấy vai trò người uy tín do cộng đồng bầu ra khuyên giải bà M. (vợ ông H.) rằng: “Mùa màng được mất là do ông trời, chứ đâu phải chồng mày lười biếng. Năm nay ông trời lấy đi thì sang năm ông trời cho lại nếu vợ chồng mày chịu khó làm ăn. Hơn nữa, nếu vợ chồng mày bỏ nhau lúc này thì con cái khổ thêm, cộng đồng sẽ cười chê”.
Chỉ bấy nhiêu lời của ông Cầu đã sớm kết nối lại hạnh phúc cho vợ chồng ông M. và điều đáng mừng nữa là năm sau ông H.trúng mùa thật.
* Trách nhiệm từ trái tim
Về ấp Tân Hợp lập nghiệp và cưới vợ năm 1976, ông Cầu cũng như nhiều hộ dân ở đây mỗi sáng thức dậy lại nghĩ ngay đến miếng ăn nên vắt sức mà làm. Người có rẫy thì dựa vào cây đậu, bắp, chuối, thuốc lá…; còn người không có rẫy như ông Cầu thì làm đủ nghề để kiếm sống, như: thợ hồ, đào giếng, làm cỏ thuê, bán hàng ăn... Nhờ giỏi giang, có học vấn, ông Cầu được chính quyền địa phương mời làm tổ trưởng, khu trưởng rồi ấp trưởng, người có uy tín để cùng chính quyền giúp dân.
Ông Cầu tâm sự, khoảng năm 2000 trở về trước, hỏi đồng bào người Hoa ở đây về giấy tờ nhân thân, tài sản thì ai cũng nói không biết, cho dù nhà cửa, đất đai, con cái tạo dựng được đều trên ấp Tân Hợp.
Dân thiếu giấy tờ, như: khai sinh, hộ khẩu, quyền sử dụng đất… thì ông Cầu đứng ra hướng dẫn họ làm. Người biết chữ thì ông hướng dẫn vài lần là quen việc. Riêng người không biết chữ, ông phải bỏ việc nhà chạy tới chạy lui nhiều lần mới xong. Người được ông giúp nhà đất có giấy chủ quyền, vợ chồng có hôn thú, hộ khẩu, trẻ nhỏ có khai sinh…, ai cũng vui.
Bên cạnh việc hỗ trợ chính quyền lo cho người dân trong ấp hoàn tất các thủ tục, giấy tờ để dễ quản lý, làm ăn và học hành, ông Cầu còn vận động đồng bào người Hoa của ông xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, kéo điện, làm đường... “Khoảng chục năm trở lại đây, cộng đồng người Hoa ở đây rất đoàn kết, nhạy bén trong làm ăn nên cuộc sống khác xưa thấy rõ” - ông Cầu nói.
Ấp Tân Hợp nay có 420 hộ dân, trong đó đồng bào dân tộc Hoa chiếm trên 65% nhưng chỉ còn 1 hộ người Hoa nghèo/8 hộ nghèo của ấp. Cụ Lý Nhục Pẩu (81 tuổi) cho hay, sự giàu có của người Hoa nhìn nơi ở là nhận biết ngay. Nhà nào xây to, lầu cao sang trọng và thuộc hộ giàu có, có người nhà đi nước ngoài hoặc rẫy đất nhiều. Còn những nhà nhỏ hơn, cấp bốn thì rẫy ít, con cái đi làm công nhân ở các khu công nghiệp.
Cụ Pẩu là lớp người Hoa đầu tiên về ấp Tân Hợp khai khẩn từ năm 1975. Cụ Pẩu bộc bạch, người Hoa ở đây xây được nhà to, trúng mùa thì cộng đồng mừng cho họ. Tuy vậy, việc cộng đồng tìm được người trách nhiệm, uy tín, nhiệt tình như ông Cầu thật sự khó nên ông càng vui hơn.
Được cộng đồng người Hoa ấp Tân Hợp ủng hộ, chính quyền tin tưởng và kỳ vọng, vừa đi bệnh viện điều trị chứng đau dạ dày trở về, ông Cầu liền lấy xe chạy lo việc ấp, việc cộng đồng. Ông Cầu sảng khoái bộc bạch rằng ông mến những con đường vận động dân làm, những cái chào thân thiện và nhìn xem cuộc sống của người dân hôm nay có khác gì hôm qua để báo cáo cấp trên, nhằm có hướng giải quyết, khắc phục kịp thời.
Đoàn Phú