Báo Đồng Nai điện tử
En

Một đời với võ học

10:05, 17/05/2017

Với bộ đồ pijama thong dong thả bộ trên đường, ít người biết lão võ sư, lương y Trần Anh Tuấn (ngụ KP.2, phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) là Phó chưởng môn phái Lưu Việt, võ sư danh tiếng một thời. Ở tuổi 81, lão võ sư Tuấn vẫn thừa sức quật ngã một thanh niên thân thể tráng kiện.

Với bộ đồ pijama thong dong thả bộ trên đường, ít người biết lão võ sư, lương y Trần Anh Tuấn (ngụ KP.2, phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) là Phó chưởng môn phái Lưu Việt, võ sư danh tiếng một thời. Ở tuổi 81, lão võ sư Tuấn vẫn thừa sức quật ngã một thanh niên thân thể tráng kiện.

Lão võ sư, lương y Trần Anh Tuấn xem lại kỷ niệm thời trai trẻ.
Lão võ sư, lương y Trần Anh Tuấn xem lại kỷ niệm thời trai trẻ.

Theo lão võ sư Tuấn, trong võ học Việt Nam, điểm huyệt là môn quan trọng nhất. Điểm huyệt được chia làm 2 phần: điểm huyệt để trị bệnh, giải bệnh khi bị thương và điểm huyệt để đả thương hay phá vỡ kinh mạch của đối phương.

* Khổ luyện mới thành

Lão võ sư Trần Anh Tuấn cho biết các bậc tôn sư, huynh trưởng môn phái Lưu Việt hiện đã “về” với tổ sư Trần Thanh Việt. Môn phái Lưu Việt hiện chỉ còn một mình ông đảm nhiệm vị trí Phó chưởng môn thường trực, đặc trách nghiên cứu soạn thảo võ học và truyền huấn võ học tại phường Tân Hòa (TP.Biên Hòa). Tuy nhiên, từ năm 1991, lão võ sư Tuấn không còn mở lớp thu nhận môn đồ nữa. Đó chính là nỗi trăn trở lớn nhất của ông hiện nay khi đã bước vào tuổi 81.

Theo thầy học võ từ năm lên 8 tuổi, lão võ sư Trần Anh Tuấn đã được các danh sư môn phái Lưu Việt truyền dạy tất cả tinh thần võ đức, võ y và tuyệt kỹ khí công, võ thuật, y thuật. Năm 13 tuổi, ông xuất sơn, theo gia đình vào Biên Hòa sinh sống. Hiện tại, ông là môn đồ của môn phái Lưu Việt duy nhất tại miền Nam với bậc võ sư cấp 18 (đai trắng có tua). Môn đồ của ông tại TP.Biên Hòa hiện có khoảng 300 người.

Con đường khổ luyện thành tài của lão võ sư Tuấn rất gian nan. Lão võ sư Tuấn kể, để luyện cơ bụng ông phải treo ngược người trên cọc cây. Khi luyện cho cơ thể rắn chắc, ông phải ngâm mình trong nước thuốc hàng giờ. Rời bể ngâm, ông phải tắm gội tới 3 lần bằng xà phòng mới tẩy được mùi. Người luyện “Âm dương khí công” có mục đích mới có sự kiên trì, nhẫn nại để chuyên cần luyện tập. Có như vậy mới đạt được thành công, mọi gian khổ mới vượt qua được. Riêng về bộ môn kinh - mạch - huyệt, ông không ngừng khổ luyện cùng thời gian mới đạt được đỉnh cao.

Ở tuổi 81, lão võ sư Trần Anh Tuấn vẫn còn tráng kiện nhờ sự khổ luyện võ công.
Ở tuổi 81, lão võ sư Trần Anh Tuấn vẫn còn tráng kiện nhờ sự khổ luyện võ công.

Lão võ sư Tuấn cho hay cơ thể con người có trên 700 huyệt đạo, trong đó có 108 huyệt đạo quan trọng và 36 tử huyệt, khi đối phương bị đánh trúng vào tử huyệt sẽ tử vong. “Môn điểm huyệt có khuyết điểm là dễ gây ra án mạng. Do đó, người sử dụng môn này cần phải thấu triệt các phép sử dụng cho từng môn và phải hết sức cẩn thận, dè dặt” - lão võ sư Tuấn nói.

Theo lão võ sư Tuấn, người thông thạo tuyệt kỹ điểm huyệt cũng thông thạo y lý, y dược để chữa các huyệt bị đả thương. “Trong môn phái Lưu Việt có 13 vị thuốc căn bản để trị thương (tùy huyệt đạo bị đả thương mà gia giảm liều lượng các vị thuốc). Trong đó, có những điểm huyệt bị trọng thương không chữa trị được, như: não, cốt tủy, sơn căn, xương yết hầu bị gãy… Tuy vậy, có những người trúng tử huyệt với các biểu hiện, như: môi miệng không bầm tím đen, nơi tim còn chút hơi thở; móng tay không bầm tím đen, nơi tim còn ấm nóng; mắt không đứng tròng, gân còn mềm nóng…, vẫn cứu chữa được” - lão võ sư Tuấn chia sẻ.

Quá trình khổ luyện võ học, lão võ sư Tuấn luôn dựa theo nguyên lý lấy con người làm nền tảng phát huy nền võ học và đưa con người nhập thể cùng thiên nhiên mà xây dựng những kỳ công trong nội thể, kết hợp với linh khí âm dương ngũ hành để tạo thành những phương án cho sự rèn luyện tuyệt kỹ công phu…

Chính vì sự đòi hỏi kiên trì khổ luyện, sự thâm sâu của võ đức, võ y, võ công, khí công… của môn phái, những môn đồ phái Lưu Việt hiện không nhiều, võ sư cao đẳng (cấp 17, 18) rất hiếm. Ngoài lão võ sư Tuấn (bậc 18, đai trắng có tua) hiện còn sống và có con trai kế thừa (võ sư, lương y Trần Tiến Sĩ, cấp 17); các danh sư, như: Trần Văn Bôn, Nguyễn Thượng Hiện, Trần Văn Mùi (anh trai lão võ sư Tuấn), Trần Văn Môn (anh trai lão võ sư Tuấn) và Chưởng môn Trần Thế Phong (cháu nội đời thứ 2 của ông Trần Thanh Việt, tổ sư, Chưởng môn phái Lưu Việt)… đều đã mất.

* Phát huy tinh thần võ học

Trước năm 1975, võ sư Trần Anh Tuấn nổi tiếng ở TP.Biên Hòa với nhiều trận đánh bất bại với các võ sư thách đấu vì muốn tranh cao thấp. Sau năm 1975, lão võ sư Tuấn sống ẩn mình với việc bốc thuốc giúp người và mưu sinh trong một thời gian dài. Sau đó, lão võ sư mới mở lớp dạy võ cho thanh thiếu niên trong vùng và truyền bá tinh hoa môn phái Lưu Việt trở lại.

Lão võ sư Tuấn kể, sau năm 1975, ông tạm gác lại chuyện quyền cước mà chuyên tâm vào việc bốc thuốc giúp người và mưu sinh. Cho nên, người dân vùng giáo Tân Hòa (TP.Biên Hòa), Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) biết về việc ông bốc thuốc nhiều hơn là chuyện đánh đấm thời trai trẻ.

Nhờ những bài thuốc hay về đả trật, trị cảm mạo, điều trị côn trùng cắn, đốt… của lão võ sư Tuấn, người dân vùng giáo Tân Hòa và các vùng lân cận có bệnh lại tìm đến ông chữa trị. Người có tiền thì ông lấy giá rẻ nhằm kiếm chút tiền công nuôi vợ con, người nghèo khó thì ông bốc thuốc miễn phí hoặc khi nào họ có tiền thì trả cho ông cũng chẳng sao.

Với kiến thức y học, võ học được thọ học từ các bậc thầy và tự nghiên cứu thêm, lão võ sư Trần Anh Tuấn ngày này qua ngày khác đạp xe khắp các xứ đạo Biên Hòa, Gia Kiệm chữa bệnh mưu sinh. Trong cuộc mưu sinh ấy, dù có những lúc hoàn cảnh túng quẫn nhưng ông vẫn đề cao tinh thần làm phúc giúp đời. “Làm nghề thuốc cứu người giống như tinh thần võ đạo vậy; phải biết giúp người gặp nạn, bảo vệ kẻ yếu, chứ không được hành nghề y vì tiền” - lão võ sư Tuấn khẳng khái nói.

Năm 1991, lão võ sư Tuấn bị tai nạn giao thông lần thứ 2 đến “thập tử nhất sinh”, bạn bè xa gần cứ tưởng ông không qua khỏi. Tuy vậy, lão võ sư Tuấn đã kiên trì dưỡng thương trên giường bệnh tại nhà với sự giúp đỡ của vợ. Khi bệnh tình hồi phục, ông ngưng mở lớp chiêu nạp võ sinh và hành nghề bốc thuốc dạo mà tập trung vào việc truyền thụ tinh thần võ học, võ y cho con cháu. Lão võ sư Tuấn tâm sự, hiện ông gửi niềm tin, trách nhiệm lưu truyền môn phái Lưu Việt cho võ sư, lương y Trần Tiến Sĩ để làm ông già mặc pijama thong thả dạo phố.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều