Từ một xã nghèo, đời sống kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, công cuộc xây dựng nông thôn mới đã và đang tạo nên những thay đổi rõ rệt ở xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ).
Từ một xã nghèo, đời sống kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, công cuộc xây dựng nông thôn mới đã và đang tạo nên những thay đổi rõ rệt ở xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ).
Một tuyến đường nông thôn đang được xây dựng, góp phần tạo thuận lợi trong việc đi lại của người dân xã Sông Nhạn. |
Xã Sông Nhạn được thành lập trên cơ sở các đội sản xuất của Nông trường cao su Ông Quế nên người dân thường gọi là xã “Cao Su”. Bởi về Sông Nhạn, đi đâu cũng thấy cao su - loại cây một thời được coi là “vàng trắng”.
* Đi lên từ khó khăn
Xã Sông Nhạn có 8 ấp với gần 9,3 ngàn nhân khẩu. Người dân địa phương đã đóng góp gần 70 tỷ đồng cho chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó có hơn 6 tỷ đồng xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn nối liền các ấp, ngõ xóm trong xã. |
Người dân ở đây vốn là dân đi xây dựng kinh tế mới sau ngày thống nhất đất nước nên ai cũng chịu thương chịu khó. Nhưng với địa thế không được thiên nhiên ưu đãi, nhiều năm qua những con đường “xương cá” xuống cấp trải rộng khắp địa bàn xã đã ảnh hưởng không ít đến việc đi lại và phát triển kinh tế của người dân.
Ông Hoàng Mai Khánh (ngụ ấp 4) chia sẻ, gia đình ông đến Sông Nhạn lập nghiệp đã hơn 30 năm. Ngày mới đến, khu vực này là một quả đồi hoang vu và rộng lớn. Đất rộng mênh mông, đi suốt mấy cây số mới thấy vài nóc nhà lụp xụp. Một thời gian sau khi phong trào xây dựng kinh tế mới rộ lên, người dân từ khắp nơi bắt đầu đổ về đây lập nghiệp.
Tham quan vườn sầu riêng đạt năng suất cao của một nông dân xã Sông Nhạn làm kinh tế giỏi. Ảnh: T. Hải |
Được coi là vùng đất khó khăn nhất của huyện Cẩm Mỹ, chuyện phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân không phải đơn giản. Gia đình ông Khánh đã bao lần trăn trở về việc trồng cây gì cho thích hợp, nuôi con gì để không gặp rủi ro. Lại thêm cảnh thiếu nước, thiếu điện khiến ai cũng e ngại và lo lắng. “Không chỉ tôi mà cả làng đều chung nỗi vất vả này. Nhiều người muốn ổn định nên xin vào làm công nhân cao su, còn tôi sinh ra là nông dân nên cứ bám vườn rẫy mà sống” - ông Khánh tâm sự.
Thấy vùng đất đỏ bazan màu mỡ, ông Khánh bỏ của, bỏ sức ra trồng cà phê. Nhưng khi cây cà phê quen đất cho năng suất tốt thì gặp cảnh giá thấp, không đủ trang trải chi phí trồng trọt, chăm sóc. Lúc này, gia đình ông chuyển hướng sang trồng cây sầu riêng. Trong xã cũng có vài người trồng loại cây này và đã cho kết quả khả quan khiến ông càng vững tin.
Phải từ năm thứ 7 trở đi, sầu riêng mới cho trái tốt. Để lấy ngắn nuôi dài, ông Khánh chăn nuôi thêm heo, gà nhằm cải thiện kinh tế gia đình. Đến nay, vườn sầu riêng hơn 2 hécta của ông mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm, giúp vợ chồng ông nuôi 4 con khôn lớn, ăn học đàng hoàng.
Cũng như nhiều người khác, gia đình ông Hồ Văn Tuyến (ngụ ấp 4) đến xã Sông Nhạn lập nghiệp đã lâu. Khó khăn không chỉ từ điều kiện thiên nhiên mà chuyện đi lại, vận chuyển nông sản khiến ai cũng trăn trở.
Ông Tuyến chia sẻ, người dân muốn đi lại hay xuất bán nông sản phải đi vòng sang ấp khác, không chỉ xa xôi mà còn rất bất tiện. Khi mùa mưa đến, người dân đành bó gối vì con đường lầy lội, bùn ngập đến đầu gối. Trẻ con không đi học được, người lớn cũng ớn lạnh đoạn đường này mà không dám vào rẫy trồng trọt, chăm sóc cây trái.
Từ khi có đường mới đến nay, các ấp trong xã nối liền với nhau, giao thông không chỉ thuận tiện mà còn tạo điều kiện để phát triển kinh tế. Nông sản thu hoạch tới đâu bán ngay đến đó mà không phải chờ đợi quá lâu. Giá cả nông sản giờ theo thị trường nên không còn chịu cảnh bấp bênh do việc vận chuyển khó khăn.
“Đường mở ra, không chỉ nối thông khu dân cư trong ấp mà còn là cơ hội để “thay da đổi thịt” cho một xã khó khăn. Vườn cây ăn trái của gia đình tôi đang bước vào vụ thu hoạch, thương lái vào tận nơi để đặt hàng. Vì thế giá cả cao hơn, lợi nhuận cũng tăng lên đáng kể, đời sống gia đình khấm khá” - ông Tuyến bộc bạch.
* Thay đổi từng ngày
Sông Nhạn là một xã nghèo nhưng từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, bộ mặt của địa phương đã dần thay đổi, trong đó nổi bật nhất là đường sá đi lại khang trang. Nhiều người dân tự nguyện hiến đất làm đường hay sẵn sàng chặt bỏ cây trồng để các tuyến đường được mở rộng thẳng lối. Tính đến nay, trên địa bàn xã có gần 67 km đường đất đã được trải nhựa, đổ bê tông và cứng hóa. Các tuyến đường liên ấp, ngõ xóm được đầu tư nâng cấp mở rộng dưới sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân trong xã. Từ đó, đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản, thuận lợi trong hoạt động buôn bán của người dân, đời sống của dân ngày một nâng cao và khởi sắc.
“Đất đai màu mỡ thích hợp trồng cây ăn trái giá trị cao nên ở đây nhiều người giàu lên nhờ làm nông nghiệp. Trong xã xuất hiện các chủ vườn sầu riêng, chôm chôm nổi tiếng, như: Hoàng Thịnh, Cẩm Tài, Ba Thiện… Tới đây, nông dân sẽ hướng tới sản xuất sạch, phát triển các chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp, tạo đầu ra ổn định cho nông sản” - ông Hoàng Văn Tâm, cán bộ nông nghiệp xã Sông Nhạn, hồ hởi nói.
Chủ tịch UBND xã Sông Nhạn Nguyễn Thanh Nông cho biết thêm, trong xây dựng nông thôn mới có nhiều tiêu chí được đánh giá là “thử thách” lớn với chính quyền và nhân dân địa phương. Dân cư sống chủ yếu dọc theo tuyến đường gần trung tâm xã, còn lại sống rải rác trong vườn rẫy nên gặp nhiều khó khăn trong đầu tư cơ sở hạ tầng, văn hóa, xã hội. Nhưng chính vì sự chung sức, đồng lòng tạo thành khối sức mạnh đoàn kết to lớn mà đến nay toàn xã đã đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
“Đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đến nay tăng lên trên 40 triệu đồng/năm. Toàn xã chỉ còn 2 hộ nghèo trong số 2.018 hộ dân, nếu so với trước đây thì thay đổi rõ rệt. Địa phương luôn tạo điều kiện tốt nhất để người dân phát triển kinh tế, từng bước vượt khó, xóa nghèo” - ông Nguyễn Thanh Nông cho hay.
Thanh Hải