Đường vào khu Bàu Me (tổ 8, KP.7, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) nay đã bớt quanh co, lầy lội nhờ đồng bào các dân tộc thiểu số cùng người có uy tín Ngàn A Phước (45 tuổi) hiến đất, nắn đường, nâng cao nền.
Đường vào khu Bàu Me (tổ 8, KP.7, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) nay đã bớt quanh co, lầy lội nhờ đồng bào các dân tộc thiểu số cùng người có uy tín Ngàn A Phước (45 tuổi) hiến đất, nắn đường, nâng cao nền. Ông Phước cho biết việc thông thương giữa khu Bàu Me với các vùng khác thuận lợi nên đời sống kinh tế của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bàu Me phát triển hơn trước.
Người có uy tín Ngàn A Phước tại khu Bàu Me, KP.7, thị trấn Vĩnh An. |
Bàu Me vốn là khu rừng già được người dân di cư từ các tỉnh để mắt đến sau ngày Nhà máy thủy điện Trị An tích nước. Đồng bào các dân tộc thiểu số: Hoa, Tày, Nùng và người Kinh từ các nơi di cư về đây vỡ đất trồng bắp, đậu, lúa, mì... nhằm kiếm tìm một cuộc sống sung túc.
* Con heo của Hội Chữ thập đỏ
Năm 1999, sau khi khai phá được 1,6 hécta rẫy đất đá ở khu Bàu Me, ông Ngàn Lương Sồi giao lại cho vợ chồng con trai cả Ngàn A Phước trồng trọt, còn ông quay về xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom). Ở lại khu Bàu Me, vợ chồng ông Phước chăm chỉ tỉa hạt bắp, đậu theo các kẽ đá để tìm cái ăn.
Gặp tháng giáp hạt, bà Kiều (vợ ông Phước) phải vác cuốc đi làm thuê nhằm kiếm thêm ký gạo nuôi con. Còn ông Phước cố bám rẫy dọn đá, tỉa hạt nhằm xoay xở thêm vài vụ màu nữa rồi chuyển sang trồng cà phê, tiêu…
Thấy ông Phước ham làm, chính quyền thị trấn ưu tiên nhiều nguồn vốn để hỗ trợ cho vợ chồng ông thoát nghèo. Ông Phước tâm sự, câu chuyện thoát nghèo và trở thành hộ nông dân sản xuất giỏi cấp thị trấn, huyện, tỉnh của ông dài như con đường từ trung tâm thị trấn vào khu Bàu Me vậy.
Ông Ngàn A Phước (phải) giới thiệu với cán bộ tôn giáo - dân tộc thị trấn Phan Thanh Quốc Cường về mô hình trồng trọt, chăn nuôi của gia đình. |
Từ chỗ chính quyền hỗ trợ nhà ở, Hội Chữ thập đỏ thị trấn Vĩnh An hỗ trợ cho vợ chồng ông con heo giống để nuôi. Nhờ con heo này, vợ chồng ông Phước sau thời gian chăm sóc đã bán heo, mua được 2 con dê giống. Từ 2 con dê giống, vợ chồng ông gầy dựng được đàn dê 20 con, 8 con bò đẻ, khoảng 1,6 hécta vườn tiêu năng suất cao và lo cho con học đại học.
Thoát được cảnh nghèo nên cái bụng của ông Phước rộng rãi. Đồng bào các dân tộc: Hoa, Tày, Nùng… muốn có dê, bê con của ông Phước để nuôi mà không đủ tiền mua thì ông bán thiếu. Hộ nào thích trồng tiêu mà không có giống thì ông sẵn sàng cắt hàng ôm dây tiêu trong vườn đem đến cho họ và chia sẻ cách trồng.
Thấy ông Phước hay giúp người, đồng bào dân tộc thiểu số ở khu Bàu Me chọn ông làm người có uy tín để đại diện cho mình làm cầu nối với chính quyền và đoàn thể ở địa phương. Lúc đầu, ông Phước từ chối vì ông cho rằng trong cộng đồng còn có người giỏi, tốt bụng và uy tín hơn ông nhiều. Tuy nhiên, vì đồng bào đã chọn trúng ông Phước, chính quyền địa phương thì liên tục đến nhà vận động nên ông mới gật đầu nhận lời.
Ông Phan Thanh Quốc Cường, cán bộ phụ trách tôn giáo - dân tộc thị trấn Vĩnh An, cho biết với vai trò cầu nối giữa đồng bào các dân tộc thiểu số với các cấp chính quyền, người có uy tín Ngàn A Phước đã phát huy rất tốt vai trò của mình trong cộng đồng và trong cuộc sống. Thông qua ông Phước, các chính sách về tôn giáo - dân tộc của thị trấn, huyện, tỉnh được triển khai xuyên suốt, cụ thể và hiệu quả. Điều đó đã góp phần ổn định an sinh xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn thị trấn Vĩnh An. |
* Uy tín với cộng đồng
Nhận lời cộng đồng, chính quyền rồi thì ông Phước đâm lo vì thấy tuổi mình còn trẻ, rất khó nói chuyện với những bậc cao niên trong khu Bàu Me.
Hiểu điều ông Phước đang lo nghĩ, các bậc cao niên trong khu Bàu Me mới họp nhau và đi đến thống nhất, nếu điều tốt của người uy tín Phước nói mà mọi người không làm theo thì họ sẽ nhận lỗi trước cộng đồng.
Điều e ngại trong lòng không còn, ông Phước bắt đầu mạnh dạn kêu gọi đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu Bàu Me sửa đường giao thông.
Con đường mòn cỏ dại cao tới ngực từng được ông Lầu Cún Pẩu (nguyên Tổ trưởng Tổ nhân dân số 8, KP.7) vận động người dân mở rộng trước đây, nay lầy lội đã được ông Phước kêu gọi mọi người bỏ tiền, bỏ công, hiến đất mở rộng đến 4m, nắn sửa lại cho thẳng, bớt quanh co nên ai cũng hồ hởi.
Đường làm xong, ông Phước lại cùng với Ban điều hành KP.7 và chính quyền thị trấn lo chuyện hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xóa đói giảm nghèo, chuyện học hành… cho người dân khu Bàu Me.
Ông Phước kể, mỗi lần cán bộ khu phố, thị trấn tập trung dân để tuyên truyền các chủ trương, chính sách… của Đảng và Nhà nước, ông đều đi theo. Khi cán bộ cấp trên nói, người nào chưa hiểu hoặc còn thắc mắc thì ông đứng ra giải thích lại cho cặn kẽ điều cán bộ triển khai.
Cũng có người vì cái tâm xấu nên xúi giục đồng bào dân tộc thiểu số làm sai điều cán bộ thị trấn triển khai trước đó. Biết chuyện, ông Phước lại họp riêng dân, hoặc đi từng nhà phân tích, chỉ cho họ thấy rõ đúng sai.
Thấy điều ông Phước nói có lý, có tình và đúng với chính sách mà tỉnh, huyện đã làm trong thực tế nên bà con không nghe lời kẻ xấu, không gây khó khăn cho cán bộ khu phố, thị trấn nữa. Đồng thời, mỗi khi kẻ xấu có ý định rêu rao điều không tốt về chính sách tôn giáo - dân tộc với người dân khu Bàu Me, mọi người biết chuyện liền báo cho ông Phước biết để ngăn chặn.
Uy tín ngày càng cao và cái rẫy cho thu nhập cũng nhiều hơn trước, ông Phước lại nghĩ đến chuyện lớn hơn là cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu Bàu Me trong việc đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới, bỏ dần tập tục lạc hậu, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi…
Ông Phước cho biết những hộ khó khăn về nhà ở, vốn vay hay con đông…, ông đều có tiếng nói kịp thời với cán bộ khu phố, thị trấn để giúp đỡ, tìm hướng giúp họ thoát nghèo. Còn về chuyện vợ chồng, láng giềng lục đục, tranh chấp với nhau thì ông không làm phiền đến thị trấn hoặc khu phố.
Đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu Bàu Me mấy năm nay liên tục trúng hồ tiêu nên ai cũng có nhà xây, xe máy để đi trên những con đường do khu phố, ông Phước vận động sửa chữa, nâng cấp. Trong 310 hộ đồng bào các dân tộc thiểu số ở KP.7, hiện chỉ còn vài hộ khó khăn.
Ông Phước hãnh diện khoe, uy tín của ông thì do 12 thành phần dân tộc trong khu phố cho, còn uy tín của đồng bào trong khu phố thì do họ tạo dựng dưới sự hỗ trợ của ông và khu phố, thị trấn. “Uy tín không đổi bằng tiền hay vật chất được, nhưng nếu thiếu nó thì đồng bào của mình không khá giả được đâu” - ông Phước nói.
Đoàn Phú