Từ tháng 3-2017 đến nay, tại Thánh địa Mỹ Sơn các chuyên gia khảo cổ đã phát hiện hàng loạt di chỉ văn hóa ngàn năm tuổi bị vùi sâu trong đất, như: 2 bức tượng thân người, đầu sư tử bằng sa thạch, giếng cổ và con đường tế lễ dành cho vua chúa, chức sắc vương quốc Chămpa cổ.
Từ tháng 3-2017 đến nay, tại Thánh địa Mỹ Sơn các chuyên gia khảo cổ đã phát hiện hàng loạt di chỉ văn hóa ngàn năm tuổi bị vùi sâu trong đất, như: 2 bức tượng thân người, đầu sư tử bằng sa thạch, giếng cổ và con đường tế lễ dành cho vua chúa, chức sắc vương quốc Chămpa cổ.
Du khách tìm hiểu, khám phá đền, tháp ở thánh địa Mỹ Sơn. Ảnh: H.LAM |
Thánh địa Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) là một quần thể các đền, tháp theo văn hóa Chămpa, nằm trong một thung lũng rộng vây quanh là đồi núi. Nơi đây từng là địa điểm diễn ra các lễ cúng tế và là trung tâm văn hóa - tín ngưỡng của vương triều Chămpa xa xưa. Thánh địa Mỹ Sơn được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam. Năm 1999, Thánh địa Mỹ Sơn đã được UNESCO xếp hạng là di sản thế giới hiện đại, được xem là ví dụ điển hình về trao đổi văn hóa và bằng chứng duy nhất của nền văn minh châu Á đã biến mất. Vì thế, những di chỉ mới phát hiện rất quan trọng, giúp các nhà khoa học xác định thêm một số vấn đề về lịch sử, nghệ thuật, văn hóa Chămpa - nền văn hóa một thời rực rỡ ở khu vực miền Trung cách đây hàng ngàn năm.
* Nền cũ lầu đài
Trên tường đền, tháp được chạm trổ hoa lá, hình người, hình thú dựa theo các thần thoại Ấn Độ giáo rất tinh xảo, sống động, đặc biệt là thần thái các khuôn mặt, dáng điệu các vũ nữ Apsara. Theo ông Phan Hộ, nghệ thuật điêu khắc Chămpa ở Mỹ Sơn là độc nhất vô nhị, bởi dù cùng chịu ảnh hưởng của Ấn Độ về nghệ thuật kiến trúc nhưng so với các đền, tháp tương tự trong khu vực Đông Nam Á, Mỹ Sơn bao gồm đến 7 phong cách kiến trúc: cổ, Hòa Lai, Đồng Dương, Mỹ Sơn, Bình Định, chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn và phong cách Bình Định, cuối cùng là phong cách muộn. |
Từ khi được các nhà khoa học Pháp phát hiện vào năm 1885, Thánh địa Mỹ Sơn từng chút một bộc lộ những bí ẩn bị lãng quên, chôn vùi hàng trăm năm. Một trong những nhà khoa học Pháp phát hiện, nghiên cứu về Thánh địa Mỹ Sơn là ông Henri Parmentier, cũng là người phát hiện và nghiên cứu về mộ cự thạch Hàng Gòn ở Đồng Nai. Năm 1980 với sự hỗ trợ của các nhà khoa học Ba Lan, khu di tích mới bắt đầu được trùng tu, bảo tồn và bước ra khỏi kiếp đá vô tri.
Ngày nay, Thánh địa Mỹ Sơn không chỉ là trung tâm bảo tồn di chỉ văn hóa Chămpa cổ, mà còn là địa điểm du lịch văn hóa - lịch sử rất lý thú. Khuôn viên khu di tích rất rộng, từ ngoài cổng du khách có thể đi xe điện lướt qua các công trình, như: bảo tàng, nhà đón tiếp, khu quầy lưu niệm, ăn uống… nhưng ở khu di tích chính thì bắt buộc phải lội bộ trên những con đường đất rải sỏi để tìm hiểu, khám phá chớ không thể “cỡi ngựa xem hoa”.
Đội văn nghệ dân gian Chăm biểu diễn điệu múa Apsara. |
Ông Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn, cho biết theo tư liệu của Henri Parmentier vào đầu thế kỷ 20 thì Thánh địa Mỹ Sơn có khoảng trên 70 đền tháp, nhiều đền, tháp rất đồ sộ, có tháp cao đến 24m, đền đá cũng cao khoảng hơn 30m. Tuy nhiên do chiến tranh, Thánh địa Mỹ Sơn bị hứng chịu vô số trận bom, bị tàn phá nặng nề so với thời điểm phát hiện. Hiện Mỹ Sơn chỉ còn 20 công trình kiến trúc, trong đó khá nhiều đền, tháp bị hư hại, phần lớn chỉ còn lưu lại một mảng tường, phần thân hoặc những dấu tích của nền móng. Các hiện vật mỹ thuật cũng chung số phận, nhiều pho tượng tinh xảo bị đứt đầu, gãy tay, gãy thân hoặc sứt sẹo. “Trước đây do thiếu hiểu biết, một số pho tượng được “trùng tu” bằng cách gắn đầu, tay vào thân một cách thô thiển. Kiến trúc sư người Ba Lan Kazimierz Kwiatkowski, một trong những người có công rất lớn trong việc trùng tu Mỹ Sơn, đã phản ứng dữ dội cách làm này. Ông Kazik cho rằng ngay cả khi sứt sẹo, gãy vỡ, các hiện vật cũng có một giá trị riêng không thể thay thế, di tích gốc cần phải được giữ gìn nguyên vẹn ở mức tối đa và các biện pháp trùng tu chỉ được áp dụng để duy trì hiện trạng bảo vệ. Lý luận của ông sau này đã trở thành nguyên tắc bất di bất dịch trong công tác trùng tu di tích” - ông Hộ kể lại.
Về tổng thể, đền tháp ở Mỹ Sơn chia thành nhiều cụm nhưng được xây dựng theo cùng một nguyên tắc: đền thờ chính tượng trưng cho núi Meru - trung tâm vũ trụ, là nơi hội tụ của thần linh và thờ thần Siva; xung quanh là tháp thờ các vị thần trông coi hướng trời, đặc biệt là cụm nào cũng có thờ linga - yoni (sinh thực khí) hay linh tượng Shiva. Toàn bộ đền, tháp đều xây bằng gạch, ghép với những mảng trang trí bằng sa thạch. Nét độc đáo là các phiến gạch, đá được xếp với nhau vô cùng khít khao, đến nay vẫn chưa ai có thể biết được kết dính bằng chất liệu gì, thậm chí kỹ thuật nung gạch vẫn còn là điều bí ẩn.
Một điểm độc đáo khác chính là sự xuất hiện biểu tượng của Phật giáo ở Mỹ Sơn, dù đây là trung tâm về tín ngưỡng Ấn giáo. đó là các búp sen và các hoa văn cách điệu ở các chân cột, tường tháp. Vì thế, Mỹ Sơn được xem là bằng chứng của sự tiếp biến, giao thoa, trao đổi về văn hóa. Du khách đến đây thường được hướng dẫn viên khuyến khích vừa đi vòng quanh tháp theo chiều kim đồng hồ vừa cầu nguyện - đây là một trong những cách giao tiếp với thần linh của người Chămpa cổ. Tổng thể kiến trúc của Thánh địa Mỹ Sơn cũng thể hiện những tri thức khoa học về vũ trụ quan của người Chămpa cổ, như: 7 ngôi đền thờ 7 vị thần tinh tú trong huyền thoại Ấn Độ (thần Mặt trời Surya với biểu tượng là con ngựa, thần Mặt trăng Sandra là tòa lâu đài, thần Sao Hỏa Agni là con tê ngưu, thần Sao Thủy Varuna là con thiên nga, thần Sao Mộc Indra là hình ảnh con voi, thần Sao Kim Isana là con bò đực, thần Sao Thổ Yama là con trâu); đồng thời cũng tượng trưng cho 7 ngày trong tuần theo lịch Saka của vùng Nam Ấn Độ.
* Say điệu múa thiêng
Một trong những điểm nhấn của Khu di tích Mỹ Sơn là khu biểu diễn nghệ thuật, nằm ngay trên đường đi vào các đền, tháp chính để du khách không bỏ lỡ cơ hội thưởng thức âm nhạc và ca múa - các yếu tố có vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người Chămpa.
Đội văn nghệ dân gian Chăm biểu diễn ở Mỹ Sơn nhằm mục tiêu giới thiệu nét cơ bản nhưng độc đáo trong âm nhạc Chăm. Các tiết mục được dàn dựng gọn nhẹ khoảng 30 phút, gồm các tiết mục: vũ điệu dâng lễ, múa đội nước, múa Apsara, biểu diễn kèn saranai. Vũ điệu dâng lễ là điệu múa thiêng hướng vọng thần linh ở các ngôi đền, tháp, người múa đội lễ vật dâng mừng trên chiếc thor hala 3 tầng (tôi nhìn, thấy gần giống cái rế của người Việt), 2 tay cầm quạt, hoặc nắm 2 đầu chiếc khăn khoác trên vai, vừa múa một cách uyển chuyển vừa giữ thăng bằng lễ vật trên đầu thật điệu nghệ, giống như múa mâm vàng trong bóng rỗi. Riêng tiết mục Điệu múa Apsara được dàn dựng dành cho sân khấu, nhưng vẫn giữ được cái hồn của nghệ thuật múa Chămpa cổ. Trên nền ca khúc Vũ nữ Apsara của nhạc sĩ Amư Nhân, các vũ nữ Apsara thân hình thon thả phô những đường cong tuyệt mỹ như bước ra từ những bức tường đền tháp, từng động tác đưa tay, nhấc chân đều thật điêu luyện khiến người xem say đắm không thôi.
Chương trình biểu diễn văn nghệ cũng là cơ hội để “khoe” các nhạc cụ độc đáo của người Chăm, như: trống baranưng, trống gineng, lục lạc, tù và, và đặc biệt là kèn saranai. Kèn này rất khó thổi, người thổi phải làm sao đẩy một luồng hơi ra để phát ra âm thanh, đồng thời phải biết cách hút vào một luồng hơi khác để không bị gián đoạn hơi, nghệ nhân giỏi là người phải thổi được một hơi trên 2 phút, chính vì khó như vậy nên kèn saranai ít tìm được người học. Năm 2010 khi nghệ nhân kèn saranai Trượng Tốn qua đời, mọi người từng lo lắng nghệ thuật thổi kèn bị thất truyền. Nhưng đến nay, đội văn nghệ dân gian Chăm ở Mỹ Sơn đã có truyền nhân kèn saranai, đó là 2 nghệ nhân Thiên Thành Vũ và Phú Ngọc Huyện. Tiết mục biểu diễn kèn saranai của 2 nghệ nhân trẻ ở Mỹ Sơn luôn làm nao lòng du khách bởi âm điệu trầm bổng du dương kéo dài, quấn quýt lòng người.
Đội văn nghệ dân gian Chăm ở Mỹ Sơn hiện có 28 thành viên, đều là “trai xinh gái đẹp”, nhưng trong đó chỉ có 4 thành viên là người dân tộc Chăm...
Hà Lam