Được thành lập từ giữa năm 2013, đến nay Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh đã có những đóng góp không nhỏ trong việc thu thập thông tin, nhắn tìm đồng đội, hỗ trợ một phần cho các gia đình trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ…
Được thành lập từ giữa năm 2013, đến nay Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh đã có những đóng góp không nhỏ trong việc thu thập thông tin, nhắn tìm đồng đội, hỗ trợ một phần cho các gia đình trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ…
Cựu chiến binh Lê Văn Thiên đối chiếu thông tin tìm mộ liệt sĩ trên báo với danh sách ông nắm được. |
Theo Chánh văn phòng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Thái Văn Quân, để làm được những việc đó có sự đóng góp không nhỏ của các cựu chiến binh (CCB) tham gia sinh hoạt tích cực trong Hội.
* “Phải tìm được thân nhân cho đồng đội tôi”
Từng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam bộ từ năm 1968 đến khi đất nước giải phóng, CCB Nguyễn Xuân Cương (Trưởng ban Chính sách Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh) là một trong những người tích cực tìm thân nhân cho các liệt sĩ.
Ông Cương cho hay, trong quá trình chiến đấu, một đơn vị di chuyển qua nhiều địa điểm khác nhau, người nào hy sinh lại được đối phương hoặc người dân chôn cất.
Ông cho biết, đêm 18-1-1975, khi đánh vào căn cứ địch ở khu vực xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc), đơn vị ông có 5 người hy sinh. Sau này, quá trình quy tập hài cốt liệt sĩ về Nghĩa trang liệt sĩ TX.Long Khánh, có một trường hợp liệt sĩ không biết tên tuổi.
"Năm 2015, trong buổi họp mặt đồng đội, mọi người ngồi vẽ lại vị trí chôn cất những người đã hy sinh và chúng tôi dò lại mấy tháng sau mới xác định được ngôi mộ liệt sĩ vô danh là của chiến sĩ Nguyễn Khắc Nhiễu, quê huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa” - ông Cương nói.
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh cùng thân nhân liệt sĩ viếng mộ liệt sĩ. |
Tuy nhiên, quá trình tìm thân nhân của liệt sĩ Nhiễu cũng lắm gian truân. Theo thông tin từ huyện Thọ Xuân thì không có người tên Nhiễu hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Đến khi ông Cương đến Quân khu 7 sao lục các ghi chép báo tử ở chiến trường Đông Nam bộ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ mới phát hiện việc ghi chép thời chiến bị sai, nên ở Thanh Hóa ghi nhầm tên liệt sĩ Nhiễu thành Nhiễn.
Tìm ra tên tuổi, thân nhân của liệt sĩ Nhiễu, nhưng khi liên lạc mới biết cha mẹ của liệt sĩ đã qua đời, người thân gần nhất là anh ruột đang sống ở tỉnh Hải Dương. Sau khi bắt được liên lạc, anh trai liệt sĩ Nhiễu liền vào Nam nhờ Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh hướng dẫn quá trình xét nghiệm ADN để xác định rõ hơn. Đến nay, gia đình liệt sĩ Nhiễu vẫn còn chờ kết quả xét nghiệm từ Hà Nội gửi vào.
Trong khi đó, CCB Lê Văn Thiên (hội viên Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh, ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) hàng tuần đều đọc tin tức tìm mộ liệt sĩ trên các báo để ghi chép lại, nếu mộ nào biết rõ thông tin ông sẽ báo cho thân nhân liệt sĩ.
Ông Thiên cho hay, nhiều gia đình liệt sĩ rất nghèo, ở các tỉnh phía Bắc xa xôi. Khi biết tin tức về mộ cha, ông… nằm ở đâu, họ cũng không thể đến bốc hài cốt về được, cùng lắm là đến thắp nén nhang rồi gửi gắm cho người quản trang nhang khói hàng ngày.
"Có gia đình thân nhân không còn ai, chỉ còn những người cháu, họ cũng chỉ gửi gắm trông mộ giùm, chứ không đem hài cốt về. Bản thân tôi đã chỉ được nhiều mộ cho gia đình liệt sĩ, nhất là liệt sĩ ở đơn vị cũ của tôi; dù thế nào cũng phải tìm được thân nhân cho đồng đội, chứ để các anh nằm đơn độc xa quê hương, chạnh lòng lắm” - Ông Thiên cho biết.
* Hành trình gian nan
Hơn 3 năm qua, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh đã tư vấn cho 49 gia đình liệt sĩ tiếp cận, thụ hưởng các chế độ chính sách, đề nghị giám định ADN cho 4 gia đình liệt sĩ. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Ban liên lạc CCB Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4) và Ban liên lạc CCB Tăng - thiết giáp xác minh, tìm kiếm và quy tập được 223 hài cốt liệt sĩ ở chiến trường Đông Nam bộ. |
Chánh văn phòng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Thái Văn Quân cho biết thêm, sau chiến tranh các cơ quan chức năng tổ chức đi quy tập hài cốt, những vật dụng hoặc tên tuổi ghi trong mảnh giấy bị hư hại nặng, không xác định được danh tính liệt sĩ.
Thậm chí, một số liệt sĩ được đưa vào nghĩa trang rồi, tên tuổi có rồi, nhưng lại sai tên, sai quê quán dẫn đến việc người thân tìm mộ liệt sĩ gặp khó khăn.
Nhờ quá trình chiến đấu ngày xưa, cộng với việc kết nối với CCB thông qua các ban liên lạc mà nhiều mộ liệt sĩ vô danh dần được xác định và gia đình họ tìm lại được hài cốt của người thân đã khuất.
Ông Quân chia sẻ, tìm được hài cốt liệt sĩ đã khó, việc trả lại tên tuổi, tìm ra thân nhân liệt sĩ cũng gian nan không kém, nhất là với liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Tất cả hội viên Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh đều làm việc không lương, kinh phí hoạt động nhờ các mạnh thường quân hỗ trợ nên muốn làm được việc phải tùy vào tấm lòng mỗi người với đồng đội.
"Phần lớn hội viên trong Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh đều là các CCB từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, trong số đó có rất nhiều người làm trưởng ban liên lạc Hội CCB các đơn vị nên việc tìm kiếm danh tính các liệt sĩ, việc liên lạc với thân nhân họ phải cần đến sự từng trải của các CCB. Tuy nhiên, để trả lại tên tuổi, tìm được thân nhân cho các liệt sĩ là một quá trình không đơn giản, nhất là khi tuổi các CCB ngày càng cao, sức khỏe càng giảm sút theo thời gian” - ông Quân tâm sự.
Để tìm được thông tin về thân nhân các liệt sĩ, phần lớn hội viên Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh đọc thông tin đăng trên các báo, một số qua đồng đội biết được thông tin gia đình liệt sĩ nên nhờ tìm mộ. Vậy là, một bên cần tìm mộ, một bên cần tìm thân nhân liệt sĩ kết nối thông tin với nhau.
Tuy nhiên, theo CCB Lê Văn Thiên, các trường hợp như thế rất hiếm. Từng làm Trưởng ban liên lạc CCB Trung đoàn 271, ông nắm danh sách liệt sĩ, quê quán của họ, nhưng quá trình tìm thân nhân liệt sĩ, ông mới phát hiện có nhiều thông tin bị sai lệch hàng chục năm, ngay từ thời chiến.
“Nhiều khi tên chiến sĩ có chữ “u” cuối cùng, nhưng người viết tên lại viết nhanh quá, thành ra dễ đọc thành “n”; rồi viết sai họ, sai quê quán, thậm chí sai cả nơi hy sinh. Đồng đội chiến đấu về nhà kể lại chuyện liệt sĩ hy sinh nhưng lại nhớ nhầm nơi chiến đấu, thành ra sai. Có trường hợp liệt sĩ hy sinh ở An Giang mà nhầm sang tận Campuchia, nên khi thân nhân đăng báo tìm mộ liệt sĩ thì nêu đúng tên tuổi, chức vụ, quê quán, ngày hy sinh nhưng sai địa điểm. Do đó, nếu không để ý kỹ hoặc không phải các CCB từng chiến đấu ở đó, các thông tin nói trên rất dễ bị bỏ qua. Vì vậy, tôi luôn “thủ” cuốn sổ tay bên mình, cứ thấy báo đăng hoặc nghe ai nói muốn tìm mộ liệt sĩ thuộc đơn vị tôi, hoặc liệt sĩ hy sinh ở Đông Nam bộ là tôi lại ghi vào sổ để dò tìm từ từ. Nói thật, nếu không có cái tâm, không có tấm lòng vì những đồng đội đã ngã xuống thì rất ít ai có thể làm được việc này” - ông Thiên bộc bạch.
Đăng Tùng