Báo Đồng Nai điện tử
En

Rừng reo xuân

10:01, 20/01/2017

Cuối tháng Chạp, các cánh rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc (BQL) dường như đang reo vui trong nắng xuân. Tất cả các con đường vào rừng được lót thêm một lớp cát mềm để bánh xe máy của cán bộ lâm trường và người dân đi lại cho êm...

Cuối tháng Chạp, các cánh rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc (BQL) dường như đang reo vui trong nắng xuân. Tất cả các con đường vào rừng được lót thêm một lớp cát mềm để bánh xe máy của cán bộ lâm trường và người dân đi lại cho êm. Chim tụ tập nhau trên những tán cây hót líu lo mừng năm mới. Một cơn gió rừng thoảng qua, lá rừng rơi lả tả trên đầu, dưới chân.

Tưới nước cho cây rừng ngày tết. Ảnh: Đ.Phú
Tưới nước cho cây rừng ngày tết. Ảnh: Đ.Phú

Dấu hiệu rừng báo xuân về khi mùa mưa kết thúc, mùa khô bắt đầu: loài cỏ Mỹ thi nhau ra hoa, các con suối trong rừng cạn nước, loài cu xanh khắp nơi rủ nhau về ăn trái da chín dịp tết. Riêng người dân và cán bộ quản lý bảo vệ rừng các phân trường gạt bỏ những buồn phiền, tồn tại phía sau chung tay giữ cho rừng mãi xanh trước sự khắc nghiệt của thời tiết.

Giữ màu xanh cho rừng

Ông Hoàng Đình Long, Giám đốc BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc, tỏ bày nỗi sợ mất rừng, cháy rừng trong những ngày tết không còn đáng ngại như trước kia vì ý thức bảo vệ rừng của dân và công tác phòng chống cháy được đảm bảo bài bản. Tuy vậy, cán bộ, nhân viên BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc vẫn nặng lòng là làm sao giữ rừng mãi xanh, làm tốt nhiệm vụ phòng hộ và có thêm nhiều loại gỗ quý xuất hiện trên đất rừng trồng.

Cuối tháng Chạp, nắng xuân xuyên thấu qua từng ngọn cây. Chiếc mũ két của 2 cán bộ quản lý bảo vệ rừng Nguyễn Văn Quang và Đặng Văn Hùng (Phân trường Đầm Voi) chỉ bảo vệ được mái tóc, còn khuôn mặt để mặc nắng táp. Chiếc xe cày đa năng của 2 anh vừa có nhiệm vụ chở nước tưới rừng, chữa lửa khi rừng xảy ra sự cố. Thương cây non chịu nắng, 2 cán bộ bảo vệ rừng Quang, Hùng phân công nhau cầm ống nước nhựa dẻo cỡ đầu ngón tay cái, dài hàng trăm mét gí vào từng gốc cây rừng non héo úa. Anh Quang khẽ tâm sự, nhìn những cây non từ 1-3 tuổi trụi lá trước cái nắng gay gắt và thiếu nước, các anh xót lòng, lo lắng như cây nhà bị thiếu nước.

Mùa khô rừng phòng hộ Xuân Lộc thường kéo dài 6-7 tháng. Dự kiến mùa khô năm nay hạn không gay gắt như mọi năm, tuy vậy, mọi người vẫn cảnh giác liên tục nhằm bảo vệ rừng trước giặc lửa. Theo ông Hoàng Đình Long, Giám đốc BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc, bao năm qua BQL đã chống chọi được với khô hạn nhờ những giọt nước của từng cán bộ, nhân viên 6 phân trường và hộ dân giao khoán nông lâm kết hợp. Cái ý nghĩ tưới rừng mùa nắng tuy lạ lẫm với ai đó, nhưng xuất phát từ thực tiễn trồng rừng của từng đơn vị và được Ban giám đốc BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc phê duyệt vì thấy được sự cần kíp, hợp lý. “Chúng tôi triển khai kế hoạch tưới rừng mùa nắng được 6 năm rồi và hiệu quả thật mỹ mãn” - ông Long bày tỏ.

Vẫn còn những con suối sâu khi mùa khô bắt đầu.Ảnh: Đ.PHÚ
Vẫn còn những con suối sâu khi mùa khô bắt đầu.Ảnh: Đ.PHÚ

Trên 10.391 hécta rừng thuộc BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc lập vành đai che chắn vững chắc bao năm nay cho TX.Long Khánh, huyện Xuân Lộc trước nắng mưa, dông bão và nuôi sống 2.179 hộ dân. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó trưởng phòng Bảo vệ rừng, cho hay tình yêu rừng của từng cán bộ lâm nghiệp giờ được thể hiện bằng nhiều cách, như: trách nhiệm, thái độ, tình cảm… Bên cạnh đó, mọi người luôn cố gắng tìm thật nhiều giống cây rừng mới, chất lượng để rừng trồng thêm đa dạng, rừng tự nhiên được bảo tồn.

Gió xuân phần phật trên đầu, ông Đặng Khánh Tài, Phó Giám đốc BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc, chỉ vào từng chòm rừng buông được khoanh nuôi bảo vệ, cho biết đơn vị hiện đang bảo tồn 40 hécta rừng buông. Trong các khu rừng buông, đơn vị còn trồng xen thêm nhiều loại gỗ quý, như: sao, giáng hương, gõ… Những cánh rừng buông nay được phục hồi gần giống với những khu rừng buông bạt ngàn trước kia.

Vẻ đẹp liêu trai

Nàng xuân không còn bẽn lẽn nơi cửa rừng, cỏ Mỹ khoe hoa chẳng được bao lâu thì bị vùi lấp để đảm bảo cho công tác phòng chống cháy. Sương đêm không đủ độ ẩm để bảo vệ loài trùn đất buộc chúng phải ngoi đầu làm mồi ngon cho chim chóc. Chiếc xe máy của ông Tài liên tục gầm gừ để vượt dốc, vượt suối cạn khi dẫn chúng tôi đi thăm rừng ngày xuân. Ông Tài chỉ tay về phía những chùm lan ngọc điểm đang ôm chặt thân cây lành ngạnh túa hoa. Ông Tài tỏ bày, tuy là rừng sản xuất, rừng dân sinh làm nhiệm vụ phòng hộ nhưng các phân trường vẫn còn những chùm rừng tự nhiên đang phục hồi rất đẹp với nhiều loài gỗ quý hiếm, chim lưu trú.

Rừng BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc không còn thú móng guốc. Tuy nhiên, mỗi mùa xuân về, rừng nơi đây vẫn rạo rực tiếng chim hót, tranh quả trên những cành cây da và ong rừng, ong nuôi (được người nuôi ong đưa về đây lưu trú khai thác mật), bướm thi nhau hút mật xuân. 32 năm gắn bó với những cánh rừng BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc, ông Tài có rất nhiều câu chuyện về rừng để chúng tôi quên đi mỏi mệt lúc dừng chân. Trong đó, có cả những câu chuyện mang đầy chất liêu trai, như chuyện bộ đội hành quân giữa đêm; tiếng hát giữa rừng lá của ai đó văng vẳng nơi dòng suối lúc trời chập choạng tối; lời đe dọa của thần rừng khi con người vào phá cây cổ thụ… làm chúng tôi nổi da gà.

Để xua tan nỗi sợ giữa ngày xuân nắng đẹp, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó trưởng phòng Bảo vệ rừng, chuyển qua câu chuyện gặp voi khi rừng BQL phòng hộ Xuân Lộc bị con người tác động nhiều. Khoảng năm 1984, ông Tuấn cùng đồng nghiệp ngủ đêm tại khu vực ngã 3 Lò Ông Tết (Phân trường Đầm Voi). 4 giờ sáng mọi người bừng tỉnh giấc thì rất bất ngờ thấy xung quanh mình đầy dấu chân voi, nhưng chẳng ai hề hấn gì. “Có lẽ “ông Bồ” biết anh em tụi tôi đi bảo vệ rừng nên tha cho. Trong khi đó, dân phá rừng liên tục bị “ông Bồ” rượt đuổi, dùng vòi quật xe gỗ xảy ra liên tục” - ông Tuấn bộc bạch.

Những chòm rừng lá buông được bảo tồn.Ảnh: Đ.PHÚ
Những chòm rừng lá buông được bảo tồn.Ảnh: Đ.PHÚ

Rừng thuộc BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc xưa kia là căn cứ đóng quân, trú ẩn của bộ đội. Nhiều cánh rừng hôm nay vẫn còn đậm vết tích của bệnh viện dã chiến, hầm trú ẩn, hố bom. Theo lời ông Tài thì rừng lúc nào cũng thiêng, luôn ẩn chứa những điều tâm linh giúp cho người làm công tác bảo vệ rừng tin vào luật nhân quả. Người bảo vệ rừng, nhận chăm sóc rừng bao giờ cũng được rừng bảo vệ, chở che trước thăng trầm cuộc sống. Còn những kẻ phá rừng, xâm hại rừng thì lúc nào cũng phập phồng trước pháp luật và sự trừng phạt của thần rừng.

Mùa đã về, các cánh rừng BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc reo vui với nắng xuân. Trên 70 cán bộ, nhân viên BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc thuộc 6 phân trường đang tất bật cùng với trên 2.179 hộ dân đón Xuân Đinh Dậu trong những mái nhà được trang hoàng ngày tết dưới tán rừng, ngập tràn tiếng chúc tụng nhau về một năm thắng lợi sau lứa rừng vừa thu hoạch xong.

Đoàn Phú


 

 

Tin xem nhiều