Báo Đồng Nai điện tử
En

Vườn rau bộ đội trên đất cằn

10:12, 12/12/2016

Nằm trên ngọn đồi cao ở phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa), nơi đóng quân của Trung đoàn 31 (Sư đoàn 309, Quân đoàn 4) không có nhiều thuận lợi trong việc tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn cho người lính vì đất xấu, cằn cỗi, nguồn nước khan hiếm.

Nằm trên ngọn đồi cao ở phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa), nơi đóng quân của Trung đoàn 31 (Sư đoàn 309, Quân đoàn 4) không có nhiều thuận lợi trong việc tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn cho người lính vì đất xấu, cằn cỗi, nguồn nước khan hiếm. Tuy nhiên, với sức trẻ và sự kiên trì của các chiến sĩ, đến nay phần lớn các vị trí đất tăng gia của Trung đoàn 31 đều được cải tạo, cho lượng rau xanh đủ cung cấp cho toàn đơn vị.

Những luống rau xanh mướt được trồng trên nền đất đầy sỏi đá đã được cải tạo.
Những luống rau xanh mướt được trồng trên nền đất đầy sỏi đá đã được cải tạo.

* Trồng rau trên đá

Trước năm 2006, việc chăn nuôi, trồng trọt ở Trung đoàn 31 rất khó khăn do khu tăng gia sản xuất của đơn vị chưa được quy hoạch cơ bản và đầu tư đúng mức. Do vậy, Trung đoàn 31 chỉ tự túc được trên 65% định lượng rau xanh, thịt và 50% định lượng cá, còn lại phải mua bên ngoài. Nhưng hiện nay, Trung đoàn 31 đã đảm bảo tăng gia sản xuất đạt trên 100% lượng rau và cá, 98% lượng thịt, đáp ứng đủ nhu cầu của toàn đơn vị.

Tiểu đoàn 7 là đơn vị đóng quân trên điểm cao nhất so với các đơn vị khác của Trung đoàn 31. Gần 2 tháng qua, kể từ khi di chuyển đến khu doanh trại mới, các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) của Tiểu đoàn 7 đã liên tục cải tạo khu đất được Trung đoàn 31 quy hoạch làm khu tăng gia để có thể bắt đầu trồng trọt sớm.

Trung úy Lê Quang Huy, Trợ lý hậu cần của Tiểu đoàn 7, cho biết hiện Tiểu đoàn 7 có khoảng 7,5 ngàn m2 đất tăng gia (vườn rau, ao cá, chuồng trại), chia cho các đơn vị trực thuộc chăm sóc, canh tác.

“Chúng tôi đóng quân trên đỉnh đồi, độ dốc cao, mùa nắng khó lấy nước tưới, mùa mưa đất bị xói mòn hết lớp màu mỡ, chỉ còn trơ sỏi đá. Để có nước tưới cây, chúng tôi phải dùng máy bơm, dẫn ống từ ao, suối dưới chân đồi lên hồ chứa, sau đó CBCS xách từng thùng nước đi tưới. Mấy năm trước, Tiểu đoàn 7 đã canh tác tại khu vực này, nhưng sau khi chuyển vườn tăng gia sang địa điểm khác thì khu đất tăng gia cũ bị bỏ hoang, trở nên khô cằn. Chưa kể, sau khi quy hoạch lại vị trí đóng quân và xây dựng doanh trại mới cho Tiểu đoàn 7, đất đá từ các công trình cũ bị mưa cuốn trôi xuống nên giờ chúng tôi phải cải tạo lại đất rất công phu mới có thể trồng trọt được” - Trung úy Huy cho hay.

Quá trình cải tạo đất, biến mảnh đất cằn cỗi thành khu vườn, ao, chuồng cung cấp thực phẩm cho toàn đơn vị, Trung đoàn 31 đã thực hiện phong trào thi đua “Trồng rau trên đá, nuôi cá trên đồi” do Sư đoàn 309 phát động từ 10 năm nay. Trong 2 năm 2006-2007, các CBCS của Trung đoàn 31 đã đào được một cái hồ rộng 2 hécta để trữ nước phục vụ chăn nuôi, tưới cây; đồng thời quy hoạch khu tăng gia sản xuất của từng tiểu đoàn để trồng trọt theo hướng chuyên canh quy mô lớn.

Trong giai đoạn 2009-2011, Trung đoàn 31 tiếp tục làm đường bê tông nội bộ, xây dựng mương thoát nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng thâm canh, nâng cao năng suất và chất lượng. Đến nay, 2 Tiểu đoàn 8 và 9 của Trung đoàn 31 đã có vườn tăng gia sản xuất đạt yêu cầu, riêng Tiểu đoàn 7 do quá trình di chuyển doanh trại vẫn đang tiếp tục cải tạo đất, dần hình thành nên vườn rau, chuồng trại riêng của đơn vị.

Bắt tay vào công trình cải tạo đất, các CBCS của Tiểu đoàn 7 phải dùng cuốc, xẻng và tay không nhặt từng viên đá ong, hạt sỏi ra khỏi mặt đất. Quá trình này buộc người lính phải lọc sạch đá ở độ sâu hơn nửa mét từ bề mặt; công việc mất gần 2 tháng và vẫn tiếp tục tại một số vị trí được quy hoạch làm vườn tăng gia. Ngoài ra, để làm cho đất màu mỡ, đơn vị đã cho đổ phân hữu cơ, trồng trước một số loại đậu không leo giàn để đất tơi xốp nhanh chóng.

Hạ sĩ Thạch Bạch Tra (Đại đội 2, Tiểu đoàn 7) cho biết: “Do đất xấu, lại cải tạo ngay trong mùa mưa nên sau khi loại bỏ lớp đá sỏi, trộn phân hữu cơ vào, chỉ cần một cơn mưa là lớp đất màu mỡ lại bị trôi đi một ít. Công việc hoàn toàn làm bằng tay nên rất cực, chúng tôi chỉ tranh thủ mỗi ngày có 30 phút buổi sáng, 30 phút buổi trưa và khoảng 1 giờ buổi chiều để làm. Hiện tại, phần lớn đất xấu bỏ không nhiều năm đã có thể trồng trọt bình thường, chỉ còn một phần nhỏ chưa được cải tạo xong”.

* “Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”

Chiến sĩ Tiểu đoàn 7 cải tạo đất xấu trước khi đưa vào trồng trọt.
Chiến sĩ Tiểu đoàn 7 cải tạo đất xấu trước khi đưa vào trồng trọt.

Đất sau khi cải tạo, bón phân và trồng một số loại đậu thì khoảng 3 tháng sau đã có thể trồng trọt như đất bình thường. Bên cạnh đó, do tranh thủ được nguồn phân bón từ các chuồng trại, nguồn nước tưới từ ao cá nên đất nhanh chóng màu mỡ trở lại.

Trung úy Lê Quang Huy chia sẻ, khi mới bắt đầu cải tạo đất, các CBCS của đơn vị gặp nhiều khó khăn do bản thân mỗi chiến sĩ trước khi nhập ngũ chưa quen việc làm nông, nên tiến độ ban đầu rất chậm.

“Một số chiến sĩ là dân thành phố nên không quen với việc cầm cuốc, trồng rau, các chỉ huy phải hướng dẫn kỹ họ mới biết các bước làm. Một số khác dù sống ở vùng quê nhưng ít tham gia trồng trọt, hoặc gia đình không có đất trồng nên khi xắn tay vào cải tạo đất, trồng rau cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì và sức khỏe của những CBCS trẻ mà những bãi đất hoang cằn cỗi với nhiều sỏi, đá ong, giờ đã trở thành vườn rau tăng gia xanh mướt. Tôi từng là chiến sĩ nghĩa vụ ở Trung đoàn 31 nên biết rất rõ nỗi vất vả của anh em khi trồng trọt trên vùng đồi khô cằn này, nhưng chỉ cần có sự cần cù lao động là sẽ “biến sỏi đá thành cơm” được ngay” - Trung úy Huy tâm sự.

Do đất liên tục được cày xới, trộn thêm các loại phân bón nên chỉ sau 3 tháng, một số khu vực trước đây là sỏi đá giờ đã trở thành đất màu mỡ, bắt đầu cho thu hoạch những luống rau xanh đầu tiên. Dựa theo tình hình của toàn Trung đoàn 31 mà các cấp chỉ huy sẽ lên kế hoạch trồng rau theo mùa, theo thời tiết để đạt hiệu quả cao, mà đất lại tiếp tục được trồng trọt, bón phân nên không bị bạc màu. Với mục tiêu vừa rèn luyện sức khỏe vừa tiết kiệm kinh phí, quá trình tăng gia sản xuất luôn được Trung đoàn 31 coi trọng, tránh lãng phí và tận dụng sức lao động của các CBCS nhằm phục vụ cho chính bữa ăn của các CBCS trong đơn vị.

Binh nhất Hồ Hữu Thành (Đại đội 2, Tiểu đoàn 7) bộc bạch: “Trồng trọt đã là một công việc rất vất vả, phải cải tạo đất xấu rồi mới bắt đầu gieo trồng lại càng nặng nhọc hơn. Có những buổi lao động mệt quá nhưng chúng tôi vẫn cố gắng làm, không làm được nhiều thì làm ít. Đến khi thu hoạch, ai nấy đều vui vì thấy công sức của mình được đền đáp xứng đáng”.

Đăng Tùng

 

 

Tin xem nhiều