Báo Đồng Nai điện tử
En

Thong dong như dân đùng tôm

10:12, 11/12/2016

Mấy chục năm gắn bó với khu rừng đước thuộc ấp Bà Trường (xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) để làm đùng nổi, đùng chìm nuôi tôm, đôi bạn Hai Trắng (Trương Văn Hoàng) và Hai Phê (Đoàn Văn Phê) luôn vui buồn có nhau.

Mấy chục năm gắn bó với khu rừng đước thuộc ấp Bà Trường (xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) để làm đùng nổi, đùng chìm nuôi tôm, đôi bạn Hai Trắng (Trương Văn Hoàng) và Hai Phê (Đoàn Văn Phê) luôn vui buồn có nhau. Đùng ông Hai Trắng bị vỡ bờ, ông Hai Phê méo mặt xót của giùm bạn. Ông Hai Phê trúng lứa tôm, ông Hai Trắng hả hê ra mặt.

Ông Hai Trắng quay miệng cống dẫn nước từ ngoài kênh vào đùng. Ảnh: Đoàn Phú
Ông Hai Trắng quay miệng cống dẫn nước từ ngoài kênh vào đùng. Ảnh: Đoàn Phú

Cách sống của dân đùng tôm (nuôi theo kiểu quảng canh) rất khác với dân nuôi tôm theo kiểu công nghiệp. Dân nuôi tôm quảng canh luôn thong dong, đủng đỉnh trên bờ ao, chòi canh cùng bạn bè chuyện trò, ca hát. Bởi, những con: tôm, cua, cá tự nhiên... không giúp họ thành đại gia sau vài vụ nuôi, mà chỉ đem đến cuộc sống vô tư, thanh nhàn theo năm tháng.

Lãng tử sông nước

Đi hết con đường nông thôn mới ấp Bà Trường là những con đường đất dọc theo các bờ kênh, đùng tôm. Cái chòi nhỏ của ông Hai Trắng luôn có mấy con chó thả rong canh giữ các đùng to, đùng nhỏ.

Ông Hai Trắng cho biết ông có tới 5 đùng tôm, tổng diện tích chừng 21 hécta, trong đó có 3 cái đùng ông thuê lại của người khác và 2 cái đùng được Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành giao khoán. Cái nghề làm đùng tôm, cá, cua nơi rừng ngập mặn này là nghề cha truyền con nối đối với ông Hai Trắng.

Ông Hai Trắng là dân gốc Nhơn Trạch, cha của ông là dân hạ bạc chính tông của vùng đất ngập mặn này. Trước năm 2000, khi các khu công nghiệp ở huyện Nhơn Trạch chưa phát triển thì dân 2 xã Long Thọ và Phước An một nửa sống bằng nghề hạ bạc, nửa còn lại làm nông và các nghề khác. Sau này, khi các khu công nghiệp phát triển, số người còn theo nghề hạ bạc không nhiều, chủ yếu là người già và người trẻ quá yêu sông nước.

Con trai ông Hai Phê thả lưới đánh bắt cá trong đùng. Ảnh: Đoàn Phú
Con trai ông Hai Phê thả lưới đánh bắt cá trong đùng. Ảnh: Đoàn Phú

Nghề hạ bạc theo lý giải của ông Hai Trắng gồm các loại nghề: chài lưới, giăng câu, mò cua, bắt ốc, đặt đú, đó, đùng… Đã theo nghề hạ bạc thì ít ai giàu sang, thu nhập chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Bù lại, cuộc sống của dân hạ bạc luôn ung dung tự tại. Ngày nào người ướt, lấm bùn thì có tiền. Ngày nào người khô ráo, áo quần sạch sẽ thì co ro trong chòi ngủ hoặc ngồi lai rai với mấy người bạn, không phải mệt đầu lo nghĩ chuyện cơm, áo, gạo, tiền.

Trước năm 1975, thủy sản tự nhiên vùng nước lợ Phước An còn nhiều. Vì vậy, dân hạ bạc không phải vất vả nhiều với những chuyến đánh bắt nơi kênh nhỏ, kênh lớn và cả sông Cái, nhưng vẫn có nhiều cá, tôm, cua mang về cho vợ đem ra chợ bán. Chính vì được thiên nhiên ưu đãi nên dân hạ bạc sống rất ung dung, giao lưu nhiều. Chiếc xuồng này mục thì đóng liền chiếc xuồng khác để kịp theo con nước đi đánh bắt. Người cha có tuổi thì kịp truyền lại kinh nghiệm cho con để những con cá, tôm, cua không bị thoát khỏi tay lưới, chài, vó, chỉa, lọp… của con trai mình.

Kênh rạch Phước An chằng chịt theo rừng đước, dân hạ bạc giỏi nghề càng thong dong theo từng con nước lớn, ròng. Ông Hai Trắng lớn lên và giỏi nghề từ đó. Được cha truyền lại nghề và cưới cho cô vợ, ông cứ vậy vùng vẫy, tung hoành ngang dọc trên sông nước để nuôi vợ con.

Sau năm 1975, ông Hai Trắng và rất nhiều người dân Phước An chuyển sang làm nghề đùng. Đây cái nghề mới của dân hạ bạc nhằm giảm bớt những chuyến đánh bắt lang thang mà vẫn nhàn hạ.

Đùng chìm, đùng nổi

Toàn xã Phước An có trên 100 hộ nuôi tôm quảng canh, trong đó ấp Bà Trường có 50 hộ. Cuộc sống của các hộ nuôi tôm quảng canh ổn định, phát triển tốt nếu môi trường nước tự nhiên không bị ô nhiễm. Ông Đỗ Văn Thuấn, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Phước An, cho biết dân làm đùng tôm quảng canh có cuộc sống, phong thái khác với dân nuôi tôm theo kiểu công nghiệp. Một bên thì vốn lớn, tính toán chi ly, căng thẳng, đầy rủi may và dễ trở thành đại gia tiền tỷ; bên còn lại thì sống ung dung, tự tại nên giàu không giàu nhưng cũng ít khi trắng tay.

Thời gian đầu đùng của dân hạ bạc vùng nước lợ, rừng ngập mặn Phước An, Long Thọ là đùng chìm, gặp con nước lớn thì bờ bao đùng bị chìm trong dòng nước; khi nước rút thì bờ bao đùng mới nổi lên. Lý do làm đùng chìm vì lúc đó mọi người không có máy móc để đắp bờ bao chắc chắn và cao hơn con nước lớn. Vì công việc đắp bờ bao chủ yếu bằng sức người nên các bờ bao rất yếu, dễ vỡ khi con nước từ ngoài kênh đổ vào. Mỗi lần vỡ đùng, dân làm đùng chỉ biết nhìn con nước mà buồn thúi ruột (mất một đợt thu hoạch) và chờ con nước rút thì giúp nhau đắp lại bờ.

Cái chòi gỗ nơi vợ chồng ông Hai Phê sinh hoạt cách chòi ông Hai Trắng vài trăm mét. Ông chọn khu đất cao nằm sát đám đước cất chòi nên chòi của ông mát mẻ hơn khu chòi của ông Hai Trắng.

Ông Hai Phê cũng là dân gốc Phước An, dân hạ bạc nòi. Đùng của ông chỉ 13 hécta nên thu nhập từ đùng không thể so bì với đùng của ông Hai Trắng. Tuy nhiên, do 2 ông là đôi bạn mấy chục năm nay nên cách thức làm đùng, phong cách sống chẳng khác gì nhau. Vì vậy, chúng tôi chỉ cần hỏi một người là biết chuyện của người kia và của dân làm đùng khác.

Ông Hai Phê cho biết khi dân làm đùng chìm khá lên, có điều kiện thuê máy móc thay sức người đắp bờ cao to để chống lại các con nước lớn gọi là đùng nổi. Đùng nổi cũng kết nối với các tuyến đê bao trở thành đường giao thông, vận chuyển hàng hóa của dân làm đùng. Trước kia, dân làm đùng chìm phải vận chuyển tôm, cua, cá bằng xuồng hoặc gánh từng giỏ cần xé theo các bờ đùng ra ngoài nên cá, tôm bắt được đem ra ngoài đều chết sạch, phải bán với giá rẻ. Nay cá tôm được sục oxy, chở xe máy ra bán trực tiếp cho các vựa, chợ đầu mối vẫn còn khỏe như lúc ở ngoài đùng nên được giá.

Làm đùng nổi đi lại thuận tiện, hệ thống cống xả và lấy nước như cống thủy lợi. Khi bờ đùng có nguy cơ bị vỡ, chỉ cần một cuộc điện thoại của dân đùng là dân xáng cạp chở ngay máy móc vào gia cố kịp thời. Đó là cái sướng thứ nhất của người làm đùng bây giờ. Cái sướng thứ 2 là ngoài cua, cá, tôm tự nhiên nuôi dưỡng trong đùng không bị thất thoát (đùng chìm nước ngập, vỡ bờ đùng thì cá, tôm, cua thoát ra), người làm đùng còn thả thêm cua, tôm mua từ người dân đánh bắt tự nhiên hoặc các vựa giống về thả bổ sung. Cái sướng thứ 3 là người làm đùng hàng ngày có đồng ra, đồng vào từ việc đánh bắt những con tôm, cua, cá lớn đem bán. Từ 3 cái sướng đó đã tạo cho dân làm đùng như các ông: Hai Trắng, Hai Phê và nhiều người khác nữa luôn giữ được cái chất lãng tử, thong dong của dân hạ bạc tồn tại với thời gian, vùng nước ngập mặn Nhơn Trạch, Long Thành.

Đoàn Phú

 

 

Tin xem nhiều