Cuối năm, công việc ở cơ quan, công ty nào cũng nhiều, người lao động đôi lúc phải làm thêm giờ để giải quyết cho xong công việc còn tồn trước khi bước sang năm mới.
Cuối năm, công việc ở cơ quan, công ty nào cũng nhiều, người lao động đôi lúc phải làm thêm giờ để giải quyết cho xong công việc còn tồn trước khi bước sang năm mới. Ngành điện cũng thế, thời điểm cuối năm là lúc các tốp thợ bảo trì, sửa chữa phải kiểm tra toàn bộ hệ thống điện sinh hoạt, sản xuất và thay mới, sửa chữa khi cần thiết.
Công nhân Điện lực Biên Hòa làm việc trên các cột điện giữa tiết trời nắng nóng cuối năm. |
Chỉ còn vài tuần nữa là đến Tết Nguyên đán năm 2017. Thời điểm này, các tốp thợ sửa chữa, bảo trì của Điện lực Biên Hòa đang ráo riết hoàn thành các công đoạn cuối cùng nhằm đảm bảo việc sản xuất đầu năm của doanh nghiệp thuận lợi, việc sinh hoạt trong ngày tết của dân được trọn vẹn. Không ai bảo ai nhưng mỗi công nhân Điện lực Biên Hòa đều tự ý thức trách nhiệm và cố gắng hoàn thành nhiệm vụ sớm nhất, chất lượng nhất.
“Chạy đua” cuối năm
Thời tiết cuối năm khá nóng, đưa tay lau những giọt mồ hôi nhễ nhại trên mặt, anh Nguyễn Thành Ngọc (Tổ trưởng Tổ bảo trì xây lắp Điện lực Biên Hòa) cho hay: “Thời tiết cuối năm bắt đầu bước dần vào mùa khô. Đây cũng là lúc công việc của chúng tôi áp lực nhất trong năm, vừa phải đảm bảo đường điện sinh hoạt hoạt động bình thường vừa chuẩn bị người cơ động hỗ trợ tổ sửa chữa điện khi có yêu cầu. Hầu hết công việc làm trong giờ hành chính nhưng khi có sự cố xảy ra, nhất là vào dịp cận tết, chúng tôi luôn phải chạy đi xử lý ngay, kể cả trong khoảnh khắc đón giao thừa với người thân”.
Do việc bảo trì được thực hiện đều đặn, có kế hoạch nên công việc của tổ bảo trì xây lắp thời điểm cuối năm không quá áp lực. Bên cạnh đó, nhờ các loại máy móc, trang thiết bị hỗ trợ nên mọi việc được thực hiện khá dễ dàng. Riêng với tổ sửa chữa điện, mọi chuyện có một số khác biệt. Thời điểm này, công nhân trong tổ sửa chữa điện khá vất vả vì thường xuyên nhận được yêu cầu sửa chữa đường dây hư hỏng ở các khu dân cư.
Các linh kiện được chuẩn bị từ dưới đất trước khi đưa lên cột điện. |
Theo anh Nguyễn Thành Duyên, Tổ trưởng Tổ sửa chữa điện, khi người dân báo có sự cố thì công nhân điện lực sẽ có trách nhiệm thiết lập một cuộc hẹn đến sửa chữa trong thời gian nhanh nhất. Thời điểm cuối năm, nhiều gia đình, nhất là các hộ kinh doanh, tăng cường sử dụng điện nên dễ xảy ra quá tải, gây chập, hỏng đường dây điện; vì vậy nhân lực của tổ không đủ duy trì, phải điều động thêm người ở các tổ khác qua hỗ trợ.
“Công nhân tổ sửa chữa điện giống như người lính vậy. Ngày tết chính là cao điểm “trực chiến”, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi nghe điện thoại báo sự cố. Dĩ nhiên, sự cố có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi và công nhân điện lực luôn phải sẵn sàng tinh thần lên đường bất kể ngày hay đêm. Nhiều năm trước, việc gần tới giao thừa bỗng dưng mất điện, hoặc mất điện trong ngày 30 tết cũng thường xảy ra, nhưng mấy năm gần đây tình hình đã khác. Gần tết, chúng tôi tăng cường tuyên truyền cho người dân tiết kiệm điện, tắt bớt các thiết bị sử dụng điện không cần thiết. Nhờ đó, điện không bị quá tải, người dân đón tết vẫn vui vẻ mà công nhân sửa chữa cũng không phải hối hả lo chạy đi sửa điện lúc giao thừa” - anh Duyên tâm sự.
Gấp gáp nhưng phảin đảm bảo an toàn
Đến cuối tháng 12-2016, Điện lực Biên Hòa đã đầu tư mới gần 30 trạm biến áp, hoán chuyển tăng công suất gần 50 trạm biến áp và phát quang cây xanh trong hành lang an toàn lưới điện cao áp với chiều dài 30km… Điện lực Biên Hòa đã vận động người dân tháo gỡ các biển báo, gia cố lại tôn lợp các công trình, nhà ở gần lưới điện. |
Dù biết thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới mà phải lao vào công việc luôn đem lại cho mỗi người cảm giác vui buồn lẫn lộn, nhưng với những công nhân ngành điện, khi phải sửa chữa điện vào đêm giao thừa họ luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của người dân khu vực bị mất điện.
Anh Duyên nhớ lại, vào đêm 30 tết gần 15 năm trước, tại địa bàn phường Tân Mai đã xảy ra sự cố mất điện. Lúc ấy, anh Duyên cùng các đồng nghiệp đến ngay khu vực xảy ra sự cố mất điện để sửa chữa. Khi đó, người dân đổ về nhà thờ rất đông nên việc di chuyển trên đường hết sức khó khăn. Trong lúc không biết làm cách nào để tiếp cận cột điện bị hỏng thì tốp công nhân của anh Duyên đã được người dân sống quanh đó giúp sức. “Những người đàn ông thì bước ra giữa đường kêu gọi mọi người đi dạt sang 2 bên, một số khác phụ chúng tôi giữ thang, chuyển máy móc để sửa chữa. Hôm đó đường rất đông, trời tối om do mất điện nhưng nhờ người dân ở đó mà không xảy ra cảnh chen chúc, xô đẩy, giúp chúng tôi nhanh chóng tiếp cận vị trí hư hỏng để sửa chữa, nhưng dù gấp gáp vẫn phải đảm bảo mọi biện pháp an toàn. So với trước đây, các trang bị kỹ thuật, bảo hộ của công nhân điện ngày càng hiện đại và an toàn hơn. Khi làm xong, đóng điện, đèn cả tuyến đường bật sáng đồng loạt trong tiếng reo của mọi người. Khi đó, chúng tôi mới thở phào xong việc và rất vui khi thấy bản thân đã đem lại nụ cười cho nhiều người ngay trước thềm năm mới” - anh Duyên nhớ lại.
Không chỉ sửa chữa, thay thế đường dây, trạm biến áp phục vụ sinh hoạt mà tại các khu công nghiệp, các tuyến đường điện cũng được Điện lực Biên Hòa tập trung kiểm tra, sửa chữa. So với việc sửa chữa trên đường phố, thì sửa chữa trong khu công nghiệp an toàn hơn rất nhiều do mật độ phương tiện đi lại ít, đường rộng rãi, công nhân điện lực dựng xe không sợ bị kẻ gian “đua nóng”, hay bắc thang không lo bị xe chạy va trúng. Tuy nhiên, đó chỉ là những rủi ro khách quan, còn từ phía mỗi công nhân, trước khi leo lên cột điện, tất cả mọi người đều được tổ trưởng kiểm tra lại trang bị bảo hộ cá nhân nhằm tránh rủi ro xảy ra.
Anh Hoàng Đức Phong (Tổ bảo trì xây lắp Điện lực Biên Hòa) cho hay tất cả nguyên tắc an toàn đều được công nhân điện lực thuộc nằm lòng. Trong quá trình làm việc trên cột điện, nếu xảy ra tình trạng chóng mặt, say nắng đều phải nhanh chóng thông báo đổi người với tổ trưởng. Bên cạnh đó, việc sơ cứu, cấp cứu công nhân điện lực gặp nạn trên cột điện luôn được tổ chức tập huấn thường xuyên, các xe gàu (xe nâng chuyên dụng) luôn túc trực cùng tổ làm nhiệm vụ để sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết.
“Ngay cả trang thiết bị đeo bên người khi leo cột điện luôn được tinh giản nhẹ nhất có thể, thiết bị nặng thì dùng dây ròng rọc kéo lên, vị trí nào phức tạp sẽ có xe gàu nâng thêm người lên phụ. Tất cả đều phải đảm bảo an toàn, nhất là trong dịp tết, lúc giao mùa thời tiết thay đổi, anh em dễ mắc bệnh thời tiết. Là người chỉ huy, nếu không kịp thời quan sát, chú ý công nhân sẽ dễ dẫn đến tai nạn đáng tiếc” - anh Nguyễn Thành Ngọc tâm sự.
Đăng Tùng