Đường giao thông liên tổ 1-2, KP.6, thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) được trải nhựa cùng với việc xây dựng hệ thống nước sạch sinh hoạt, người dân mừng một, còn các ông: Phạm Xuân Thế, Phạm Thanh Bình, Nguyễn Đình Thiêm và Nguyễn Văn Hoàng mừng tới mười.
Đường giao thông liên tổ 1-2, KP.6, thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) được trải nhựa cùng với việc xây dựng hệ thống nước sạch sinh hoạt, người dân mừng một, còn các ông: Phạm Xuân Thế, Phạm Thanh Bình, Nguyễn Đình Thiêm và Nguyễn Văn Hoàng mừng tới mười.
Cựu chiến binh Phạm Xuân Thế bên đường nước mở rộng kéo vào hẻm gia đình. |
Để có kinh phí giải phóng mặt bằng, đối ứng vốn với thị trấn Vĩnh An đầu tư làm đường, 2 ông Thế và Hoàng đã đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của gia đình thế chấp ngân hàng lấy tiền cho các hộ dân mượn để đóng góp. Còn 3 ông: Thế, Bình và Thiêm thì “cắm” 3 sổ đỏ lấy 320 triệu đồng đầu tư đường ống nước sạch chôn ngầm theo con đường. Hành động của bộ tứ: Thế, Bình, Thiêm và Hoàng được người dân 2 tổ 1-2 ngưỡng mộ vô cùng.
Cựu chiến binh đi trước
Năm 1987, khu vực ruộng lúa, rẫy mì ở tổ 1, KP.6, thị trấn Vĩnh An xuất hiện ngôi nhà tranh nhỏ của vợ chồng cựu chiến binh Phạm Xuân Thế từ tỉnh Nam Định về đây mua đất lập nghiệp. Với bốn bề ruộng lúa, vườn cây, không đường, không điện, ngôi nhà tranh của vợ chồng ông Thế càng đơn độc khi mặt trời lặn. “Khi về đây lập nghiệp, vợ chồng tôi chỉ có vài triệu đồng lận lưng nên mua được đất là vợ chồng tôi dựng nhà ngay tại rẫy sinh sống. Thời đó, khu vực này còn vắng vẻ, nhà này muốn sang nhà kia phải men theo bờ ruộng, đường mòn mà đi” - ông Thế nói.
Theo thời gian, xung quanh nhà ông Thế có thêm người mới về ở. Để có con đường đi lại và nguồn điện sinh hoạt, ông Thế mạnh dạn vận động các hộ dân tự bỏ tiền và công lao động mở đường, kéo điện.
Hai cựu chiến binh Phạm Xuân Thế (trái) và Phạm Thanh Bình bên đoạn đường liên tổ 1-2 vừa tráng nhựa và lắp đặt hệ thống nước sạch dưới tim đường. |
Ông Thế cho biết, vào năm 2000 khu vực ruộng, rẫy ở tổ 1 vẫn còn thắp đèn dầu hoặc xài đèn bình, trong khi nhiều khu vực lân cận đã có điện thắp sáng, bơm nước tưới cây. Vì vậy, ông bàn với hơn chục hộ dân ở đây bỏ tiền kéo đường dây điện. Ý của ông được đồng tình, nhưng mọi người than chưa có tiền góp ngay. Trước khát khao ánh sáng điện của các hộ dân, ông Thế bỏ ra 20 triệu đồng đầu tư lưới điện cho các hộ khác cùng xài. Sau vài tháng có điện sử dụng, các hộ dân mới gom đủ tiền trả lại cho ông.
Nhờ chăm chỉ làm ruộng và chăn nuôi, vợ chồng ông Thế mua thêm vài khu ruộng gần nhà. Cũng vì vậy mà gia đình ông Thế chỉ có trên 1 hécta đất nhưng có tới 4 sổ đỏ. Vì nhà có nhiều sổ đỏ nên ông cứ đem đi “cắm” ngân hàng lấy tiền cho mọi người mượn đóng góp các phong trào làm đường, kéo điện do tổ, khu phố phát động mà chẳng sợ bị quỵt.
Ông Thế bày tỏ, người dân trong tổ ông rất uy tín, trách nhiệm, chỉ tội là họ chưa có tiền mặt để đóng góp cho các phong trào chung. Hiểu cái khó của họ, ông mạnh dạn cho mượn sổ đỏ của gia đình đi “cắm” ngân hàng.
Có lúc, ông Thế cho các hộ dân khác mượn sổ đỏ của gia đình “cắm” ngân hàng chỉ để trả phần tiền vay gốc, còn tiền lãi gia đình ông gánh. Tuy thiệt thòi về phần mình, vợ chồng ông Thế vẫn vui vì nhờ sổ đỏ của ông mà mọi người có đường đi lại thuận tiện, có điện, nước sạch để sử dụng.
Bà Gái (vợ ông Thế) tỏ bày, việc lấy sổ đỏ của gia đình đem thế chấp vay tiền ngân hàng cho các hộ khó khăn trong xóm, tổ mượn để đóng góp cho phong trào làm đường, kéo điện, vợ chồng bà luôn đồng thuận, không phải lo nghĩ chuyện bị quỵt rồi phải ôm nợ. Cũng vì chồng bà đi tiên phong trong việc “cắm” sổ đỏ cho ngân hàng đem tiền về cho mọi người mượn khiến các ông: Bình, Hoàng và Thiêm thấy chí lý nên làm theo.
Bộ tứ sống đẹp
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Vĩnh An Dương Minh Hoàng cho biết, trong bộ tứ: Thế - Bình - Thiêm - Hoàng có 2 hội viên cựu chiến binh Thế và Bình. Từ mô hình 1+4 (1 hội viên phụ trách vận động 4 hộ dân liền kề tham gia các phong trào ở địa phương) đã nhân thêm được rất nhiều điển hình tiên tiến. Thời gian qua, mô hình này phát huy rất hiệu quả trong các phong trào đóng góp xây dựng giao thông, kéo điện, nước sạch, giữ gìn an ninh trật tự, đoàn kết xây dựng đời sống mới... |
Đầu năm 2016, đường liên tổ 1-2, KP.6 vẫn còn là con đường nắng bụi, mưa lầy nên việc vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân ở 2 tổ 1, 2 vẫn còn chật vật, dù mọi người liên tục bỏ tiền, bỏ công duy tu, sửa chữa. Khi hay tin đoạn đường này được thị trấn Vĩnh An cho chủ trương xã hội hóa (theo hình thức Nhà nước đầu tư 80%, người dân góp vốn đối ứng 20%) với thiết kế mặt đường đổ bê tông nhựa nóng rộng 8m, dài 800m, người dân 2 tổ 1-2 mừng, lo lẫn lộn.
Mọi người mừng vì đường được mở rộng, đổ bê tông nhựa sẽ giải quyết dứt điểm tình trạnh nắng bụi, mưa lầy, nhưng họ cũng lo vì bề mặt đường hiện hữu có nơi rộng 10m, nơi teo tóp lại còn 3,5-6m. Để giải phóng mặt bằng, ban vận động làm đường liên tổ 1-2 quyết định vận động dân góp thêm tiền để bồi thường cho những hộ bị thiệt hại về đất khi mở đường. Cũng nhờ sự thuyết phục của ban vận động làm đường và bộ tứ: Thế - Bình - Thiêm - Hoàng, 2 hộ dân ở đầu đường và tại các nút thắt đã sẵn sàng đập nhà, dời tường rào vào sâu bên trong.
Tổng kinh phí để xã hội hóa đường liên tổ 1-2 là 2,5 tỷ đồng. Để người dân có hàng trăm triệu đồng đối ứng và bồi thường việc giải tỏa mở rộng đường, 2 ông Thế và Hoàng đã lấy 2 sổ đỏ của gia đình đi cầm cố ngân hàng được 100 triệu đồng đem về cho các hộ dân khó khăn mượn.
Ông Hoàng cho hay, 50 triệu đồng mọi người cam kết trả lãi và gốc; 50 triệu đồng còn lại họ chỉ trả tiền gốc, phần lãi suất do 2 ông chịu trong vòng một năm và khi thu đủ tiền thì mới ra ngân hàng lấy sổ đỏ về.
Tháo gỡ xong vấn đề mặt bằng, 3 ông: Thế, Bình và Thiêm lại bàn nhau góp vốn đầu tư đường ống nước sạch đi song song với đường nhựa. Các ông ứng tiền làm trước, rồi vận động các hộ dân khác đóng góp trả lại sau. Bởi, việc vận động mọi người góp tiền trải nhựa, giải phóng mặt bằng đã khiến họ tốn một số tiền khá lớn, nếu đóng thêm nữa thì kẹt cho họ. Nhưng nếu các ông không kịp thời lắp đường nước sạch sinh hoạt cùng lúc với việc triển khai làm đường thì sau này đầu tư rất khó khăn và mọi người không có nước sạch sử dụng.
Nghĩ là làm, các ông lấy 3 sổ đỏ của gia đình “cắm” ngân hàng được 320 triệu đồng triển khai dự án kéo nước sạch. Đường được trải nhựa thì nhà dân 2 bên đường và các nhánh nhỏ cùng lúc có nước sạch sử dụng. May sao, 4 tháng sau dự án nước sạch của các ông: Thế, Bình và Thiêm được tỉnh hoàn trả lại tiền. Nhờ vậy, các ông chỉ mất 9 triệu đồng/4 tháng lãi suất. Còn người dân 2 tổ 1, 2 không tốn đồng nào mà vẫn có nước sạch sử dụng và đường ống được Nhà nước kéo dài thêm 300m nữa.
Đoàn Phú