Xuân về, những cánh rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu Bảo tồn) rộn tiếng chim, muông thú.
Xuân về, những cánh rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu Bảo tồn) rộn tiếng chim, muông thú. Chủ nhiệm Câu lạc bộ Voi Con Tinh Nghịch Đặng Văn Nhơn liên tục nhắc nhở lũ trẻ hàng xóm đừng quấy phá đàn sóc đang nô đùa với nắng xuân.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cánh Hoa Dầu (ấp 7, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) Phan Thanh Huyền giới thiệu về câu lạc bộ xanh của mình. |
Nhằm huy động sức dân trong vấn đề bảo vệ rừng, Khu Bảo tồn thành lập 9 câu lạc bộ xanh tại các xã vùng đệm mang tên các loài cây, thú rừng, như: Cánh Hoa Dầu, Voi Con Tinh Nghịch, Mèo Rừng… Các câu lạc bộ xanh có nhiệm vụ tuyên truyền vấn đề bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống và phối kết hợp với Khu Bảo tồn trong việc ngăn chặn các hành vi xâm hại về rừng, thú rừng và phòng, chống cháy rừng…
Mỗi người một trái tim yêu
Bà Đinh Thị Lan Hương, Giám đốc Trung tâm sinh thái - văn hóa - lịch sử Chiến khu Đ (thuộc Khu Bảo tồn) cho hay tiền thân của câu lạc bộ xanh tại các ấp là mô hình câu lạc bộ xanh cung cấp kiến thức về môi trường, rừng trong các trường học và Đội xung kích tuyên truyền của Khu Bảo tồn. Năm 2014, đề án câu lạc bộ xanh ra đời và duy trì hoạt động cho đến nay. |
Rừng già Mã Đà, Hiếu Liêm, Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) một thời bị tàn phá đang dần được phục hồi theo từng mùa xuân. Người dân nơi rừng già ngày càng ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng, thú rừng để được rừng chở che, bao bọc. “Một con thú nhỏ cũng không săn bắt, một cây con gần nhà cũng giữ gìn. Đó là phương châm hành động của các thành viên trong Câu lạc bộ Cánh Hoa Dầu” - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cánh Hoa Dầu Phan Thanh Huyền cho biết.
Vốn là dân lâm nghiệp, ông Huyền thấu hiểu giá trị màu xanh và sự đa dạng sinh học của rừng mang lại. Tuy nhiên, trước nhu cầu cuộc sống, từ năm 1975-1985, những cánh rừng già Mã Đà, Hiếu Liêm, Vĩnh An… bị bàn tay con người can thiệp thô bạo. Thời điểm ấy, người ta xem việc chặt phá rừng là “công”, chứ không phải “tội” nên những cánh rừng già bị băm nát thành gỗ, than, củi chở về thành thị phục vụ nhu cầu cuộc sống.
“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt” - câu cửa miệng của dân rừng được ông Huyền nhắc lại khi rừng thuộc Khu Bảo tồn vào xuân rộn ràng tiếng chim, muông thú.
Ông Huyền kể, những đối tượng lâm tặc, chủ gỗ khét tiếng một thời nay chẳng mấy ai giàu sang. Đó là cái giá mà họ phải trả cho sự tàn phá rừng, sát hại thú rừng vô tội vạ hoặc đổ thừa do cuộc sống cùng quẫn dẫn đến làm liều. “Rừng đóng cửa, dân phá rừng sống vật vờ nơi bìa rừng chờ thời cơ xâm hại rừng và thú rừng; trong khi dân trồng rừng, nhận giao khoán đất rừng có cuộc sống ổn định từ nguồn lợi do rừng và đất rừng đem lại” - ông Huyền nói.
Còn ông Đặng Văn Nhơn chia sẻ, ông tham gia Câu lạc bộ Voi Con Tinh Nghịch vừa góp phần cùng với Khu Bảo tồn trong việc bảo vệ rừng và thú rừng vừa để chuộc lỗi với rừng. Bởi, ông Nhơn cũng có một thời vì mưu cầu cuộc sống mà góp tay vào việc phá rừng, xem con thú rừng là món ngon lúc đói kém. Ngày rừng đóng cửa, ông Nhơn hoàn lương và bắt đầu cuộc sống tử tế với rừng. Qua những mùa gieo tỉa, rừng xanh dần phục hồi, cuộc sống gia đình ông Nhơn từng bước ổn định. Nay địa phương bừng sáng cuộc sống nông thôn mới, ông Nhơn cùng với cộng đồng nhiệt huyết cổ vũ cho công tác bảo vệ rừng, thú rừng và môi trường sống.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nai Vàng Vũ Đình Khiêm mộc mạc bày tỏ, nhìn rừng ngày càng xanh, muông thú được bảo tồn chu đáo, ông càng mạnh miệng tuyên truyền đến người dân trong ấp về ý nghĩa của việc bảo vệ rừng. Từ công tác này, ấp của ông được Khu Bảo tồn hỗ trợ 40 triệu đồng/năm cho việc tu bổ đường giao thông, hạ tầng. Bên cạnh đó, người dân trong ấp còn được Khu Bảo tồn mời tham gia các công việc phòng chống cháy rừng, phát dọn rừng để kiếm thêm thu nhập.
Vui cùng thú rừng, cây rừng
Câu lạc bộ Nai Vàng của Trưởng ấp 3, xã Hiếu Liêm Vũ Đình Khiêm có 40 thành viên. Các thành viên trong câu lạc bộ gồm cán bộ chi hội, đoàn thể ấp và những người dân yêu quý rừng. Mỗi tháng, các thành viên trong câu lạc bộ tập trung tại văn phòng ấp sinh hoạt một lần. Nội dung sinh hoạt rất đa dạng, như: sinh hoạt chuyên đề về công tác bảo vệ rừng, động vật rừng, phòng chống cháy rừng; thể hiện các tiểu phẩm vui, như: kịch, thơ về tình yêu rừng và ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường…
Ông Khiêm tâm sự, các thành viên trong câu lạc bộ tham gia sinh hoạt rất đông đủ và sôi nổi. Qua sinh hoạt, các thành viên đều được bàn, góp ý và thỏa sức thể hiện tài năng thơ, kịch của mình.
Còn ông Đặng Văn Nhơn cho biết nội dung sinh hoạt của câu lạc bộ đều chuyển tải bằng kịch bản, thơ nên thu hút bà con đến xem. Để có tiết mục sinh hoạt hay, các thành viên trong câu lạc bộ phải tụm nhau lại sáng tác kịch bản, phân vai diễn xuất rất cụ thể. Sau nhiều ngày đêm tập luyện ăn ý mới đem ra diễn cho bà con xem. Nhờ vậy, thông điệp về bảo vệ rừng và tình yêu rừng, thú rừng, bảo vệ môi trường sống được các thành viên trong câu lạc bộ gửi đến người dân dễ hiểu, vui nhộn và nhớ lâu.
Năm 2014, Khu Bảo tồn xây dựng đề án câu lạc bộ xanh tại 9 ấp thuộc các xã vùng đệm. Trong đó, xã Phú Lý có 4 câu lạc bộ, xã Mã Đà có 3 câu lạc bộ, xã Hiếu Liêm và xã Phú Cường (huyện Định Quán) có 1 câu lạc bộ.
Bà Đinh Thị Lan Hương, Giám đốc Trung tâm sinh thái - văn hóa - lịch sử Chiến khu Đ (thuộc Khu Bảo tồn), cho biết tùy từng ấp mà mô hình câu lạc bộ xanh mang tên các loài cây và thú rừng khác nhau, như: Voi Con Tinh Nghịch (ấp 2, xã Phú Lý), Bằng Lăng Tím (ấp 4, xã Phú Lý), Cánh Hoa Dầu (ấp 7, xã Mã Đà)… Hiện tại, các địa phương đề xuất được thành lập thêm các câu lạc bộ xanh mới nhưng Khu Bảo tồn đang còn xem xét.
Theo đề án của Khu Bảo tồn, mỗi câu lạc bộ xanh được Khu Bảo tồn hỗ trợ mỗi năm 40 triệu đồng để đầu tư hạ tầng, giao thông; đồng thời được hỗ trợ thêm 4-5 triệu đồng/năm chi phí tổ chức các buổi sinh hoạt. Cuối năm, Khu Bảo tồn tổ chức cho các câu lạc bộ xanh thi tài nhau và trao giải động viên. Bên cạnh đó, các thành viên câu lạc bộ được các trạm kiểm lâm trong Khu Bảo tồn tạo điều kiện việc làm, phối hợp trong công tác phòng chống cháy rừng, giáo dục các đối tượng xâm hại rừng bỏ nghề…
Đêm Mã Đà leo lét ánh đèn điện, các thành viên trong Câu lạc bộ Cánh Hoa Dầu háo hức diễn vở kịch Ăn của rừng rưng rưng nước mắt và được bà con vỗ tay tán thưởng.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cánh Hoa Dầu Phan Thanh Huyền háo hức nói: “Câu lạc bộ không chỉ gửi thông điệp về tình yêu rừng, thú rừng đến người dân, mà còn tạo sân chơi cho mọi người trong mỗi kỳ sinh hoạt. Vì vậy, các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Cánh Hoa Dầu được bà con ví như một buổi biểu diễn văn nghệ của ấp, xã nên háo hức rủ nhau đến xem miễn phí”.
Đoàn Phú