Báo Đồng Nai điện tử
En

Người Thái ở Bàu Cạn

10:12, 26/12/2016

Xã Bàu Cạn (huyện Long Thành) có 21 hộ dân tộc Thái với 84 nhân khẩu. Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Bàu Cạn Vi Văn Quang và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lương Văn Xuân là 2 người Thái đầu tiên có mặt ở xã Bàu Cạn, rồi họ kêu gọi anh em, họ hàng về đây tụ hội.

Xã Bàu Cạn (huyện Long Thành) có 21 hộ dân tộc Thái với 84 nhân khẩu. Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Bàu Cạn Vi Văn Quang và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lương Văn Xuân là 2 người Thái đầu tiên có mặt ở xã Bàu Cạn, rồi họ kêu gọi anh em, họ hàng về đây tụ hội.

Chuyện học của con em luôn được đồng bào dân tộc Thái ở xã Bàu Cạn (huyện Long Thành) quan tâm.
Chuyện học của con em luôn được đồng bào dân tộc Thái ở xã Bàu Cạn (huyện Long Thành) quan tâm.

Tại vùng đất mới Bàu Cạn, đồng bào Thái luôn biết chia sẻ vui buồn cuộc sống, công việc làm, nếp nhà ở, lon gạo… Nay tiếng khèn, tiếng sạp, lời ca của đồng bào dân tộc Thái hòa cùng người Kinh và các dân tộc thiểu số khác, hòa cùng nông thôn mới.

Đùm bọc nhau ở vùng đất mới

Biệt tin nhiều năm vì nhiệm vụ của người lính, sau khi xuất ngũ, 2 ông Quang và Xuân mới có dịp hội ngộ tại xã Lũng Cao (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa). Sau những ngày ôn lại chuyện xưa, 2 ông quyết định rời quê đến vùng đất Bàu Cạn lập nghiệp.

Năm 1990, vùng đất ấp 7, xã Bàu Cạn dân cư còn thưa thớt nên chẳng “hẹp dạ” đón nhận thêm 2 gia đình cựu chiến binh dân tộc Thái. Được một nông dân chuyển nhượng lại 1,3 hécta đất với giá 3 chỉ vàng, 2 ông Quang và Xuân cùng nhau sản xuất, sinh hoạt chung trong một mái nhà suốt 2 năm. Khi cuộc sống ổn định, 2 ông mới tách ra ở riêng, làm ăn riêng và bắt đầu kêu gọi đồng bào Thái từ quê về đây tụ hội.

Từ lời kêu gọi của 2 ông Quang và Xuân, các hộ dân tộc Thái có họ gần, xa hoặc anh em ruột của 2 ông lần lượt tìm đến Bàu Cạn tá túc. Người mới đến được 2 ông lo chuyện ăn ở, tạm trú, việc làm và chờ khi hộ mới ổn định được cuộc sống, quen việc thì mới tách ra ở riêng, làm riêng. Từ cách sắp xếp của 2 ông, người đến trước có cuộc sống ổn định thì có trách nhiệm giúp đỡ người đến sau. Trong vòng 4 năm, đồng bào Thái đã quy tụ về Bàu Cạn lập nghiệp lên 14 hộ gia đình.

Cuộc sống ổn định, 2 ông Vi Văn Quang (phải) và Lương Văn Xuân kêu gọi đồng bào Thái ở cùng quê đến xã Bàu Cạn lập nghiệp.
Cuộc sống ổn định, 2 ông Vi Văn Quang (phải) và Lương Văn Xuân kêu gọi đồng bào Thái ở cùng quê đến xã Bàu Cạn lập nghiệp.

Gió ngoài đồng thổi giật từng cơn, ông Quang chỉ tay về đường dây điện cao thế nằm vắt ngang qua rẫy của hộ Vi Văn Ne tỏ bày, vùng đất Bàu Cạn những năm 1990-1995, con cá, con ếch nơi con suối, vườn cao su rất nhiều. Ngày đi làm thuê mướn, tối về ông xách đèn đi soi ếch, soi cá. Hôm nào soi được nhiều, bà Xuyến - vợ ông đem ra chợ xã bán; được ít thì để lại làm thức ăn. “Những năm tháng đó, các hộ người Thái trong làng đêm nào cũng có mặt ngoài đồng soi ếch, soi cá để cải thiện bữa ăn và kiếm thêm thu nhập. Nhờ con ếch, con cá tự nhiên và việc làm thuê mướn, các hộ gia đình người Thái dần ổn định cuộc sống nơi vùng đất mới” - ông Quang nói.

“Không để cho người thân, đồng bào đứt bữa khi nhà mình no bụng” - điều đó được 2 ông Quang và Xuân quán triệt cụ thể trong đồng bào người Thái ở Bàu Cạn.

Ông Xuân tâm sự, ông và ông Quang luôn nhắc nhở đồng bào Thái ở Bàu Cạn trong việc “nhường cơm, sẻ áo” như sau: “Tháng giáp hạt, nhà nào dư thóc, hoa màu thì san sẻ cho các hộ thiếu, hộ mới đến còn khó khăn. Nhà nào lỡ thiếu gạo nấu trong ngày cứ mạnh dạn sang hàng xóm mượn tạm vài lon gạo về thổi cơm. Trong làng, người Thái nào thiếu trách nhiệm đùm bọc, cưu mang đồng bào mình thì tự xấu hổ với bản thân, cộng đồng.

Đổi thay theo mùa xuân

Ông Lương Văn Xuân giải thích, người Thái có 2 tộc người, gồm: tộc Thái đen và tộc Thái trắng. Thái đen hay Thái trắng không phải phân biệt ở màu da, mà phân biệt theo vùng miền, nơi cư trú. Cụ thể, người Thái trắng tập trung nhiều ở vùng núi Tây Bắc và phía Tây tỉnh Thanh Hóa; còn người Thái đen tập trung nhiều ở vùng Con Cuông (tỉnh Nghệ An) và Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa). Đồng bào Thái cùng quê ông Xuân thuộc tộc người Thái đen. Ngày tết của đồng bào Thái trắng, Thái đen không thể thiếu các loại bánh truyền thống như bánh chưng được gói từ gạo nếp, nhân đậu, thịt heo. Nhưng bánh chưng của đồng bào Thái không phải như bánh tét miền Nam, hay bánh vuông miền Bắc, mà là những chiếc bánh chưng gù.

Sắp bước sang mùa xuân thứ 27, 21 hộ đồng bào người Thái ở Bàu Cạn đều có cuộc sống ổn định, khá giả. Người có tuổi thì làm nông nghiệp, làm dịch vụ tại nhà. Lớp trẻ học xong THPT, đại học thì đi làm công ty... “26 mùa xuân qua, đồng bào Thái ở Bàu Cạn chưa để xảy ra tình trạng mất đoàn kết, mất an ninh trật tự để chính quyền địa phương phiền lòng. Có được như hôm nay là nhờ các bậc cha mẹ trong mỗi gia đình luôn sống gương mẫu, trách nhiệm với cộng đồng, với con em mình” - ông Quang nói.

Tiết tháng Chạp càng làm cho đồng bào Thái ở Bàu Cạn nhớ cố hương, nhớ lễ hội của dân tộc mình. Ông Vi Văn Ne bày tỏ, tết của đồng bào Thái bắt đầu từ 25 tháng Chạp và kéo dài tới mùng 6 tháng Giêng năm sau. Người Thái ở quê ông ăn tết ra sao thì đồng bào Thái ở Bàu Cạn ăn tết như vậy. Đầu tiên, nhà nhà sửa sang lại nhà cửa, quét dọn, trang trí và sắp xếp lại đồ đạc làm cho ngôi nhà của mình đẹp mắt, ấm cúng. Những nồi rượu ủ từ lá men rừng cũng được bà con chưng cất suốt cả ngày đêm cuối tháng Chạp. Tất cả công việc đồng áng, nương rẫy được khẩn trương kết thúc để nhìn lại thành quả của một năm lao động, sản xuất.

Ngày tết hay ngày trọng đại của gia đình, như: khách ở quê ra thăm, cưới hỏi, giỗ…, đồng bào người Thái ở Bàu Cạn đều có lời mời tất cả người trong làng đến chung vui. Ngược lại, người được mời thường ủng hộ gia chủ ít gạo, nếp, tiền, rượu… để góp vui cho bữa tiệc.

Ông Quang bày tỏ, đó là tập tục tốt đẹp của tổ tiên được người Thái ở Bàu Cạn lưu giữ và duy trì cho đến hôm nay. Nay đồng bào trong làng không góp gạo, nếp, thịt, rượu nữa mà quy ra tiền cho tiện. Số tiền đóng góp cho gia chủ tùy điều kiện kinh tế và hảo tâm của gia đình khách mời.

Tiếng khèn, tiếng sạp càng rộn ràng vào những ngày mùa, lễ hội ở nhà 2 ông Quang và Xuân. Ông Xuân cho hay đồng bào Thái của ông tổ chức được đội văn nghệ và thường đi lưu diễn, tranh tài trong các ngày hội văn hóa các dân tộc của xã, huyện, tỉnh. Kinh phí để duy trì đội văn nghệ được chính quyền địa phương ủng hộ một phần, phần còn lại do làng tự trang trải. Nhờ đội văn nghệ này mà đồng bào Thái ở Bàu Cạn được bạn bè, đồng bào các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn tỉnh biết đến nhiều hơn. Đồng thời, con cháu người Thái ở Bàu Cạn có dịp để thi triển, khoe lời ca, tiếng hát, điệu múa đặc sắc dân tộc Thái của mình với mọi người.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều