Đó là câu xướng ngôn quen thuộc của Đài Truyền thanh Trường Sĩ quan lục quân 2 (tên dân sự là Trường đại học Nguyễn Huệ).
Đó là câu xướng ngôn quen thuộc của Đài Truyền thanh Trường Sĩ quan lục quân 2 (tên dân sự là Trường đại học Nguyễn Huệ). Từ khi trường đóng tại xã Tam Phước (năm 1975), Đài Truyền thanh (trực thuộc Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị của trường) đã trở thành kênh thông tin bổ ích cho học viên, cán bộ, chiến sĩ trong trường và nhân dân nơi đơn vị đóng quân.
Thiếu tá Hà Minh Hồng biên tập tin, bài hàng ngày cho kịp giờ thu âm. |
Tuy phần lớn các nhân viên của đài không trải qua trường lớp báo chí chính quy, nhưng họ đã từng bước vượt qua khó khăn để xây dựng chương trình phong phú, phát liên tục mỗi ngày, đáp ứng nhu cầu của học viên, cán bộ, chiến sĩ và người dân địa phương.
Nghề dạy nghề qua trang viết
Đại tá Đỗ Hoàng Ngân, Phó chủ nhiệm chính trị Trường đại học Nguyễn Huệ, đánh giá: “Hoạt động của Đài Truyền thanh nhà trường rất nề nếp, có tác dụng rất tốt; không chỉ tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà còn tuyên truyền những gương sáng, điển hình tiên tiến, cách làm hay, mô hình hay. “Đài truyền thanh” đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho học viên, cán bộ, chiến sĩ trong trường; góp phần xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư thông qua các buổi truyền thanh tại khu gia đình và địa phương nơi đóng quân”. |
Hơn 20 năm công tác tại Đài Truyền thanh Trường Sĩ quan lục quân 2 (TP.Biên Hòa), Thiếu tá Hà Minh Hồng, quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên Đài Truyền thanh nhà trường, cho biết các chương trình của đài thực hiện có nội dung rất phong phú, từ tuyên truyền chính sách, pháp luật đến gương sáng học viên, cán bộ. Đài lại vừa tự sản xuất chương trình, vừa tiếp âm từ Đài Tiếng nói Việt Nam, các đài địa phương…, nên lượng thông tin cung cấp cho người nghe rất đa dạng. Ngoài việc mỗi ngày phát sóng 2 lần bản tin nội bộ cho cán bộ, học viên nhà trường, vào các ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, đài sẽ có các chương trình dành riêng cho khu gia đình, cụm dân cư quanh trường, do các cán bộ, nhân viên nhà trường gửi tin, bài.
“Hiện chúng tôi có 4 nhân viên đảm trách Đài Truyền thanh, gồm: 1 sĩ quan chuyên làm biên tập viên, 2 quân nhân chuyên nghiệp vừa biên tập vừa làm phát thanh viên và 1 chiến sĩ trực phát sóng. Một ngày, trung bình các cơ quan, đơn vị của trường gửi khoảng 40 tin, bài cộng tác, chúng tôi phải lựa chọn trong số đó những tin, bài chất lượng để biên tập rồi đọc, phát trên loa. 20 năm trước, khi vừa vào nghề, tôi phải tự học dưới sự hướng dẫn của các anh chị đi trước từ cách biên tập, cách đọc, cách phát âm chuẩn đến cách lên kịch bản chương trình sao cho phù hợp. Đến nay, khi đã có kinh nghiệm, tôi truyền lại cho đàn em vào sau để cùng phối hợp ăn ý, làm được các chương trình có chất lượng tốt nhất” - Thiếu tá Hồng chia sẻ.
Trước khi máy vi tính cùng các phần mềm thu âm, chỉnh sửa âm thanh được ứng dụng rộng rãi, các phát thanh viên của đài phải thu bằng máy cassette và cắt băng bằng phương pháp thủ công. Đến khi có máy vi tính, các nhân viên của “đài” vẫn phải thu âm tại phòng làm việc do không có phòng chuyên dụng và các thiết bị phù hợp. Điều đó dẫn đến việc phát thanh viên phải thu đi thu lại một bản tin đến mấy lần vì dễ xảy ra tình huống lọt tạp âm, như: tiếng xe máy, tiếng người gọi nhau, tiếng hắt hơi… Vì vậy, đòi hỏi nhân viên của đài phải có sự tập trung cao độ và tính kiên nhẫn. Tất cả những điều đó đều được những người đi trước truyền lại cho người đi sau thông qua phương pháp “cầm tay chỉ việc”. Ngoài ra, vì nhân sự ít, thời gian làm việc gấp rút nên một số tai nạn nghề nghiệp bất ngờ cũng được những người có kinh nghiệm truyền lại cho người đi sau biết cách xử lý.
Trung tá Đinh Đức Thành, Phó trưởng ban Tuyên huấn, phụ trách hoạt động của Đài Truyền thanh nhà trường, nhớ lại: “Khi còn làm nhân viên của Đài Truyền thanh nhà trường, tôi được Trưởng ban Tuyên huấn Đỗ Hoàng Ngân (hiện là Đại tá, Phó chủ nhiệm Chính trị nhà trường) hướng dẫn từng bước, nhất là cách xử lý tình huống trục trặc. Gần 10 năm trước, có lần tới giờ phát sóng mà file âm thanh bị lỗi, lúc đó phát thanh viên không có mặt để đọc, tôi liền dùng micro để đọc và phát trực tiếp trên loa. Lần đó, dù căng thẳng đến toát mồ hôi hột, nhưng nhờ sự hướng dẫn của các cán bộ đi trước mà tôi đã tự tin ứng phó trước tai nạn nghề nghiệp”.
Từng bước nâng chất lượng chương trình
Hiện trong khuôn viên Trường đại học Nguyễn Huệ có 46 loa phát nội bộ; ở khu dân cư, khu gia đình có 20 loa nên đội ngũ kỹ thuật viên của đài phải luôn túc trực, nhanh chóng sửa chữa những hỏng hóc để các chương trình phát sóng không bị gián đoạn.
Thiếu úy Nguyễn Hùng Cường, quân nhân chuyên nghiệp, kỹ thuật viên Đài Truyền thanh nhà trường, cho hay hiện các loa của trường đều gắn nhờ trên các trụ điện nên khi sửa chữa, các kỹ thuật viên phải luôn trang bị đầy đủ bảo hộ để đảm bảo an toàn. Một số kỹ thuật viên còn tự mày mò học hỏi khi được giao kiêm nhiệm làm quay phim, chụp ảnh cho các chương trình, tập san của nhà trường.
Thiếu úy Cường chia sẻ: “Với hệ thống loa này, ngại nhất là lúc mưa bão, dây có thể bị đứt bất kỳ lúc nào. Có một thời, do chưa làm hệ thống chống sét nên hệ thống loa bị sét đánh trúng, dẫn đến hư hỏng nhẹ và chúng tôi phải nhanh chóng đến sửa chữa ngay khi cơn mưa kết thúc. Những lúc nhà trường làm những phóng sự để dự thi, tôi và các anh trong Ban Tuyên huấn lại phụ trách quay, dựng, xử lý hình ảnh. Mà tất cả thứ đó đều phải tự học, học trên mạng, học từ đàn anh…, nên mỗi kỹ thuật viên chúng tôi đều có thể đảm nhận nhiều vai trò, xử lý các tình huống khi người phụ trách chính vắng mặt”.
Đại tá Đỗ Hoàng Ngân, Phó chủ nhiệm Chính trị nhà trường, cho hay các chương trình phát nội bộ chủ yếu tập trung vào tuyên truyền pháp luật, hoạt động của các đơn vị, gương sáng học viên…, còn với chương trình phát ngoài khu dân cư, khu gia đình thì rất đa dạng, thiết thực với cuộc sống bên ngoài môi trường quân đội. Mỗi ngày chương trình bản tin nội bộ sẽ được phát vào lúc 5 giờ 30 và 16 giờ; xen giữa các giờ phát sóng là chương trình tiếp âm, ca nhạc…
“Chương trình truyền thanh dành cho khu dân cư, khu gia đình nhà trường thì chúng tôi phát dựa theo thời sự, như: ngày hè thì chúng tôi phát các bài cảnh báo an toàn giao thông với các gia đình khi cho các cháu học sinh đi chơi; hoặc nhắc nhở bà con cẩn thận trộm cắp, các loại tội phạm dễ phát sinh vào dịp cuối năm. Các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm, chúng tôi có các bài viết hướng đến ngày đó, phát các chương trình văn nghệ, ký ức của các cựu chiến binh đang sống trong khu dân cư… Tất cả bài viết đều do 40 đầu mối đơn vị trong nhà trường gửi. Mỗi tin, bài phát sóng đều được tính điểm thi đua cho đơn vị, nên lượng tin, bài mà đài nhận được luôn dồi dào” - Đại tá Ngân tự hào cho biết.
Đăng Tùng