Báo Đồng Nai điện tử
En

Dân làng bè có pin năng lượng mặt trời

11:12, 05/12/2016

Nhiều năm qua, người dân làng bè thuộc 2 xã Phú Ngọc và La Ngà (huyện Định Quán) phải kéo điện từ những nhà dân trên bờ ra bè để sử dụng. Vài năm trở lại đây, nhiều hộ dân làng bè đã đầu tư các tấm pin năng lượng mặt trời thay thế cho việc kéo điện từ trên bờ.

Nhiều năm qua, người dân làng bè thuộc 2 xã Phú Ngọc và La Ngà (huyện Định Quán) phải kéo điện từ những nhà dân trên bờ ra bè để sử dụng. Vài năm trở lại đây, nhiều hộ dân làng bè đã đầu tư các tấm pin năng lượng mặt trời thay thế cho việc kéo điện từ trên bờ. Từ đó, đời sống người dân làng bè thay đổi dần, trẻ em có điện thắp sáng học bài buổi tối và hơn hết là giảm thiểu các tai nạn do rò rỉ điện khi kéo từ bờ ra bè.

Anh Tống Văn Bé giới thiệu về tấm pin năng lượng mặt trời.
Anh Tống Văn Bé giới thiệu về tấm pin năng lượng mặt trời.

* Đủ cách để thắp sáng

Hơn 10 năm từ vùng sông nước miền Tây đến sông La Ngà làm bè nuôi cá, anh Lê Thanh Hùng (ngụ ấp 1, xã Phú Ngọc) cho hay, trước đây người dân làng bè muốn có điện để mở đèn, xem tivi chỉ có 2 cách: một là kéo điện từ trên bờ ra bè; hai là buổi sáng xách bình ắc-quy lên bờ sạc rồi chiều tối đem về bè sử dụng. Những gia đình khá giả thì mua máy phát điện chạy dầu nhưng rất tốn kém mà hiệu quả không cao, nhất là khi nhu cầu sử dụng điện vào buổi tối chỉ để xem tivi, nghe nhạc, cho con em học bài.

“Mùa nước lên, khoảng cách các bè giãn rộng, việc di chuyển còn thoải mái. Khi mùa nước xuống, các bè tụm lại gần nhau, mỗi khi có việc đem bình ắc-quy lên bờ sạc rồi lấy về cũng rất ngán. Chưa kể, đường dây điện kéo từ trên bờ ra bè chỉ được quấn trên mấy cây sào tre, rất nguy hiểm trong việc di chuyển vào buổi tối. Mà buổi tối không có điện giữa sông nước mênh mông cũng buồn: không tivi, không điện thoại, chỉ có cách đi ngủ sớm…” - anh Hùng bộc bạch.

Anh Hùng cho biết thêm, sạc một bình ắc-quy mất khoảng 10 ngàn đồng, hộ nào xài ít cũng 2 bình, chưa kể tiền dầu chạy ghe vào bờ và bất tiện lúc lấy bình về buổi chiều tối. Thậm chí, những ngày mưa to gió lớn, bình để ở trong bờ sạc đầy cũng không thể đem ra bè được.

Cách bè gia đình anh Hùng không xa là bè của ông Phạm Lấn. Ông Lấn đã sử dụng điện từ những tấm pin năng lượng mặt trời hơn 5 năm nay.

Ông Phạm Lấn bên các thiết bị điện dùng năng lượng mặt trời trong nhà.
Ông Phạm Lấn bên các thiết bị điện dùng năng lượng mặt trời trong nhà.

Ông Lấn cho hay, gia đình ông sống trên bè nuôi cá, lại mở thêm tiệm tạp hóa nhỏ nên thu nhập cũng khá. Ông đầu tư 2 tấm pin năng lượng mặt trời loại 150W và các bình ắc-quy 120Ah nên buổi tối gia đình ông thoải mái xem tivi, hát karaoke mà không sợ thiếu điện. Các tấm pin được bảo hành 10 năm, lại có sẵn tại cửa hàng điện tử cách cầu La Ngà 2km nên khi có trục trặc hoặc muốn lắp thêm, chỉ cần gọi điện là có người đến phục vụ.

“Hơn 7 năm nay, tôi thấy nhiều gia đình đầu tư tấm pin năng lượng mặt trời để thắp sáng, tiền đầu tư khoảng 10 triệu đồng vừa bình, vừa ổn áp, vừa tấm pin 150W (kích thước 70cm x 150cm). Gia đình tôi mới sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời hơn 5 năm nay, nhưng thấy khá tiện lợi. Hiện có nhiều nhà sử dụng điện từ pin năng lượng mặt trời chứ không còn kéo điện từ trên bờ ra bè như trước nữa. Mùa khô chỉ cần sạc nửa ngày là đầy bình ắc-quy 75Ah, hoặc sạc một ngày là đầy bình 120Ah, đủ cho cả nhà mở đèn, xem tivi, thậm chí hát karaoke vài giờ trong buổi tối” - ông Lấn vui vẻ nói.

* Vừa an toàn, vừa tiết kiệm

Chủ tịch UBND xã Phú Ngọc Phạm Hữu Quyết cho hay, khu vực sông La Ngà hiện có trên 300 bè cá, riêng xã Phú Ngọc có trên 100 hộ, trên 200 bè. Trong số đó, có 50% hộ làng bè đã sử dụng điện năng lượng mặt trời để phục vụ sinh hoạt. Ông Quyết cho biết thêm, hiện có một số hộ dân đang tự ý kéo điện từ trên bờ ra bè gây mất an toàn. Do đó, trong thời gian tới, cán bộ ấp sẽ nhắc nhở và vận động người dân không kéo điện từ trên bờ ra bè nữa, mà chuyển sang xài điện năng lượng mặt trời để đảm bảo an toàn.

Hầu hết các hộ làng bè sử dụng các tấm pin năng lượng mặt trời đều do người này xài rồi rỉ tai người kia, sau đó tìm các cửa hàng bán thiết bị điện mua về lắp đặt. Quá trình lắp đặt khá nhanh, chỉ một buổi sáng là xong, các tấm pin sẽ được gắn cố định trên mái nhà (các chủ bè sẽ chọn hướng nào đón ánh sáng nhiều nhất trong ngày để gắn), rồi nối dây điện vào bình ắc-quy thông qua một ổn áp để ra điện 220V sử dụng cho các thiết bị điện trong nhà. Tuy nhiên, năng lượng mặt trời trữ trong ắc-quy chỉ có thể dùng xem tivi, mở đèn, còn nồi cơm điện và tủ lạnh không dùng được vì các thiết bị này “ngốn” điện nhiều.

“Theo tôi được biết, có rất nhiều hộ muốn sử dụng loại pin năng lượng mặt trời, nhưng do giá lắp đặt một bộ khá cao nên nhiều nhà còn đang dành dụm tiền. Nhà khá giả, đông người sống trên bè thì xài hẳn 3 tấm pin, vài bình ắc-quy; còn phần lớn chỉ lắp 1 tấm pin, vừa đủ điện cho một gia đình 3-4 người xem tivi, mở đèn” - ông Lê Tấn Hùng, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 1, xã Phú Ngọc, cho biết.

Anh Trần Văn Nghĩa (ngụ ấp 1, xã La Ngà) chia sẻ, gia đình anh lắp đặt một tấm pin năng lượng mặt trời 150W vào năm 2015. Đến nay, gia đình anh không kéo điện từ trên bờ ra bè mà chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời hoàn toàn. Từ khi sử dụng các tấm pin năng lượng mặt trời, chất lượng cuộc sống của gia đình anh Nghĩa được nâng lên, 2 đứa con của anh buổi tối có thể mở đèn học bài thoải mái, vợ chồng anh cũng chuyên tâm vào làm, chứ không còn phải lo lắng việc đem bình đi sạc sáng chiều nữa.

“Xài pin năng lượng mặt trời an toàn lắm. Chỉ có điều, bữa nào trời âm u quá thì phải đem bình đi vào bờ sạc. Cả năm qua, tôi mới chỉ đem bình vào bờ sạc 10 ngày, còn lại để mặt trời sạc giùm; tối đến chỉ việc mở điện lên xài. Lúc đầu bỏ ra 10 triệu đồng đầu tư, nhưng tiết kiệm được những chi phí lặt vặt, đồng thời hưởng sự tiện lợi và an toàn. Nếu có khả năng, nhà tôi sẽ gắn thêm một tấm pin năng lượng mặt trời nữa để xài cho thoải mái. Hồi mới xài còn lúng túng, cứ lo không biết 1 tấm pin sạc có đủ xài không, cứ nghe nhà này nhà kia nói là đủ mà nhu cầu mỗi nhà mỗi khác, ai mà biết được. Nhưng xài được vài tuần là nỗi lo biến mất, ngoài bè gió lộng cả ngày nên chỉ xài điện vào ban đêm, mà chưa lần nào hết điện xài giữa chừng. Nếu được Nhà nước hỗ trợ thêm kinh phí lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời thì tốt, chứ đầu tư một lúc 10 triệu đồng để lắp đặt tấm pin là một vấn đề với người dân làng bè chúng tôi” - anh Nghĩa chia sẻ.

Anh Tống Văn Bé, kỹ thuật viên của một cửa hàng bán đồ điện ở xã Phú Ngọc, chuyên cung cấp các tấm pin năng lượng mặt trời, cho hay các tấm pin năng lượng mặt trời hiện nay đều nhập từ Đức, độ bền cao, lắp đặt và sửa chữa dễ dàng, nhưng giá thành khá đắt (gần 4 triệu đồng/tấm 150W)... Chỉ với thao tác gắn cố định tấm pin lên mái nhà rồi nối dây điện từ mặt sau tấm pin vào bình ắc-quy là xong. Do năng lượng mặt trời được sạc vào ắc-quy, rồi thông qua một ổn áp để đưa vào các thiết bị điện sử dụng nên dù thời tiết có âm u, nếu gia đình nào ít sử dụng vẫn không cần phải đem bình ắc-quy lên bờ sạc.

Đăng Tùng

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích