Báo Đồng Nai điện tử
En

Câu chuyện ở Lùng Tám

11:12, 09/12/2016

Lùng Tám là xã miền núi của huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, có đến 90% diện tích là núi đá. Nếu chỉ trông vào một vụ lúa nương và ngô, đồng bào dân tộc Mông ở Lùng Tám quanh năm đứt bữa.

Lùng Tám là xã miền núi của huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, có đến 90% diện tích là núi đá. Nếu chỉ trông vào một vụ lúa nương và ngô, đồng bào dân tộc Mông ở Lùng Tám quanh năm đứt bữa.Thế nhưng với mô hình hoạt động hiệu quả của Hợp tác xã sản xuất lanh Hợp Tiến, người dân Lùng Tám không chỉ bảo tồn được nét văn hóa của dân tộc, giữ gìn truyền thống tổ tiên mà còn có thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Bà Vàng Thị Mai, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất lanh Hợp Tiến (xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang), giới thiệu với du khách công đoạn tước lanh.
Bà Vàng Thị Mai, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất lanh Hợp Tiến (xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang), giới thiệu với du khách công đoạn tước lanh.

Phụ nữ Mông ở Lùng Tám từ xa xưa đã biết dệt vải từ sợi lanh. Vải lanh không chỉ mát, bền mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Mông bởi quan niệm sợi lanh là sợi chỉ dẫn đường cho linh hồn người chết về với tổ tiên. Để có được tấm vải lanh, người phụ nữ Mông phải trải qua hơn 40 công đoạn.

Sợi lanh được se nhờ khung cửi tròn.
Sợi lanh được se nhờ khung cửi tròn.

Thường khoảng tháng 4, lanh được gieo để đến tháng 6 thu hoạch. Lanh cắt từ nương về phơi khô, rồi tách thành sợi, phải hết sức khéo léo cho sợi lanh có độ mảnh đều nhau, không bị đứt nửa chừng, các sợi lanh phải nối với nhau sao cho không tạo thành mấu ở chỗ nối. Đây là công việc đòi hỏi sự nhẹ nhàng, kiên trì, nhẫn nại. Vì vậy, phụ nữ Mông thường tranh thủ tước và nối lanh mọi lúc mọi nơi, kể cả trên đường lên nương hay lúc nghỉ ngơi.

Dệt sợi lanh thành vải đòi hỏi phải khéo tay và kiên nhẫn.
Dệt sợi lanh thành vải đòi hỏi phải khéo tay và kiên nhẫn.

Những bó lanh được cuộn chặt lại, cho vào cối giã bong hết bột chỉ, còn trơ lại sợi dai, sau đó se lại thành những con sợi lớn. Qua vài lần luộc nước tro bếp và một lần luộc nước sáp ong, sợi lanh lúc này trắng và mềm hơn, có thể dùng để dệt. Khung cửi người Mông khá đơn giản, gồm 2 thanh gỗ đứng đặt cách xa nhau khoảng 50cm, giữa có 4 thanh ngang nhỏ hơn ghép vào tạo thành khung cửi, con thoi để dệt khá lớn.

Muốn vải lanh mịn và có độ bóng, phải trải lên tấm gỗ và dùng đá tròn có bôi sáp ong để lăn.
Muốn vải lanh mịn và có độ bóng, phải trải lên tấm gỗ và dùng đá tròn có bôi sáp ong để lăn.

Vải dệt thành tấm vẫn chưa hết, bởi còn rất thô, phải giặt, ngâm nước tro và phơi 5-7 lần mới trắng và mịn. Vẫn chưa xong, vì còn trải qua công đoạn nhuộm. Người Mông ở Lùng Tám không sử dụng màu nhuộm công nghiệp, mà dùng thực vật tạo màu, sau đó ngâm vải, vớt lên phơi khô rồi lại ngâm tiếp khoảng 8-10 lần, có vậy vải mới bền màu. Kỳ công hơn nữa, để vải mịn hơn và có độ bóng tạo cảm giác mềm mại, vải được trải lên khúc gỗ tròn, dùng một phiến đá chà sáp ong trượt đi, trượt lại cho đến khi đạt đến độ mịn như ý.

Không người phụ nữ Mông nào mặc váy áo trơn, y phục đều thêu hay ghép hoa văn hình kỷ hà, hình chữ nhật, hình vuông, hình thoi... tùy theo sự sáng tạo riêng của mỗi người, rất độc đáo. Hoa văn thường chọn các gam màu nổi như xanh, đỏ, cam, vàng, những chiếc áo tà pủ, váy càng sặc sỡ, sinh động hơn trong không gian núi rừng Tây Bắc.

Sản phẩm của Hợp tác xã sản xuất lanh Hợp Tiến khá đa dạng, từ váy áo, túi xách, ví, bao gối, tấm treo tường, túi điện thoại cho đến những chiếc vòng tay vải xinh xắn, lạ mắt. Bà Vàng Thị Mai, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất lanh Hợp Tiến, cho biết đơn vị có hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định với Đại sứ quán Pháp. Ngoài ra, du khách đến Lùng Tám đều không nỡ về tay không khi tận mắt chứng kiến sự vất vả, công phu của người phụ nữ Mông để làm ra sản phẩm.

Đó là câu chuyện về bảo tồn và phát huy nghề dệt truyền thống của người Mông Lùng Tám. Chợt nhớ, người Mạ ở xã Tà Lài (huyện Tân Phú) cũng có nghề dệt thổ cẩm với hoa văn rất đặc sắc, bao giờ sẽ phát triển được như Lùng Tám?

Vải lanh dệt xong, phải qua công đoạn thêu đắp hoa văn tỉ mẩn, cầu kỳ.
Vải lanh dệt xong, phải qua công đoạn thêu đắp hoa văn tỉ mẩn, cầu kỳ.
Sản phẩm làm từ vải lanh bán tại Hợp tác xã sản xuất lanh Hợp Tiến.
Sản phẩm làm từ vải lanh bán tại Hợp tác xã sản xuất lanh Hợp Tiến.

Thanh Thúy
 

Tin xem nhiều