Báo Đồng Nai điện tử
En

"Hoán cải" thiên nhiên ở cánh đồng Bến Thuyền

11:09, 19/09/2016

Cánh đồng Bến Thuyền (ấp Phú Hợp B, xã Phú Bình, huyện Tân Phú) với 3 vụ lúa/năm đã góp phần cho vùng đất Phú Hợp B thêm khởi sắc cùng nông thôn mới. Qua từng vụ mùa tích góp, nông dân Phú Hợp B giờ đã xây nhà mới, cho con em học đại học, đóng góp xây dựng đời sống mới ở khu dân cư…

Cánh đồng Bến Thuyền (ấp Phú Hợp B, xã Phú Bình, huyện Tân Phú) với 3 vụ lúa/năm đã góp phần cho vùng đất Phú Hợp B thêm khởi sắc cùng nông thôn mới. Qua từng vụ mùa tích góp, nông dân Phú Hợp B giờ đã xây nhà mới, cho con em học đại học, đóng góp xây dựng đời sống mới ở khu dân cư…

Nông dân Tám Quảng với nụ cười mãn nguyện về những đóng góp của mình ở cánh đồng Bến Thuyền.
Nông dân Tám Quảng với nụ cười mãn nguyện về những đóng góp của mình ở cánh đồng Bến Thuyền. Ảnh: Đoàn Phú

Thuở cánh đồng Bến Thuyền toàn lau sậy, ông Lê Quang Hưởng (còn gọi là Tám Quảng, quê tỉnh Long An) đã có mặt khai hoang. Nhờ công trình kênh mương nội đồng do ông bỏ tiền đầu tư, khu vực 40 hécta sát sông La Ngà (cánh đồng Bến Thuyền) sản xuất được 3 vụ lúa/năm ăn chắc. Ông Tám Quảng cho hay, ông phải tích lũy trên chục vụ lúa mới có tiền hoàn thành công trình tưới nước đó.

* Thuở hoang sơ

Năm 1963, lão nông Lê Quảng Hoành (nay đã mất) đưa 4 con trai: Hai Sơn, Ba Xuyên, Sáu Long và Tám Quảng về vùng đất lau sậy Phú Hợp B khai hoang vỡ ruộng. Nhờ có máy cày, lão nông Hoành chọn khu vực bằng phẳng khai phá được 25 hécta đất tại cánh đồng Bến Thuyền và 45 hécta đất bên kia sông La Ngà (nay thuộc xã Nam Chính, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận). Đất đai bạt ngàn, nhân lực tại chỗ không có, ông Hoành phải về Long An thuê người lên thu hoạch lúa.

Để thu hoạch 80 hécta lúa trong vòng một tháng, ông Hoành phải cất lán trại cho người làm công ở. Lúa thu hoạch xong, một phần ông bán rẻ cho bộ đội ở trong rừng, phần chở về Sài Gòn bán cho các nhà máy xay xát lớn. Ông Tám Quảng kể, ruộng lúc đó chỉ làm được 1 vụ lúa mùa/năm nhưng rất trúng. Ngày đó, do khu vực Bến Thuyền rất hoang vu nên voi, khỉ, heo rừng, trâu rừng… thường kéo thành đàn từ trong rừng ra phá lúa. Còn cá tôm thì nhiều vô số, chỉ cần tát một cái bàu nhỏ là gia đình ông thu hàng tấn cá.

“Trước năm 1975, khu vực này chỉ có gia đình tui ở. Với bốn bề ruộng lúa, đầm hoang, anh em tui quanh năm chỉ biết làm ruộng, bắt cá” - ông Tám Quảng kể.

Sau năm 1975, dân di cư bắt đầu đổ về cánh đồng Bến Thuyền khai hoang đất ngày một nhiều. Đồng hoang, lau sậy nhanh chóng được san bằng, đắp bờ cao thành ruộng nước, ruộng khô. Nhân đó, ông Tám Quảng gom mua những khu ruộng người dân bỏ đi bán rẻ và khai phá thêm nhiều khu lau sậy còn bỏ hoang thành ruộng mới. Chẳng bao lâu, gia đình ông có trong tay 18 hécta ruộng. Nhưng cánh đồng Bến Thuyền và nhiều cánh đồng khác dọc sông La Ngà lúc này vẫn là đồng lúa 1 vụ. Lúa thu hoạch xong, ruộng trở thành cánh đồng mênh mông nước vào mùa mưa lũ, còn mùa khô hạn thì bị nứt nẻ.

* Dẫn nước về ruộng

Năm 1980, ông Tám Quảng và vài nông dân tại cánh đồng Bến Thuyền rủ nhau làm đê bao ngăn lũ mùa mưa, giữ nước mùa hạn để sản xuất lúa 2 vụ. Sản xuất lúa 2 vụ thành công, nông dân cánh đồng Bến Thuyền lại tìm cách sản xuất lúa 3 vụ khi điều kiện tự nhiên thay đổi (mùa mưa ít ngập lụt). Tuy nhiên, nông dân cánh đồng Bến Thuyền chỉ nắm chắc thắng lợi ở 2 vụ lúa mùa và hè - thu. Riêng vụ đông - xuân thì năng suất trầy trật, vụ được vụ mất trắng.

Những việc làm của ông Tám Quảng (phải) luôn là đề tài để cán bộ, đảng viên ấp Phú Hợp B chọn để thi thố về tấm gương Người tốt, việc tốt.
Những việc làm của ông Tám Quảng (phải) luôn là đề tài để cán bộ, đảng viên ấp Phú Hợp B chọn để thi thố về tấm gương Người tốt, việc tốt. Ảnh: Đoàn Phú.

Không đầu hàng tự nhiên, qua vài vụ đông - xuân thất bại, ông Tám Quảng quyết dẫn nước từ sông La Ngà về tưới cho cây lúa ruộng của mình tại cánh đồng Bến Thuyền trong vụ đông - xuân. Khổ nỗi, ruộng lúa của ông Tám Quảng cách xa bờ sông trên 500m, phải qua nhiều ruộng lúa của nông dân khác và độ cao thấp từ bờ sông vào ruộng lúa lồi lõm khác nhau. Sau bao tháng trời trăn trở tính toán, ông Tám Quảng quyết định bỏ ra gần 250 triệu đồng (vào năm 2012) thuê máy móc về san lấp mặt bằng, xây mương dẫn nước từ bờ sông vào ruộng.

Trước ý định hoán cải thiên nhiên táo bạo của ông Tám Quảng, nhiều nông dân ở cánh đồng Bến Thuyền chưa tin tưởng lắm. Mọi người cho rằng, ông Tám Quảng dư tiền đem bỏ sông, bỏ đồng. Vậy mà, khi hệ thống kênh dẫn nước hoàn thành, ông Tám Quảng cho bơm thử nước từ sông La Ngà vào hệ thống mương dẫn, chứng kiến cảnh nước theo hệ thống kênh chảy ào ào vào ruộng ông Tám Quảng, các nông dân khác quay sang năn nỉ ông cho hùn hạp.

Cái bực bị các nông dân không tin tưởng trong lòng ông Tám Quảng cũng tan biến theo dòng nước, nên ông gật đầu đồng ý cho các hộ nông dân khu vực khô hạn (khoảng 40 hécta tại cánh đồng Bến Thuyền) hùn tiền đầu tư vào công trình nước tưới. Ông Tám Quảng không bắt mọi người phải bóp bụng bỏ ra số tiền tương ứng như ông đã đầu tư xây hệ thống kênh dẫn nước, san lấp mặt bằng, mua máy bơm, mà chỉ cần cùng ông chia nhau tiền dầu trong quá trình bơm nước tưới cho vụ đông - xuân. Nhờ vậy, vụ đông - xuân trở thành vụ lúa chính, năng suất cao tại cánh đồng Bến Thuyền khi có hệ thống kênh mương của ông và Nhà nước đầu tư.

Vốn là hộ gia đình đầu tiên khai phá cánh đồng Bến Thuyền, cánh đồng Đa Kai (huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận), gia đình ông Tám Quảng còn được mọi người biết đến là người tiên phong trong việc đưa máy móc, phương tiện hiện đại nhất vào sản xuất và làm thuê cho người khác. Khi người ta dùng trâu cày trục đất, dùng tay đập lúa thì ông đã có máy xới, máy phun thuốc… Nông dân khá lên, có tiền sắm máy xới, máy phun thuốc thì gia đình ông mua máy cày lớn, máy gặt đập liên hợp. Ông tâm sự, từ cây lúa mà ông nuôi 5 đứa con học đại học, xây nhà khang trang để tạo lập cuộc sống khá giả.

Năm 2000, ông Tám Quảng được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng giấy khen nông dân sản xuất giỏi 3 năm liền (1998-2000). Ngoài sản xuất giỏi, hay giúp đỡ mọi người, ông còn hiến trên 1,2 ngàn m2 đất cho địa phương xây điểm trường tiểu học, mầm non tại cánh đồng Bến Thuyền. “Việc làm của bác Tám Quảng liên tục được cán bộ, đảng viên đưa vào câu chuyện kể để tham dự các cuộc thi học tập và làm theo tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Điều đó đã chứng minh sự đóng góp rất lớn của bác Tám Quảng cho cánh đồng Bến Thuyền trong thời gian qua” - Phó trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy xã Phú Bình Nguyễn Văn Hạnh bày tỏ.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều