Báo Đồng Nai điện tử
En

Vợ chồng "ham công, tiếc việc"

11:07, 24/07/2016

Từ 2 bàn tay trắng, vợ chồng người thương binh Đỗ Đình Nguyện (quê tỉnh Hải Dương, ngụ ấp Bàu Sình, xã Bàu Trâm, TX.Long Khánh) đã tạo lập được cuộc sống khá giả trong thời gian ngắn. Ông Nguyện bày tỏ, vợ chồng ông có được cơ ngơi như ngày nay là nhờ cần cù lao động và chắt chiu trong sinh hoạt mà thành.

Từ 2 bàn tay trắng, vợ chồng người thương binh Đỗ Đình Nguyện (quê tỉnh Hải Dương, ngụ ấp Bàu Sình, xã Bàu Trâm, TX.Long Khánh) đã tạo lập được cuộc sống khá giả trong thời gian ngắn. Ông Nguyện bày tỏ, vợ chồng ông có được cơ ngơi như ngày nay là nhờ cần cù lao động và chắt chiu trong sinh hoạt mà thành.

Ở tuổi 69, thương binh 2/4 Đỗ Đình Nguyện vẫn cần mẫn lao động và chắt chiu dành dụm những đồng tiền kiếm được.

Vợ chồng thương binh Đỗ Đình Nguyện tranh thủ chăm đàn dê sau bữa chợ sáng.

3 giờ sáng, vợ chồng ông Nguyện đã cọc cạch đạp xe từ ấp Bàu Sình đến khu vực trồng rau ở xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) lấy hàng, rồi đem bán dạo khắp chợ xa, chợ gần. Nay có tiền tỷ trong tay, vợ chồng ông Nguyện vẫn quen với chiếc xe đạp cà tàng làm chân chạy chợ.

* Cựu binh giàu nghị lực

Năm 18 tuổi, như bao trai tráng trong thôn Từ Ô, xã Tân Trào, huyện Thanh Miện (tỉnh Hải Dương), cậu học sinh trung học Đỗ Đình Nguyện tình nguyện lên đường nhập ngũ. Những trận đánh ghi dấu ấn lịch sử ở tỉnh Quảng Trị hay Bình Long, Bù Đốp (tỉnh Bình Phước)… đều in dấu chân người lính trẻ. Năm 1974, khi đang làm nhiệm vụ tuyên truyền tại vùng biên giới của tỉnh Tây Ninh, ông và đồng đội bị địch phục kích. Nhờ gan dạ, mưu trí, ông thoát khỏi vòng vây và được đồng đội tiếp cứu kịp thời.

Qua thời gian dài dưỡng thương, vào năm 1985 thương binh 2/4 Đỗ Đình Nguyện được xuất ngũ. Về quê nhà sinh sống được một thời gian, ông kết hôn với cô thôn nữ Lê Thị Lầy. Cuộc sống công điểm hợp tác xã thời bao cấp luôn là gánh nặng đè lên đôi vai người thương binh Nguyện khi vợ chồng ông phải nuôi 2 con nhỏ và cha mẹ già. Vì vậy, vợ chồng ông xin ra khỏi hợp tác xã, ở nhà làm đủ thứ việc để mưu sinh.

“Thương binh tàn nhưng không phế, câu nói của Bác Hồ rất đúng với trường hợp của thương binh Đỗ Đình Nguyện. Ngoài chịu khó làm ăn, ông Nguyện còn tích cực đóng góp cho các phong trào địa phương, như: hiến đất làm đường giao thông; đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nông thôn mới…” - bà Nguyễn Thị Lương, cán bộ phụ trách thương binh - xã hội xã Bàu Trâm, cho biết.

Vết thương thời chiến tranh liên tục hành hạ người thương binh Nguyện mỗi khi thời tiết khắc nghiệt. Từ sáng sớm đến đêm khuya, ông chỉ duy trì 2 tư thế đứng và ngồi bệt xuống nền đất sắc thuốc, xay bột, làm chả cho bà Lầy chạy chợ. Cuộc sống càng túng quẫn khi các con ông lần lượt vào đại học.

Nếp nhà tranh vách đất thời vợ chồng mới cưới bao năm rồi vẫn không có tiền sửa sang nên càng xập xệ. Nhất là số tiền 40 triệu đồng vay mượn của Nhà nước lo cho 2 con học đại học, đến khi con ra trường vợ chồng ông cũng không có cách nào để trả nợ. Túng quá, ông Nguyện bàn với vợ vào miền Nam sinh sống.

Mới đầu, bà Lầy còn phân vân vì miền Nam bấy giờ “tấc đất, tấc vàng”, không phải như thời mới giải phóng đất đai bạt ngàn muốn khai phá bao nhiêu cũng được. Điều vợ nói là đúng, nhưng vì ở quê bức bách quá, ông Nguyện vẫn quyết liều một phen. Nhắm mắt gửi con, giao nhà, gác nợ ở quê, vợ chồng ông bắt xe vào Nam lập nghiệp khi trong tay không một đồng vốn.

Năm 2003, đất Bàu Sình đều có chủ, những người mới đến đây lập nghiệp như vợ chồng ông Nguyện phải bỏ tiền ra mua đất, hoặc thuê mướn đất sản xuất. May mắn sao, vợ chồng ông Nguyện được một người đồng hương bán thiếu cho 3 sào đất trị giá 40 triệu đồng với điều kiện sau 3 năm vợ chồng ông phải trả dứt nợ. Như người chết đuối vớ được chiếc phao cứu sinh, vợ chồng ông Nguyện vui mừng ôm nhau khóc, gọi điện về báo tin cho các con và người thân ở quê đừng quá lo nghĩ về số tiền nợ chưa trả dứt.

* Đất xấu đãi người mới

Thật ra, khu đất người đồng hương bán thiếu cho vợ chồng ông Nguyện chỉ toàn trơ đá, lớp đất màu đã biến mất theo các vụ bắp, mì nên năng suất không cao. Nhưng không nản chí, vợ chồng ông Nguyện tranh thủ đêm ngày bươi đá tìm đất để trồng tỉa, đồng thời tranh thủ đến vựa ve chai mua 2 chiếc xe đạp cũ về sửa sang lại làm phương tiện đi buôn bán.

3 giờ sáng, ông Nguyện chân thấp chân cao dắt xe đạp theo vợ đến xã Xuân Phú mua rau, củ, quả và gà thịt đem bỏ mối và bán lẻ dọc đường về. Thu nhập bước đầu chỉ 200 ngàn đồng/ngày, nhưng ông Nguyện vui mừng tâm sự với vợ, nếu cứ đà đó vợ chồng ông sẽ sớm trả dứt số nợ vay mượn hồi lo cho 2 con học đại học.

Càng nỗ lực, thành quả thu về của vợ chồng ông Nguyện ngày càng tăng cao. Chỉ trong 4 năm, vợ chồng ông đã trả được số nợ 40 triệu đồng cho ngân hàng ở quê và cả tiền mua 3 sào đất, đồng thời mua thêm một miếng đất nhỏ ở xã Xuân Phú để trồng rau.

Ông Nguyện tâm sự, cách làm của vợ chồng ông chẳng giống dân địa phương, khi người ta đua nhau trồng cải, dưa leo, bầu, bí…, còn vợ chồng ông chỉ trồng nha đam, ngải cứu để bán. Giá heo thịt hạ, ít người nuôi vì sợ lỗ vốn thì vợ chồng ông tranh thủ tăng đàn lên vài chục con nên trúng đậm khi giá heo tăng trở lại.

Ở tuổi 69, thương binh 2/4 Đỗ Đình Nguyện vẫn cần mẫn lao động và chắt chiu dành dụm những đồng tiền kiếm được.
Ở tuổi 69, thương binh 2/4 Đỗ Đình Nguyện vẫn cần mẫn lao động và chắt chiu dành dụm những đồng tiền kiếm được.

Nhận thấy công việc buôn bán rau ngày càng khó khăn, vợ chồng ông Nguyện xoay sang buôn gà. Số gà mua được từ các hộ dân trong vườn rẫy, vợ chồng ông đem về giết thịt rồi đem đi bỏ mối cho các quán ăn hoặc đám tiệc trong ấp, xã. Ông Nguyện cho biết ngoài việc làm gà bỏ mối, vợ chồng ông còn chăn nuôi heo, gà, dê. Đến nay, thu nhập mỗi tháng của vợ chồng ông đạt gần 20 triệu đồng. Nhờ vậy, vợ chồng ông trả hết các khoản nợ nần trước đây, đồng thời mua được đất ở TP.Biên Hòa, TP.Hồ Chí Minh khi đưa 2 con vào miền Nam làm việc và gửi tiết kiệm được 400 triệu đồng.

Trong vòng 13 năm, vợ chồng thương binh Nguyện thật sự làm người dân ấp Bàu Sình hết ngỡ ngàng đến thán phục. Cũng từ vùng đất đá đó, không ít nông dân vỡ nợ vì làm ăn thua lỗ, hoặc chê đất cằn phải bán đổ bán tháo thì vợ chồng thương binh Nguyện lại tạo dựng cơ nghiệp từ 2 bàn tay trắng lúc mới từ tỉnh Hải Dương vào. Ông Nguyện bộc bạch, vợ chồng ông chẳng tài giỏi hay biết “mánh mung” gì trong buôn bán. Vợ chồng ông có được cuộc sống hôm nay là nhờ biết chắt chiu trong sinh hoạt, “chịu thương chịu khó” làm ăn và được vùng đất Bàu Sình đãi ngộ.

Mưa tháng 7 như trút nước xuống đường, thương binh 2/4 Đỗ Đình Nguyện vẫn cọc cạch đạp xe đi bỏ mối gà cho các tiểu thương, hàng quán. Bà Lầy sau khi cùng chồng làm xong số gà, vội vã ra vườn cắt cỏ cho dê ăn, chăm đàn heo rồi quay sang cơm nước chờ chồng về ăn sáng. Bữa sáng của vợ chồng họ chỉ diễn ra trong 20 phút, rồi lại cật lực lao động đến trưa, chiều. Bữa cơm chiều đạm bạc được ăn xong lúc tối muộn và cả hai tranh thủ chợp mắt để chờ ngày mới được “trả công” 400-500 ngàn đồng từ công việc bỏ mối gà, bán mớ rau trong vườn.

Đoàn Phú

 

 

 

 

Tin xem nhiều