Tháng 4-1966, Đoàn 10 đặc công Rừng Sác được thành lập theo quyết định của Bộ chỉ huy Miền với nhiệm vụ bằng mọi cách đánh địch trên các dòng sông (chủ yếu là sông Lòng Tàu), kiên quyết tiêu diệt và phá hủy thật nhiều sinh lực địch và phương tiện chiến tranh của chúng.
Tháng 4-1966, Đoàn 10 đặc công Rừng Sác được thành lập theo quyết định của Bộ chỉ huy Miền với nhiệm vụ bằng mọi cách đánh địch trên các dòng sông (chủ yếu là sông Lòng Tàu), kiên quyết tiêu diệt và phá hủy thật nhiều sinh lực địch và phương tiện chiến tranh của chúng. Nhưng trước đó, “hạt nhân” đầu tiên đã xuất hiện tại đây là một trung đội đặc công nước chuyên đánh thủy lôi, đánh tàu địch trên sông Lòng Tàu.[links(right)]
Từ chỉ đạo của Bộ chỉ huy Miền, Đoàn 10 không chỉ đứng chân, tổ chức thiết lập thế trận, gây dựng lực lượng, mà còn giáng những đòn hiểm đầu tiên vào quân địch.
* Lối đánh “xuất quỷ nhập thần”
Đại tá Lê Bá Ước, nguyên Đoàn trưởng, kiêm Chính ủy Đoàn 10 đặc công Rừng Sác thời kỳ 1968-1974, cho biết lực lượng Đoàn 10 chủ yếu là những cán bộ, chiến sĩ được đào tạo về đặc công nước đánh tàu, đánh cầu, kho tàng, đồn bót… Trong điều kiện khó khăn và gian khổ nhưng Đoàn 10 vẫn vượt qua mọi thử thách cam go, luôn đoàn kết một lòng chiến đấu để lập nên những chiến công vang dội, bóp chặt “yết hầu” sông Lòng Tàu.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Lê Bá Ước (phải) trao đổi về các trận đánh trên sông Lòng Tàu. |
Lính đặc công Rừng Sác ngoài tài bơi giỏi như rái cá, còn có khả năng đột nhập vào tận sào huyệt địch đánh chìm hàng trăm tàu chiến, tàu vận tải hàng hóa quân sự; liên tục tấn công hiểm yếu vào các bến cảng, kho chứa nguyên, nhiên liệu phục vụ cho mưu đồ chiến tranh đàn áp của địch. Trong đó, trận đánh làm nổ tung kho bom Thành Tuy Hạ năm 1972 đã trở thành một trong những chiến công vang dội, tiêu biểu của Đoàn 10.
Lúc 2 giờ 55 ngày 12-12-1972, tiếng nổ dây chuyền của hàng ngàn quả bom đạn làm rung chuyển mặt đất, kéo dài như sấm liên hồi. Kho bom Thành Tuy Hạ ngập chìm trong biển lửa và phát nổ, cháy suốt 3 ngày đêm với hơn 100 ngàn tấn bom bị phá hủy hoàn toàn. Tại Sài Gòn, nhiều khung cửa kính của các tòa nhà lớn bị vỡ, rung chuyển, náo động cả một vùng. Đây quả là một đòn choáng váng đối với Mỹ - ngụy.
“Sau trận đánh ít giờ, sự tăng cường bố phòng ở mức cao nhất được quân địch ban ra, nhưng vẫn không ngăn chặn được đặc công Đoàn 10. Điều này cho thấy, địch thực sự bất lực trước tài nghệ của các chiến sĩ đặc công chúng ta” - Đại tá Ước cho hay.
Sự kiện nổ kho bom Thành Tuy Hạ đã làm chấn động nước Mỹ, đặc biệt là lầu Năm Góc. Ngay sau đó, chính quyền của Nguyễn Văn Thiệu ráo riết phục thù bằng mọi giá. Đoàn 10 tiếp tục nhận được chỉ thị của cấp trên bằng mọi cách giáng thêm một đòn mạnh nữa cho bốc lửa kho xăng Nhà Bè để làm dịu bớt cái đầu “nóng” của Nguyễn Văn Thiệu.
Lịch sử của Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác anh hùng ghi lại, từ một thương cảng, Mỹ đã biến kho xăng Nhà Bè thành quân cảng tiếp nhận nguyên liệu, xăng dầu phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam với 3 hãng xăng dầu lớn, là: Caltex, Shell và Esso. Trong đó, Sell là kho lớn nhất, rộng 14 hécta, có 72 bồn chứa hàng triệu lít xăng dầu. Số lượng này đủ cung ứng cho 60% nhu cầu xăng dầu quân sự của miền Nam.
Giống như kho bom Thành Tuy Hạ, kho xăng Nhà Bè cũng có sự bố phòng, bảo vệ cẩn mật tuyệt đối. Điều này khiến Mỹ luôn tự vỗ ngực khoe khoang rằng, đó là một pháo đài “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, một con kiến cũng khó lòng chui lọt.
Tuy nhiên, bằng kỹ thuật điêu luyện, cách phối hợp ăn ý và lòng quả cảm, vào đêm 2-12-1973, 8 dũng sĩ của Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác đã vượt qua các chướng ngại vật để thâm nhập vào trung tâm kho xăng.
Đúng 0 giờ 35 ngày 3-12, kho Shell bùng nổ. Còi báo động rú lên inh ỏi, liên hồi. Trên bầu trời, trực thăng, phản lực đầm già xé toang màn đêm; trên sông hàng loạt tàu chiến, xuồng chạy hỗn loạn. Trong kho xăng lúc này, gần 50 tiếng nổ phát ra liên tục, từng cột khói bốc lên, tạo thành những vầng hồng nổi lên dữ dội, sáng bừng cả bầu trời. Khói đen phủ kín bầu trời Sài Gòn, đứng cách xa 20 cây số vẫn thấy khói rực trời.
Đám cháy mù mịt kéo dài suốt 12 ngày đêm. Quân thù điên đầu không rõ “Việt Cộng” đánh cách nào, ở đâu… Hậu quả của trận đánh gây nên thiếu hụt xăng dầu trầm trọng với chính quyền ngụy, buộc Nguyễn Văn Thiệu phải ra lệnh hủy bỏ kế hoạch đánh phá vào vùng giải phóng và các trận hành quân lớn.
* Từng bước làm chủ trận địa
Điều kiện tự nhiên ở Rừng Sác vô cùng khắc nghiệt, với những luồng lạch như lớp “mạng nhện” dày đã đặc trở thành một trận đồ “thiên la địa võng”, một pháo đài tự nhiên để quân ta lập căn cứ kháng chiến lâu dài. Khi Mỹ leo thang chiến tranh, chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, chúng đã thực hiện hàng loạt kế hoạch thâm độc nhằm: “Làm cỏ và lột da Rừng Sác, tiêu diệt đặc công Đoàn 10. Đào tận gốc, trốc tận rễ lực lượng cách mạng tại đây”…
Hình ảnh trận đánh kho xăng Nhà Bè năm 1973. Ảnh: Tư liệu |
Nhờ đó mà bọn Mỹ hả hê rằng, khi cây cối, bụi rậm đều bị đốt cháy trụi sẽ không còn chỗ ẩn nấp, Việt cộng sẽ như “cá nằm trên thớt”. Tuy nhiên, địch không ngờ phải đối đầu với lực lượng đặc công gan dạ, quả cảm và đầy mưu trí. “Chỉ với rốc-két, súng cối và lính đặc công, họ vẫn có thể “trói chặt” ngày càng nhiều quân ta vào công tác phòng thủ. Đây là một thực tế chung trên chiến trường miền Nam. Nhưng đối với Rừng Sác lại càng đặc biệt hơn, đúng là một cuộc chiến đấu kỳ lạ trong một cuộc chiến tranh kỳ lạ” - Tướng Westmoreland, Tổng chỉ huy quân đội Mỹ ở Việt Nam, viết như vậy trong hồi ký của mình.
Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi các cán bộ, chiến sĩ đặc khu quân sự Rừng Sác và Trung đoàn 10 đặc công ghi: “Suốt 9 năm kiên cường bám trụ trên chiến trường sông nước sình lầy, một mặt trận vô cùng khó khăn, gian khổ, ác liệt, Đoàn 10 đã lập nên nhiều chiến công vang dội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Các đồng chí đã liên tiếp đánh chìm nhiều tàu chiến của địch trên bến cảng, khắp sông, lạch Rừng Sác, làm nức lòng cả nước…”. |
Thượng tá Trần Ngọc Soạn, Trung đoàn trưởng Đoàn 10 đặc công Rừng Sác thời kỳ 1984-1988, cho hay với những người lính đặc công Rừng Sác, ngoài tài thao lược về võ thuật đánh trận thì họ được mệnh danh là “bậc thầy” về các loại chất nổ, bộc phá. Ngoài ra, mỗi lần xuất trận, các chiến sĩ như những người nhái tài tình, những động tác nằm, đi nhón chân, bơi dưới nước đều không được phép phát ra tiếng động để địch không thể phát hiện.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đoàn 10 đặc công Rừng Sác nằm trong đội hình Sư đoàn 2 đặc công ở hướng đánh cánh Đông. Trong gần một tháng, các đội đặc công đã đánh chiếm nhiều mục tiêu quan trọng, góp phần giải phóng Sài Gòn trong giờ phút lịch sử 30-4-1975. Với lối đánh tài tình, bất ngờ và táo bạo của đặc công nước, trong suốt 9 năm (1966-1975) ròng rã chịu đựng mọi gian khổ, ác liệt, Đoàn 10 đặc công Rừng Sác đã không ngừng xây dựng, chiến đấu để lập nên những chiến công oanh liệt.
Thanh Hải