"Trong cuộc đời làm cách mạng của mình, anh Hai Cà chưa từ chối một nhiệm vụ nào, dù khó khăn, nguy hiểm đến mấy anh cũng hoàn thành tốt. Đau đớn nhất là lúc anh đang chỉ huy chiến đấu ở chiến trường thì gia đình bị mấy cái tang: tang mẹ, tang con và thương tích nặng nề của người con trai cả. Thế mà anh vẫn chịu đựng, vượt qua và chiến thắng".
“Trong cuộc đời làm cách mạng của mình, anh Hai Cà chưa từ chối một nhiệm vụ nào, dù khó khăn, nguy hiểm đến mấy anh cũng hoàn thành tốt. Đau đớn nhất là lúc anh đang chỉ huy chiến đấu ở chiến trường thì gia đình bị mấy cái tang: tang mẹ, tang con và thương tích nặng nề của người con trai cả. Thế mà anh vẫn chịu đựng, vượt qua và chiến thắng”.
Ông Phan Văn Trang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, nguyên Bí thư Tỉnh ủy U1, từng nhận xét như thế về Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Công An, người đã để lại nhiều tình cảm đặc biệt trong lòng cán bộ và nhân dân địa phương.
* Khai sinh lối đánh đặc công
Thoát ly theo cách mạng từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, chàng trai Trần Văn Kìa (tức Trần Công An, Hai Cà), người con ưu tú của vùng đất Tân Uyên (tỉnh Bình Dương), luôn nung nấu trong lòng một ý chí giải phóng quê hương.
Đầu năm 1948, trong lúc ông Hai Cà phụ trách Đội du kích Tân Uyên thì quân Pháp triển khai chiến thuật Đờ La-tua, xây dựng hàng trăm đồn bót, tháp canh dọc theo các tuyến đường 16, tỉnh lộ 24 và các quốc lộ: 1, 13, 14. Hệ thống tháp canh của Pháp ở miền Đông không chỉ bảo vệ an toàn đường giao thông của chúng trên các trục lộ, mà còn gây cho lực lượng kháng chiến rất nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác giao liên và tiếp tế lương thực, vũ khí...
Cố Đại tá Trần Công An tiếp cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần Đại tướng đến thăm nhà. |
Trước thực tế đó, Bộ Chỉ huy Khu 7 xác định phá hệ thống tháp canh, đánh bại chiến thuật Đờ La-tua là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của lực lượng vũ trang miền Đông nói chung, Tỉnh đội Biên Hòa nói riêng. Nhưng lúc bấy giờ, vũ khí, trang bị của quân ta còn quá thô sơ, chưa có loại nào có sức công phá các bờ tường dày của hệ thống tháp canh nên nhiệm vụ này rất khó khăn.
Được Huyện đội Tân Uyên giao nhiệm vụ phá tháp canh, ông Hai Cà vui vẻ nhận lệnh nhưng trong lòng rất lo lắng. Trong suy nghĩ của ông lúc bấy giờ, muốn đánh tháp canh du kích phải bí mật bò qua hàng rào kẽm gai, trèo lên tường tháp rồi dùng lựu đạn ném vào bên trong tiêu diệt địch. Với quyết tâm phải đánh thắng trận đầu, mở đường cho phong trào diệt tháp canh của địch về sau, ông đã đưa tổ “đặc nhiệm” chuẩn bị trận đánh vào rừng dựng một tháp canh bằng kích thước của tháp canh thật rồi tập đánh theo phương án mà ông đã nghĩ ra. Sau khi tập luyện thuần thục, ông xin cấp trên cho đánh vào tháp canh ở đầu cầu Bà Kiên, nằm trên lộ 24, nối liền Biên Hòa với Chiến khu Đ.
Đêm 18, rạng sáng 19-3-1948, Đội trưởng du kích Hai Cà chỉ huy 4 du kích bí mật xâm nhập trận địa, bất ngờ tập kích vào tháp canh cầu Bà Kiên, tiêu diệt 11 tên địch, thu 8 súng và 20 lựu đạn.
Cách đánh tháp canh độc đáo của Đội du kích Tân Uyên đã khai sinh lối đánh mới, lối đánh đặc công của Quân đội nhân dân Việt Nam, làm phá sản hoàn toàn chiến thuật Đờ La-tua của thực dân Pháp.
* Đánh Mỹ giỏi
Tháng 2-1965, Bộ Tư lệnh Miền điều động ông Hai Cà (lúc ấy là Đoàn trưởng Đoàn U50, đơn vị hậu cần Miền) về Biên Hòa giữ chức Thị đội trưởng Biên Hòa, cùng 50 chiến sĩ đặc công giỏi chuẩn bị chiến trường đánh Mỹ. Sau khi nhận nhiệm vụ, ông Hai Cà đã nhanh chóng tổ chức nắm tình hình, xây dựng lực lượng, xây dựng cơ sở và hình thành vành đai diệt Mỹ.
Đầu tháng 5-1965, Mỹ chính thức đổ quân vào miền Nam Việt Nam, cho mở rộng, nâng cấp sân bay Biên Hòa và đưa nhiều đơn vị thiện chiến chiếm đóng Biên Hòa, tổ chức nhiều cuộc càn quét, đánh phá, tìm diệt lực lượng cách mạng, gây nhiều tổn thất, khó khăn cho quân ta.
Trước tình hình đó, vào tháng 7-1965, ông Hai Cà đã nghiên cứu tình hình địch để tổ chức đánh một trận phủ đầu vào sân bay Biên Hòa. Ông cho trinh sát bí mật xâm nhập sâu vào sân bay vẽ sơ đồ, đo cự ly của từng ụ máy bay, kho hàng, trại lính…
Sau khi hoàn thành phương án tác chiến, vào đêm 31-10-1964, dưới sự chỉ huy của ông Hai Cà và ông Trần Mân, lực lượng vũ trang Biên Hòa phối hợp với Đoàn Pháo binh Biên Hòa đánh một đòn phủ đầu vào sân bay Biên Hòa, phá hủy 59 máy bay các loại, diệt và làm bị thương 293 tên giặc lái, nhân viên kỹ thuật; tiêu hủy và làm nổ tung 2 kho bom đạn lớn, 1 kho xăng, 1 đài quan sát và 18 trại lính. Sau trận đánh, Bác Hồ đã có thư khen ngợi; Bộ Chỉ huy Miền tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất cho toàn trận đánh, riêng ông Hai Cà được thưởng Huân chương Chiến công hạng ba.
Tháng 9-1965, Trung ương Cục quyết định sáp nhập Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu thành một đơn vị chiến trường ngang cấp tỉnh gọi là U1 và chỉ định ông Hai Cà làm Tỉnh đội trưởng U1. Ngay sau khi được thành lập, Đặc công U1 chọn tổ chức trận đánh mở màn vào Tổng kho Long Bình, kho hậu cần chiến lược lớn nhất của quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Kho có diện tích hơn 20km2, được bố phòng và canh gác rất chặt chẽ.
Sau trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên thắng lợi, Tỉnh đội Biên Hòa và Bộ Chỉ huy Khu 7 đã nhiệt liệt biểu dương, khen thưởng Đội du kích Tân Uyên và ông Hai Cà, đồng thời đánh giá: “Trận đánh cầu Bà Kiên đã mở ra lối tác chiến mới. Dựa vào dân, nắm chắc địch tình, nắm chắc mục tiêu và cách bố phòng của chúng, chỉ dùng lực lượng rất ít đánh lực lượng đông, với ý chí chiến đấu và tinh thần dũng cảm, mưu trí, tấn công bất ngờ là địch trở tay không kịp”. |
Dưới tài chỉ huy của ông Hai Cà, 2 giờ sáng 22-6-1966, tổ Đặc công U1 do các đồng chí Nguyễn Tấn Vàng và Nguyễn Văn Thái (Tư Già) phụ trách đã vượt qua các chướng ngại phòng thủ của địch, dùng mìn hẹn giờ đánh vào 2 kho trọng điểm 50 và 53, phá hủy 40 ngàn quả đạn pháo 155 ly của Mỹ.
Từ tháng 10 đến 12-1966, Đặc công U1 còn tổ chức thêm 3 trận đánh vào Tổng kho Long Bình, phá hủy hàng trăm tấn bom đạn. Với những chiến công xuất sắc đó, đơn vị đã được tặng thưởng nhiều huân chương quân công và chiến công các hạng.
Nhiều lần tiếp xúc với ông Hai Cà, nghe kể về cuộc đời chiến đấu của ông, chúng tôi càng thêm yêu kính ông, một con người cách mạng luôn đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân.
Vào năm 1968, người con trai trưởng của ông Hai Cà là Đại đội trưởng Trần Văn Cao nhận lệnh ông đột nhập vào sân bay Biên Hòa điều nghiên tổ chức trận đánh. Sau khi thực hiện xong mệnh lệnh, anh Cao trở về báo cáo tình hình với ông. Thấy chưa đầy đủ, ông lệnh cho anh Cao phải trở vào sân bay điều nghiên một lần nữa. Lần này, anh Cao bị vướng mìn, mất hết một chân.
Chưa hết nỗi đau vì thương tật của con, ông Hai Cà nhận tiếp hung tin người con trai thứ mới 16 tuổi Trần Văn Mum đã hy sinh mất xác. Lúc ấy, anh Mum được ông giao nhiệm vụ đưa tổ thông tin điện đài đến sở chỉ huy tiền phương, khi trở về bị lọt vào ổ phục kích của địch.
Trong thời gian này, mẹ của ông ở quê nhà mỏi mòn trông ngóng tin con, cháu đã qua đời. Nhưng vượt qua những nỗi đau mất mát ấy, ông vẫn hoàn thành xuất sắc trọng trách của một người lính, người chỉ huy nơi chiến trận.
Đức Việt