Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuân về trên đất Xuân Thiện

07:02, 18/02/2016

Từ quốc lộ 20 muốn vào xã Xuân Thiện (huyện Thống Nhất) phải đi xuyên qua những cánh rừng cao su bạt ngàn. Trước đây, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở đây còn nhiều khó khăn.

Từ quốc lộ 20 muốn vào xã Xuân Thiện (huyện Thống Nhất) phải đi xuyên qua những cánh rừng cao su bạt ngàn. Trước đây, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở đây còn nhiều khó khăn. Sau nỗ lực xây dựng nông thôn mới, đến nay cuộc sống của bà con đã thay đổi lớn. Năm 2016 cũng là năm đầu tiên người dân nơi đây đón một mùa xuân nông thôn mới với nhiều cơ hội để vươn lên.

* Niềm vui trên những con đường mới

Chỉ tay về phía những con đường trải nhựa phẳng lì, ông Thổ Bộ (người dân tộc Chơro, ngụ ấp Tín Nghĩa, xã Xuân Thiện) hào hứng kể: “Hồi trước nhà tôi nghèo lắm, sống trong túp lều lụp xụp, may nhờ Chương trình 134 của Chính phủ mà vợ chồng tui có nhà cửa kiên cố. Gia đình tui tập trung làm ăn, đến nay mua được xe máy mới để đi. Năm rồi địa phương hoàn thành xây dựng nông thôn mới, có đường đẹp để đi lại, đèn điện sáng choang nên nhà nào cũng vui hết”.

Già làng Thổ Khuyển bên vườn cây ca cao quanh nhà.
Già làng Thổ Khuyển bên vườn cây ca cao quanh nhà.

Nằm cách trụ sở UBND xã Xuân Thiện khoảng 10 phút đi xe máy, ngôi nhà cấp 4 khang trang của già làng Thổ Khuyển nằm giữa vườn ca cao, cà phê… xanh mượt. Nhà ông Khuyển là một trong những hộ có điều kiện kinh tế khá của ấp, với 1 hécta đất trồng cây công nghiệp và 9 con bò nuôi phía sau nhà; mỗi năm gia đình ông thu về hơn 100 triệu đồng từ thu hoạch nông sản và bán gia súc.

“Cộng đồng người Chơro ở ấp Tín Nghĩa hiện có khoảng 200 hộ với gần 600 nhân khẩu, chủ yếu làm nông hoặc làm công nhân cho nông trường cao su và các công ty. Tuy đã được xóa mù chữ, nhưng đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Trước đây, đường đi lại nhỏ hẹp và xuống cấp, mỗi khi trời mưa xe lớn rất khó vào được. Lúc ấy, vận chuyển nông sản khó; người dân gặp bệnh tật lúc tối trời cũng rất khó đi, nhất là các hộ sống xa cơ sở y tế địa phương. Nhưng từ khi địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới, đường trong ấp được trải nhựa sạch đẹp, quốc lộ 20 được mở rộng nên đời sống người dân thuận lợi hơn nhiều” - già làng Thổ Khuyển bộc bạch.

Anh Điểu Duy Bình (người dân tộc Chơro ở ấp Xuân Thiện, xã Xuân Thiện) cho hay, nhờ những con đường được mở rộng, trải nhựa nên việc làm ăn của người dân nơi đây thuận lợi, khấm khá hơn. Chú ruột của anh Bình có cơ sở làm mộc tại nhà. Trước đây, do điều kiện đi lại khó khăn nên việc vận chuyển sản phẩm làm ra bị hạn chế, khách hàng ít đến đây đặt hàng. “Giờ mọi chuyện đã thay đổi, người dân chúng tôi đã có đường mới, trải nhựa “láng coóng” ra quốc lộ 20, đi Túc Trưng, đi TX.Long Khánh…, nên việc làm ăn của chúng tôi cũng khá hơn. Bên cạnh đó, từ những chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, nhiều hộ dân đã có điều kiện xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Từ đó, nhiều hộ gia đình Chơro đã thoát nghèo và có cơ sở để vươn lên làm giàu” - anh Bình chia sẻ.

* Mùa xuân trên những nếp nhà mới

Xã Xuân Thiện hiện có khoảng 500 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó người Chơro có 420 hộ, chiếm 16% dân số toàn xã. Vừa qua, 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đã được chính quyền các cấp hỗ trợ làm thẻ bảo hiểm y tế.

Chỉ 5 năm trước đây thôi, gia đình bà Thị Mai (người dân tộc Chơro ở ấp Tín Nghĩa) nằm trong diện hộ nghèo của xã, căn nhà được dựng tạm bằng gỗ tạp đã xuống cấp.

Cán bộ dân tộc ở xã trao đổi với ông Trần Văn Hải (trái) để nắm bắt đời sống người dân khi địa phương thực hiện nông thôn mới.
Cán bộ dân tộc ở xã trao đổi với ông Trần Văn Hải (trái) để nắm bắt đời sống người dân khi địa phương thực hiện nông thôn mới.

“Cách đây 2 năm, gia đình tôi được cho vay vốn theo Chương trình 134 để xây nhà và đầu tư sản xuất, chăn nuôi. Nhờ đồng vốn vay đó, gia đình tôi mua thêm bò, trồng thêm cây công nghiệp để gia tăng nguồn thu. Giờ tôi đã trả xong 20 triệu đồng vốn vay, đồng thời mua sắm được nhiều vật dụng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong nhà. Nhờ vậy mà các con tôi khi lập gia đình, ra riêng cũng đỡ phải lo lắng cho vợ chồng tôi, tập trung làm ăn và đứa nào cũng khấm khá cả rồi” - bà Thị Mai hồ hởi cho biết.

Chủ tịch UBND xã Xuân Thiện Trịnh Đình Tâm cho hay: “Với những hộ còn khó khăn về kinh tế, chúng tôi tạo điều kiện cho họ vay vốn sản xuất, chăn nuôi. Chính quyền địa phương còn thường xuyên cử cán bộ đến thăm hỏi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để có hướng hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời. Chúng tôi tâm niệm, nhất quyết không để hộ đồng bào dân tộc thiểu số nào đón tết trong khó khăn. Do vậy, ai nấy đều đoàn kết chung lòng để từng bước tháo gỡ khó khăn cho bà con, nhằm cùng nhau hướng tới một cộng đồng xã hội phát triển tốt đẹp, bền vững”.

Giống như bà Mai, năm nay gia đình ông Trần Văn Hải (ấp Tín Nghĩa) cũng có một mùa xuân ấm áp vì vườn cây ăn trái trúng mùa, bò nuôi trong nhà bán được giá. Ông Hải là người Kinh đến đây lập nghiệp rồi lấy vợ là người dân tộc Chơro. Năm 2015, nhờ Nhà nước cho vay 5 triệu đồng để đào giếng lấy nước tưới cho cây trồng vào mùa khô, gia đình ông mới có thể tăng gia sản xuất để thoát nghèo như hiện nay.

“Chỗ này là vùng đồi cao, nguồi nước tưới bị hạn chế nên yêu cầu cấp thiết của người dân ngoài đường sá đi lại thuận tiện còn là việc khoan giếng lấy nước tưới. Đất ở đây màu mỡ nên khi có đủ nước tưới cây trồng cho năng suất cao. Năm nay bán nông sản được giá nên ai nấy đều phấn khởi. Có tiền thì sẽ sắm sửa được nhiều thứ ăn tết, có thêm vốn mua con bò, con dê nuôi để cuối năm lại bán, tăng thêm thu nhập. Người nông dân chúng tôi chỉ mong mỏi có bấy nhiêu đó thôi” - ông Hải cho hay.

Chia sẻ với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Xuân Thiện Trịnh Đình Tâm cho biết, đồng bào dân tộc thiểu số ở xã ngoài làm nông, hiện có nhiều người đi làm công nhân ở các khu công nghiệp thuộc huyện Trảng Bom, TX.Long Khánh hoặc làm việc trong Nông trường cao su Bình Lộc. “Trước đây, đời sống người dân còn khó khăn do hạn chế về hạ tầng giao thông, nguồn nước tưới…, nhưng giờ đây ai nấy đều phấn khởi vì đời sống khấm khá hơn rất nhiều. Hộ nghèo trong xã đã giảm rõ rệt vì địa phương có nhiều chính sách cho vay vốn ưu đãi đến với từng hộ dân. Người dân thường hay nói đùa mùa xuân này bà con dân tộc thiểu số trong xã rất “ấm”. Cái “ấm” đó xuất phát từ sự nỗ lực của mỗi cá nhân trong các hộ dân tộc thiểu số, vì nếu họ không cố gắng thì sự tiếp sức của chính quyền các cấp dù nhiều đến mấy cũng khó lòng thành công” - ông Tâm nhấn mạnh.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều