Báo Đồng Nai điện tử
En

"Viện bảo tàng ngoài trời" trên đảo Jeju

10:02, 27/02/2016

Làng cổ Cheongeup trên đảo Jeju (Hàn Quốc) có một vẻ đẹp đầy mê hoặc và sống động. Vì thế, đảo này được ví von là "Viện bảo tàng ngoài trời". Nhất là từ khi bộ phim Nàng Dae Jang-geum mà bối cảnh trong phim chính là làng cổ Cheongeup thì đảo Jeju trở nên nổi tiếng hơn.

Làng cổ Cheongeup trên đảo Jeju (Hàn Quốc) có một vẻ đẹp đầy mê hoặc và sống động. Vì thế, đảo này được ví von là “Viện bảo tàng ngoài trời”. Nhất là từ khi bộ phim Nàng Dae Jang-geum mà bối cảnh trong phim chính là làng cổ Cheongeup thì đảo Jeju trở nên nổi tiếng hơn.

Ngôi nhà của tầng lớp thượng lưu được tái hiện.
Ngôi nhà của tầng lớp thượng lưu được tái hiện.

Đến Cheongeup, chúng tôi như hòa mình vào không gian của người dân Jeju, ngắm những ngôi nhà truyền thống với nhiều hiện vật được lưu giữ cách đây hàng trăm năm, từ đó cảm nhận về cuộc sống, văn hóa của nông dân Hàn Quốc dưới triều đại Joseon.

* Bảo tàng sống

Trên đường dẫn vào làng cổ, tôi có cảm giác như đặt chân vào một thế giới khác. Những căn nhà xưa mái ngói cong vút, ẩn hiện dưới những cây lưu niên cổ thụ xanh um vẻ xa xăm, huyền bí.

 Du khách vào vai chịu hình phạt tra khảo thời xưa.
Du khách vào vai chịu hình phạt tra khảo thời xưa.


Ở làng cổ này có 3 loại nhà, thể hiện đẳng cấp của các tầng lớp xã hội khác nhau: thượng lưu (quan chức, người trong hoàng tộc); trung lưu (địa chủ, ngư dân, nông dân) và tầng lớp dưới (thợ săn, con hát, vũ công, đồ tể...). Đa số nhà ở đây được lợp tranh hoặc vỏ cây, vách làm bằng đá đen. Trước mỗi nhà đều đặt tượng thần giám hộ Dolharubang khắc bằng đá từ núi lửa Hallasan. Mỗi ngôi nhà đều có một tường đá bao quanh sân. Đá ở đây là nham thạch phun ra từ núi lửa Hallasan, có rất nhiều ở Jeju. Cheongeup độc đáo ở chỗ không nhà nào có cổng mà chỉ dựng 2 cột đá hai bên bờ rào, mỗi cột đục 3 lỗ theo hàng dọc, 3 thanh tre hoặc gỗ được đặt ở đó. Anh Kim Young Suk, nhà báo thuộc Hiệp hội Báo chí khoa học Hàn Quốc, giải thích nếu cây tre dưới cùng được luồn ngang, còn 2 cây kia chỉ xỏ tạm vào một đầu và để một đầu chạm đất, đó là dấu hiệu chủ không có nhà nhưng đang ở loanh quanh đâu đó trong làng; cây tre thứ hai mà luồn ngang, có nghĩa chủ nhà đi đến tối mới về; cây tre trên cùng xỏ ngang, đó là lời nhắn chủ nhà đi vắng lâu ngày. Còn khi 3 cây tre đã gác ngang mà khách vẫn bước qua để vào nhà thì người dân ở đó cho là kẻ trộm, cứ thế xông vào “đánh  trước nói sau”.

* Gắn du lịch với bảo tồn di sản văn hóa

Làng Cheongeup mỗi năm đón khoảng hơn 500 ngàn khách nước ngoài. Để phát triển nơi này thành điểm du lịch văn hóa, Chính phủ Hàn Quốc đã có những chính sách ưu đãi cụ thể đối với cư dân ở đây, như: miễn phí tiền học, tiền điện, nước, đầu tư phát triển nghề truyền thống... nhằm giữ chân dân chúng và con cái ở lại làng. Do đó, những thế hệ nghệ sĩ của làng cổ Cheongeup có thể sống gắn kết du lịch địa phương với sự bảo tồn di sản văn hóa vùng đất này.

Tác giả (trái) bên bếp ăn của Nàng Dae Jang-geum tại phim trường làng cổ Cheongeup.
Tác giả (trái) bên bếp ăn của Nàng Dae Jang-geum tại phim trường làng cổ Cheongeup.

Có mặt tại sân khấu biểu diễn nông nhạc truyền thống được thực hiện bởi những lớp nghệ sĩ cha truyền con nối trong làng, tôi mới cảm nhận được hết sự gắn bó của đời sống người dân Cheongeup. Múa ngù mũ - một điệu múa cổ với chiếc mũ gắn dải lụa dài tới 14m được lớp nghệ sĩ trẻ tiếp nối từ cha ông ngày xưa. Nghệ sĩ lão luyện Hong Gi-cheol theo nghề từ năm 17 tuổi. Năm nay ông đã 82 tuổi, nhưng chỉ với một chiếc quạt giấy to ông đi, đứng, nằm, ngồi, quỳ, nhảy trên sợi dây chão dễ dàng như người ta nhảy trên mặt đất. Có khi mọi người thót tim khi ông bật nhảy lên cao rồi “hạ cánh” an toàn, vững chãi trên sợi dây cách mặt đất 3m mà không hề có lưới giăng đỡ. Còn màn biểu diễn múa võ trên lưng ngựa cũng khiến mọi người trầm trồ. Ba yếu tố ngựa - người và kỹ thuật biểu diễn như quyện vào nhau, đem lại cho du khách sự hứng khởi và khâm phục.

Thần giám hộ Dolharubang tại mỗi ngôi nhà của người dân Jeju.
Thần giám hộ Dolharubang tại mỗi ngôi nhà của người dân Jeju.

Để phục vụ khách du lịch, Cheongeup có một khu vực dành riêng phục vụ ẩm thực truyền thống địa phương để du khách cảm nhận hết nét văn hóa của người dân làng cổ. Ở đây có món bánh xèo truyền thống rất ngon uống với rượu gạo có tên là Dongdongju. Hôm ấy, chúng tôi đã được anh bạn đồng nghiệp đãi món canh tương Doenjang ăn với kim chi, thịt nướng Bulgogi, cơm trộn Bibimbap và món thịt gói nướng Ssam barbecue…

Mở cửa làm du lịch từ năm 1974, làng cổ Cheongeup được coi là “bảo tàng sống” khi gìn giữ gần như nguyên trạng nhà cửa, ruộng nương, miếu thờ của ngôi làng từ đầu thế kỷ XV. Nơi đây tập hợp và sưu tập bổ sung hơn 260 kiểu nhà truyền thống những năm cuối triều đại Joseon. Tất cả những đặc trưng vùng, miền được sưu tầm, khôi phục trên một diện tích rộng tới 243 hécta. Làng cổ Cheongeup đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 2010.

 

Phương Liễu
 
 





 

Tin xem nhiều