Báo Đồng Nai điện tử
En

Mùa mía ngọt

11:02, 19/02/2016

Trong lúc các nông dân trồng lúa, bắp đang phập phồng chờ nước thì nông dân trồng mía tại các cánh đồng: Bào Lớn, Hóc Lai (xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu) lại rôm rả kể chuyện ăn cái tết thật vui.

Trong lúc các nông dân trồng lúa, bắp đang phập phồng chờ nước thì nông dân trồng mía tại các cánh đồng: Bào Lớn, Hóc Lai (xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu) lại rôm rả kể chuyện ăn cái tết thật vui. Lâu lắm rồi, nông dân trồng mía ở Trị An mới có được vụ mía ngọt như năm nay, càng phấn khởi khi chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng mía thắng lợi nhờ chủ trương cánh đồng lớn của xã.

Từng bỏ cây mía để trồng cao su, tràm, mì nên nông dân ở các cánh đồng mẫu lớn: Hóc Lai, Bào Lớn hiểu rất rõ cây mía. Vì thế, khi được chính quyền xã vận động chuyển đổi cây lúa sang cây mía dưới sự hỗ trợ vốn, kỹ thuật và gánh cả trách nhiệm rủi ro cho người trồng mía… của Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An, nông dân xã Trị An đã quay lại với cây mía.

* Phấn khởi với cánh đồng lớn

Giữa cái nắng chang chang những ngày đầu năm, nông dân Đoàn Văn Lợi vỗ vai động viên nhóm thợ khoan giếng cố gắng khoan trúng mạch nước lớn sẽ có thưởng. Như hiểu ý ông chủ ruộng, thợ khoan giếng Tám Tân cười thật tươi rồi đáp: “Yên tâm đi anh”. Bởi, theo thợ khoan giếng Tám Tân, khu vực thấp ở cánh đồng Hóc Lai nguồn nước luôn dồi dào vào mùa nắng. Vì vậy, nguồn nước ngầm ở đây cũng dư dả chứ không khan hiếm như các vùng khác, chỉ cần khoan độ 40m là nước ngầm ở dưới lòng đất theo mũi khoan trào ngược lên mặt ruộng.

Cây mía ở 2 cánh đồng Hóc Lai và Bào Lớn đạt năng suất trên 100 tấn/hécta khi thực hiện cánh đồng lớn.
Cây mía ở 2 cánh đồng Hóc Lai và Bào Lớn đạt năng suất trên 100 tấn/hécta khi thực hiện cánh đồng lớn.

Do mía ở cánh đồng mẫu chưa được Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An thu mua dứt điểm vào cuối tháng 1-2016, nên đơn vị phụ trách tưới tiêu chưa thể xả nước thủy lợi về đồng tưới cho những ruộng mía thu hoạch sớm nay đã phun chồi xanh mơn mởn. Cũng vì cái chung mà ông Lợi buộc phải bỏ ra 10 triệu đồng khoan giếng tưới cho ruộng mía vừa thu hoạch xong và trồng mới. “Vụ mía vừa rồi tui tham gia cánh đồng lớn 3,1 hécta. Mỗi hécta mía tui lãi gần 50 triệu đồng” - ông Lợi vui vẻ cho biết.

“Trồng mía lãi cao và nhàn hạ hơn trồng lúa” - đó là lời tâm sự chân thành của nông dân khi tham gia cánh đồng lớn. Nông dân Võ Thành Minh cho hay, ông tham gia cánh đồng lớn 4 hécta, trong đó có 1 hécta ruộng thuê của người khác. Toàn bộ diện tích mía của ông Minh trồng đã đến thời gian thu hoạch, dù chưa được nhà máy cho người đến chặt nhưng ông Minh vẫn tự tin dự đoán năng suất phải trên 100 tấn/hécta, lãi gần 50 triệu đồng/hécta sau khi trừ chi phí.

Chuyện trồng mía “được mùa mất giá, được giá mất mùa” mấy chục năm nay chẳng xa lạ gì với người trồng mía ở xã Trị An. Tuy nhiên, khi thực thi chủ trương trồng mía cánh đồng lớn của xã, nông dân tại đây rất yên tâm vì nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An và chính quyền. “Tổng số vốn Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An đầu tư cho cánh đồng lớn tại Hóc Lai và Bào Lớn trên 2,3 tỷ đồng” - Phó chủ tịch UBND xã Trị An Nguyễn Thúc Quân cho biết.

* Kỳ vọng trong năm mới

Hai cánh đồng Hóc Lai và Bào Lớn có diện tích gần 60 hécta. Trước đây, nông dân có đất tại 2 cánh đồng này chỉ loay hoay với cây lúa, chỉ có một số ít tự chuyển đổi phần ruộng cao sang trồng mía, tràm.

Năm 2015, xã Trị An vận động nông dân tại 2 cánh đồng Hóc Lao, Bào Lớn chuyển đổi cây trồng từ lúa sang mía và thực hiện cánh đồng lớn với khoảng 20 hộ đăng ký chuyển đổi 52,8 hécta đất lúa sang trồng mía.

Để chuẩn bị chu đáo cho việc chuyển đổi từ lúa sang mía, chính quyền xã đã liên kết với Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An lập phương án khả thi. Theo kế hoạch của Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An, đơn vị sẽ đầu tư cho vùng mía này tổng số vốn trên 2,3 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: đầu tư trồng mới, chăm sóc mía gốc, phân bón, hạ tầng…

Theo đó, mỗi hécta mía trồng mới được nhà máy đường đầu tư cơ bản 25 triệu đồng, 13 triệu đồng chi phí bổ sung (phân bón, chi phí tưới tiêu, bóc lá), trợ giá mía (không hoàn lại) cho nông dân 16,4 triệu đồng; đồng thời cam kết thu mua giá tối thiểu (trong trường hợp lợi nhuận thấp hơn lợi nhuận tối thiểu nhà máy cam kết) để nông dân chí ít có lãi 13 triệu đồng/hécta/vụ.

Nông dân Đoàn Văn Lợi bên ruộng mía sau thu hoạch.
Nông dân Đoàn Văn Lợi bên ruộng mía sau thu hoạch.

Vốn là người trồng mía lâu năm ở Trị An, nông dân Huỳnh Trọng Hiếu tiếc rẻ vì trong số 7 hécta đất của gia đình, ông chỉ có 2 hécta để tham gia cánh đồng lớn của xã. Lý do ông Hiếu không tham gia được nhiều đất vào cánh đồng lớn đơn giản vì phần đất còn lại của ông nằm trên đồi cao, không đáp ứng điều kiện của dự án. “Việc tham gia trồng mía cánh đồng lớn được xã, Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An hỗ trợ mọi mặt nên nông dân tụi tui rất yên tâm” - ông Hiếu bày tỏ.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Trị An Nguyễn Văn Hoa bày tỏ, chủ trương cánh đồng lớn của xã rất hợp lòng nông dân cánh đồng Hóc Lai và Bào Lớn. Đó là mục tiêu của chính quyền trong quá trình xây dựng xã nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân. “Trị An có thêm nhiều cánh đồng lớn thì nông dân sẽ được sung túc, làm giàu nhanh hơn” - ông Hoa nói.

Dù nói vậy, ông Hiếu vẫn có điều chưa hài lòng nho nhỏ khi Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An đến cận thời điểm 31-1 vẫn chưa thu hoạch xong toàn bộ diện tích mía cánh đồng lớn mà phải dời sang năm mới. Vì theo ông Hiếu và nhiều nông dân khác, một khi thu hoạch không đồng loạt sẽ gây khó khăn cho nông dân trong việc dồn sức chăm sóc mía sau thu hoạch, vận chuyển, chống cháy… “Chính quyền xã đã có văn bản kiến nghị Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An thu hoạch mía tại cánh đồng lớn dứt điểm vào cuối năm. Tuy nhiên, do cuối năm cập rập nhà máy chỉ thu hoạch được 1/3 diện tích cánh đồng lớn. Cho nên, ăn tết xong tụi tui rất mong nhà máy sớm triển khai kế hoạch thu hoạch mía càng nhanh càng tốt, nhằm tạo thuận lợi cho nông dân” - ông Hiếu bộc bạch.

Còn nông dân Võ Thành Minh thì tỏ ra chưa hài lòng về chữ đường nhà máy đưa ra cho vùng mía cánh đồng lớn vừa thu hoạch xong. Dù không rõ về chuyên môn và quy trình kỹ thuật đánh giá chữ đường từ nhà máy, ông Minh vẫn khẳng định mía cánh đồng lớn chỉ đạt 9 chữ đường như hiện tại là thấp quá, thiệt cho nông dân.

Một vụ mía cánh đồng lớn nhiều niềm vui, ít lo toan. Nông dân cánh đồng Hóc Lai, Bào Lớn vui vẻ bỏ qua những điều chưa hài lòng năm cũ, kỳ vọng điều tốt đẹp hơn trong năm mới khi nhìn mía đến kỳ thu hoạch còn ngoài đồng, mía non phún chồi xanh um chờ nước. Cánh đồng lớn Hóc Lai, Bào Lớn thong thả bước vào năm mới với nhiều niềm tin và hy vọng.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều