Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ rừng mùa nắng hạn

10:02, 22/02/2016

Tháng 2, mặt trời càng lên cao càng gay gắt nắng. Những cánh rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Xuân Lộc chăm sóc vẫn bình an trước báo động cháy cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm.

Tháng 2, mặt trời càng lên cao càng gay gắt nắng. Những cánh rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Xuân Lộc chăm sóc vẫn bình an trước báo động cháy cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Giám đốc BQLRPH Xuân Lộc Hoàng Đình Long thường xuyên cưỡi chiếc xe máy dính đầy bụi đỏ đến các phân trường động viên tinh thần cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng đề cao cảnh giác trước các mối đe dọa cháy rừng.

Nhân viên bảo vệ rừng Đầm Voi Nguyễn Văn Quang tiếp nước cho cây rừng.
Nhân viên bảo vệ rừng Đầm Voi Nguyễn Văn Quang tiếp nước cho cây rừng.

Trên 10 ngàn hécta rừng thuộc BQLRPH Xuân Lộc lập vành đai che chắn vững chắc bao năm nay cho TX.Long Khánh, huyện Xuân Lộc trước nắng, mưa, dông, bão và nuôi sống 2.179 hộ dân. Thấu hiểu trách nhiệm đó, từng cán bộ, nhân viên BQLRPH Xuân Lộc căng thẳng dõi theo từng mốc thời gian trong ngày để đêm về có được giấc ngủ ngon, đón chờ ngày mới, thách thức mới.

* “Tưới”... rừng

Tháng 2, nắng trưa ran rát thịt da, lá rừng giòn tan dưới gót giày. Chiếc mũ két của 2 cán bộ quản lý bảo vệ rừng Nguyễn Văn Quang và Đặng Văn Hùng (Phân trường Đầm Voi) chỉ bảo vệ được mái tóc, còn khuôn mặt để mặc cho nắng táp. Chiếc máy cày đa năng của 2 anh vừa có nhiệm vụ chở nước tưới rừng, chữa lửa khi rừng xảy ra sự cố. Thương rừng chịu nắng, 2 cán bộ bảo vệ rừng phân công nhau cầm ống nước cỡ đầu ngón tay cái, dài hàng trăm mét gí vào từng gốc cây rừng non héo úa tưới nước. Anh Quang tâm sự, nhìn những cây non từ 1-3 tuổi trụi lá trước cái nắng gay gắt vì thiếu nước, các anh xót lòng, lo lắng như cây nhà mình trồng bị thiếu nước.

BQLRPH Xuân Lộc có 6 phân trường, gồm: Gia Huynh, Trảng Táo, Núi Le, Đầm Voi, Lán Cát và Gia Phu, với diện tích hơn 10.391 hécta. Giám đốc BQLRPH Xuân Lộc Hoàng Đình Long nhấn mạnh, lâm phận quản lý, tình hình dân cư trong lâm phận luôn phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCR mùa nắng. Tuy vậy, gần chục năm qua, đơn vị không để xảy ra cháy rừng, công tác trồng mới và tỷ lệ cây sống luôn đảm bảo chỉ tiêu, kế hoạch đặt ra.

Mùa khô ở rừng phòng hộ Xuân Lộc thường kéo dài 6-7 tháng. Dự kiến mùa khô năm nay sẽ kéo dài đến 7 tháng vì ở rừng sớm dứt mưa vào tháng 11-2015. Vì vậy, những vạt rừng: huynh, sến, dầu, sao... 2-3 tuổi và mới trồng mùa mưa năm 2015 tại những khu vực đồi đá chịu nắng rát… rất cần những giọt nước mát tưới bổ sung. Mỗi ngày, 2 anh Quang và Hùng tưới 2 xe nước, mỗi xe hơn 2m3 nước nên khoảng chừng 500 cây rừng được bổ sung nước trong ngày.

Anh Quang cho biết, do lượng nước eo hẹp, nhiều nhiệm vụ lồng ghép trong mùa nắng đã được đơn vị quán triệt đến từng cán bộ bảo vệ rừng để quán xuyến trong ngày, như: tuần tra rừng, dọn thực bì, tưới rừng, tuyên truyền phòng chống cháy rừng... Mỗi ngày, các anh chọn những vạt rừng héo lá tưới nước trước rồi mới đến những tán rừng xanh. Tuy vậy, những vạt rừng từ 1-3 tuổi do cán bộ, nhân viên quản lý rừng ở Phân trường Đầm Voi trồng vào mùa khô năm nào cũng hao hụt gần 10%, vì mùa khô ở đây rất khắc nghiệt. Nhưng nếu thiếu nguồn nước mát của đơn vị tưới cho cây thì tỷ lệ cây chết sẽ còn cao hơn rất nhiều lần.

Anh Hùng cho biết, một hécta rừng trồng mới tốn hàng chục triệu đồng. Mùa nắng, đơn vị triển khai lực lượng tưới cây, chi phí phải tốn thêm 5-6 triệu đồng/hécta. Như vậy vẫn có lợi hơn việc để cây chết hàng loạt, buộc phải trồng lại rừng tốn kém và mất đi thời gian sinh trưởng của cây.

Rừng phòng hộ Xuân Lộc bao năm qua chống chọi được với khô hạn là nhờ những giọt nước tưới của từng cán bộ, nhân viên 6 phân trường và các hộ dân giao khoán nông - lâm kết hợp. Cái ý nghĩ tưới rừng mùa nắng tuy lạ lẫm với ai đó, nhưng xuất phát từ thực tiễn trồng rừng của từng đơn vị và được Ban giám đốc BQLRPH Xuân Lộc phê duyệt vì thấy được sự cần kíp, hợp lý. “Chúng tôi triển khai kế hoạch tưới rừng mùa nắng được 5 năm rồi và hiệu quả thật mỹ mãn” - ông Hoàng Đình Long bày tỏ.

* Tình yêu rừng

Mức độ cảnh báo nguy cơ cháy rừng càng cao, những chuyến tuần tra rừng bằng xe máy của Giám đốc BQLRPH Xuân Lộc trong tuần, trong tháng càng nhiều.

Ông Long cho hay, ngoài lịch trực chiến Ban Chỉ huy phòng chống cháy rừng theo phương án đề ra, ông tự đặt thêm trọng trách cho cá nhân mỗi tháng mùa nắng phải vào rừng 6-7 chuyến để kiểm tra tình hình thực địa, gặp gỡ trực tiếp cán bộ, nhân viên các trạm và các hộ dân giao khoán rừng để động viên, nhắc nhở. “Tôi thích một mình một xe vào rừng kiểm tra và khi đi không hề báo trước. Không phải tôi không tin tưởng vào tinh thần trách nhiệm của anh em trong trực phòng chống cháy rừng mùa nắng, mà tôi muốn mọi người luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, cảnh giác cao độ và luôn đảm bảo vị trí, thời gian trực chiến lúc có hay không có lãnh đạo kiểm tra” - ông Long nói.

Nhân viên của Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc lái chiếc máy cày đa năng (tưới rừng, chữa cháy, cày thực bì).
Nhân viên của Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc lái chiếc máy cày đa năng (tưới rừng, chữa cháy, cày thực bì).

Chỉ tay về những cánh rừng: sao, dầu, sến, giáng hương, tràm… xanh lá và còi cọc vì nắng hạn, ông Long vui, buồn lẫn lộn trước cơn gió nóng từ hướng tỉnh Bình Thuận lùa qua khu rừng mình đang đứng.

Ông Long bày tỏ, nhìn những cây rừng từ 1-3 tuổi khỏe mạnh trước nắng, gió khắc nghiệt của mùa khô, ông mừng thầm, nhưng lòng cũng lo lắng nhiều điều. Chỉ cần cán bộ, nhân viên các đơn vị bảo vệ rừng lơ là trong công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng thì màu xanh của rừng sẽ không còn và phải tốn một số tiền lớn để trồng lại rừng.

Qua bao mùa nắng hạn, màu da và mái tóc của Phân trường trưởng Phân trường Đầm Voi Thái Văn Phượng trở nên đen giòn và phờ phạc hơn theo từng cấp độ báo động hạn hán. Tuy vậy, ông vẫn giữ được tình yêu cháy bỏng đối với những cánh rừng mà ông và đồng nghiệp kịp trồng vào đầu mùa mưa, chiu chắt những giọt nước tưới mùa nắng hạn.

Ông Phượng ví von, rừng Đầm Voi và nhiều nơi khác trong BQLRPH Xuân Lộc như những đứa trẻ con nhà nghèo. Vì vậy, “cha mẹ” của “những đứa trẻ” phải có quy trình nuôi dưỡng, chăm sóc, bao bọc “con trẻ” thật kỹ vào mùa nắng hạn. “Nguy cơ cháy, chết cây mùa nắng ở đây rất cao. Với tinh thần trách nhiệm và tình yêu rừng của từng lãnh đạo, cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng và sự phối - kết hợp, hỗ trợ từ các cấp chính quyền, người dân…, rừng Đầm Voi vẫn xanh tươi và hiên ngang trước nắng gió khô rát chờ mùa mưa đến” - ông Phượng tâm sự.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều