Báo Đồng Nai điện tử
En

Gieo mầm xuân trên sóng nước nhà giàn

09:02, 15/02/2016

Đã thành thông lệ, sáng mùng 1 tết các chiến sĩ nhà giàn DK1 lại tổ chức câu cá, trồng rau xanh. Đây được coi như là lao động đầu xuân, vừa tăng gia nâng cao đời sống bộ đội vừa "hái lộc may mắn từ biển". Ở nơi thừa nắng gió, thiếu nước ngọt ấy, việc trồng rau xanh được coi như "công trình sinh tồn giữa biển".

Đã thành thông lệ, sáng mùng 1 tết các chiến sĩ nhà giàn DK1 lại tổ chức câu cá, trồng rau xanh. Đây được coi như là lao động đầu xuân, vừa tăng gia nâng cao đời sống bộ đội vừa “hái lộc may mắn từ biển”. Ở nơi thừa nắng gió, thiếu nước ngọt ấy, việc trồng rau xanh được coi như “công trình sinh tồn giữa biển”.

Hiện đã nghỉ hưu, nhưng Trung tá Nguyễn Văn Nam, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn DK1, vẫn không thể quên những ngày cùng đồng đội sống ở Nhà giàn Phúc Tần 3 vật lộn với nắng gió trồng “rau xanh trên sóng”, việc do ông khởi xướng.

* Chuyện trồng rau xanh 26 năm trước

Mùa xuân 1990, ông Nguyễn Văn Nam lúc đó đeo quân hàm đại úy, giữ chức Lô trưởng tại Nhà giàn Phúc Tần 3, nhà giàn đầu tiên đóng trên bãi cạn Phúc Tần. Cuộc sống của bộ đội lúc đó vô cùng khó khăn, đồ ăn hàng ngày chủ yếu là thịt hộp mang từ đất liền ra. Ngày ấy, để trồng được rau xanh trên nhà giàn là một bài toán khó, bởi Nhà giàn Phúc Tần 3 thuộc thế hệ cũ, sàn chỉ cao cách mặt biển 7m, sóng cấp 4 là trùm lên toàn bộ nhà giàn. Để có bữa canh, rau muống khô đem ra từ đất liền được ngâm trong nước cho mềm, thái nhỏ, nấu với tép khô. Nhưng nguồn “chất xơ” ấy cũng đến lúc cạn kiệt. Không thể để bộ đội “bóp bụng” nhịn rau xanh, ông Nam quyết tâm trồng rau xanh trên nhà giàn.

“Vườn treo” xanh ở Nhà giàn DK1/11.
“Vườn treo” xanh ở Nhà giàn DK1/11.

“Lúc đó, Ban chỉ huy DK1 quyết tâm: “Mầm xanh phải vươn lên từ biển”. Học cách trồng rau ở Trường Sa, chúng tôi đã tận dụng chậu, xô hỏng, những bẹ giường cũ để quây thành khung. Đất theo tàu đem ra từ đất liền. Khi những mầm xanh đầu tiên mọc trên Nhà giàn Phúc Tần 3 từ những khay đất bạc màu trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, chúng tôi trào nước mắt”  - Trung tá Nam kể lại.

Sau đó, phong trào “Rau xanh trên sóng” ra đời. Hàng trăm máng gỗ theo tàu trực đến nhà giàn, hàng chục cân hạt giống được phân phát tận nơi, hàng tạ phân kali theo tàu chuyển đến. Một cuộc sinh tồn mới lâu dài được triển khai khẩn trương.

Những ngày đầu, do chưa có kinh nghiệm, các nhà giàn ươm hạt giống trong máng gỗ, hoặc ủ trong bao tải cho nảy mầm, tận dụng tối đa nước thừa sau khi tắm, giặt, rửa mặt, rửa bát để tưới. Mặc dù được “ưu tiên, tiếp sức” nhưng những mầm xanh ấy chỉ lên khỏi mặt đất là chết lụi, hoặc thối gốc vì hơi nước biển mặn và gió tạt. Không chịu bó tay, các chiến sĩ đã dùng bao tải cũ vá lại thành tấm bạt lớn, quây những bồn rau lại một góc, mà họ gọi là “làm nhà cho rau ở”, gió chiều nào che chiều ấy. Tất cả những vật dụng, như: chậu hỏng, xô thủng được tận dụng trồng rau, treo ở góc khuất gió, lan can cầu thang, hay trên trần nhà. Bồn rau của những nhà giàn có sân bay, như: DK1/10, DK1/11 thường xuyên di chuyển tránh gió.

* Những nốt nhạc biển xanh

Chúng tôi gặp Thượng úy Phạm Văn Bảy, quân y sĩ vừa ở Nhà giàn DK1/11 về đất liền ăn tết cùng vợ con ở TP.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) sáng mùng 1 tết. 16 năm tuổi quân, 11 năm đón tết ở nhà giàn, Tết Bính Thân này anh được về đất liền đón tết.

Trong nhiều câu chuyện kể về ngày tết giữa trùng khơi, anh thích nhất chuyện trồng rau xanh ở nơi thừa nắng, thiếu nước ngọt ấy. “Ở nhà giàn, trồng rau xanh vừa để cải thiện bữa ăn vừa đỡ nhớ nhà. Những bồn rau xanh mọc từ sóng nước, cảm giác đất liền và biển xa gần gũi hơn” - Thượng úy Bảy chia sẻ.

“Nếu ở Trường Sa, rau xanh được các chiến sĩ trồng trên nền đảo, còn ở nhà giàn rau xanh được trồng trong các máng gỗ và treo ngoài lan can, gác trên trần nhà. Nhờ bàn tay chăm sóc của chiến sĩ, cùng với những giọt nước ngọt hiếm hoi, mầm xanh từ những khay đất bạc màu cứ vươn dài trong nắng gió đại dương. Những mầm xanh ấy không chỉ là biểu hiện sức sống mãnh liệt của cỏ cây hoa lá ở nơi khí hậu khắc nghiệt, mà khẳng định tinh thần làm chủ cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn nơi đầu sóng ngọn gió”  - Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1, chia sẻ.

Thượng úy Bảy kể, ở nhà giàn, mồng tơi là loại rau dễ trồng nhất. Nhà giàn nào cũng có giàn mồng tơi xanh biếc leo kín lan can. Ngoài mồng tơi, các chiến sĩ nhà giàn còn trồng rau muống, húng thơm, ớt cay, gừng, riềng, mía. Có rất nhiều đoàn khách từ đất liền ra thăm đã hỏi: “Bí quyết gì mà ớt nhà giàn sai quả?”. Các chiến sĩ nói vui: “Đó là nhờ những giọt nước hiếm có mùi ghét của người”. Nhiều người đã xin mấy quả về đất liền nhân giống.

Bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán, nhà giàn nào cũng nhịn ăn rau xanh, để dành những bồn rau tươi tốt để “khoe” với khách đến thăm; nhiều khi rau muống tốt nửa mét, vươn dài. Biết bao hoa muống biển dùng làm quà và thay lời muốn nói của các chiến sĩ tặng văn công.

Thiếu tá Nguyễn Hồng Sơn, Chủ nhiệm Nhà văn hóa Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, trong một lần theo tàu đến Nhà giàn Tư Chính 3 (DK1/11) xúc động trước những mầm xanh trên sóng nên đã cho “ra lò” ca khúc Màu xanh nhà giàn nhân kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập DK1. Bài hát này được các chiến sĩ DK1 chuyền tay nhau, ghi trong sổ tay chiến sĩ của mình.

Cây ớt sai quả giữa khắc nghiệt của đại dương.
Cây ớt sai quả giữa khắc nghiệt của đại dương.

Nói chuyện trồng rau đầu xuân mới ở nhà giàn, Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1, chia sẻ: “Ở giữa biển khơi, trồng rau xanh không chỉ nâng cao đời sống bộ đội, mà còn giúp các chiến sĩ vơi bớt nhớ đất liền. Chính những mầm xanh mọc lên từ sóng biển đã giúp các chiến sĩ yêu đời hơn, khẳng định làm chủ cuộc sống ngay cả những nơi khó khăn, vất vả nhất. Giàn mồng tơi xanh mướt, những bồn rau muống tốt vươn dài đã tô điểm cho cuộc sống của các chiến sĩ. Năm nào cũng vậy, các nhà giàn DK1 đều tổ chức trồng rau xanh đầu xuân.

Bây giờ nhà giàn nào cũng có rau xanh tươi tốt, nhất là những nhà giàn mới được nâng cấp, như: Phúc Nguyên, Tư Chính 5..., nhưng vẫn là “hàng” hiếm hoi. Một nhà giàn có vài chục bồn rau, gọi là nhiều nhưng phải tiết kiệm ăn dần, chủ yếu thái nhỏ nấu canh buổi cơm trưa; khi nào có “khách” từ đất liền ra, hoặc dưới tàu lên chơi, mới dám luộc 2 đĩa rau và bữa đó coi như… liên hoan. Nhiều khi biển động cả tháng không câu được cá, chiến sĩ phải ăn cơm chưng với mắm tôm và đồ hộp, nhổ gốc rau dền tước vỏ thái nhỏ nấu canh.

Ngày xuân, những bồn rau xanh được làm “nền” để các chiến sĩ chụp ảnh, gửi tặng người thân yêu của mình trên facebook cá nhân.

Mai Thắng

 

 

 

Tin xem nhiều