Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện tại Bệnh viện phổi

07:02, 27/02/2016

Vượt qua nỗi lo lây nhiễm bệnh tật, các bác sĩ tại Bệnh viện phổi Đồng Nai đang từng ngày từng giờ tận tâm chữa trị cho người bệnh.

Vượt qua nỗi lo lây nhiễm bệnh tật, các bác sĩ tại Bệnh viện phổi Đồng Nai đang từng ngày từng giờ tận tâm chữa trị cho người bệnh. Môi trường làm việc luôn phải tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân mắc căn bệnh dễ lây nhiễm, nhưng những “thiên thần áo trắng” vẫn lặng lẽ hy sinh cho đời, chỉ mong cứu chữa cho những bệnh nhân lao thoát khỏi căn bệnh nghiệt ngã.

Các y, bác sĩ khoa cấp cứu nghiên cứu phim X-quang của một bệnh nhân lao.
Các y, bác sĩ khoa cấp cứu nghiên cứu phim X-quang của một bệnh nhân lao.

Sau khi kiểm tra sức khỏe cho những bệnh nhân lớn tuổi đang nằm điều trị tại bệnh viện, điều dưỡng Lưu Văn Dân mới có thể tiếp chuyện với chúng tôi. Công tác tại Bệnh viện phổi Đồng Nai được 6 năm, anh đủ thấu hiểu nỗi đau của những người bệnh ở đây và luôn tự nhủ lòng phải dồn tâm sức để giúp họ nhanh chóng khỏi bệnh.

* Bác sĩ trị lao bị nhiễm lao

Môi trường làm việc tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ bị lây bệnh nên vào tháng 3-2015, trong đợt khám bệnh định kỳ, anh Dân đã bị phát hiện mắc bệnh lao phổi với nguyên nhân thường xuyên tiếp xúc với nhiều bệnh nhân lao. Nhưng không vì vậy mà anh suy sụp tinh thần hay xin chuyển sang bệnh viện khác làm việc, mà anh vẫn bám trụ lại đây để cùng các bệnh nhân “chiến đấu” với căn bệnh này. Sau hơn một năm theo dõi và điều trị bệnh, hiện tại sức khỏe của anh đã dần ổn định.

Trong năm 2015, Bệnh viện phổi Đồng Nai tiếp nhận gần 3,6 ngàn bệnh nhân lao, trong đó có 1.868 ca lao phổi. Các bác sĩ ở đây đã chữa trị khỏi cho trên 85% số người bệnh lao đã tiếp nhận.

“Làm việc trong môi trường dễ bị lây bệnh, dù luôn áp dụng biện pháp tự bảo vệ bản thân, nhưng chỉ cần sơ sẩy một chút ngay cả y, bác sĩ cũng có thể bị lây nhiễm bệnh lao. Cơ duyên tôi đến với nghề như là định mệnh. Học xong chuyên ngành điều dưỡng, gửi đơn xin việc vào đây được bệnh viện chấp nhận nên tôi vào làm ngay. Ai chẳng biết bệnh lao nguy hiểm, nhưng nếu ai cũng chọn những bệnh viện lớn, hay công việc nhẹ nhàng chắc người bị lao chỉ còn biết kêu trời” - điều dưỡng Dân tâm sự.

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh, Giám đốc Bệnh viện phổi Đồng Nai, đã có khoảng 10 y, bác sĩ tại bệnh viện nhiễm bệnh lao trong quá trình làm việc, riêng năm 2015 có 2 trường hợp y, bác sĩ nhiễm bệnh lao. Do bệnh lao là bệnh lây nhiễm chủ yếu qua hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện… lây sang nên hầu như mọi cách đề phòng chỉ mang tính tương đối. Vì vậy, bệnh viện thường xuyên tổ chức khám bệnh cho cán bộ, công nhân viên tại đây để nhanh chóng phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, nếu chẳng may bị lây nhiễm.

Không chỉ có y, bác sĩ làm việc trực tiếp với bệnh nhân lao, ở các bộ phận khác trong bệnh viện cũng có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao, như bộ phận chẩn đoán hình ảnh của bác sĩ Lê Văn Phương, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh. Nhiệm vụ chủ yếu của bộ phận này là chụp X-quang, do mật độ làm việc dày đặc với hàng chục lượt chụp X-quang bệnh nhân mỗi ngày nên y, bác sĩ dễ bị nhiễm lao, nhiễm xạ gây ung thư, vô sinh…

“Công việc ở đây không nhiều bằng các bệnh viện lớn, nhưng do môi trường tiếp xúc với bệnh nhân lao nên nguy hiểm gấp nhiều lần. Khi phải chứng kiến những bệnh nhân bị khó thở, mỗi hơi thở của họ là một lần gồng căng người, chúng tôi lại thấy phải có trách nhiệm hơn với sức khỏe của chính bản thân để còn đủ sức chữa trị cho họ. Nếu ngay cả bác sĩ cũng ngã gục thì ai sẽ đứng ra lo cho người bệnh? Vì vậy, càng làm việc trong môi trường nguy hiểm, các y, bác sĩ ở đây càng chú trọng tới sức khỏe của mình nhiều hơn” - bác sĩ Phương cho hay.

* Một người làm việc bằng hai

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh cho hay, bệnh viện hiện chỉ có 18 bác sĩ, thiếu 12 người so với nhu cầu khám, chữa bệnh của bệnh nhân, nên những y, bác sĩ tại đây đã nỗ lực hết mình để bù đắp vào sự thiếu hụt nhân sự đó. Bệnh viện hiện nằm ở xã Phước Tân (TP.Biên Hòa), xa trung tâm thành phố nên dù ban giám đốc đề nghị nhiều lần vẫn không có nhiều người chịu về đây làm việc. Bên cạnh đó, môi trường làm việc nguy hiểm khiến sinh viên tốt nghiệp ngành y tại các trường đại học tìm cách “né” khi được phân công về đây làm việc.

Bác sĩ Hoàng Thi Thơ, Trưởng khoa Cấp cứu, cho biết: “Bộ phận chúng tôi đòi hỏi những người trẻ, khỏe, nhanh nhẹn, xử lý tình huống nhanh. Dù đã được ban giám đốc bệnh viện ưu tiên nhân sự, nhưng do tình trạng thiếu người của toàn bệnh viện nên nhiều lúc một người phải căng sức làm việc bằng 2-3 người mới đáp ứng kịp. Hầu hết bác sĩ trẻ về đây làm việc đều có nhà gần bệnh viện, tiện việc đi lại, chứ nhiều người chỉ làm việc được một thời gian rồi xin đi bệnh viện khác vì sợ môi trường dễ lây nhiễm ở đây”.

Do thiếu người nên khi một số bác sĩ muốn học nâng cao trình độ chuyên môn cũng gặp khó khăn về thời gian, sắp xếp công việc. Bác sĩ Khánh cho biết thêm, lúc tuyển dụng người có trình độ đại học, sau đại học đã khó rồi, nay muốn cho họ học lên cao càng khó khăn hơn. Thậm chí, đến việc y, bác sĩ xin nghỉ phép năm cũng phải suy tính rất nhiều và phải bố trí nghỉ phép xen kẽ nhau để tránh việc thiếu người lúc khẩn cấp.

Các bác sĩ hội chẩn nhanh trong một ca cấp cứu.
Các bác sĩ hội chẩn nhanh trong một ca cấp cứu.

“Đường xa trung tâm thành phố đã đành, đi lại trên quốc lộ 51 với mật độ xe cộ đông đúc cũng khá nguy hiểm nên nhiều bác sĩ trẻ ngại về đây, hầu hết đều xin chuyển đi khi mới làm được một thời gian. Vì vậy, bệnh viện chúng tôi quý người trẻ lắm, dễ có mấy ai chịu về một nơi đầy rẫy khó khăn như thế này. Hiện tại, các bác sĩ của bệnh viện đều phải làm việc kiêm nhiệm, mỗi người làm gấp đôi mới hoàn thành được khối lượng công việc của bệnh viện” - bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhiều người hiện vẫn đang có thái độ e dè người mắc bệnh lao và bác sĩ làm việc trực tiếp với người mắc lao, thậm chí đồng nghiệp tại các bệnh viện khác cũng không đánh giá cao công việc này. Nhưng điều khiến các bác sĩ tại Bệnh viện phổi Đồng Nai phải e ngại là việc sức khỏe giảm sút, không thể tiếp tục làm việc và lây nhiễm sang người thân. Đã có không ít trường hợp y, bác sĩ bị nhiễm bệnh lao và lây cho người nhà, phải điều trị một thời gian mới khỏi hẳn.

“Nếu ai cũng e ngại công việc này thì những bệnh nhân lao sẽ chẳng còn biết tìm tới ai. Tôi cứ nghĩ đơn giản rằng, cứ làm việc hết mình rồi sẽ có ngày nhận được sự đền đáp xứng đáng. Nhờ suy nghĩ đó mà tôi đã làm việc tại bệnh viện này hơn 30 năm nay và sẽ tiếp tục cống hiến đến khi còn có thể” - bác sĩ Lê Văn Phương tự hào cho biết.

Đăng Tùng

 

 

 

 

Tin xem nhiều