Báo Đồng Nai điện tử
En

Bàu Lúa Ma bây giờ

11:02, 24/02/2016

Sau vụ lúa hè - thu, các thửa ruộng ở khu Bàu Lúa Ma (ấp 2, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) ngập tràn rơm vàng. Phó trưởng ấp Hoàng Minh Cư nhìn hàng chục hécta ruộng phơi nắng, không sản xuất được vụ đông - xuân (do thiếu nguồn nước tưới) mà tiếc rẻ. Trong khi đó, toàn bộ diện tích đất rẫy ở khu Bàu Lúa Ma lại nhuộm một màu xanh mượt của những cây trồng, như: xoài, tiêu...

Sau vụ lúa hè - thu, các thửa ruộng ở khu Bàu Lúa Ma (ấp 2, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) ngập tràn rơm vàng. Phó trưởng ấp Hoàng Minh Cư nhìn hàng chục hécta ruộng phơi nắng, không sản xuất được vụ đông - xuân (do thiếu nguồn nước tưới) mà tiếc rẻ. Trong khi đó, toàn bộ diện tích đất rẫy ở khu Bàu Lúa Ma lại nhuộm một màu xanh mượt của những cây trồng, như: xoài, tiêu...

Gia đình ông Lý Cún Sáng giàu nhanh nhờ trồng tiêu.
Gia đình ông Lý Cún Sáng giàu nhanh nhờ trồng tiêu.

Điều ông Cư tiếc rẻ cũng là tiềm năng để nông dân Bàu Lúa Ma khá hơn, giàu hơn khi đồng ruộng sản xuất được 3 vụ, vườn rẫy thì xanh mượt những loài cây có múi, tiêu, xoài. Nông dân Bàu Lúa Ma đón mừng năm mới với nhiều khát vọng đổi đời từ mảnh đất, khu vườn của mình.

* Thời cơ cực

Những năm 1980, khu Bàu Lúa Ma đón những đợt dân di cư tự do từ mọi miền đất nước vào khai hoang, lập nghiệp. Những bàu lúa ma dần được người dân khai phá thành những thửa ruộng trồng lúa nước. Phần đất cao được dân di cư khai khẩn trồng bắp, đậu, thuốc lá…, để kiếm cái ăn qua ngày theo kiểu tự cung, tự cấp.

Theo ký ức của ông Cư, hồi đó chỉ cần thả một tay lưới nhỏ xuống các đầm lúa ma sẽ bắt được hàng chục ký cá. Rùa núi nằm lăn lóc ngoài ruộng không ai thèm bắt, mà chỉ dùng chân đá chơi. Đêm đến, cầm đèn và khúc cây đập một lúc cũng bắt được cả bao ếch. “Khu Bàu Lúa Ma buộc dân nhập cư đối diện với những cơn sốt rét thừa sống thiếu chết và nghèo nàn, lạc hậu” - ông Cư nói.

Nhà tranh, vách ván mọc nơi Bàu Lúa Ma ngày một nhiều theo tốc độ dân di cư tự do. Những bãi lầy lúa ma đầy dấu chân, phân voi rừng đã nhanh chóng được dân di cư khai khẩn thành ruộng để cấy lúa. Cây lúa là cây lương thực chính của dân cư khu Bàu Lúa Ma. Sau cây lúa là các cây: bắp, đậu, mì được trồng trong vườn để chống đói khi nhà hết gạo ăn và một ít cây thuốc lá để bán lấy tiền tiêu vặt.

Đất rẫy ở khu Bàu Lúa Ma giờ đã chuyên canh cây xoài, tiêu đến 70%. Riêng đất trồng lúa hiện chưa có thủy lợi, nguồn điện phục vụ tưới nước còn giới hạn. Phó trưởng ấp Hoàng Minh Cư bày tỏ, dân ở khu Bàu Lúa Ma luôn khát vọng lên nông thôn mới. Có nông thôn mới, cánh đồng ở khu Bàu Lúa Ma sẽ được Nhà nước đầu tư thủy lợi, nguồn điện phục vụ cho việc tưới nước sẽ dài hơn để nông dân khu Bàu Lúa Ma chuyển đổi 30% diện tích đất còn lại sang các cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, như: xoài, tiêu…

Càng quẩn quanh với kiểu sản xuất tự cung, tự cấp, tận thu sản vật của rừng, người dân ở khu Bàu Lúa Ma càng bị cái nghèo trói chân giữa rừng. Những đứa trẻ được người dân di cư mang vào và được sinh ra ở đây bắt đầu cần trường học. Ngặt nỗi, khu Bàu Lúa Ma lúc ấy không có trường lớp nào cả, buộc bọn trẻ phải chân trần men theo những con đường mòn của dân đi rừng, đi rẫy dài đến 5-7km để tìm con chữ.

Thương cho những đứa trẻ lên 7 lên 8 mù chữ có nguy cơ thất học, ông Cư đã tìm đến Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn Phạm Văn Sá bày tỏ nguyện vọng. Chủ tịch Sá nhanh chóng ký duyệt hỗ trợ cho dân khu Bàu Lúa Ma 4 triệu đồng để lập trường.

Có tiền, ông Cư bàn bạc với các nông dân có uy tín và xin đất, xin cây, mua tôn về dựng điểm trường tiểu học với 2 phòng học dạy từ lớp 1-5 ở Bàu Lúa Ma; đồng thời đề xuất với xã cho rước thầy, cô giáo đang dạy ở điểm chính về bám trụ. Điểm trường của trẻ em khu Bàu Lúa Ma mới dựng lên thật sơ sài, những tấm vách do người dân đóng góp không đủ sức ngăn gió bụi, mưa lùa. Những đứa trẻ lên 7-8 mới được học lớp 1 nhưng vẫn háo hức với con chữ, phép tính của các thầy, cô giáo.

* Đổi thay theo những mùa xuân

Gió xuân từ vườn tiêu thổi vào nhà mát rượi. Ông Cư tâm sự với chúng tôi rằng, ngày xưa gia đình ông thuộc dạng khá nhất khu Bàu Lúa Ma. Gia đình ông khá lên là nhờ vừa làm ruộng, rẫy vừa làm công việc xay xát gạo cho bà con trong khu Bàu Lúa Ma. Từ việc xay xát gạo lấy cám thay cho tiền công, vợ chồng ông Cư đã phát triển đàn heo thịt được trăm con. Từ việc nuôi heo, gia đình ông không lo sợ thiếu ăn và tiện bề lo cho 3 con ở trọ xa nhà ăn học (nay 3 người con của ông đã tốt nghiệp đại học). Nhưng nay nhìn lại, kinh tế gia đình ông Cư hiện thua xa những hộ trồng tiêu: Lý Cún Sáng, Hồ Cường và Mã Sùng Sấm…

Khoảng chục năm trước, gia đình ông Lý Cún Sáng còn thuộc diện hộ khó khăn, phải đi làm thuê mướn để sống dù nhà có nhiều ruộng, rẫy. Ông Sáng bày tỏ, gia đình ông gặp khó khăn bởi ông là nạn nhân của tình trạng chặt - trồng, trồng - chặt khi những cây trồng, như: điều, quýt, xoài, cà phê mất giá. Chạy theo việc chặt - trồng, trồng - chặt mãi đến năm 2005, ông Sáng mới nhận ra cây tiêu nay mai sẽ giúp cho gia đình ông bớt khổ. Nghĩ vậy, ông Sáng cặm cụi trồng tiêu vào cạnh những gốc cà phê đang già cỗi, hay trồng xen vào những gốc điều, cây rừng còn sót lại.

Năm 2010, vườn tiêu 3 hécta của gia đình ông Sáng bắt đầu cho thu hoạch. Nhờ tiêu, ông Sáng đã có tiền xây nhà to, có tiền tỷ gửi ngân hàng. Lúc này, những nông dân trồng xoài, quýt… ở khu Bàu Lúa Ma bắt chước ông trồng tiêu, xen những dây tiêu vào các gốc xoài, điều, cây rừng…

Khu Bàu Lúa Ma giờ đã có phân hiệu mẫu giáo, tiểu học khang trang.
Khu Bàu Lúa Ma giờ đã có phân hiệu mẫu giáo, tiểu học khang trang.

Từ sự đột phá thành công của ông Sáng, nông dân khu Bàu Lúa Ma mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Trong vòng 7 năm trở lại đây, khu Bàu Lúa Ma trở thành khu chuyên canh cây xoài và tiêu. Nhờ đó, đời sống nông dân trong khu Bàu Lúa Ma khá lên thấy rõ. “Dân Bàu Lúa Ma trước đây ai cũng nghèo khó như nhau. Nay số hộ giàu trong khu Bàu Lúa Ma phải trên 45 hộ, số hộ nghèo chỉ còn 10 hộ thôi” - ông Cư cho biết.

Sự chuyển mình của khu Bàu Lúa Ma nhanh chóng xóa đi tiềm thức về cái nghèo, lạc hậu một thời của địa phương trong mắt những người đã từng đến đây cứu trợ, thăm viếng. Những người từng trốn chạy cái nghèo ở khu Bàu Lúa Ma, nay nuối tiếc vô cùng khi nơi đây có điện, đường, trường học. Con em khu Bàu Lúa Ma về TP.Biên Hòa, TP.Hồ Chí Minh học đại học, cao đẳng nay nhiều hơn số người bỏ khu Bàu Lúa Ma mà đi. Ngay như hộ nghèo Lý Cấm Sáng được tặng nhà tình thương trước đây, nay cũng trở thành hộ khá. Ông Sáng tuy mắc bệnh tâm thần, nhưng nhờ có vợ giỏi giang nay đã xây được căn nhà trên 300 triệu đồng nhờ chăm sóc 1,5 hécta tiêu.

Khu Bàu Lúa Ma thật sự đổi thay theo những mùa xuân. Nông dân khu Bàu Lúa Ma giờ tự tin ra đường mua sắm, không còn giấu mặt khi ra đường vì ngại còn nợ tiền mua chịu thức ăn, phân bón. Những đứa trẻ ở khu Bàu Lúa Ma tiếp tục đến trường và nuôi dưỡng giấc mơ đại học, cao đẳng như lớp đàn anh 10 tuổi mới bước vào lớp 1 nay đã thành danh.

Đoàn Phú

 

 

 

 

Tin xem nhiều