Báo Đồng Nai điện tử
En

Tổ văn nghệ của công nhân xa quê

11:01, 06/01/2016

Nằm trong con hẻm nhỏ thuộc ấp 5, xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu), khu nhà trọ của ông Nguyễn Phan Biên đều đặn hàng tháng vang lên tiếng nhạc dập dìu để các nữ công nhân trong đội múa dân tộc Chăm ở trọ tại đây luyện tập.

Nằm trong con hẻm nhỏ thuộc ấp 5, xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu), khu nhà trọ của ông Nguyễn Phan Biên đều đặn hàng tháng vang lên tiếng nhạc dập dìu để các nữ công nhân trong đội múa dân tộc Chăm ở trọ tại đây luyện tập. Ông Biên cho hay: “Đây là hoạt động văn hóa tinh thần của những người thuê trọ, góp phần thắt chặt sự kết nối của họ với truyền thống của dân tộc Chăm dù phải ở trọ xa nhà”.

Ông Nguyễn Phan Biên, chủ khu nhà trọ ấp 5, xã Thạnh Phú, cho các thành viên trong tổ văn nghệ khu nhà trọ xem hình chụp những lần đi biểu diễn.
Ông Nguyễn Phan Biên, chủ khu nhà trọ ấp 5, xã Thạnh Phú, cho các thành viên trong tổ văn nghệ khu nhà trọ xem hình chụp những lần đi biểu diễn.

Kết thúc giờ làm việc tại công ty, chị Lưu Thị Trầm nhanh chóng trở về căn phòng trọ nhỏ loay hoay lo cơm nước cho chồng con, rồi tìm đến những người bạn cùng quê trong xóm trọ tập văn nghệ. Tổ văn nghệ của chị gồm 8 thành viên, tất cả đều là người dân tộc Chăm ở tỉnh Ninh Thuận đến khu nhà trọ của ông Biên thuê trọ.

* Tổ văn nghệ xóm trọ

Chị Trầm cho hay, cuối năm 2009, đầu năm 2010, khi khu nhà trọ của ông Biên được chính quyền địa phương chọn làm điểm xây dựng khu nhà trọ văn minh thì việc tổ chức sinh hoạt văn hóa cho người thuê trọ bằng hình thức văn nghệ cũng hình thành.

Ngày đó, vợ chồng ông Biên đã tập hợp các chị em người Chăm biết nhiều điệu múa dân tộc Chăm để thành lập tổ văn nghệ. “Khi còn sống ở quê (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận), tôi tham gia Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm tỉnh Ninh Thuận và nhiều lần đi biểu diễn văn nghệ ở tỉnh, thậm chí đã vài lần ra Hà Nội tham gia liên hoan văn nghệ các dân tộc Việt Nam. Năm 2009, tôi cùng chồng con đến huyện Vĩnh Cửu làm công nhân. Đầu năm 2010, khi tổ văn nghệ khu nhà trọ ông Biên thành lập, nhờ “có nghề” tôi đã trở thành nòng cốt của cả nhóm. Lúc ấy, một số chị em hát hay, biết nhiều bài múa cổ truyền của người Chăm đã được vận động tham gia. Từ khi thành lập tổ văn nghệ đến nay, hầu như năm nào chúng tôi cũng tham gia các cuộc thi liên hoan văn nghệ các khu nhà trọ trong tỉnh, hoặc tham gia biểu diễn tại buổi văn nghệ phục vụ công nhân đón tết xa quê” - chị Trầm chia sẻ.

Năm 2010, chị Thạch Thị Xuân Xuyên (người dân tộc Chăm, quê tỉnh Ninh Thuận) vừa đến khu nhà trọ của ông Biên thuê trọ thì được các chị em đồng hương kêu gọi tham gia tổ văn nghệ khu nhà trọ. Thời gian đầu còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng chị Xuyên đã được các thành viên trong tổ tận tình hướng dẫn, rồi tập luyện dần, đến nay chị đã trở thành nòng cốt trong nhóm.

Mỗi dịp chuẩn bị tham gia một cuộc thi hoặc đi biểu diễn, tổ văn nghệ khu nhà trọ lại mượn sân nhà ông Biên làm nơi tập luyện. Đến lúc đi thi, đạo cụ, trang phục đều được chủ nhà trọ cung cấp, nên mọi người trong tổ đều yên tâm tập luyện. Do mọi người đều làm công nhân nên cũng có lúc việc tập luyện văn nghệ bị ảnh hưởng vì việc tăng ca, làm khác ca…, nhưng mọi người đều cố gắng sắp xếp để không bị chồng chéo lịch tập và lịch làm việc.

“Ngoài tham gia múa hát, chị em chúng tôi còn tham gia thi nấu ăn, trao đổi kiến thức pháp luật, hôn nhân - gia đình... Chị em cùng quê, cùng dân tộc nên phần nào có sự cảm thông, chia sẻ với nhau. Các năm trước, hầu như mỗi lần đi thi chúng tôi đều đoạt giải. Dù phần nhiều là giải khuyến khích, nhưng mọi người đều cảm thấy rất vui và động viên nhau tập luyện kỹ hơn nữa. Có điều, tổ văn nghệ có 8 người, nhưng có người chuyển chỗ trọ, người mới tham gia nên phải hướng dẫn lại từ đầu, chất lượng biểu diễn của các thành viên nhóm vì vậy không đồng đều. Tham gia phong trào nên mọi người chỉ cần được múa hát, được biểu diễn là thấy vui, chứ không đặt nặng vấn đề giải thưởng mỗi khi tham gia cuộc thi” - chị Xuyên tâm sự.

* Kết nối truyền thống

Hầu hết công nhân thuê trọ ở khu nhà trọ ông Nguyễn Phan Biên đều đã lập gia đình. Do các con của họ sinh ra và lớn lên ở địa phương khác nên việc giúp các thế hệ sau hiểu được truyền thống của cha ông luôn là trách nhiệm của cha mẹ. Ngoài việc thường xuyên đưa con về quê vào mỗi dịp tết thì hoạt động văn nghệ, các bài ca, điệu múa của tổ văn nghệ dân tộc Chăm tại khu nhà trọ đã góp phần giúp thế hệ sau hiểu được phần nào đời sống tinh thần của dân tộc mình.

“Khi cha mẹ tham gia biểu diễn, luyện tập tại phòng thì các con dõi mắt theo và chúng sẽ dần nhớ rồi hát, múa theo. Đó cũng là cách kết nối bọn trẻ với truyền thống của dân tộc Chăm. Ngay cả chúng tôi, trước đây do ít quan tâm tìm hiểu truyền thống dân tộc nên cũng lãng quên dần nhiều giá trị truyền thống của cha ông” - chị Hùng Thị Kim Hoàng chia sẻ.

Chị Lưu Thị Trầm (bìa phải) cùng bạn đồng hương tập một bài múa  của dân tộc Chăm.
Chị Lưu Thị Trầm (bìa phải) cùng bạn đồng hương tập một bài múa của dân tộc Chăm.

Nhờ có 6 năm (1999-2005) tham gia Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm tỉnh Ninh Thuận nên chị Lưu Thị Trầm đã tích lũy được nhiều điệu múa, bài hát dân tộc Chăm. Khi thành lập tổ văn nghệ dân tộc Chăm khu nhà trọ, chị đã truyền lại những nét truyền thống của dân tộc cho nhiều chị em đồng hương, đồng nghiệp. Một số người khi đi nơi khác làm việc lại tiếp tục truyền lại cho các bạn đồng hương ở nơi đó. Tuy nhiên, điều trăn trở nhất đối với các công nhân thuê trọ là phải đảm bảo việc mưu sinh và luyện tập múa hát đều đặn. Chị Hoàng trăn trở: “Khó nhất là lúc các thành viên trong tổ văn nghệ làm việc khác ca, nhiều lúc kéo dài cả 4-5 tháng nên mấy chị em khó tập trung đầy đủ để luyện tập. Lâu dần, việc quên động tác, cứng tay… là chuyện thường”.

Theo lời chị Hoàng, để duy trì và kết nối được các đồng hương với nhau, họ thường cố gắng tập trung sinh hoạt, giao lưu văn nghệ... vào các dịp cuối tuần. Lúc này, các chị em công nhân trong khu nhà trọ sẽ cố gắng liên kết bà con dân tộc Chăm quây quần bên nhau để trò chuyện, giải quyết những khó khăn trong sinh hoạt, công việc.

Hiện tại, ngoài khoảng 100 người Chăm đang sống cùng khu trọ thì tổ văn nghệ khu nhà trọ cũng liên kết được nhiều người thuộc các dân tộc khác đang sinh sống, làm việc trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu, TP.Biên Hòa… để kết bạn, giao lưu văn hóa vào các dịp lễ, tết. Mặc khác, họ cũng là nhịp cầu liên lạc giữa những người ở quê và những người xa quê để giúp trao đổi thông tin, vận động giúp đỡ lẫn nhau mỗi khi gặp khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống.

Đăng Tùng

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích