Báo Đồng Nai điện tử
En

Thầm lặng bác sĩ pháp y

11:01, 25/01/2016

Không kể giờ giấc, thời điểm, không ngại nắng mưa… hễ khi nào cơ quan điều tra, tố tụng cần tới giám định y khoa là đội ngũ bác sĩ tại Trung tâm pháp y Đồng Nai lại lên đường.

Không kể giờ giấc, thời điểm, không ngại nắng mưa… hễ khi nào cơ quan điều tra, tố tụng cần tới giám định y khoa là đội ngũ bác sĩ tại Trung tâm pháp y Đồng Nai lại lên đường.

“Nhiều người vừa nghe tới từ “pháp y” là nghĩ ngay đến việc mổ tử thi, nhưng đó là suy nghĩ chưa đầy đủ khiến công việc này trở nên đáng sợ trong mắt người khác. Sự thật, chúng tôi còn thực hiện nhiều nhiệm vụ khác, giúp các vụ án, vụ việc trở nên thông suốt bằng các chứng cứ khoa học” - bác sĩ Trần Văn Hoàng, Giám đốc Trung tâm pháp y Đồng Nai, chậm rãi nói.

* Phơi bày sự thật dưới “ánh sáng” khoa học

26 năm trong ngành pháp y là quãng thời gian đủ dài để bác sĩ Trần Văn Hoàng trải qua mọi thăng trầm của nghề. Do luôn ở trạng thái sẵn sàng đi làm nhiệm vụ bất kể lúc nào nên công việc này đòi hỏi bác sĩ, kỹ thuật viên phải là những người nhanh nhẹn, giỏi chuyên môn và có sức khỏe tốt.

Kỹ thuật viên Hoàng Bá Dũng xem lại hình ảnh chụp thương tích vừa được in ra.
Kỹ thuật viên Hoàng Bá Dũng xem lại hình ảnh chụp thương tích vừa được in ra.

“Yêu cầu giám định thương tật thì còn có thể thực hiện ngay tại trung tâm hoặc ở các bệnh viện với trang thiết bị đầy đủ nên không bị bất ngờ. Còn với trường hợp người tử vong thì chẳng thể nào biết trước được nên đồ nghề, nhân lực phải trong tư thế sẵn sàng. Ngoài ra phải có sự phối hợp với các cơ quan ban, ngành khác, nhất là công an, chính quyền địa phương, nếu không chúng tôi sẽ rất khó tiếp cận được hiện trường. Nhiều người vì quá bi thương trước cái chết của người thân mà cản trở chúng tôi tác nghiệp, có trường hợp bị chửi bới, xua đuổi thậm tệ, nhưng đã làm nghề này là tự bản thân mỗi người phải có cách xử lý các tình huống trên” - bác sĩ Hoàng tâm sự.

Khác với bác sĩ tại các bệnh viện, trung tâm y tế, bác sĩ pháp y ngoài bị động về giờ giấc làm việc còn phải sẵn sàng đi công tác xa, phục vụ yêu cầu giám định của cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng. Do gắn liền với quyền lợi của từng cá nhân, tổ chức nên việc giám định đòi hỏi sự chính xác, gạt các ý kiến sai trái và nêu lên sự thật bằng các chứng cứ khoa học.

Trong năm 2015, Trung tâm Pháp y Đồng Nai đã giám định gần 1.870 trường hợp, bao gồm: khám nghiệm tử thi, giám định thương tật, xét nghiệm... hỗ trợ cơ quan điều tra, tố tụng rất nhiều trong quá trình thực thi pháp luật. Trung bình mỗi ngày ở đây tiến hành giám định 1 ca tử vong, hơn 10 ca thương tật.

Nhiều trường hợp bác sĩ pháp y phải tham gia phiên xét xử tại tòa để trình bày các chứng cứ giám định, buộc các bên liên quan phải tâm phục khẩu phục. Bằng kinh nghiệm và trình độ chuyên môn liên tục được nâng cao, các bác sĩ pháp y đem đến góc nhìn khoa học về những thương tật, cái chết của nhiều nạn nhân, mà theo lời bác sĩ Hoàng là “Nói lên tiếng nói của người đã khuất”.

“Công việc của tôi vất vả nhưng càng gắn bó với nghề tôi càng thêm yêu nghề. Trước khi bắt đầu công việc mỗi ngày, tôi luôn tự động viên tinh thần rằng dẫu có thầm lặng, ít người biết đến nhưng lại giúp quá trình điều tra tội phạm, giúp gia đình các nạn nhân biết được sự thật. Nói thật, nghề này ai yếu bóng vía là không làm được, tinh thần phải vững thì làm mới chính xác” - bác sĩ Nguyễn Trí Thắng, người có tuổi nghề trẻ nhất tại Trung tâm pháp y tỉnh, nhận định.

* Phút giao thừa lặng lẽ

Qua 8 năm công tác tại Trung tâm pháp y tỉnh, kỹ thuật viên Hoàng Bá Dũng đã có 4 lần đón giao thừa tại hiện trường khám nghiệm tử thi. Do tính đột xuất của công việc nên có nhiều trường hợp tổ công tác của trung tâm phải đi bộ đường rừng 3-4km mới vào được đến hiện trường. Tuy vất vả là thế nhưng không một ai có ý định bỏ nghề hoặc chuyển sang công việc khác nhàn nhã hơn.

“Nhiều lúc mải mê làm cho xong việc mà tôi cùng các anh em khác quên luôn cả giây phút giao thừa, đến lúc trở về đến nhà là trời đã sáng, mọi người chỉ biết nhìn nhau cười và trao lời chúc năm mới mà thôi. May là vợ tôi cũng công tác trong ngành y nên hiểu và thông cảm được cho công việc của tôi. Thời gian đầu mới vào nghề, theo chân các bác sĩ đàn anh đi khám nghiệm tử thi tại hiện trường, tôi bị lúng túng, nhưng sau dần rồi quen” - kỹ thuật viên Hoàng Bá Dũng nhận định.

Bác sĩ Nguyễn Trí Thắng kiểm tra thương tật của một người tới giám định.
Bác sĩ Nguyễn Trí Thắng kiểm tra thương tật của một người tới giám định.

Không chỉ là công việc nặng nhọc, các bác sĩ pháp y còn phải đối mặt với sự phản ứng không lường trước từ phía thân nhân nạn nhân hoặc người dân địa phương. Bác sĩ Hoàng nhớ lại cách đây hơn 20 năm, trong chuyến công tác khám nghiệm tử thi tại xã Phước An (khi đó còn thuộc huyện Long Thành), do bức xúc trước việc xảy ra với nạn nhân mà người dân đã xua đuổi, không cho bác sĩ khám nghiệm tử thi. Phía trước là người dân đang căng thẳng, phía sau là sông nước, bác sĩ Hoàng phải khéo léo vận động người dân nhiều giờ đồng hồ mới tiếp cận được hiện trường.

“Cũng thời điểm cách đây 15 năm, tại thị trấn Sông Ray (khi đó chưa tách thành 4 xã), trong một lần đi khám nghiệm hiện trường, do quá bức xúc trước cái chết của nạn nhân mà người dân không cho đoàn công tác lại gần. Phải mất gần 10 tiếng đồng hồ, chúng tôi cùng chính quyền địa phương thuyết phục hết mình mới có thể khám nghiệm tử thi. Với nghề bác sĩ pháp y, kỹ năng nói trước đám đông, đủ lý lẽ để giải thích cho người đang bức xúc cũng là điều quan trọng” - bác sĩ Hoàng cho hay.

Không chỉ gặp những trở ngại khi tác nghiệp, bác sĩ Hoàng tiết lộ đã có một số ít trường hợp vì chồng làm nghề này mà vợ nhất định đòi ly dị vì không có thời gian dành cho gia đình và công việc tiếp xúc với nhiều tử thi. “Vợ bỏ thì không nhiều chứ người yêu đòi chia tay vì nghề nghiệp này thì tôi nghe nhiều anh em kể lại lắm rồi. Còn việc yếu tố tâm linh thì tùy vào niềm tin và tâm của mỗi người, miễn làm việc tốt, đúng lương tâm thì không việc gì phải e sợ cả” - bác sĩ Trần Văn Hoàng chia sẻ.

Đăng Tùng

 

 

 

Tin xem nhiều