Báo Đồng Nai điện tử
En

Rộn ràng dịch vụ dọn dẹp nhà cửa

07:01, 19/01/2016

Phải hẹn nhiều lần, chị Võ Thanh Hòa (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) mới sắp xếp được thời gian tiếp chúng tôi, bởi gần tết là dịp chị và các thành viên trong Câu lạc bộ (CLB) dịch vụ việc làm Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hiệp Hòa rất bận với các công việc, như: làm mứt, bánh; dọn dẹp nhà cửa; trông trẻ, người già…

Phải hẹn nhiều lần, chị Võ Thanh Hòa (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) mới sắp xếp được thời gian tiếp chúng tôi, bởi gần tết là dịp chị và các thành viên trong Câu lạc bộ (CLB) dịch vụ việc làm Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hiệp Hòa rất bận với các công việc, như: làm mứt, bánh; dọn dẹp nhà cửa; trông trẻ, người già…

Các thành viên trong Câu lạc bộ trợ giúp việc làm Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hiệp Hòa kiểm tra danh sách yêu cầu công việc cuối năm.
Các thành viên trong Câu lạc bộ trợ giúp việc làm Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hiệp Hòa kiểm tra danh sách yêu cầu công việc cuối năm.

“Kinh tế gia đình tôi trước đây gặp khó khăn, giờ được giới thiệu đi giúp việc nhà nên mỗi tháng cũng có thêm đồng ra đồng vô, con cái đỡ thiếu thốn” - chị Võ Thanh Hòa tâm sự.

* Nhu cầu của xã hội

Trước đây, hoàn cảnh kinh tế gia đình chị Hòa rất khó khăn, vì 4 miệng ăn trong nhà hầu như chỉ trông chờ vào thu nhập của chồng chị. Thấy cuộc sống quá bấp bênh nên hơn một năm nay, chị Hòa mở quầy bán cơm chiên vào buổi sáng để cải thiện thu nhập. Do chỉ bán buổi sáng nên khoảng thời gian còn lại chị chỉ quanh quẩn ở nhà. “Tôi có tuổi rồi, đi xin việc người ta ngại nhận, đến các công ty xin làm công nhân cũng bị từ chối. Bằng cấp không có, đi xin việc không được nên tôi cũng thấy nản” - chị Hòa chia sẻ.

Một lần được bạn bè cùng xóm rỉ tai về CLB dịch vụ việc làm của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hiệp Hòa, chị Hòa rất muốn tham gia nhưng ngại thủ tục và các khoản phí. Nhưng khi hỏi cặn kẽ, chị mới biết CLB không thu phí vì mục đích thành lập CLB là giúp những phụ nữ cần việc như chị có việc làm thêm để tăng thu nhập, ổn định kinh tế.

Giống như chị Hòa, hoàn cảnh gia đình chị Trần Thị Lộc (xã Hiệp Hòa) chỉ trông chờ vào quán nước giải khát với thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng. Nhận thấy thu nhập quá bấp bênh, chị Lộc đã tìm đến CLB dịch vụ việc làm của Hội Liên hiệp phụ nữ xã để mong được giúp đỡ. Tại đây, chị được CLB giới thiệu việc giữ trẻ cho một gia đình ở xã với thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng. Công việc linh động về thời gian, chị Lộc vừa có thể đảm bảo việc cơm nước cho gia đình vừa bán quán nước và giữ trẻ.

Theo lời chị Lộc, từ năm 2013 đến nay, CLB dịch vụ việc làm của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hiệp Hòa đã giới thiệu việc làm cho gần 60 người, với mức thu nhập mỗi người từ 2,5-3,5 triệu đồng/tháng. CLB thường xuyên duy trì sinh hoạt định kỳ mỗi tháng để nghe chị em báo cáo tình hình làm việc. Trường hợp nào gặp khó khăn, Ban chủ nhiệm CLB sẽ đề xuất Hội Liên hiệp phụ nữ xã tìm cách giúp họ được vay vốn mua các vật dụng hỗ trợ cho công việc. Ban chủ nhiệm CLB còn liên hệ với các doanh nghiệp, hộ gia đình… trong xã, hoặc các địa phương lân cận để tìm việc làm cho chị em có nhu cầu.

Bà Phạm Hồng Huệ, thành viên Ban chủ nhiệm CLB dịch vụ việc làm Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hiệp Hòa, chia sẻ: “Nhiều gia đình hoàn cảnh khá giả nhưng không có thời gian dọn dẹp nhà cửa, chăm lo cho người già và con nhỏ nên chúng tôi đã thành lập CLB để đáp ứng nhu cầu đó. Đặc biệt, vào dịp tết, nguồn cung người giúp việc nhà có khi không đủ so với nhu cầu”.

* Nông thôn cũng “không kém cạnh”

Tuy không tổ chức thành các CLB hay công ty bài bản như ở đô thị, nhưng dịch vụ dọn dẹp nhà cửa tại vùng nông thôn cũng rộ lên vào mùa giáp tết và đem lại thu nhập đáng kể cho nhiều người.

Với tiền công từ 30-50 ngàn đồng/giờ làm việc, chị Phan Thị Hạnh (ngụ xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) liên tục nhận điện thoại nhờ phụ dọn dẹp nhà cửa từ nhiều gia đình trong xã. Lý giải cho điều này, chị Hạnh cho hay: “Một số gia đình bây giờ chỉ còn người già và trẻ em ở nhà, lớp trẻ lên thành phố làm việc, hoặc làm việc cả ngày, về đến nhà thì mệt lử nên nhiều người phải thuê người phụ dọn dẹp nhà cửa. Lúc đầu chỉ có mấy gia đình ở gần thấy tính tôi cẩn thận nên thuê dọn dẹp nhà giúp, giờ đã có mười mấy nhà thuê trong tuần”.

Vì làm dịch vụ nên các “nhân viên” dọn dẹp nhà cửa, như: bà Loan, chị Hạnh, chị Lộc... đều có những trăn trở riêng. Đáng ngại nhất là giờ giấc làm việc không ổn định, hoặc chỉ tập trung vào những lúc sau giờ hành chính. Ngoài ra, khi đến gia đình cần thuê người giúp việc, nhiều người thấy không hợp đã bỏ ngang, vì gặp phải chủ nhà thể hiện sự thiếu tôn trọng người giúp việc. Bà Loan tâm sự: “Ngày thường còn ít việc hay việc không dồn, chứ mùa tết làm không nghỉ tay luôn. Mệt một lúc nhưng có đồng ra đồng vô, chủ nhà họ cũng cho thêm tiền để phụ mình mua sắm vật dụng chuẩn bị tết. Vui thì đúng là vui, vì có thêm tiền cải thiện cuộc sống gia đình, nhưng đôi lúc cũng chạnh lòng vì nhiều người xem thường công việc khiến mình cảm thấy bị tổn thương”.

Do sự gần gũi của các gia đình ở nông thôn nên mọi người tìm đến dịch vụ dọn dẹp nhà cửa chủ yếu qua truyền miệng và ưu tiên những người có quen biết từ trước. Không chỉ làm vào dịp tết, mà lúc gia đình có công việc cần phải có người dọn dẹp thì những người làm dịch vụ này lại được gọi tới. Vì chỉ gói gọn trong mối quan hệ thân thiết và yêu cầu từ phía gia chủ cũng không quá khắt khe nên giữa những người làm dịch vụ dọn dẹp nhà cửa ở vùng quê hầu như không có cạnh tranh, mà “mối ai nấy giữ”.

Ông Nguyễn Văn Minh (ngụ xã Sông Ray) chia sẻ, những lúc cần người phụ dọn dẹp nhà để làm đám tiệc, cưới hỏi hay lễ tết, gia đình ông lại tìm đến những người làm dịch vụ dọn dẹp nhà cửa. Nhà chỉ có 2 vợ chồng, cả hai đều làm rẫy nên rất “đuối” mỗi khi nhà có đám tiệc, nhất là lúc vào mùa thu hoạch nông sản thì gia đình ông càng không có thời gian để làm việc nhà. “Các con tui đã có gia đình và lập nghiệp tận Bà Rịa - Vũng Tàu, mỗi khi nhà có việc rất khó gọi con về sớm được, nên tui đành nhờ vào dịch vụ dọn dẹp nhà cửa. Phát cỏ trước nhà, lau dọn nhà cửa… chỉ là những việc loanh quanh trong nhà nên mức giá họ lấy cũng vừa phải. Thời gian đó, chúng tôi dành để nghỉ ngơi hoặc lo những việc khác, mà cũng toàn người quen nên cũng yên tâm khi để họ vào nhà” - ông Minh bộc bạch.

Giống với công việc của chị Hạnh, đều đặn mỗi cuối tuần bà Lê Thị Loan (ngụ xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) lại được gia đình người quen gọi đến dọn dẹp nhà cửa. Bà Loan cho hay, hồi trước gia đình nào thuê người tới dọn dẹp nhà cửa thì cánh phụ nữ nhà ấy sẽ bị chê là “đoảng”. Nhưng hiện nay tư duy đã “thoáng” hơn, nên có nhiều hộ tìm tới dịch vụ này. “Ban đầu chỉ là người này gọi người kia qua nhà làm giúp, nhưng gọi nhiều lần thấy ngại nên trả một khoản tiền coi như phụ tiền xăng xe đi lại. Đến giờ thì họ trả cho mình một khoản tiền làm theo giờ, hoặc trả theo tháng” - bà Loan cho hay.

Đăng Tùng

 

 

 

 

Tin xem nhiều