Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhọc nhằn vụ hoa tết

11:01, 13/01/2016

Cơn mưa cuối năm vừa dứt, ông Trần Văn Thạnh (ngụ phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) vội vàng cùng người nhà đội nón lá chạy ra cánh đồng hoa tát nước để chống úng.

Cơn mưa cuối năm vừa dứt, ông Trần Văn Thạnh (ngụ phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) vội vàng cùng người nhà đội nón lá chạy ra cánh đồng hoa tát nước để chống úng. Quệt mồ hôi đọng lại trên mặt, ông Thạnh nói với chúng tôi: “Cả năm chỉ trông chờ vào vụ hoa tết nên không thể để xảy ra sơ sót được. Thời tiết mỗi năm mỗi khác nên người trồng hoa chúng tôi phải canh chừng đồng hoa suốt ngày để còn ứng phó trước tình huống bất ngờ”.

* Phập phồng hoa Tết

Phủi lớp bùn đất khô dính trên quần áo, ông Thạnh mời chúng tôi vào nhà nói chuyện nhưng vẫn không quên dặn con trai ở lại cánh đồng tiếp tục tát nước. Dõi mắt về phía những luống hoa, ông Thạnh cho hay khu vực gần Trung tâm Văn miếu Trấn Biên có gần 20 hộ trồng hoa tết bỏ mối cho các chợ ở TP.Biên Hòa, TP.Hồ Chí Minh. Hiện nay, kỹ thuật trồng hoa đã được nâng lên, chưa kể thị hiếu của khách hàng mỗi năm lại thay đổi nên người trồng hoa phải tiếp thu tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chọn giống hoa cho năng suất và lợi nhuận cao.

Người trồng hoa nhổ cỏ tại các luống hoa khi cây đã lớn
Người trồng hoa nhổ cỏ tại các luống hoa khi cây đã lớn

“Những tháng bình thường trong năm, gia đình tôi trồng rau, hoa màu để bán, còn dịp tết thì trồng hoa. Các hộ quanh đây chủ yếu trồng hoa vạn thọ Sa Đéc, vạn thọ Thái và một số loại khác. Cả năm chỉ trông chờ kiếm tiền vào dịp tết nên ai cũng chuẩn bị thật kỹ. Giống hoa thì mua, hoặc để dành từ vụ hoa năm trước. Ngoài ra, tôi còn phải nghe ngóng thông tin từ thương lái để trồng loại hoa đang được thị trường ưa chuộng. Chỉ tính riêng vụ hoa tết, chúng tôi có thể thu lợi gấp 2-3 lần các vụ rau trong năm, nhưng năm nào thời tiết khắc nghiệt một chút sẽ bị thất thu” - ông Thạnh cho hay.

“Năm nay, diện tích trồng hoa tết ở TP.Biên Hòa tăng rất nhiều so với những năm trước. Cụ thể, năm 2014 TP.Biên Hòa có khoảng 9 hécta trồng hoa tết, còn năm nay tăng lên khoảng 12 hécta. Nguyên nhân của sự tăng mạnh này là do nhu cầu hoa tết ở nhiều địa phương ngày càng tăng, đặc biệt là việc sử dụng hoa cho sau tết (hết tháng Giêng). Hiện tại, các xã Tân Hạnh và Hiệp Hòa là những địa phương trồng hoa tết chủ yếu của thành phố” - ông Huỳnh Phi Hổ, Phó chủ tịch Hội Nông dân TP.Biên Hòa, cho biết.

Hơn 30 năm kể từ ngày bắt đầu học trồng hoa từ một nông dân gần nhà, đến nay gia đình ông Thạnh đã có 2 đời gắn bó với nghề này. Xuất thân từ gia đình thuần nông nên ông Thạnh không khó để quen với những vất vả của nghề trồng hoa. So với nhiều năm trước, việc trồng hoa hiện đã đỡ cực hơn vì có máy móc hỗ trợ, nhưng người tiêu dùng thì ngày càng yêu cầu khắt khe, cộng thêm sức ép từ các giống hoa ngoại nhập khó trồng nên không còn nhiều người theo nghề này.

Ấp Bưng Cần, xã Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc) trồng hoa tết có tiếng ở Đồng Nai từ nhiều năm nay. Người dân nơi đây trồng chủ yếu hoa lan, hoa huệ để xuất đi các nơi với quy mô lớn. Do thổ nhưỡng và diện tích đất tại ấp không đáp ứng đủ nhu cầu trồng hoa nên một số hộ đã phải đến các xã lân cận thuê đất trồng.

Gia đình anh Nguyễn Công Quý đã thuê 5 sào rưỡi đất tại xã Xuân Phú kề bên để trồng hoa huệ đến nay đã được gần 7 năm và vẫn tiếp tục thuê đất dài hạn để trồng. “Đất quanh nhà tôi bên ấp Bưng Cần trồng hoa huệ không tốt lắm, mà đi thuê trong ấp thì cũng không được. Được người quen chỉ, tôi đến khu đất này thuê đất trồng hoa. Không chỉ trồng hoa dịp tết, gia đình tôi còn trồng hoa bán quanh năm, nhưng thời điểm tết là lúc cả nhà phải “vắt chân lên cổ” để chạy đua với thời tiết, sâu bệnh. Do nhà tôi cách khu đất trồng hoa không xa nên mỗi khi thời tiết thất thường cha con chúng tôi có thể chạy ra đồng xử lý kịp thời” - anh Quý chia sẻ.

* Cuộc đua với thiên nhiên

Vườn lan của bà Nguyễn Thị Thanh Thanh ở ấp Bưng Cần có diện tích hơn 1 hécta, luân phiên có hơn 10 người chăm sóc, trồng tỉa hoa để kịp thời gian giao cho khách. Do trồng quanh năm nên công việc ở đây luôn theo quy trình lập sẵn. Tuy vậy, mùa hoa gần tết với nhiều đơn đặt hàng hoa lan từ các tỉnh, thành Đông Nam bộ nên nhân công trong vườn làm không kịp nghỉ.

Nông dân Lê Hùng Thái (xã Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) tưới nước cho hoa.
Nông dân Lê Hùng Thái (xã Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) tưới nước cho hoa.

Với kinh nghiệm 4 năm làm việc tại vườn hoa lan của bà Thanh, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Ngày gần tết là lúc xử lý các đơn đặt hàng để hoa nở vào dịp tết; từ việc tưới nước, bón phân… đều phải làm thật chính xác. Trong năm thì hoa nở dịp nào bán dịp đó, nhưng với lượng đơn hàng cả ngàn cây vào dịp tết thì luôn căng thẳng. Thời điểm này thời tiết ổn định so với cách đây một tháng nên việc trồng hoa có thảnh thơi hơn chút. Vào cuối năm, luôn có một số nhân công có nhà gần vườn ở lại để canh chừng trộm. Ở các khu vực trồng hoa lớn như quận Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh) người trồng còn phải thuê người, thắp đèn ban đêm để canh trộm”.

Nằm trong vùng trồng hoa nhiều nhất TP.Biên Hòa, hộ ông Lê Hùng Thái (xã Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) tuy đi sau về nghề trồng hoa nhưng nhờ biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào việc trồng, chăm sóc hoa…, nên chuyện thất mùa đối với ông rất hiếm. Ông Thái cho biết: “Gia đình tôi hiện có 5 ngàn m2 đất trồng hoa, nhưng năm nào cũng xoay quanh giống vạn thọ. Loại này so ra dễ trồng, mà nguồn tiêu thụ cũng cao hơn các loại hoa khác”.

Theo lời ông Thái, để trồng hoa được mùa, được giá thì ngoài sự chăm chỉ, người trồng hoa tết còn phải biết nghe ngóng tình hình thị trường, nhu cầu của người dân. Ví dụ, năm trước người dân chuộng vạn thọ Thái vì bông đẹp, nhiều cánh, có độ bền cao, nên năm nay ông đầu tư trồng loại này nhiều hơn. Ngoài ra, để hoa không bị sâu bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng, sản lượng hoa thì những hộ trồng hoa phải tìm thêm thông tin từ tư liệu, sách, báo... để vận dụng vào việc trồng hoa.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều