Báo Đồng Nai điện tử
En

Khát vọng mùa xuân

12:01, 23/01/2016

Theo từng mùa xuân, khu đồi Bằng Lăng (ấp 2, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc) dần thay da đổi thịt. Năm 2013, mùa xuân nông thôn mới về xã Xuân Tâm và không quên "ghé thăm" khu Bằng Lăng; đường điện cao thế dài 5,4km kéo từ ấp Cọ Dầu (xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) về khu Bằng Lăng làm bừng sáng Phân hiệu tiểu học Xuân Tâm 1 và 150/314 căn nhà của người dân địa phương.

Theo từng mùa xuân, khu đồi Bằng Lăng (ấp 2, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc) dần thay da đổi thịt. Năm 2013, mùa xuân nông thôn mới về xã Xuân Tâm và không quên “ghé thăm” khu Bằng Lăng; đường điện cao thế dài 5,4km kéo từ ấp Cọ Dầu (xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) về khu Bằng Lăng làm bừng sáng Phân hiệu tiểu học Xuân Tâm 1 và 150/314 căn nhà của người dân địa phương.

Từ ngày có điện, nông dân khu Bằng Lăng ít để đất hoang vào mùa nắng.
Từ ngày có điện, nông dân khu Bằng Lăng ít để đất hoang vào mùa nắng.

Ông Nguyễn Phước Loại, Tổ trưởng xã an ninh nhân dân khu Bằng Lăng, nhiệt tình dẫn chúng tôi đi thăm đời sống của người dân với cảm xúc dâng trào. “Chỉ cần một trong hai con đường từ trung tâm xã vào hoặc từ ấp Cọ Dầu sang được đầu tư, người dân khu Bằng Lăng có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần” - ông Loại tâm sự.

* Tình người khu Bằng Lăng

Những năm 1980, những cánh rừng xơ xác không đủ nuôi sống những con người nghèo khó di cư về khu Bằng Lăng lập nghiệp. Vốn là người giàu chữ nghĩa ở khu Bằng Lăng, nhìn cảnh con em Việt kiều Campuchia, Tày, Hoa… theo cha mẹ về khu Bằng Lăng sinh sống không biết chữ, vợ chồng ông Loại mạnh dạn kêu mọi người chặt cây, cắt tranh dựng lên một lớp học nho nhỏ trên khu đất của mình để bọn trẻ làm quen với tiếng Việt, chữ Việt và các phép tính đơn giản… Từ lớp học này, 4 học trò nghèo ở khu Bằng Lăng, gồm: Nga, Tình, Thành và Giang giờ đã là kỹ sư, cô giáo.

Cách dạy chữ của vợ chồng ông Loại rất “nông dân”, họ cũng chỉ lấy tiền công mỗi học trò 3 ngày lao động/năm học. Lớp học duy trì được 10 năm (từ năm 1990-2010) thì đổ sụp vì mưa nắng, nên đã tạm ngưng. Năm 2011, Phòng GD-ĐT huyện, UBND xã và các mạnh thường quân đầu tư cho con em khu Bằng Lăng một ngôi trường gồm 3 phòng học, với giáo viên đủ chuẩn về đây bám trụ dạy học từ lớp 1-5. Vợ chồng ông Loại nay không đứng lớp nữa, nhưng vợ chồng ông vẫn được người dân trong khu Bằng Lăng quen miệng, mến tình gọi là thầy, cô.

Không chỉ dạy chữ cho trẻ em nghèo, ông Loại còn được chính quyền xã, Ban điều hành ấp 2 cậy nhờ làm cầu nối giữa 314 hộ dân khu Bằng Lăng xa xôi với ấp, xã. Với vai trò Tổ trưởng Tổ an ninh nhân dân của khu Bằng Lăng, ông Loại liên tục ra ấp, về xã Xuân Tâm và các xã khác lo giấy tờ (khai sinh, hộ khẩu…), rồi tìm nguồn hỗ trợ, như: sách, vở, quần áo cũ, xe đạp, cây trồng, vật nuôi… cho dân khu Bằng Lăng.

Gió cuối năm ở khu Bằng Lăng thổi mát lạnh da thịt, nơi mái hiên nhà mới xây của nông dân Nguyễn Hoàng Sơn (thành viên Tổ an ninh nhân dân khu Bằng Lăng), ông Loại kể cho chúng tôi nghe câu chuyện tình người của người dân khu Bằng Lăng mà thấy da diết lòng.

Năm 1994, giữa cái đói kém ray rứt lòng người, một người dân tìm đến ông Loại báo tin có một bà già bệnh tật, bị con ruột lén mang vào chòi rẫy của ông bỏ rơi. Ông Loại và người dân trong khu vận động người con ấy nhận mẹ già về nuôi không thành, nên đã bàn nhau dựng chòi đưa bà cụ về chăm sóc cho đến cuối đời. “Người mẹ đó được dì Hai Hường và con gái đứng ra lo từng bữa ăn, tắm gội hàng ngày cho đến khi qua đời” - ông Loại kể lại.

* Khát vọng của dân khu Bằng Lăng

Chúng tôi trở lại khu Bằng Lăng trong niềm vui khắp nơi đón xuân mới, nông thôn mới. Con đường vào khu Bằng Lăng vẫn còn ghồ ghề, mù bụi như ngày nào, nhưng hai bên đường đã từ lâu mọc lên hàng cột điện trung thế. Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Tâm Vũ Văn Quý, để giảm bớt khó khăn cho người dân khu Bằng Lăng, huyện và xã đã đầu tư đường điện trung thế dài 5,4km, kinh phí trên 8,6 tỷ đồng. Từ đây, 150 hộ/314 hộ dân trong khu tự bỏ tiền ra kéo 6,6km lưới điện hạ thế, kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng để thắp sáng, tưới tiêu. UBND xã, huyện còn triển khai mạnh mẽ các chương trình: khuyến nông, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, giảm nghèo, học bổng… cho khu Bằng Lăng.

Từ sự quan tâm của chính quyền địa phương, đời sống của người dân trong khu Bằng Lăng theo năm tháng khởi sắc, dần bắt kịp với nhịp sống nông thôn mới. Nhờ có điện, nông dân khu Bằng Lăng mạnh dạn chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế, như: tiêu, mít, rau củ quả… thay cho các loại cây ngắn ngày, như: bắp, đậu, thuốc lá. Con bò, con dê xuất hiện ngày càng nhiều trong chuồng nuôi của nông dân. Những khu rẫy khô khốc giữa mùa nắng nay đã xuất hiện màu xanh cây trái và dòng nước mát từ các giếng khoan. Nhà xây mọc lên, thay cho những ngôi nhà lá, tôn lụp xụp, tạm bợ…

Để vào khu Bằng Lăng có 3 hướng. Con đường đi nhờ Trường bắn quốc gia tuy phẳng nhựa nhưng không dễ đi vào. Đường từ ấp Cọ Dầu (xã Xuân Đông) hoặc từ trung tâm xã vào thì bị suối, khe cách trở. Vì vậy, việc vận chuyển nông sản của người dân khu Bằng Lăng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa.

Ông Loại cho biết, khó khăn về đường đi thật sự cản trở sự phát triển của nông dân, dù địa phương đã đầu tư lưới điện về khu Bằng Lăng từ năm 2013. “Tụi tui luôn bán nông sản giá thấp, mua phân bón đầu tư thì giá cao hơn bên ngoài vì phí vận chuyển. Cho nên, nông dân tụi tui mong mỏi có một con đường đi thuận tiện hơn” - ông Loại bày tỏ.

Do chưa được công nhận là đơn vị hành chính, người dân khu Bằng Lăng phải nhập khẩu vào hộ khẩu người thân đang ngụ ở các xã: Xuân Đông, Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ), Lang Minh (huyện Xuân Lộc)... “Để dân khu Bằng Lăng khỏi bị thiệt thòi, chính quyền xã Xuân Tâm vẫn mạnh dạn đưa dân vào diện hộ nghèo, kéo điện, hỗ trợ vốn vay, chỉ đạo chuyển đổi cây trồng, vật nuôi...” - Trưởng ấp 2 Phạm Thao cho hay.

Con đường mà ông Loại và người dân khu Bằng Lăng mong mỏi không cần thiết phải đẹp, không cần trải nhựa như thiết kế mà huyện, xã đã khảo sát (chiều dài gần 4km, kinh phí trên 12 tỷ đồng), bởi để làm con đường này sức dân chưa đủ đối ứng vốn với Nhà nước để làm (20% số tiền). Trước mắt, người dân khu Bằng Lăng chỉ dám mơ một con đường cấp phối đủ rộng, bằng phẳng cho xe máy cày, xe tải chở nông sản, phân bón ra vào; thay cho con đường đất gập ghềnh, lầy lội, mùa mưa đến bà con trong khu phải hô hào nhau dặm vá, sửa sang để xe máy đi lại.

Nông dân Thoòng A Sìn tâm sự, chỉ cần xã, huyện đầu tư cho người dân khu Bằng Lăng một con đường đi thuận tiện, việc xã, huyện lấy bao nhiêu diện tích đất của người dân để phóng đường ai cũng sẵn sàng hiến.

Chúng tôi đem ý kiến của anh Sìn hỏi nông dân Hồ Thanh Sơn, ông Loại và nhiều nông dân khác, mọi người đều gật đầu đồng tình, hoặc thốt lời gọn lỏn: “Đúng vậy”.

Quả thật, một con đường từ mọi ngã vào khu Bằng Lăng hiện đang rất cần đối với người dân nơi đây. Có như vậy, khát vọng năm mới, xuân mới của bà con mới không còn nói nhiều về đường đi, mà là mùa màng bội thu, đời sống khá giả, tình nghĩa cộng đồng và trách nhiệm với địa phương thực hiện ra sao mới đúng lý, hợp tình.

 

Đoàn Phú

 

 

Tin xem nhiều